Không và sắc
Mới nghe cái tên Không và Sắc, thoạt đầu chúng ta có cảm giác đây là một tiểu thuyết huyền ảo, đầy hư - thực và sẽ khó đọc. Tuy nhiên, sự thật không phải như thế, bởi Không và Sắc là một tiểu thuyết có nét duyên rất riêng và khá hấp dẫn.
Sức lôi cuốn của nó chính là những cảm xúc tự nhiên, chân thật rất con người, rất đời, pha lẫn với màu sắc huyền thoại về những con người đang nỗ lực đem ánh sáng hòa vào cát bụi, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, nhiều ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể tiếp xúc với những giáo lý uyên áo mang đầy giá trị thực nghiệm của triết lý nhân sinh Phật giáo bằng ngôn ngữ văn học...
Vốn sống phong phú, nhận thức, tư duy Phật học khá cơ bản, cộng với bản lĩnh của một tâm hồn văn chương nhạy cảm với một niềm tin tha thiết vào con người, tác giả đã đi từ cái khó nắm bắt trở về với những điều gần gũi, thân quen.
Để tránh khỏi lối viết theo kiểu hòa âm một cách đơn điệu về Phật giáo, tác giả xây dựng thành công rất nhiều nhân vật: một Trưởng lão Chân Tâm hành động kì quặc, nói năng vu vơ một cách rất diệu kỳ; một Thượng tọa Thiện Luật có vẻ lạnh lùng nhưng mau nước mắt; một Sa di Thiện Tuệ nỗ lực tu hành đến mức hóa điên; một Thiện Tài mong được xuất gia cống hiến cả cuộc đời mình cho Phật pháp nhưng vẫn không vượt ra ngoài những khát khao nhục cảm mãnh liệt; một Tiểu Vân Tử không rõ là nam hay nữ...
Khéo nắm bắt được mối quan hệ giữa ý thức và bản năng, tác phẩm xuất hiện nhiều trang viết trữ tình, lung linh huyền ảo. Chúng ta nhiều lần xúc động trước vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết từ hòa của những bậc thầy khả kính. Chúng ta thông cảm và đồng cảm với những cảm xúc rất bản năng, những dằn vặt khổ đau của kiếp con người mà không rơi vào cách nhìn dung tục hóa tới mức tầm thường các giá trị khác trong cuộc sống.
Lợi thế của Không & Sắc chính là không thể nói hết, không thể giải quyết hết mọi vấn đề. Vì thế, có những điều nửa muốn thổ lộ, nửa muốn giữ riêng cho mình, có nhiều điều nói chưa hết, chưa thỏa. Điều này tạo ra sức gợi và sự liên tưởng, không buộc người ta tin nhưng cần người ta hiểu.
Cũng vì thế, tác phẩm thể hiện sự đan cài những yếu tố tâm lý muốn vươn lên, thoát ra nhưng cũng không ngần ngại khi bị buộc ràng. Như vậy, Không & Sắc cũng bộc lộ rất rõ đâu là nhận thức, kinh nghiệm và sự từng trải, đâu là niềm tin và sự hoài nghi.
Có thể nói, còn nhiều điều chúng ta chưa biết nên không thể vội vã kết luận bằng những tiêu chuẩn đã được định hình, định tính. Vạn pháp do duyên sinh nên pháp thiện, pháp ác cũng sinh không thật sinh, diệt không tận diệt. Vì vậy, hãy tiếp xúc với cuộc đời theo cách riêng và bản lĩnh của chính mình.
Với sự giao hòa vô bờ của Không & Sắc, có lẽ cả những lý thuyết đa trị và bất trị đều trở nên lạc điệu. Ta không nên mất sức vào công việc cố tình xóa đi những cái mà bản thân nó vốn không có hình tướng nào cụ thể, bất biến.
Ai đó có thể bằng lòng hoặc không bằng lòng với cách giải quyết vấn đề của tác giả, nhưng quả thật, sự minh chứng về một hệ thống giáo lý đa phương tiện đã làm cho cách giải quyết vấn đế có nhiều hợp lý. Nếu đứng ở một góc nhìn nào đó để đánh giá, tất nhiên, chuyện bàn cãi là không thể tránh khỏi.
Quá khứ không truy tìm Kinh Nhất Dạ Hiền Giá |
Người ta vẫn có thể thẩm định giá trị đích thực của kinh điển mà tác giả đã minh họa. Tuy nhiên, trong một tiểu thuyết, tính đúng đắn của những khái niệm đã vượt ra ngoài sự định danh. Bằng những dụng ý riêng, tác giả có thể trích dẫn những câu trong kinh cho phù hợp với ý đồ nghệ thuật của mình. Vì thế, chúng ta cũng không nên hiểu đó chính là toàn bộ tư tưởng của Phật giáo.
Tác phẩm có lúc cho chúng ta chứng kiến những cuộc bàn cãi nẩy lửa chỉ vì ai cũng cho tông phái của mình là đúng. Cái đúng ghét cái sai, thói thường xưa nay vẫn thế, nhưng cái đẹp lại vốn ghét chính bản thân nó thì sự thật lại trớ trêu.
Ở đâu đó, đằng sau suy nghĩ hành động của một số nhân vật, ta có thể hình dung ra sự xuất hiện của một thế lực đang trở nên cuồng tín với tất cả các giác quan đang quằn quại, rỉ máu. Nhưng ta cũng trở nên yêu thương hơn và không có lý do gì để xa lánh những con người ấy. Bởi khi Trưởng lão Chân Tâm đặt vấn đề tiếng “hét” của ngài Lâm Tế và “con chó” của Thiền sư Triệu Châu thì ít nhiều những áp đặt tư tưởng đều sa vào giáo điều và cực đoan một cách vô lối.
Tiếng vọng khổ đau từ ngọn đời của kiếp nhân sinh vẫn là nỗi lo lắng khắc khoải khôn nguôi trong lòng người về thiện – ác. Niềm tin trở nên mong manh trước vô vàn những xao động của cuộc đời. Những mâu thuẫn giằng xé lại chính là biểu hiện đẹp của tính chất “thấu tình” trong tâm địa chúng sinh.
Và vì thế, các giác quan vừa có tội, vừa vô tội bởi nó mang trong mình cả hai chiều tác động của tịnh uế, thiện ác, trí ngu... Thật khó để phân biệt, lúc cần phân biệt vẫn phải phân biệt nhưng cũng không gì ngớ ngẩn hơn là sự phân biệt. Mỗi người đến thế gian bằng một cách và ra đi bằng một cách.
Đến và đi, cái thấy muôn đời vẫn không gì hơn sự ngây thơ đáng thương hại của nhục nhãn. Đừng lấy tâm địa của chúng sinh để đo lường Phật trí... Tác giả đã cho nhân vật của mình đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Tuy nhiên, vấn đề không phải ở câu trả lời mà là ở cách chúng ta nghĩ và đối xử thế nào về những điều xảy ra trong thực tại. Đức Phật bị ngoại đạo nguyền rủa đó có phải là nghiệp không? Đề Bà Đạt Đa đang ngồi trên chậu lửa mà thấy nó là hoa sen có phải là nghiệp không? Quả thật, sự phân biệt của con người đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính con người.
Đọc kỹ Không & Sắc, chúng ta thấy tác phẩm đôi lúc còn dừng lại ở tư duy khái niệm, nặng về minh họa, và không khỏi có những tham vọng muốn bao quát hết tư tưởng Phật giáo.
Chính vì giới hạn này, mà nhiều vấn đề đặt ra còn nông, vẫn còn ở một vài câu nói mang tính chất "an ủi", khiến cho tác phẩm có phần loãng. Nếu như sự chuyển đổi từ một ngôi chùa của Thiền tông sang Tịnh độ tông còn khá bình yên, quen thuộc thì sự chuyển đổi từ một ngôi chùa Tịnh độ sang ngôi chùa Mật tông lại sóng gió và đầy xa lạ.
Cái lạ thường hấp dẫn trí tò mò của con người nhưng không vì thế mà làm cho cái lạ trở thành phản cảm. Xung đột tông phái xảy ra trong con người Thượng tọa Thiện Luật không hẳn là xung đột mang tính chất thuôn tôn giáo mà nó còn là xung đột văn hóa.
Việc đẩy xung đột này trở thành cao trào và kết cuộc bi thảm là Thượng tọa Thiện Luật đã hành động như một kẻ điên cuồng, khát máu, chém chết hai vị sư Mật tông và tự đốt chết mình, đó là điều quá sức tưởng tượng của người đọc.
“Tựa như nước của bể cá, Lời dạy của Thế Tôn |
Mọi chuyện trên đời đều có thể xảy ra, tuy nhiên, với mâu thuẫn không phải mang tính cá nhân như vậy thì câu chuyện đã bị thổi phồng quá chăng? Khả năng về sự “biến thái tâm lý” ấy chính là do thượng tọa khi xưa là một thái giám. Vì để mèo ăn một con chim quý của Ninh Vương nên phải bỏ trốn và luôn sợ bị phát hiện. Cách lý giải như vậy có nhiều khiên cưỡng. Điều này, có khả năng xuất phát từ ấn tượng không tốt về một hạng người nào đó. Cho nên, hình tượng nhân vật có thể đã bị bóp méo bằng chủ quan tính, làm cho câu chuyện thiếu thuyết phục.
Tuy nhiên, chính sự nhận thức về giáo lý Phật giáo của tác giả đã phần nào bổ sung vào khiếm khuyết ấy làm cho ngòi bút không thể vượt ra ngoài quỹ đạo của sự bao dung cần phải có.
Sự việc đã xảy ra không phải để chúng ta chán nản, bi quan, ghét người, giận đời, mà chính từ đó, hình tượng cái đẹp được tôn vinh thêm bằng một kinh nghiệm mới hơn về cách nhìn nhận cái đẹp.
Các giá trị đang có của thực tại càng được nhận thức và trân trọng một cách nghiêm túc. Có thể có những cái xấu sẽ ngày một đẹp và cái đẹp sẽ không còn đẹp nữa. Nhưng dẫu sao, với Không & Sắc, mọi cách nhìn chưa chín kỹ về thiện-ác, khen-chê của con người đều có nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy của cơn lốc ghét-yêu. Nếu không thận trọng thì niềm tin vào con người sẽ ngày một có nguy cơ bị hủy báng.
Ngôn ngữ của Không & Sắc phần nào thuyết lý và khá tỉnh táo. Chính vì vậy, nhiều lúc chúng ta thấy nó sa vào ngôn ngữ bài giảng và có độ chênh nhất định khi một số vấn đề không được đặt đúng không gian văn hóa mà tác phẩm đề cập.
Tuy nhiên, ấn tượng hiện đại mà tác phẩm đem lại chính là mạnh dạn đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm của tôn giáo. Đó là vấn đề dục vọng và những biểu hiện của chúng trong hàng ngũ Tăng sĩ trẻ.
Từ cơ sở này, tác phẩm đã đặt ra vấn đề vai trò của những vị thầy tâm linh trong việc đào tạo con người. Hãy trang bị cho họ bản lãnh trí tuệ, nội lực tâm linh để họ tự hóa giải khổ đau. Cần hiểu biết về dục vọng bằng chính năng lực chuyển hóa chứ không phải bằng sự cấm đoán. Do đó, kinh nghiệm chuyển hóa của các vị thầy chính là đánh thức khả năng tự thanh lọc nơi đệ tử, và nó phải trở thành thực tại sống động cho một minh chứng về sự điều phục và chiến thắng.
Thành công của tác giả chính là ở chỗ mở đầu bằng tư tưởng Bát Nhã và kết thúc cũng bằng tư tưởng Bát Nhã, cho nên những điều khẳng định hoặc phủ định trong cốt truyện vẫn có sức mạnh thay nghĩa, biến nghĩa. Vì thế, độc giả, ở nhiều trình độ khác nhau đều có thể tìm ra cho mình một ý nghĩa riêng nào đó...
“...Đừng xét những soi lầm của người khác, mà hãy sửa đổi những sai lầm của chính mình. Đừng xét những khuyết điểm của người khác, hãy xét những khuyết điểm của chính mình. Điều xấu nhất là có thành kiến tôn giáo và phê phán người khác trong khi không biết rõ tâm trí của họ. Vậy hãy bỏ thành kiến như bỏ thuốc độc”.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnCông ty và Mắt bão
05/09/2008Bùi Quang MinhVài phân tích nội dung cuốn Mật mã Da Vinci
28/07/2008Minh Bùi