Nhẫn Thạch: Tiếng kêu xé lòng nơi tột cùng câm lặng
Với Nhẫn Thạch, Atiq Rahimi đã dựng lên một sân khấu, ở đó tràn ngập những lời độc thoại của người phụ nữ, nơi duy nhất người đàn ông chịu im lặng (dẫu cho là một sự im lặng chết chóc) giữa đất nước mà người phụ nữ chưa bao giờ được cất lên tiếng nói.
Tên sách: NHẪN THẠCH
Tác giả: Atiq Rahimi
Dịch giả: Nguyên Ngọc
Phát hành: Nhã Nam Books & NXB Hội nhà văn
*****
Vùng đất Trung Đông dường như bí ẩn, xa lạ sau tấm mạng che của người phụ nữ, những người đàn bà cam chịu vốn không được phép mang trong mình quá nhiều điều bí mật. Những chính khi đó, những sự thật giản đơn lại trở thành bí mật.
Người đàn ông nằm đó, vô hại, kiên nhẫn như một xác chết và nguy hiểm như một xác chết. Ngay khi đó, người vợ, người đàn bà câm lặng đã nhận ra đó chính là nhẫn thạch (hòn đá kiên nhẫn), nơi người ta có thể trút vào đó những điều bí mật, đau đớn, hoặc là ngay lúc này, hoặc là không bao giờ nữa cô được giải thoát khỏi tất cả những đau khổ của mình.
Với Nhẫn Thạch, Atiq Rahimi đã dựng lên một sân khấu, ở đó tràn ngập những lời độc thoại của người phụ nữ, nơi duy nhất người đàn ông chịu im lặng (dẫu cho là một sự im lặng chết chóc) giữa đất nước mà người phụ nữ chưa bao giờ được cất lên tiếng nói.
Đó là một sân khấu còn bởi sự đóng hộp của bối cảnh và hành động, luôn là người phụ nữ quỳ hay rảo bước đi lại và giữa căn phòng người đàn ông nằm như một xác chết, cùng hậu cảnh là "những tấm rèm có hoạ tiết chim di cư sững lại giữa đà bay."
Cái tư thế đó vô hình đã báo hiệu sự ngưng trệ của thời gian, nó hoà hợp một cách không thể nào bình tĩnh hơn với một người đàn ông nằm im như chết, với nhịp thở đều đặn, những giọt nước ngọt - mặn nhỏ xuống từ ống truyền và đặc biệt là nhịp điệu cầu kinh, nhịp điệu của những hoạt động chính xác từng nhịp thở.
Người đàn ông đã nằm đó mười sáu ngày, người đàn bà đã ngồi đó mười sáu ngày, nhưng những hành động và trạng thái của họ không có gì đổi khác. Họ bị đóng băng giữa một sân khấu mà người xem lúc nào cũng chỉ nhìn thấy một phía: người đàn bà quỳ, người đàn ông nằm và "những tấm rèm cửa có hoạ tiết chim di cư."
Đó là một góc nhìn của sân khấu, không phải là góc nhìn của điện ảnh khi tất cả sự lặp lại đó không dùng để diễn tả sự trôi chảy của thời gian.
Nhưng vở bi kịch chỉ thực sự bắt đầu khi người đàn bà nói: "Em không còn chịu được nữa". Cô thốt ra điều đó, không phải do đã quá mệt mỏi kiệt sức (như lời cô nói) khi phải chăm sóc người chồng đang hôn mê, mà bởi cô đang bị tra tấn bởi niềm tuyệt vọng khi người đàn ông duy nhất làm chủ thân xác và linh hồn mình đang dần chuội ra khỏi sự sống, trong khi những giáo lý của kinh Coran vây bủa lấy cô.
Người đàn bà kiệt sức bởi cô đã quá yêu mình. Hoặc là bởi cô đã có một người bà cô khôn khéo, đã dạy cô biết cách làm thế nào để sống chung với đàn ông. Cô đã từng rút ống truyền dịch ra khỏi cổ họng người chồng đang hôn mê như là một hành động tự giải thoát cho mình. Cô nhận mình là gái điếm, đã chung chạ với một gã lính trẻ trong căn phòng mà chồng cô đang nằm, như một sự cợt nhả sự ngu muội và bất lực của đàn ông.
Cô làm tất cả những điều đó không phải bởi cô sợ chết, chưa bao giờ cô tỏ ra sợ chết. Cô làm thế chỉ bởi cô tin rằng nó có thể làm cho nhẫn thạch (chồng cô đang nằm đờ như một xác chết kia) vùng dậy (nổ tung ra): "Ôi, nhẫn thạch của em, khi làm đàn bà thật khó khăn thì làm đàn ông cũng trở nên thật khó khăn!"
Và rốt cuộc, điều bí mật ghê sợ đã được nói ra: một người chồng bị cả thân xác và linh hồn của mình phản bội, rằng vợ của anh ta (một người đàn bà không được phép giữ trong mình một bí mật nào) đã phản bội anh, chỉ bởi thân xác anh – cái mà anh coi là ngàn lần cao quý đã không làm được một việc đơn giản cho đúng tự nhiên: "Thân thể của chúng ta, những bí mật của nó, những thương tích của nó, những đau đớn của nó, những lạc thú của nó…"
Khi đó nhẫn thạch trở thành một bi kịch, một sự giải phóng thân xác, không phải chỉ là thân xác của người đàn bà mà là cả thân xác của người đàn ông trong một đất nước mà tình dục vướng phải vô vàn điều cấm kỵ.
Thành công của Nhẫn Thạch, có lẽ bởi Atiq Rahimi đã giữ được nhịp điệu cho cả cuốn tiểu thuyết này bằng những câu văn ngắn gọn nhưng lại không phải để diễn đạt sự gấp gáp của hành động - trái lại, nó là một sự dồn nén để dọn đường cho sự bùng nổ ở đoạn kết câu chuyện.
Bằng cách đó, chúng ta hình dung ra được một cuộc chiến đẫm máu qua cửa sổ phòng, những tiếng la hét, kêu gào của một người đàn bà đau đớn và sự nhúc nhích của một "hòn đá" vốn đã nằm yên như một kẻ hôn mê...
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐọc Nước Mỹ, nước Mỹ
10/03/2009Hoàng ThiNhật ký bí mật của Chúa
17/02/2009Vân Khánh10 tiểu thuyết hay nhất 2008
03/01/2009Trần Ngọc Đăng (theo Time)Không và sắc
26/12/2008Thái Nam ThắngRyszard Kapuscinski: du hành trong không gian và thời gian
23/12/2008Nguyễn Vĩnh NguyênHy vọng táo bạo
12/11/2008