Đọc Nước Mỹ, nước Mỹ
Xâu chuỗi các câu chuyện chính trong tập truyện, tôi cho rằng nó khá giống một bộ phim truyền hình thực tế quay lại toàn bộ đời sống của một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ. Rất thực. Rất cụ thể. Người ta có thể biết được nhân vật “tôi” đó, ăn gì, uống gì, đi đến những đâu, đang loay hoay như thế nào với cuộc sống ở một đất nước đa văn hoá, đa chủng tộc, nhiều cơ hội và cũng đầy những cô đơn này.
Lướt qua các trang sách, bạn có thể được biết đến hầu hết các nhãn hiệu phổ biến của Mỹ như snack Doritos, nước ngọt Pepsi, giấy toilet Scott, đến hãng viễn thông Verizon Wireless hay các thành phố nổi tiếng như New York, Boston, Chicago… luôn được nhắc đi nhắc lại. Bên cạnh đó là những thứ giấy tờ tuỳ thân “sát sườn” như I-20 cho người du học, H1B visa cho người đi làm, và cái mơ ước về thẻ xanh (greencard) để chính thức một ngày trở thành công dân Mỹ (Canada, Canada). Rồi những khó khăn trong cái hoài bão được đến với tri thức đỉnh cao, được tự do trong công việc và tư tưởng, những biến đổi trong suy nghĩ, lối sống, rồi “shock văn hoá ngược” khi trở về Việt Nam (Những ngày ở Việt Nam, Cách mạng baby).
Có thể nói Phan Việt đã thành công trong việc lột tả một cách chân thực cuộc sống của những người nhập cư hoặc đang sinh sống, làm việc tại Mỹ, về lối sống Mỹ, những giằng co trong tâm tưởng trong cuộc hành trình để khẳng định chính mình, đi tìm chính mình. Những giằng co về tâm lý đó với tất cả những ai bước chân ra thế giới, tiếp cận một nền văn hoá khác đều ít nhiều phải đối mặt. Nước Mỹ không chỉ hoa lệ như người ta vẫn thấy. Có một nước Mỹ mà sau những mức lương 80 ngàn hay 100 ngàn đô la một năm, đằng sau cái “danh” của một người tri thức, là cả một quá trình đấu tranh và vật lộn chứ không hoàn toàn là hạnh phúc.
Trong số những truyện ngắn chính của tập truyện, Nghiên cứu sinh và Một chuyến bay đêm có thể nói đã bộc lộ điểm mạnh của Phan Việt trong việc lột tả diễn biến tâm lý nhân vật giữa cái vô thức lẫn lộn với thực tại. Những suy nghĩ vô hình dưới ngòi bút của Phan Việt trở nên hữu hình cứ như là người ta có thể nắm lấy, cầm lấy nó được: “Tự do không thể thói thường kéo mình chìm dần xuống; tự do không thể cho đám đông uốn nắn tâm lý của mình, biến mình thành phần tử đồng dạng trong cả biển người xám xịt giống hệt nhau về thói quen sống, nhất là thói quen xấu, nhất là sự độc ác vô hướng”(Một chuyến bay đêm).
Lối viết của chị có một điểm đặc biệt là lặp lại từ như một “hiệu ứng” tương đối nhiều, điều này thể hiện ngay trong tựa đề “Nước Mỹ, nước Mỹ” (cũng là tên truyện ngắn đầu tiên của cuốn sách) hay Canada, Canada; Ái khanh ơi ái khanh. Đó có thể coi là một sáng tạo, nhưng có lẽ những nốt thăng giáng từ vựng sẽ hay hơn nếu như tác giả tập trung hơn nữa về mặt nội dung, cốt truyện.
Đây cũng là cuốn sách mà tôi thấy tác giả khá mạnh bạo khi đề cập đến sex rất chi tiết, cũng như không ngần ngại dùng các từ chửi tục cả tiếng Anh Mỹ và tiếng Việt. Tất nhiên việc sử dụng các yếu tố đó trong câu chuyện là có chủ ý của tác giả, nhưng nếu để nói về tính hiệu quả, cũng như “thẩm mỹ” trong văn chương thì tôi chưa thấy thuyết phục. Các từ văng tục đó liệu có đủ cao trào đến mức chị phải dùng lặp đi lặp lại trong câu chuyện của mình không? Nếu trong Nước Mỹ, nước Mỹ, nước Mỹ khiến người ta ngộp thở mà phải thốt lên “fucking America”, thì trong Ái khanh ơi ái khanh, cô vợ có phần quá đanh đá, ghen tị với chồng mình, “Tại sao trên đời lại có những người như Phong; họ sinh ra đã có trí thông minh thiên bẩm; họ làm cái gì cũng dễ dàng; họ thậm chí có thể tự tạo ra khó khăn trong cuộc sống để giải trí, để thách thức bản thân như một trò tiêu khiển. Nhưng còn tôi – dù có cố gắng cũng không thể nào vượt qua những trang sách dịch bốn đô một trang?”, để rồi phải liên tục văng tục (trong suy nghĩ???). Đây có phải là sự bức xúc “đáng có” trên con đường đi tìm “đời sống thực” mà tác giả muốn truyền tải. Vâng, tất nhiên đó là thực, có những chuyện thực là như thế. Như chị tâm sự trong lời nói đầu, đó là “sự quyết liệt trong theo đuổi sự thật”. Nhưng bên cạnh những sự thật rất hiển nhiên mà xã hội nào ít nhiều cũng có, ý nghĩa của nó là gì khi tôi thấy mình như đang xem một bộ phim không nội dung, chỉ toàn những cảnh ăn, uống, đi lại, cãi vã, chửi rủa… rồi thấy như có cả ông quay phim đứng sau màn hình đang lia lia ống kính. Phan Việt vẫn chưa thoát ra khỏi cái “thực” của mình là một nghiên cứu sinh ngành công tác xã hội, nên các nhân vật trong câu chuyện của chị quanh đi quẩn lại vẫn là hoặc là Thuỷ (Nước Mỹ, nước Mỹ) hoặc là “anh” (Nghiên cứu sinh), hoặc là “tôi” trong cái bóng của chính chị và người chồng làm kỹ sư điện tử.
Vì thế, Nước Mỹ, nước Mỹ có lẽ thiên về một cuốn bút ký hơn là một tuyển tập truyện ngắn.
Điều thú vị với tôi lại là những câu chuyện ngăn ngắn bonus trong tập truyện. Chúng đơn giản và không khiến người ta kỳ vọng quá nhiều khi đọc vì biết đó chỉ là những lời chia sẻ thật dung dị trong suốt cuộc hành trình trên đất Mỹ của tác giả. Tuy vậy vẫn có một số còn chưa được chọn lọc lắm, ví như Thầy Robert Sachs, tôi cho là hơi trẻ con. Cái mới duy nhất mà tôi thấy, có lẽ là yếu tố thông tin rất “đắt giá”: “thầy là cây cao bóng cả trong ngành” và “nổi tiếng trong giới tri thức Mỹ”.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnNhật ký bí mật của Chúa
17/02/2009Vân Khánh10 tiểu thuyết hay nhất 2008
03/01/2009Trần Ngọc Đăng (theo Time)Không và sắc
26/12/2008Thái Nam ThắngRyszard Kapuscinski: du hành trong không gian và thời gian
23/12/2008Nguyễn Vĩnh NguyênHy vọng táo bạo
12/11/2008Ngô Tự Lập và “Hàn thử biểu tâm hồn”
03/10/2008Phạm Khải