Hy vọng táo bạo

08:45 SA @ Thứ Tư - 12 Tháng Mười Một, 2008

Trong khi tại Mỹ, tổng thống mới đắc cử Barack Obama vừa đánh dấu tên tuổi mình vào lịch sử nước Mỹ thì tại Việt Nam, cuốn sách Hy vọng táo bạo của ông cũng vừa được ấn hành. Tác phẩm thể hiện sự táo bạo của Barack Obama trong cách nhìn nhận những vấn đề của nước Mỹ...

Hy vọng táo bạo – Suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ

- Tác giả: Barack Obama
- Dịch giả: Nguyễn Hằng
- Nhà xuất bản Trẻ
- Khổ sách: 15.5x23cm
- Số trang: 378
- Năm xuất bản: 11/2008

Hy vọng táo bạo thể hiện sự táo bạo của Barack Obama trong cách nhìn nhận những vấn đề của nước Mỹ và hy vọng giải quyết những khó khăn để tìm lại giấc mơ Mỹ.

Hình ảnh một nước Mỹ khác – kinh tế gia đình bấp bênh, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, mâu thuẫn đảng phái trong chính trị, đứng trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và khủng hoảng năng lượng – được thể hiện thẳng thắn và sinh động. Đâu là giải pháp có thể giúp nước Mỹ vượt qua những thách thức?

Mục lục

Chương mở đầu
Chương Một: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ
Chương Hai: Giá trị
Chương Ba: Hiến pháp
Chương Bốn: Chính trị
Chương Năm: Cơ hội
Chương Sáu: Niềm tin
Chương Bảy: Chủng tộc
Chương Tám: Thế giới ngoài kia
Chương Chín: Gia đình
Lời kết

Lời cảm ơn

Vào tháng 7/2004, Barack Obama đã khuấy động Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ với bài phát biểu hướng đến đối tượng là mọi người dân Mỹ thuộc mọi nhóm chính trị trên cả nước. Đặc biệt có một cụm từ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người nghe, nhắc nhở mỗi chúng ta rằng mặc dù trong lịch sử chúng ta không thiếu những bất đồng và tranh chấp, nhưng chúng ta vẫn luôn giữ được thái độ lạc quan bất biến về tương lai. Thượng nghị sĩ Obama gọi đó là tinh thần “táo bạo dám hy vọng”.

Trong cuốn Hy vọng táo bạo này, Thượng nghị sĩ Obama kêu gọi xây dựng một nền chính trị kiểu mới – dành cho những người đã mệt mỏi với những thỏa hiệp khó khăn giữa hai đảng, chán chường trước những “cuộc giao tranh bất tận giữa các lực lượng”trong Quốc hội cũng như trên đường tranh cử. Nền chính trị đó dựa trên niềm tin và tinh thần cao thượng của “những thử nghiệm khó tin với nền dân chủ”. Tác giả đã phân tích kỹ những khó khăn có thể làm chùn bước những chính trị gia quyết tâm nhất – từ nỗi sợ thất bại, nhu cầu gây quỹ thường xuyên đến quyền lực của báo chí. Với lối viết hết sức thân mật và tự giễu cợt một cách hài hước, ông còn nhắc đến cuộc sống của một thượng nghị sĩ – làm thế nào để cân bằng giữa yêu cầu công việc phục vụ toàn xã hội với đời sống gia đình, cũng như lòng tin tín ngưỡng sâu sắc của riêng ông.

Nội dung chính của cuốn sách là cách nhìn của Thượng nghị sĩ Obama về việc nước Mỹ phải làm gì để vượt qua sự chia rẽ, cùng nhau giải quyết những khó khăn của đất nước. Ông xem xét tình thế kinh tế bấp bênh của các gia đình, tình trạng căng thẳng do sắc tộc và tôn giáo trong chính trị và mối đe dọa xuất phát ở bên ngoài đất nước – từ chủ nghĩa khủng bố đến dịch bệnh toàn cầu.

Ông quan tâm đến vai trò của tín ngưỡng trong nền dân chủ Mỹ - khi nào tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng sống còn và khi nào chúng ta phải đặt nó sang một bên. Ẩn dưới những câu chuyện về gia đình, đồng ngiệp ở Thượng viện và thậm chí cả về Tổng thống đương nhiệm chính là cuộc hành trình không mệt mỏi tìm kiếm mối liên hệ giữa chúng ta: nền tảng cho sự đồng thuận chính trị tuyệt đối trong tương lai.

Là một Thượng nghị sĩ đồng thời là luật sư, giảng viên và cũng là một người cha, là một tín đồ Thiên chúa giáo nhưng cũng là người theo chủ nghĩa hoài nghi, và hơn hết, là người nghiên cứu lịch sử và bản chất con người, Thượng nghị sĩ Obama đã viết ra một cuốn sách có sức mạnh lay động lòng người. Theo ông, chỉ khi quay lại với những nguyên tắc khai sinh ra Hiến pháp, người Mỹ mới có thể thay đổi quy trình chính trị đổ vỡ hiện nay và phục hồi lại phương thức làm việc của chính phủ vốn đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của hàng triệu người dân bình thường. Những người dân đó đang ở ngoài kia, như ông đã viết, “chờ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ hiểu được mong muốn của mình”.

Barack Obama là Thượng nghị sĩ mới của bang Illinois tại Thượng viện liên bang và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “Giấc mơ từ cha tôi” của báo New York Times. Hiện ông đang sống tại Chicago cùng vợ, Michelle, và hai con gái, Sasha và Malia.

http://www.audacityofhope.com/

“Cuốn Hy vọng táo bạo đem lại cho độc giả - cũng như cử tri trên toàn nước Mỹ - cái nhìn lạc quan về tương lai của đất nước, đây cũng là cuốn tự truyện chính trị về những giá trị quan trọng nhất đối với tác giả, đồng thời cho thấy bức tranh toàn cảnh về những gì ông sẽ làm để giải quyết những khó khăn hàng đầu hiện nay.

Mike Dorning,báo Chicago Tribune

“Barack Obama là một trong những chính trị gia hiếm hoi có thể viết về bản thân một cách xúc động và chân thành. Ông đã nỗ lực trên từng trang sách để truyền đạt cho người đọc những suy nghĩ của mình theo cách đơn giản nhất, đồng thời lại diễn đạt bằng giọng văn điềm tĩnh và khách quan. Bản thân điều đó đã là bất thường, không chỉ trong giai đoạn trước bầu cử phức tạp này mà còn trong cả thời đại ngày càng phân cực hiện nay.

Michico Kakutani,báo New York Times

Obama có một tài năng hiến khi xuất hiện trong lịch sử chính trị Mỹ, đó là kết hợp giữa ngôn ngữ hùng hồn về thiện ác với những ý tưởng chính sách thực tế. Trong thời kỳ suy thoái, chán nản hiện nay, khả năng đưa ra những giải pháp đầy tính nhân văn và thực tế thông qua những câu từ mạnh mẽ, tao nhã của ông thực sự đem lại niềm hy vọng cho người đọc.

Michael Kazin,báo Washington Post

Trong bối cảnh phân chia phe phái hiện tại, rất ít người có thể nói đến từ “hy vọng” trong chính trị mà không bị coi là giả dối. Obama là người như thế, và ông đã chứng minh được điều đó thông qua cách diễn đạt mới mẻ, nhiệt thành, nhờ đó bớt đi phần nào sự xấu xa tồi tệ trong cuộc tranh cãi chính trị ngày nay. Obama nhắc chúng ta rằng cách phân chia lá phiếu, được cho là để xác định sự cách biệt lớn về tư tưởng giữa người dân Mỹ, không thể giải quyết được khó khăn chung cũng như không chỉ ra được điểm gặp gỡ của tất cả trái tim người Mỹ chúng ta.

John Balzar,báo Los Angeles Times


Chuyên mục Hồ sơ, Báo tuổi trẻ

Trích đăng nhiều kỳ (Các bạn nên mua tác phẩm để đọc toàn bộ nội dung)

Tháng 7-2004, Barack Obama đã khuấy động đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ với bài phát biểu hướng đến mọi người dân Mỹ thuộc mọi nhóm chính trị trên cả nước. Đặc biệt có một cụm từ Barack Obama sử dụng đã để lại ấn tượng rất sâu sắc: tinh thần “táo bạo dám hi vọng”.

Năm 2006, khi đã trở thành thượng nghị sĩ Mỹ, Barack Obama viết cuốn sách Hi vọng táo bạo (The audacity of hope), lấy những câu chuyện của đời mình để thể hiện suy nghĩ về việc nước Mỹ phải làm gì để cùng nhau giải quyết những khó khăn của đất nước, tìm lại giấc mơ Mỹ. Tuổi Trẻ trích đăng một phần cuốn sách này.

Chương mở đầu


Đã gần mười năm kể từ khi tôi bắt đầu bước chân vào hoạt động chính trị. Lúc đó tôi khoảng 35 tuổi, tốt nghiệp trường luật được bốn năm, vừa mới kết hôn và nhìn chung nóng vội với đời. Có một ghế trống trong nghị viện bang Illinois, một vài người bạn gợi ý tôi nên ra tranh cử. Họ cho rằng với nghề nghiệp là một luật sư về quyền công dân và những mối quan hệ tôi có được trong thời gian hoạt động cộng đồng, tôi sẽ là một ứng cử viên có triển vọng.

Tập tranh cử

Sau khi bàn bạc với Michelle - vợ tôi, tôi tham gia cuộc đua và làm đúng những gì mà một ứng viên lần đầu tiên tranh cử thường làm: nói chuyện với tất cả những ai lắng nghe tôi. Tôi đến những cuộc họp câu lạc bộ và các buổi gặp mặt của nhà thờ, các tiệm thẩm mỹ và cửa hàng cắt tóc. Chỉ cần thấy một “nhóm” hai người đứng ở góc phố là tôi sẵn sàng băng qua đường, đưa họ tờ rơi vận động tranh cử. Và đi đến đâu tôi cũng bị người ta hỏi cùng hai câu: “Anh đào đâu ra cái tên Barack Hussein Obama ngộ nghĩnh thế?”. Và rồi: “Trông anh cũng khá đàng hoàng, sao anh lại muốn nhảy vào một lĩnh vực bẩn thỉu và hiểm ác như chính trị?”.

Tôi đã quen với những câu hỏi này, chúng chỉ là dạng khác của những câu hỏi mà tôi nhận được vài năm trước đó khi lần đầu đến Chicago, làm việc ở một khu vực thu nhập thấp. Đó là sự hoài nghi của một thế hệ đã mất lòng tin vào những lời hứa, ít nhất là ở vùng phía nam nơi tôi đang cố gắng đại diện.

Tôi thường trả lời họ bằng cách mỉm cười, gật đầu và nói rằng tôi hiểu nỗi hoài nghi đó. Nhưng hiện nay, và nhất là trong quá khứ, luôn có một truyền thống khác về chính trị, một truyền thống đã tồn tại từ ngày lập nước cho đến ngày thắng lợi của phong trào đấu tranh cho quyền công dân, một truyền thống dựa trên một suy nghĩ giản dị rằng chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, rằng những điều gắn kết chúng ta thật sự nhiều hơn, lớn hơn những điều chia rẽ chúng ta, và nếu có đủ người tin vào điều đó, hành động vì điều đó, thì mặc dù chúng ta chưa thể giải quyết được hết mọi khó khăn nhưng sẽ làm được điều gì đó có ý nghĩa. Quả là một bài diễn văn thuyết phục, tôi nghĩ thế.

Và mặc dù không chắc lắm là tôi gây được ấn tượng như nhau cho mọi thính giả, nhưng cũng có đủ người đánh giá cao sự nhiệt tình và tự tin của tuổi trẻ ở tôi, nhờ thế tôi đã trúng cử vào nghị viện bang Illinois.

Sáu năm sau tôi quyết định tranh cử thượng nghị sĩ Mỹ. Nhìn về mặt nào đó thì lựa chọn nghề nghiệp của tôi cũng có vẻ đúng. Sau hai nhiệm kỳ tôi nỗ lực làm việc ở phe thiểu số, Đảng Dân chủ cũng đã giành được quyền kiểm soát thượng viện bang và tiếp đó tôi đã thông qua một loạt dự luật, từ cải cách hệ thống án tử hình bang Illinois đến mở rộng chương trình y tế cho trẻ em. Tôi còn tiếp tục giảng dạy ở Đại học Luật Chicago, một công việc tôi yêu thích, và đôi khi tôi được mời đến nói chuyện vài nơi trong thành phố.

Lao vào cuộc đua với sinh lực và niềm vui

Nhưng trong những năm đó tôi cũng phải trả giá. Dù là lý do gì thì việc tôi quyết định chạy đua với một nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm trong cuộc tranh cử vào hạ viện liên bang năm 2000 là một cuộc đua thiếu cân nhắc và tôi đã thua đau đớn - một loại thất bại đánh thức bạn trở lại với thực tế là cuộc sống không diễn ra như bạn chờ đợi.

Một năm rưỡi sau, khi vết thương đã lành, tôi có hẹn ăn trưa với một cố vấn truyền thông, người đã đôi lần khuyến khích tôi tranh cử cấp bang. Ngẫu nhiên bữa trưa đó được sắp xếp vào cuối tháng 9-2001. “Chắc anh thấy động lực chính trị bây giờ đã thay đổi đúng không?”, anh ta hỏi tôi khi lấy món salad. Tôi hỏi lại: “Ý anh là sao?”. Nhưng tôi biết rõ anh ta định nói gì. Cả hai chúng tôi đều nhìn vào tờ báo đặt cạnh anh ta.

Trên đó, ngay trang nhất là hình Osama Bin Laden. “Kinh khủng, đúng không? - anh ta lắc đầu - Thật xui quá. Tất nhiên anh không thể đổi tên được. Cử tri nghi ngờ ngay. Anh biết đấy, nếu anh mới bắt đầu sự nghiệp, anh có thể dùng một cái tên khác hay cái gì đó. Nhưng giờ thì...” - anh ta kéo dài giọng và nhún vai tỏ vẻ xin lỗi trước khi gọi người bồi bàn đem hóa đơn thanh toán.

Giấc mơ sẽ không thành hiện thực và giờ đây anh ta phải đối mặt với lựa chọn: chấp nhận sự thật như một người trưởng thành và chuyển sang theo đuổi một thứ khác thực tế hơn, hay từ chối nó và cuối cùng trở thành một kẻ cay đắng, cáu kỉnh và có một chút nào đó thảm hại. Tuy nhiên, tôi lại tập trung vào công việc trong thượng viện bang và tự hài lòng với những cải cách, những đề xuất mà tôi có thể làm được ở vị trí của mình. Và tôi nghĩ chính sự chấp nhận này khiến tôi có một ý nghĩ hết sức đường đột là tranh cử vào thượng viện liên bang.

Tôi mô tả với vợ tôi ý tưởng này như một chiến lược được ăn cả ngã về không, đây là nỗ lực cuối cùng để thử thực thi các ý tưởng của tôi trước khi tôi làm một người sống lặng lẽ hơn, ổn định hơn và có thu nhập cao hơn. Vợ tôi, có lẽ vì thương hại hơn là bị thuyết phục, đồng ý để tôi tham gia cuộc đua cuối cùng này. Tuy nhiên cô ấy cũng nói trước vì cô ấy muốn có một cuộc sống gia đình yên ả nên tôi không nên trông mong cô ấy sẽ bỏ phiếu cho tôi. Cô ấy để tôi thoải mái tự quyết định trong canh bạc rất chênh lệch này.

Vào thời điểm Peter Fitzgerald (nghị sĩ đương nhiệm Đảng Cộng hòa đã chi 19 triệu USD tài sản riêng của ông để giành ghế từ người tiền nhiệm) tuyên bố không dự định tái tranh cử, tôi đang có sáu đối thủ chính, trong số đó có một nữ chuyên gia y tế da đen, người mà với một số tiền sử dụng khôn ngoan sẽ chia phiếu của cộng đồng da đen với tôi và giết chết bất cứ cơ hội mong manh nào mà tôi có được.

Tôi không bận tâm. Tôi lao vào cuộc đua với sinh lực và niềm vui mà tôi nghĩ tôi đã đánh mất. Không có cỗ máy của tổ chức Đảng Dân chủ bang, đôi khi sau khi lái xe mất hàng giờ tôi chỉ thấy có hai hoặc ba người đang đợi mình quanh chiếc bàn làm bếp. Tôi phải trấn an chủ nhà là không sao, khen ngợi bánh trái mà họ đã chuẩn bị. Đôi khi tôi phải ngồi suốt một buổi lễ nhà thờ và mục sư thậm chí quên không nhận ra tôi. Nhưng bất kể tôi gặp hai người hay 50 người, bất kể mọi người tỏ ra thân thiện, bàng quan hay đôi khi có thái độ thù địch, tôi cố gắng hết sức để im lặng nghe những điều họ nói.

Tôi cảm thấy mình đang làm việc vất vả hơn bao giờ hết.

Lời kết

Không có nước Mỹ da đen hay da trắng

Lần đầu tiên tôi gặp Thượng nghị sĩ John Kerry (ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm đó) là sau kỳ bầu cử sơ bộ ở Illinois khi tôi đề cập tới những người vận động gây quỹ của ông và cùng ông đến dự một buổi vận động để nói về tầm quan trọng của các chương trình dạy nghề. Một buổi chiều, khi tôi đang từ Springfield quay về Chicago để tham dự một lễ vận động vào buổi tối thì người phụ trách chiến dịch vận động của Kerry gọi điện báo tin.

Điều tốt đẹp nhất của tinh thần Mỹ

"Đêm nay, chúng ta hội tụ về đây để khẳng định sự vĩ đại của đất nước chúng ta - không phải nhờ chiều cao các tòa nhà tráng lệ của chúng ta, không phải nhờ sự hùng mạnh của quân đội chúng ta, cũng không phải nhờ sự lớn mạnh của nền kinh tế chúng ta. Niềm tự hào của chúng ta dựa trên một tiền đề rất cơ bản, đã được tóm tắt trong tuyên ngôn đã có từ hơn 200 năm trước: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng"

Ứng cử viên Thượng nghị sĩ Mỹ Barack Obama phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004 tại Boston

Trước đó tôi mới tham dự Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ một lần, đó là đại hội năm 2000 ở Los Angeles. Tôi không định đi vì vừa thất bại trong cuộc tranh cử vào hạ viện liên bang. Tuy nhiên đến phút cuối, vài người bạn và người ủng hộ thuyết phục tôi đi cùng họ.

Họ bảo tôi: “Anh phải quen với mọi người trong cả nước, để còn tranh cử lần nữa - và dù sao thì đi cũng vui. Cuối cùng tôi cũng xiêu lòng và đặt vé máy bay đi L.A. Khi hạ cánh, tôi đi xe buýt đến một điểm cho thuê xe của Công ty Hertz. Tôi đưa cho người phụ nữ đứng sau quầy chiếc thẻ tín dụng American Express, sau vài phút người phụ nữ quay lại, nét mặt lộ vẻ bối rối: “Tôi rất tiếc, thưa ông Obama, nhưng thẻ của ông không được chấp nhận”.

Sau nửa giờ nói chuyện điện thoại, một người phụ trách ở American Express đã tử tế bảo lãnh cho tôi thuê xe. Nhưng đây mới là điềm báo đầu tiên của một loạt chuyện xảy ra sau đó. Vì không phải đại biểu nên tôi không có thẻ vào tòa nhà; theo chủ tịch Đảng Dân chủ Illinois thì ông bị nhiều người nhờ vả xin vào lắm nên ông chỉ có thể cho tôi thẻ ra vào khu vực diễn ra đại hội thôi. Thế là tôi phải xem hầu hết các bài phát biểu trên nhiều màn hình tivi, tòa nhà rõ ràng không dành cho tôi. Đến tối thứ ba, tôi nhận thấy sự có mặt của mình chả giúp ích cho bản thân cũng như cho Đảng Dân chủ nên sáng thứ tư tôi đáp chuyến bay đầu tiên trở về Chicago.

Cứ nghĩ tới chuyện lúc trước chỉ là một kẻ đứng ngoài cổng đại hội, giờ lại là người phát biểu chính, tôi không khỏi lo ngại mình sẽ gặp chuyện gì đó ở Boston. Vài ngày sau cú điện thoại, tôi trở về phòng khách sạn ở Springfield, viết ra giấy một số ý sơ lược cho bài phát biểu trong lúc ngồi xem bóng rổ trên tivi. Tôi liệt kê ra một danh sách những vấn đề có thể sẽ đề cập - y tế, giáo dục, chiến tranh ở Iraq. Nhưng tôi suy nghĩ nhiều hơn cả về tiếng nói của những người tôi đã gặp trên đường tranh cử.

Tôi nhớ đến Tim Wheeler và vợ ông ở Galesburg đang cố tìm cách làm thế nào để cậu con trai của họ được ghép gan. Tôi nhớ đến một thanh niên ở East Moline tên Seamus Ahern đang trên đường đến Iraq - khát khao muốn phục vụ đất nước của cậu, ánh nhìn tự hào và nét e ngại trên khuôn mặt bố cậu. Tôi nhớ đến một phụ nữ da đen trẻ tôi gặp ở East St. Louis - tôi không nhớ nổi tên cô - đã kể cô phải nỗ lực thế nào để đi học đại học trong khi cả nhà cô không ai tốt nghiệp được phổ thông.

Điều làm tôi xúc động không chỉ là nỗ lực, cố gắng của họ mà đó là vì họ có tinh thần quyết tâm, sự tự tin, lòng lạc quan vô tận trước khó khăn. Tôi nhớ đến những từ mà mục sư Jeremiah A. Wright Jr. đã từng nói trong một buổi thuyết giáo: sự táo bạo khi hi vọng.

Tôi nghĩ đó chính là điều tốt đẹp nhất của tinh thần Mỹ. Nó thể hiện khi chúng ta dám tin rằng một đất nước đang bị chia rẽ bởi mâu thuẫn sẽ tìm lại được tình cộng đồng cho dù mọi thứ đều chứng tỏ điều ngược lại, rằng chúng ta luôn nắm được - và do đó có trách nhiệm - vận mệnh của mình cho dù chúng ta có thể gặp thất bại, mất việc làm, bị đau ốm hay có tuổi thơ gian khó. Tôi nghĩ sự táo bạo đó đã giúp chúng ta kết thành một dân tộc. Tinh thần hi vọng lan tỏa đó đã giúp gia đình của riêng tôi gắn bó với nước Mỹ rộng lớn, và cuộc sống của riêng tôi gắn bó với cuộc sống của những cử tri đã bỏ phiếu cho tôi. Tôi tắt tivi và bắt tay vào viết.

Chương 7. Chủng tộc

Vẫn phải có lời cảnh báo

Trong phát biểu chiến thắng trước đám đông 125.000 người ở Chicago hôm 4-11-2008 sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, Barack Obama tuyên bố: “Sự thay đổi đã đến với nước Mỹ”. Vang vọng từ bài diễn văn “Tôi đã lên đỉnh núi” của lãnh tụ phong trào dân quyền Mỹ Martin Luther King, Barack Obama nói: “Con đường phía trước sẽ còn dài, dốc núi còn cao. Có thể chúng ta sẽ không đến đó trong một năm, thậm chí trong một nhiệm kỳ, nhưng nước Mỹ chưa bao giờ hi vọng như đêm nay rằng chúng ta sẽ tới đích”.

Khi tôi gặp ai đó lần đầu tiên, đôi khi họ trích lại một câu trong bài phát biểu của tôi hồi Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004, nghe vang như một hợp âm: “Không có nước Mỹ da đen hay da trắng, nước Mỹ Latin hay châu Á - chỉ có một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Đối với họ, câu nói này chính là hình ảnh cuối cùng của nước Mỹ - một nước Mỹ đúng như cam kết của mục sư Martin Luther King rằng mọi người phán xét chúng ta không phải qua màu da mà qua tính cách.

Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin rằng nước Mỹ sẽ như thế. Là con của một gia đình có bố da đen và mẹ da trắng, sinh ra ở một nơi toàn dân di cư đủ màu da ở Hawaii, có em gái mang nửa dòng máu là Indonesia nhưng thường bị nhầm là người Mexico hoặc Puerto Rico, có em rể và cháu gốc Trung Quốc, nên mỗi khi gia đình sum họp vào Giáng sinh thì không khác gì cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tôi chưa bao giờ phải chọn xem nên trung thành với màu da nào hay đánh giá giá trị bản thân qua màu da của mình.

Hơn nữa, tôi tin rằng một trong những nét đặc trưng của nước Mỹ là nó có khả năng chấp nhận thành viên mới, có thể tìm ra tính cách riêng của dân tộc từ đám đông hỗn loạn di cư đến bờ biển đất nước. Về chuyện này, chúng ta được cổ vũ bởi hiến pháp với ý tưởng cơ bản là dù chúng ta đã từng là nô lệ đi nữa thì chúng ta vẫn là các công dân được luật pháp đối xử công bằng, và bởi hệ thống kinh tế, hơn bất cứ hệ thống kinh tế ở nước nào khác, sẵn sàng tạo cơ hội cho tất cả mọi người bất kể vị trí xã hội.

Nhưng khi tôi nghe các nhà bình luận diễn giải câu nói đó của tôi thành chúng ta đã tiến tới một “nền chính trị hậu phân biệt chủng tộc” hay chúng ta đang sống trong một xã hội không phân biệt màu da, tôi thấy vẫn phải có lời cảnh báo.

Chúng ta đều biết kết quả thống kê: hầu như tất cả chỉ số kinh tế - xã hội, từ tỉ lệ sống của trẻ sơ sinh cho đến tuổi thọ trung bình, từ số người có việc làm đến số người sở hữu nhà riêng, cộng đồng người da đen và người Mỹ Latin đều bị tụt lại rất xa so với người da trắng.

Trong các ban lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ, nhóm người thiểu số có rất ít đại diện. Trong thượng viện liên bang, chỉ có ba người Mỹ gốc Latin và hai người Mỹ gốc Á (cả hai đều của bang Hawaii), và khi tôi viết những dòng chữ này thì tôi là thành viên người Mỹ gốc Phi duy nhất trong thượng viện. Nói rằng thái độ phân biệt chủng tộc không có vai trò trong sự chênh lệch này không khác gì nhìn vào lịch sử, nhìn vào quá khứ bằng con mắt mù quáng, và cũng như đang thoái thác trách nhiệm phải giải quyết vấn đề sao cho tốt đẹp hơn.

Hiện thân của giấc mơ Mỹ

Tôi vẫn có thể nhắc lại những lần bị coi thường vụn vặt suốt 45 năm đời tôi: nhân viên bảo vệ theo dõi khi tôi đi mua sắm ở trung tâm thương mại, các cặp vợ chồng da trắng ném chìa khóa xe cho tôi khi tôi đứng bên ngoài nhà hàng đợi người phục vụ, xe cảnh sát áp sát xe tôi mà không có lý do rõ ràng… Tôi biết cảm giác thế nào khi bị mọi người nói rằng tôi không làm được điều gì đó vì tôi là người da đen và tôi biết vị đắng khi phải nuốt cơn giận. Tôi cũng biết Michelle và tôi sẽ còn phải cẩn thận với một vài câu chuyện mà con cái chúng tôi có thể bị ảnh hưởng - trên tivi và trong âm nhạc, từ bạn bè và từ đường phố - đó là xã hội đang nhìn nhận chúng như thế nào.

Định kiến sẽ bị xóa bỏ

"Có thể tôi không được ủng hộ để giành thắng lợi, nhưng màu da của tôi cũng không hề làm tôi mất đi cơ hội chiến thắng"

Chiến dịch tranh cử vào thượng viện liên bang của tôi cho thấy cộng đồng da trắng và da đen ở Illinois đã thay đổi ra sao suốt 25 năm qua. Vào thời điểm tôi ra tranh cử, lịch sử Illinois đã từng có người da đen được bầu vào cơ quan quyền lực bang, trong đó có một bộ trưởng tài chính bang và sau đó là tổng chưởng lý (Roland Burris), một thượng nghị sĩ liên bang (Carol Moseley Braun), và lúc đó bang cũng có một bộ trưởng ngoại giao đương nhiệm da đen là Jesse White, người đã chiếm được số phiếu cao nhất bang hai năm trước đó. Nhờ thành công của những người đi trước mà chiến dịch của tôi không còn là điều gì đó khác thường - có thể tôi không được ủng hộ để giành thắng lợi, nhưng màu da của tôi cũng không hề làm tôi mất đi cơ hội chiến thắng.

Cha tôi là người Kenya, sinh ra cạnh bờ hồ Victoria, một nơi gọi là Alego. Ông được chọn vào học tại một trường đại học ở Mỹ, tham gia cùng làn sóng của những người châu Phi được cử đi để nắm bắt nền công nghệ và mang về phục vụ một châu Phi hiện đại và tân tiến. Năm 1959, ở tuổi 23, ông đến Trường ĐH Hawaii và quen mẹ tôi ở đó. Cha tôi trông chẳng giống với những người xung quanh. Ông ấy đen như hắc ín còn mẹ tôi thì trắng như sữa. Nhưng điều ấy hầu như chẳng ghi vào tâm trí tôi.

Tôi có thể kể lại một câu chuyện vốn đề cập đến vấn đề chủng tộc. Khi tôi lớn lên, câu chuyện đó được kể đi kể lại thường xuyên hơn, như thể nó bộc lộ cốt lõi của quan điểm đạo đức mà cuộc đời của cha tôi hướng đến.

Theo như câu chuyện, sau nhiều giờ nghiên cứu, cha tôi đã cùng với ông ngoại và một vài người bạn đến một quán bar có tên Waikiki. Mọi người đều vui như hội, uống và hát theo âm thanh của tiếng đàn guitar thì đột nhiên một gã đàn ông tuyên bố với người pha chế rượu, tiếng hắn đủ lớn để mọi người có thể nghe thấy, rằng hắn không muốn uống thứ rượu ngon “bên cạnh một gã da đen”.

Căn phòng trở nên yên lặng và mọi người hướng mắt về cha tôi, nghĩ sẽ có một trận đánh nhau xảy ra. Nhưng cha tôi đứng dậy, bước đến bên hắn, mỉm cười và bắt đầu thuyết cho hắn một bài học về sự điên rồ của mù quáng, về quyền cơ bản của con người. “Khi Barack hoàn tất bài diễn thuyết - ông ngoại kể - hắn cảm thấy hổ thẹn đến nỗi thọc tay vào túi và đưa cho Barack 100 đôla. Số tiền đó dùng để trả tiền rượu, các món khai vị của tất cả chúng tôi cho suốt cả đêm”.

Trích cuốn sách đầu tay Những giấc mơ từ cha tôi
(Dreams from my father) của Barack Obama

Điều này không có nghĩa định kiến đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ ở nước Mỹ ngày nay, người dân không còn khư khư giữ lấy định kiến đó như trước - và do đó định kiến đó sẽ bị xóa bỏ. Một cậu thiếu niên da đen đang đi trên phố có thể khiến một cặp vợ chồng da trắng sợ hãi, nhưng nếu cậu bé đó lại là bạn học con trai họ thì họ có thể mời cậu đến ăn tối.

Một người da đen có thể khó mà gọi được taxi vào đêm muộn, nhưng nếu anh ta là một kỹ sư phần mềm có năng lực, Microsoft sẽ không e ngại gì khi tuyển dụng anh ta. Cộng đồng da đen có thể phá bỏ hàng rào về tâm lý, có thể tự bảo vệ bằng cách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. “Tại sao tôi phải cố gắng đánh thức dân da trắng thoát khỏi cái nhìn ngu dốt về chúng ta? - một vài người da đen nói với tôi - Chúng ta đã cố gắng 300 năm nay rồi và có được kết quả gì đâu”. Với những câu nói đó, tôi trả lời rằng hãy sống theo những gì đã có thay vì những gì có thể có.

Sau mỗi bài phát biểu khi xuất hiện trước cử tọa là người nhập cư, tôi thường bị nhân viên trêu đùa vì theo họ bài phát biểu của tôi bao giờ cũng có ba phần như sau: “Tôi là bạn của các bạn”, “(điền tên nước gốc của cử tọa) là cái nôi của nền văn minh”, và “các bạn là hiện thân của giấc mơ Mỹ”.

Nhân viên của tôi nhận xét rất đúng, thông điệp của tôi chỉ đơn giản như vậy, vì tôi hiểu chỉ sự có mặt của tôi trước những công dân Mỹ mới này cũng đã cho họ thấy họ được chú ý, rằng họ chính là những cử tri quan trọng nếu tôi muốn thành công và họ cũng có đầy đủ vị thế công dân, đáng được tôn trọng, là hiện thân của giấc mơ Mỹ.

Không có gì phải lo sợ trước những người mới đến

Vào một sáng thứ bảy, tôi tham dự một hội thảo về nhập quốc tịch tại nhà thờ St. Pius ở Pilsen. Khoảng 1.000 người xếp hàng ngoài nhà thờ, trong đó có những gia đình trẻ, các cặp vợ chồng lớn tuổi, những người già phải ngồi xe lăn. Bên trong nhà thờ, mọi người ngồi trật tự trên dãy ghế gỗ dài, cầm những lá cờ Mỹ nhỏ mà nhà tổ chức phát cho họ, chờ được các tình nguyện viên gọi tên và hướng dẫn họ phải làm gì để bắt đầu một quy trình chắc sẽ kéo dài hàng năm để trở thành công dân Mỹ.

Một bé gái khoảng bảy tám tuổi đến gần tôi, với bố mẹ đứng sau lưng và hỏi xin chữ ký. Cô bé kể đang học về chính phủ và sẽ cho cả lớp xem chữ ký của tôi. Tôi hỏi tên cô bé. Cô bé trả lời tên cô là Cristina, đang học lớp 3.

Khi nhìn Cristina dịch lại lời tôi sang tiếng Tây Ban Nha cho bố mẹ nghe, tôi chợt nghĩ nước Mỹ không có gì phải lo sợ trước những người mới đến này, rằng họ đến đây với lý do giống như mọi gia đình đã đến đây 150 năm trước, những người có thể không có giấy tờ hợp pháp, mối quan hệ hay kỹ năng gì đặc biệt, nhưng họ mang trong mình hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chúng ta có quyền và nghĩa vụ phải bảo vệ đường biên giới. Nhưng cái đe dọa cuộc sống của chúng ta không phải là chúng ta sẽ bị những người có bề ngoài khác, ngôn ngữ khác vượt qua. Mối đe dọa chỉ đến nếu chúng ta không chịu thừa nhận rằng Cristina và gia đình cô bé cũng là con người, nếu chúng ta không cho họ những quyền và cơ hội mà chúng ta coi là hiển nhiên sẽ dẫn tới bất hòa giữa các sắc tộc, sự bất công mà cả nền dân chủ cũng như nền kinh tế của chúng ta không thể chống lại nổi khi đất nước ngày càng nhiều người da đen và da nâu hơn.

Tôi không muốn Cristina sẽ sống ở tương lai như thế, tôi tự nhủ khi cô bé và gia đình vẫy chào tạm biệt. Tôi không muốn các con gái tôi sẽ sống ở tương lai như thế. Các con tôi và Cristina có thể không phải đối mặt với vấn đề đạo đức rõ ràng như phân chia chỗ ngồi trên xe buýt, như tất cả chúng ta đều đã bị thử thách bởi tiếng nói chia rẽ khiến chúng ta quay lưng lại với nhau. Và khi bị thử thách, tôi hi vọng Cristina và các con tôi đều đã đọc lịch sử đất nước này và sẽ nhận ra chúng đã có được điều vô cùng quý giá.

Nước Mỹ đủ rộng lớn cho mọi giấc mơ.

Chương 4. Chính trị

Lời gửi gắm của cử tri

Một trong những công việc làm tôi thích thú nhất khi làm thượng nghị sĩ là tổ chức những buổi họp mặt cử tri.

Tôi đã tổ chức chừng 39 buổi họp như vậy trong năm đầu tiên làm thượng nghị sĩ trên khắp bang Illinois, từ những thị trấn nhỏ ở nông thôn như Anna đến những vùng ngoại ô giàu có như Naperville, trong những nhà thờ của cộng đồng người da đen vùng phía nam và tại một trường đại học ở Rock Island.

Không có gì rình rang lắm. Đến ngày, tôi đến trước nửa giờ để nói chuyện với những người lãnh đạo của thị trấn và bàn luận các vấn đề của địa phương, có thể là về một con phố cần lát lại hay kế hoạch cho một khu trung tâm cao cấp.

“Đừng làm chúng tôi thất vọng”

Tôi thấy thoải mái với thực tế là tôi làm chính trị càng lâu thì càng không cần đến sự nổi tiếng, việc theo đuổi quyền lực, địa vị hay danh tiếng chỉ phản ánh tham vọng nghèo nàn và tôi vẫn trả lời được những câu hỏi của lương tâm chính mình.

Số người tham dự thay đổi trong mỗi buổi họp: chúng tôi từng đón tiếp chỉ khoảng 50 người, nhưng đôi lúc con số này lên tới 2.000 người. Nhưng cho dù có bao nhiêu người tham dự đi nữa, tôi vẫn rất vui vì được gặp họ. Họ gồm đủ kiểu người ở những hạt mà chúng tôi tới thăm: đảng viên Cộng hòa và đảng viên Dân chủ, già và trẻ, béo và gầy, là người lái xe tải, giáo sư đại học, bà nội trợ, cựu chiến binh, giáo viên, đại lý bảo hiểm, kế toán viên, thư ký, bác sĩ và người làm công tác xã hội. Họ hầu hết đều lịch sự và chăm chú, ngay cả khi không đồng tình với tôi (hay một ai khác).

Họ hỏi tôi về các đơn thuốc, về thâm hụt ngân sách, về cồn ethanol, về cúm gia cầm, về việc tài trợ cho trường học và chương trình không gian. Khi nhìn khắp đám đông, tôi dường như được tiếp thêm sức mạnh. Từ dáng vẻ của họ, tôi đọc được sự cần cù. Từ cách họ chăm sóc con trẻ, tôi nhìn thấy hi vọng. Thời gian ở bên họ tôi như được tắm mình trong dòng suối mát. Sau đó tôi cảm thấy hoàn toàn thanh thản, sẵn sàng làm công việc mà tôi đã lựa chọn.

Vào cuối buổi gặp mặt, mọi người thường đến bắt tay, chụp ảnh hoặc đẩy lũ trẻ về phía tôi để hỏi xin chữ ký. Họ giúi vào tay tôi một vài đồ vật, những bài báo, những tấm danh thiếp, những tờ giấy viết tay, những tấm huy chương vì đã phục vụ quân đội, những vật tín ngưỡng nhỏ, những tấm bùa may mắn. Đôi khi ai đó nắm lấy tay tôi và nói rằng họ đặt niềm hi vọng lớn ở tôi, nhưng họ lo lắng rằng Washington sẽ làm tôi thay đổi và rồi tôi cũng sẽ giống những người có chức có quyền khác. “Hãy luôn là chính anh - họ gửi gắm với tôi như vậy - Đừng làm chúng tôi thất vọng”.

Khi tranh cử, không phải vấn đề tôi sẽ thắng hay thua (vào thời điểm kết thúc bầu cử sơ bộ, tôi dẫn trước đối thủ Đảng Cộng hòa tận 20 điểm), mà là chuyện cử tri sẽ nhìn tôi như thế nào và tôi sẽ nhận được ít thiện ý hơn nhiều khi gia nhập thượng viện. Vì đó chính là tình thế mà phần lớn đồng nghiệp của tôi, cả ở Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, gặp phải khi vào thượng viện. Sai lầm của họ được thông báo rộng rãi, những lời nói của họ bị bóp méo và động cơ của họ bị đặt câu hỏi. Họ bị thiêu đốt trong ngọn lửa đó, nó ám ảnh họ mỗi lần họ bỏ một lá phiếu, mỗi lần họ đưa ra một thông cáo báo chí hay một lời phát biểu. Họ không sợ thất bại trong cuộc chạy đua chính trị mà sợ mất đi hình ảnh trong mắt những người đã bỏ phiếu cho họ đến Washington - tất cả những người đã từng nói với họ: “Chúng tôi rất hi vọng vào ông/bà. Đừng làm chúng tôi thất vọng”.

Địa vị công dân

Đã thành truyền thống, những tồn tại của nền chính trị Mỹ đều được quy cho nguyên nhân năng lực của các chính trị gia của chúng ta. Đôi khi điều này còn được diễn tả bằng những từ ngữ đặc trưng: tổng thống là một thằng khờ hoặc hạ nghị sĩ X nào đó chỉ là một tên ăn bám. Đôi khi lại có một bản án bao quát hơn được tuyên như: “Chúng đều là những con rối của nhóm đặc quyền”. Hầu hết cử tri đều kết luận rằng những người ở Washington đều “chỉ là những con buôn chính trị”, nghĩa là việc bầu cử hay địa vị có được đều trái với lương tâm, rằng họ hành động vì tiền đóng góp cho chiến dịch tranh cử, để mua điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, hay vì lòng trung thành với đảng phái hơn là cố gắng hành động đúng.

Thời gian tôi phục vụ tại Washington càng lâu, tôi càng thấy bạn bè tôi hay chăm chú theo dõi khuôn mặt tôi để tìm ra dấu hiệu của sự thay đổi, nghiên cứu tôi để tìm sự ngạo mạn mới xuất hiện, tìm kiếm những dấu hiệu về tính hay cãi hay sự thủ thế. Tôi cũng bắt đầu chiêm nghiệm chính mình theo cách đó; bắt đầu nhìn nhận những tính cách cơ bản mà tôi và các cộng sự mới đều có chung, tôi băn khoăn liệu rằng điều gì có thể bảo vệ tôi khỏi việc trở thành một chính trị gia nhàm chán giống như trong các bộ phim truyền hình dở tệ.

Bạn làm chính trị càng lâu thì càng dễ trở thành người can đảm, vì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận thấy dù bạn làm gì đi nữa cũng luôn có người nổi cáu với bạn, cho dù bạn bỏ phiếu cẩn thận thế nào đi nữa vẫn có người tấn công bạn và mọi sự suy xét đều có thể bị coi là hèn nhát, còn bản thân sự dũng cảm lại bị coi là tính toán. Tôi thấy thoải mái với thực tế là tôi làm chính trị càng lâu càng không cần đến sự nổi tiếng, việc theo đuổi quyền lực, địa vị hay danh tiếng chỉ phản ánh tham vọng nghèo nàn và tôi vẫn trả lời được những câu hỏi của lương tâm chính mình.

Sau một buổi gặp mặt cử tri ở Godfrey, một người đàn ông lớn tuổi đến gặp tôi, nói rằng ông bất bình vì mặc dù tôi phản đối chiến tranh Iraq nhưng tôi vẫn chưa kêu gọi rút hết quân đội khỏi nước này. Chúng tôi đã có vài câu tranh luận ngắn gọn và thân mật, trong đó tôi giải thích mối lo ngại rằng việc rút quân quá đột ngột có thể dẫn tới một cuộc nội chiến nghiêm trọng ở Iraq, có nguy cơ dẫn tới xung đột rộng hơn trên toàn vùng Trung Đông. Cuối cuộc trò chuyện, ông bắt tay tôi. “Tôi vẫn nghĩ là anh sai - ông ta nói - nhưng ít nhất thì có vẻ anh cũng đã suy nghĩ về vấn đề này. Chết tiệt, có khi anh còn làm tôi thất vọng nếu lúc nào anh cũng đồng ý với tôi đấy”. “Cảm ơn ông”, tôi trả lời. Khi ông ta quay đi, tôi nhớ lại thẩm phán Louis Brandeis từng nói: trong nền dân chủ, địa vị quan trọng nhất chính là địa vị công dân.

Đi xin tiền

Đối với phần lớn chính trị gia tiền không phải là vấn đề làm giàu. Ít nhất là trong thượng viện, hầu hết thành viên đều giàu có. Vấn đề ở đây là việc duy trì địa vị và quyền lực; là việc loại bỏ những thách thức và đẩy lùi những lo ngại. Tiền không thể đảm bảo cho chiến thắng, nhưng nếu không có tiền hay không có những đoạn quảng cáo trên truyền hình tiêu tốn hết tiền bạn có, bạn sẽ cầm chắc thất bại.

Hỏi xin những người giàu

Số tiền tiêu vào việc tranh cử là một con số ngạt thở, đặc biệt trong cuộc đua ở những bang lớn có thị trường truyền thông đa dạng. Hồi ở Thượng viện bang Illinois, tôi từ chối mọi lời mời đi ăn của những người vận động hành lang, không nhận những tấm séc của nhóm tư bản sòng bạc hay thuốc lá. Khi tôi quyết định tranh cử vào Thượng viện Mỹ, cố vấn truyền thông của tôi - David Axelrod - đã bắt tôi phải ngồi nghe anh ta giải thích về thực tế cuộc sống. Chiến dịch của chúng tôi cần có một ngân sách tối thiểu, chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của người dân và “quảng cáo miễn phí” - tức là năng lực tự làm ra tin tức của bạn.

Tuy nhiên David vẫn thông báo với tôi rằng một tuần quảng cáo trên thị trường truyền thông Chicago sẽ tốn cỡ nửa triệu USD. Với bốn tuần phát trên truyền hình, cộng với tất cả chi phí hành chính và lương của nhân viên cho một chiến dịch trên toàn bang, tổng số tiền cuối cùng cho chiến dịch sơ bộ sẽ xấp xỉ 5 triệu USD. Tối đó tôi về nhà và bắt đầu viết ra tên tất cả những người tôi biết sẽ đóng góp cho tôi thành những hàng cột ngay ngắn. Cạnh tên mỗi người, tôi viết số tiền lớn nhất mà tôi cảm thấy mình có thể hỏi xin họ. Tổng số tiền tôi tính được là 500.000 USD.

Không có tài sản lớn riêng thì cơ bản chỉ có một cách để có tiền chạy đua vào thượng viện: bạn phải hỏi xin những người giàu. Trong ba tháng đầu của chiến dịch tranh cử, tôi giam mình trong phòng với trợ lý gây quỹ và thực hiện những cuộc gọi lần đầu cho những người từng tài trợ cho Đảng Dân chủ. Đôi khi mọi người dập máy khi nghe tôi gọi. Thường thì các thư ký sẽ ghi lại lời nhắn và rồi tôi không nhận được hồi âm gì, sau đó tôi sẽ gọi lại hai hoặc ba lần cho đến khi hoặc tự tôi từ bỏ người này hoặc người đó rốt cuộc cũng nghe máy và nhã nhặn từ chối tôi.

Tôi bắt đầu chơi mấy trò trốn tránh tinh vi khi tới giờ gọi điện - vào nhà vệ sinh thường xuyên, đi uống cà phê rất lâu, gợi ý với trợ lý chính sách là chúng tôi phải sửa bài phát biểu về giáo dục lần thứ ba hoặc thứ tư. Đôi khi trong những buổi làm việc như thế, tôi nghĩ đến ông tôi - hồi trung niên ông đã đi bán bảo hiểm nhân thọ và không thành công lắm. Tôi nhớ lại sự khổ sở của ông khi ông cố gắng hẹn gặp những người thà đi làm răng còn hơn là nói chuyện với một viên đại lý bảo hiểm. Hơn bao giờ hết tôi hiểu rõ cảm giác của ông.

Sau tròn ba tháng, chiến dịch của tôi chỉ quyên góp được 250.000 USD - còn xa mới đến ngưỡng tối thiểu có thể chấp nhận được. Tồi tệ hơn, cuộc đua của tôi còn vấp phải cơn ác mộng lớn nhất đối với các chính trị gia: đó là một ứng cử viên tự tài trợ với túi tiền vô tận. Tên ông ta là Blair Hull, người đã bán công ty giao dịch tài chính của ông ta cho Goldman Sachs vài năm trước với giá 531 triệu USD. Một buổi sáng, khi vừa lái xe ra khỏi đường vòng khu chung cư trên đường đến văn phòng, tôi được chào đón bằng hàng hàng lớp lớp những tấm bảng lớn ghi: ủng hộ Blair Hull vào thượng viện. Và suốt năm dặm đường tiếp theo tôi gặp chúng trên mọi phố nhỏ, dọc theo tất cả các đường lớn, ở mọi hướng, mọi ngóc ngách, mọi xó xỉnh - trên cửa sổ tiệm cắt tóc, trên những tòa nhà trống, trước trạm xe buýt, sau quầy bán rau. Tiếp theo là một loạt quảng cáo trên tivi dồn dập xuất hiện suốt sáu tháng cho đến tận ngày bầu cử.

Đến tháng 1-2004, ông Hull đã chiếm vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận và những người ủng hộ tôi bắt đầu liên tục gọi điện, nhắc tôi rằng tôi cần phải làm gì đó, rằng tôi cũng phải xuất hiện ngay lập tức trên tivi, nếu không tôi sẽ mất tất cả. Tôi phải làm gì?

Món nợ phải đấu tranh

"Chúng tôi khởi đầu khi không có nhiều tiền hay sự hậu thuẫn. Chiến dịch của chúng tôi không khởi động trong những đại sảnh ở Washington. Nó bắt đầu tại sân sau của khu nhà Des Moines. Chiến dịch này được xây dựng nhờ những người lao động đã đóng góp 5, 10 và 20 USD từ khoản tiết kiệm ít ỏi của mình. Đây là chiến thắng của chính các bạn"

Trích phát biểu của Tổng thống đắc cử Barack Obama trong bài phát biểu trước 125.000 người ủng hộ tại Chicago đêm 4-11-2008

Tôi không thể không thừa nhận cuộc săn tiền đã thay đổi tôi chút ít. Rõ ràng là tôi không còn chút cảm giác xấu hổ nào khi hỏi xin người lạ một số tiền lớn. Đến cuối chiến dịch vận động, những câu nói đùa, vài ba lời trao đổi thường có trong những cuộc gọi xin tiền của tôi cũng không còn. Tôi bỏ hết chúng chỉ để hỏi về tiền và cố gắng sao cho không bị từ chối.

Nhưng tôi lo ngại sẽ có những thay đổi khác nữa trong công việc. Tôi ngày càng nhận thấy mình dành nhiều thời gian hơn với những người giàu tiền bạc - chủ sở hữu công ty luật, chủ ngân hàng đầu tư, giám đốc quỹ phòng tránh rủi ro và nhà đầu tư mạo hiểm. Tôi biết hậu quả của hoạt động gây quỹ là tôi ngày càng giống những nhà tài trợ giàu có tôi gặp, theo nghĩa là tôi dành ngày càng nhiều thời gian cho thế giới đứng trên sự tranh chấp, bên ngoài sự đói khổ, thất vọng, sợ hãi, phi lý và khó khăn của 99% dân số - đây mới chính là những người mà tôi phải phụng sự khi bước chân vào nghề hoạt động công chúng.

Con đường ít đối kháng nhất - với những người gây quỹ thuộc các nhóm lợi ích đặc biệt, hiệp hội các ủy ban hành động chính trị và các cơ sở vận động hành lang hàng đầu - bắt đầu trở nên hấp dẫn khủng khiếp, và nếu quan điểm của nhóm người này không hoàn toàn phù hợp với quan điểm trước kia của bạn thì bạn giải thích sự thay đổi đó là tính thực tế, là phải thỏa hiệp, là nắm vững tình hình. Tôi không bao giờ quen được với việc dùng thuật ngữ “nhóm lợi ích đặc biệt” để chỉ các nhóm người bao gồm cả Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil lẫn các công nhân xây dựng, đại diện các công ty dược và phụ huynh trẻ em khuyết tật.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích lên các ứng cử viên chính trị không phải lúc nào cũng tốt. Họ không tìm kiếm ứng viên sâu sắc nhất, có khả năng nhất hay tư tưởng khoáng đạt nhất. Họ chỉ tập trung vào một vài mối quan tâm cụ thể - quỹ lương hưu của họ, hỗ trợ mùa màng cho họ, vụ kiện của họ. Nói đơn giản là họ có mục đích cá nhân. Và họ muốn một quan chức được bầu như bạn giúp họ đạt được mục đích đó. Bạn tự hỏi thế lương tâm chính xác là cái gì: không để các “nhóm lợi ích đặc biệt” điều khiển hay phải tránh việc làm tổn thương bạn bè? Câu trả lời không hề rõ ràng.

Sau đó, lãnh đạo một số công đoàn lớn nhất - công đoàn giáo viên, công đoàn dịch vụ công cộng, công đoàn nhân viên nhà nước và công đoàn dệt may, khách sạn, nhà hàng bang Illinois đã tuyên bố ủng hộ tôi thay vì đối thủ - sự ủng hộ rất quan trọng vì họ giúp chiến dịch vận động của tôi có trọng lượng hơn. Về phía họ, đây thật sự là một động thái mạo hiểm, nếu tôi thua họ sẽ phải trả giá bằng niềm tin, bằng sự ủng hộ từ các thành viên của họ. Tôi nợ những tổ chức này.

Tôi không coi đây là hành động mua chuộc phiếu bầu, tôi không phiền khi thấy mình có nghĩa vụ với công nhân làm nghề chăm sóc tại nhà hay với các giáo viên đang dạy học ở những ngôi trường khó khăn nhất cả nước, nhiều người trong số họ đã dốc tiền túi của chính mình để mua bút chì màu và sách cho học sinh vào đầu mỗi năm học. Tôi bước vào nghề chính trị để đấu tranh cho họ và tôi rất mừng khi công đoàn vẫn ở cạnh tôi, nhắc nhở tôi về điều đó.

Cuộc chiến cuồng nộ

Các chính trị gia nằm trong tay những nhà tài trợ khổng lồ hoặc chịu thua sức ép của các nhóm lợi ích - đây là nội dung chính trong các bản tin chính trị hiện nay, một câu chuyện chỉ đi theo hướng phân tích chuyện gì đang xảy ra với nền dân chủ trong nước.

Nhưng đối với các chính trị gia, còn có một thế lực thứ ba dồn ép họ, hình thành nên bản chất của tranh luận chính trị và giúp chính trị gia đó xác định ông ta có thể và không thể làm gì, những vị trí nào ông ta có thể hay không thể giành được. Thế lực đó chính là báo chí.

Tấm kính lọc

Trong ba năm từ khi tôi tuyên bố ứng cử vào thượng viện cho đến thời điểm cuối cùng của năm đầu tiên làm thượng nghị sĩ, ảnh hưởng tích cực bất thường, đôi khi quá đà, của báo chí đem lại khá nhiều lợi ích cho tôi. Chắc hẳn một phần do tôi là người lép vế hơn trong cuộc tranh cử sơ bộ vào thượng viện, đồng thời tôi khác lạ vì là một ứng viên da đen có lý lịch đẹp. Cũng có thể là do cách giao tiếp của tôi - rời rạc, ngập ngừng và dài dòng quá mức (cả các nhân viên lẫn Michelle đều luôn nhắc nhở tôi về chuyện này), nhưng lại được giới viết lách thông cảm.

Một phép toán đơn giản cũng chứng minh được điều đó. Trong 39 cuộc họp ở các tòa thị chính tôi đã tổ chức trong năm đầu nhậm chức, trung bình mỗi lần có 400-500 người tham gia, có nghĩa tôi đã được gặp 15.000-20.000 người. Giả sử tôi vẫn duy trì được con số này trong cả nhiệm kỳ thì đến ngày bầu cử tiếp theo tôi sẽ tiếp xúc trực tiếp được với 95.000-100.000 cử tri.

Ngược lại, một câu chuyện dài ba phút được phát trên một kênh tin tức địa phương ít người nghe nhất ở Chicago cũng đến được với 200.000 thính giả. Nói cách khác, tôi - cũng như mọi chính trị gia liên bang khác - đang gần như hoàn toàn phụ thuộc các phương tiện truyền thông để đến với cử tri. Đó là tấm kính lọc qua đó mọi người diễn giải lá phiếu của tôi, phân tích câu nói của tôi, kiểm chứng niềm tin của tôi. Ít nhất với công chúng, chân dung tôi là do báo chí phác họa, lời lẽ của tôi là do báo chí nói ra. Tôi trở thành đúng con người mà báo chí dựng nên.

Báo chí ảnh hưởng lên chính trị theo rất nhiều cách. Ngày nay đáng chú ý nhất là hình thức báo chí có tính đảng phái công khai phát triển mạnh: chương trình thảo luận trên đài, kênh truyền hình Fox News, các nhà báo phụ trách mục xã luận, tọa đàm trên truyền hình cáp và gần đây nhất là tác giả các blog; họ nói với nhau về những lời lăng mạ, buộc tội, những chuyện tầm phào và cạnh khóe suốt 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Khó mà phủ nhận được rằng cuộc chiến cuồng nộ từ các phe phái được phóng đại trên truyền hình và trên mạng đó đã làm nên thứ văn hóa chính trị thô lỗ. Nó thổi bùng sự giận dữ, sinh ra sự ngờ vực.

Và dù giới chính trị gia có muốn thừa nhận hay không thì những lời đả kích bất tận đó có thể bào mòn nghị lực. Điều kỳ lạ là cuộc tấn công càng thô bạo thì bạn càng không nên quá lo lắng về nó; nếu thính giả của người dẫn chương trình Rush Limbaugh thích nghe anh ta gọi tôi là “Osama Obama” thì thái độ của tôi là cứ để họ vui vẻ với nhau. Bởi những người thạo nghề hơn mới làm bạn đau vì họ được công chúng tin cậy.

Một trường hợp bị diễn giải

200 triệu USD

Đó là số tiền ước tính Barack Obama đã chi cho quảng cáo trên truyền hình trong chiến dịch tranh cử tổng thống, trung bình mỗi ngày ông có khoảng 7.700 lượt quảng cáo trên truyền hình. Số tiền này nằm trong khoảng 650 triệu USD mà ông quyên góp được trong toàn bộ chiến dịch tranh cử.

Tháng 4-2005, tôi xuất hiện trong chương trình khai trương Thư viện Lincoln mới ở Springfield. Tôi có một bài phát biểu dài năm phút, trong đó tôi nói rằng đặc điểm rất con người của Abraham Lincoln, sự thiếu hoàn hảo trong ông lại khiến ông trở nên rất thuyết phục.

Tôi nói trong phần bình luận: “Vươn lên từ nghèo đói, từ quá trình tự học và cuối cùng trở nên thành thạo ngôn ngữ và luật, khả năng vượt qua những mất mát cá nhân và vẫn giữ thái độ kiên định trước những thất bại liên tiếp - từ tất cả những điều này, chúng ta thấy được tính cách cơ bản của người Mỹ, đó là niềm tin rằng chúng ta luôn có thể thay đổi bản thân để đạt được giấc mơ lớn hơn”.

Vài tháng sau, tạp chí Time đề nghị tôi viết một bài cho số phát hành đặc biệt về Abraham Lincoln. Tôi không có thời gian để viết cái gì mới nên hỏi các biên tập viên liệu họ có chấp nhận bài phát biểu cũ của tôi không. Họ trả lời là được nhưng muốn bài viết đó đậm cá tính hơn nữa - nên nói gì đó về ảnh hưởng của Lincoln lên cuộc đời tôi. Giữa những cuộc họp, tôi vội vàng sửa một vài chỗ. Một trong những thay đổi là câu nói trên được sửa thành: “Vươn lên từ nghèo đói, từ quá trình tự học và cuối cùng trở nên thành thạo ngôn ngữ và luật, khả năng vượt qua những mất mát cá nhân và vẫn giữ thái độ kiên định trước những thất bại liên tiếp - từ tất cả những điều này, Lincoln nhắc tôi nhớ rằng đó không chỉ là cuộc chiến của riêng tôi”.

Ngay sau khi bài viết xuất hiện đã có người lập tức vớ lấy nó, đó là Peggy Noonan, trước kia là người viết các bài phát biểu cho Reagan, phóng viên tờ Wall Street Journal. Dưới tiêu đề “Sự tự cao của chính phủ”, bà này viết: “Tuần này chúng ta thấy thượng nghị sĩ Barack Obama, một người luôn thận trọng, ba hoa trên tạp chí Time và cho rằng ông ta rất giống Abraham Lincoln, chỉ có điều là xuất sắc hơn”.

Ôi trời! Ngay khi bài báo của bà Noonan xuất hiện, nó đã lan khắp mạng, xuất hiện trên tất cả các trang web của cánh hữu như một bằng chứng cho thấy tôi là kẻ kiêu ngạo, ngu dốt nông cạn (nhìn chung trên các trang web đó chỉ có những câu mà bà Noonan nhặt ra chứ không phải toàn bộ bài viết của tôi).

Theo nghĩa này, câu chuyện gợi ý đến một khía cạnh tinh vi hơn, phá hoại hơn của báo chí hiện đại - làm sao một câu chuyện nào đó, được nhắc đi nhắc lại và lan khắp thế giới mạng với tốc độ ánh sáng, cuối cùng lại có thể trở thành một mẩu thực tế khắc nghiệt, bằng cách nào mà những biếm họa chính trị và những quan niệm truyền thống lại chui được vào đầu óc chúng ta trong khi chúng ta không bao giờ dành thời gian suy nghĩ về nó.

Tôi nhớ lại những gì các đồng nghiệp kỳ cựu đã nói từ trước, rằng mỗi lời phát biểu của tôi đều sẽ được nghiên cứu kỹ, bị cắt nhỏ, diễn giải theo những cách mà tôi không thể kiểm soát nổi. Phe đối lập sẽ lục lọi để tìm ra sai lầm, lỗi ăn nói, sự bỏ sót hay mâu thuẫn để lưu lại và sau đó đưa lên một quảng cáo đả kích nào đó trên tivi. Dĩ nhiên, cỗ máy quan hệ công chúng của các chính trị gia cũng như đảng của họ sẽ giúp chăm chút thêm những câu chuyện này. Chính trị gia ngày nay hiểu điều đó.

Ông ta có thể không nói dối, nhưng ông biết không có gì tốt đẹp dành cho những người nói sự thật, đặc biệt khi sự thật đó là vấn đề phức tạp. Sự thật có thể gây ra hoảng sợ; sự thật có thể bị tấn công; báo chí không đủ kiên nhẫn lọc ra toàn bộ sự thật để công chúng có thể nhận thấy sự khác biệt giữa trung thực và dối trá. Hậu quả tiếp theo là vấn đề thái độ - phải nói sao cho tránh được tranh cãi hoặc có được sự ủng hộ cần thiết từ công chúng, hay phải có một lập trường phù hợp với hình ảnh mà báo chí đã tạo ra cho chính trị gia này cũng như với câu chuyện chính trị nói chung trên các phương tiện truyền thông.

Với sự chính trực, ông ta vẫn có thể muốn nói ra sự thật ông đang chứng kiến. Tôi quan sát thấy có nhiều chính trị gia đã vượt qua được những chướng ngại vật ấy và giữ nguyên được tính chính trực của mình. Đó là những người vẫn nhận được tiền quyên góp cho chiến dịch vận động mà không bị mua chuộc, giành được sự ủng hộ mà không bị những nhóm lợi ích đặc biệt chi phối và quản lý được quan hệ với báo chí mà không đánh mất bản thân.

Chương 1. Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ

Tôi vẫn nhớ ngày trước lễ tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ, tôi và các nhân viên quyết định nên tổ chức một cuộc họp báo ở văn phòng. Lúc đó tôi xếp ở vị trí 99 về mức độ thâm niên trong thượng viện. Đó cũng là ngày làm việc đầu tiên của tôi ở đây.

Tôi chưa hề tham gia một lần bỏ phiếu nào, chưa hề đề xuất một dự luật nào - thực tế là tôi còn chưa ngồi vào bàn làm việc của mình khi một phóng viên rất nghiêm chỉnh giơ tay và hỏi: “Thưa thượng nghị sĩ Obama, đâu là chỗ ngồi lịch sử của ông?”.

Điểm sáng hiếm hoi

Ngày 4-1-2005, tôi và một phần ba thượng viện đọc lời tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ khóa 109. Từ Illinois, Hawaii, London và Kenya, gia đình và bạn bè tôi tụ tập trên dãy bao lơn dành cho khách để chúc mừng khi tôi và các đồng nghiệp mới đứng cạnh bục đá cẩm thạch, giơ cánh tay phải đọc lời tuyên thệ. Một ngày của những nụ cười và lời cảm ơn, của sự lịch thiệp và hào nhoáng - đó là hình ảnh trong mắt những vị khách đến Capitol.

Sau khi gia đình và bạn bè đều đã về nhà, sau khi buổi tiếp tân kết thúc và mặt trời lại trốn sau bức màn xám xịt của mùa đông, một sự thật duy nhất, có vẻ như không thể thay đổi, chắc chắn lại lơ lửng trên thành phố này: đất nước chúng ta đang bị chia rẽ, và Washington cũng bị chia rẽ, sự chia rẽ về chính trị chưa từng có kể từ trước Thế chiến thứ hai. Đối với tôi, những chuyện này hoàn toàn không đáng ngạc nhiên. Tôi đã quan sát từ xa những cuộc chiến chính trị leo thang ở Washington.

Về cá nhân mà nói, một chính quyền nếu thật sự đại diện cho người Mỹ - và thật sự phục vụ người Mỹ - sẽ đòi hỏi phải có một nền chính trị kiểu khác. Nền chính trị đó cần phản ánh cuộc sống thực tế của chúng ta, chứ không phải là loại sản phẩm đã được đóng gói và chỉ việc lấy ra khỏi giá. Nó phải được dựng nên từ những gì là truyền thống tốt đẹp nhất và phải nhìn nhận đến cả những phần tối trong lịch sử của chúng ta.

Kim chỉ nam cho hoạt động chính trị

Một phẩm chất mà tôi nhận thấy khi ngày càng lớn tuổi thì tôi càng coi trọng hơn, đó là sự thấu cảm. Phẩm chất này là cốt lõi quy tắc đạo đức của tôi, là ý nghĩa của cái gọi là quy tắc vàng đối với tôi - không chỉ đơn giản là đòi hỏi cần phải thông cảm hay nhân ái mà còn là một yêu cầu khác cao hơn, đòi hỏi phải biết đứng vào vị trí của người khác và nhìn mọi việc bằng con mắt của người đó.

Giống như các giá trị khác, tôi học được tính thấu cảm từ mẹ tôi. Mẹ tôi khinh ghét mọi biểu hiện của sự độc ác, thiếu suy nghĩ và lạm dụng sức mạnh, bất kể chúng biểu hiện qua định kiến màu da, trẻ con bắt nạt nhau ở trường hay công nhân bị trả lương quá thấp. Bất cứ khi nào bà thấy dấu hiệu của những tính xấu đó trong con người tôi, bà thường nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: “Con nghĩ việc đó sẽ khiến con cảm thấy thế nào?”.

Đến giờ tôi thấy mình ngày càng quay lại gần hơn với nguyên tắc sống cơ bản của mẹ tôi. “Con nghĩ việc đó sẽ khiến con cảm thấy thế nào?” - câu nói đó trở thành kim chỉ nam cho hoạt động chính trị của tôi.

Tôi có cảm giác mình như một anh chàng lính mới, xuất hiện sau cuộc chiến với bộ quân phục sạch bóng, không một hạt bụi, hăm hở được tham gia trong khi đồng đội vấy đầy bùn đang chăm sóc vết thương.

Khi tôi đang bận rộn với những buổi phỏng vấn và chụp ảnh, với đầy những ý tưởng cao cả rằng cần giảm bớt tư tưởng đảng phái và thái độ gay gắt thì phe Dân chủ bị đánh bại trên toàn bộ các mặt trận - vị trí tổng thống, số ghế đa số trong thượng viện và hạ viện đều thuộc đảng Cộng hòa. Các đồng sự Dân chủ đã chào đón tôi một cách không thể nhiệt tình hơn; họ gọi chiến thắng của tôi là “một trong những điểm sáng hiếm hoi của đảng ta”.

Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào thượng viện đã chấm dứt chuỗi ngày dài kể từ khi tôi tuyên bố ứng cử hai năm trước đó - tôi đã đánh đổi một cuộc sống tương đối vô danh lấy một cuộc sống hết sức công khai trước mọi người.

Chắc chắn nhiều thứ vẫn không thay đổi. Gia đình tôi vẫn sống ở Chicago. Nhưng đối với tôi, cả thế giới đã thay đổi một cách sâu sắc, theo những cách mà không phải bao giờ tôi cũng để ý chấp nhận. Lời nói, hành động, kế hoạch đi lại và bản khai thu nhập cá nhân của tôi, tất cả đều xuất hiện trên mặt báo buổi sáng hoặc bản tin ban đêm. Các con tôi bị nhiều người lạ tử tế chặn lại trên đường mỗi khi cùng tôi đi chơi vườn bách thú.

Hội nghị tranh luận lớn nhất thế giới

Hầu hết mọi ngày tôi vào điện Capitol qua đường tầng hầm. Phòng họp thượng viện không phải là nơi đẹp nhất điện Capitol, nhưng nó cũng gây ấn tượng mạnh. Trên những bậc thang thoai thoải, 100 chiếc bàn bằng gỗ gụ xếp thành bốn vòng hình móng ngựa vây quanh khu chủ tọa. Một vài chiếc trong số này có từ năm 1819, và trên mỗi bàn có một hộp nhỏ để lọ mực và bút lông. Mở ngăn kéo của bất kỳ bàn nào bạn cũng sẽ thấy tên của thượng nghị sĩ đã từng sử dụng nó, được chính tay những người đó viết hoặc khắc lên: Taft và Long, Stennis và Kennedy.

Đôi khi đứng trong căn phòng này, tôi tưởng như nhìn thấy Paul Douglas hay Hubert Humphrey đang ngồi ở một trong những chiếc bàn, kêu gọi thông qua luật quyền công dân; hay Lyndon B. Johnson đang đi đi lại lại giữa các dãy ghế, túm cổ áo mọi người và đòi phiếu bầu.

Trừ vài phút đến để bỏ phiếu thì tôi và các đồng nghiệp không dành nhiều thời gian trong phòng này. Phần lớn các quyết định như nên đề xuất dự luật gì, vào thời điểm nào, cần sửa đổi gì, và làm thế nào để những người bất hợp tác quay sang hợp tác... đều đã được giải quyết ổn thỏa từ trước giữa thủ lĩnh phe đa số, chủ tịch ủy ban liên quan, nhân viên của họ và (tùy thuộc mức độ bất đồng cũng như sự rộng rãi của đảng viên Cộng hòa đang xử lý dự luật này) đồng nhiệm của họ ở đảng Dân chủ.

Khi chúng tôi lên đến tầng này và viên thư ký đọc danh sách điểm danh, mỗi thượng nghị sĩ phải quyết định quan điểm của mình sau khi đã tham khảo ý kiến của nhân viên, lãnh tụ phe họ, nhóm vận động hành lang và các nhóm lợi ích, cũng như thư cử tri và khuynh hướng tư tưởng. Ở cái hội nghị tranh luận lớn nhất thế giới này, không ai là người lắng nghe.

Mỗi tuần ở Washington ba ngày nên tôi thuê một căn hộ đơn nhỏ gần Trường Luật Georgetown, trên một tòa nhà cao tầng nằm giữa đồi Capitol và trung tâm thành phố. Ban đầu, tôi cố gắng thưởng thức sự cô đơn mới mẻ, tự ép mình nhớ lại những niềm vui của cuộc sống độc thân. Nhưng vô ích, sau 13 năm lập gia đình, tôi phát hiện mình đã hoàn toàn trở thành người thích sống ở nhà, yếu đuối và không tự làm được cái gì.

Buổi sáng đầu tiên thức dậy ở Washington, tôi nhận thấy mình đã quên mua rèm che bồn tắm và phải bám vào tường để khỏi làm ướt sàn nhà tắm. Đêm tiếp theo, khi ngồi xem thể thao và làm ít bia, tôi ngủ quên sau một hiệp đấu, hai giờ sau tỉnh dậy thấy mình đang ngủ trên ghế xalông và bị vẹo cổ trầm trọng. Mấy món ăn mang về nhà không còn ngon lành, sự tĩnh lặng làm tôi khó chịu.

Tôi gọi điện về nhà thường xuyên chỉ để nghe giọng nói của hai con gái, tôi nhớ da diết cái ôm ấm áp của bọn trẻ và mùi thơm ngòn ngọt trên da thịt chúng. “Chào con yêu!”. “Con chào bố”. “Có gì hay không con?”. “Từ lần trước bố gọi ấy ạ?”. “Ừ đúng rồi”. “Chả có gì bố ạ. Bố muốn nói chuyện với mẹ không ạ?”.

Chương 9. Một gia đình

Vào đầu năm thứ hai làm việc ở thượng viện, cuộc sống của tôi đã đi vào ổn định. Tôi thường rời Chicago vào đêm thứ hai hoặc sáng thứ ba, tùy lịch bỏ phiếu của thượng viện.

Chiều thứ năm chúng tôi được phòng hậu cần thông báo ngày giờ lần bỏ phiếu cuối cùng trong tuần, đến giờ đã định, tôi xếp hàng ở phòng họp thượng viện cùng các đồng nghiệp để bỏ phiếu rồi vội vàng chạy xuống những bậc thang điện Capitol, hi vọng sẽ bắt kịp chuyến bay về đến nhà trước khi bọn trẻ đi ngủ.

Michelle

Phần lớn mọi người khi gặp vợ tôi đều nhanh chóng kết luận cô ấy rất đặc biệt: thông minh, hài hước và luôn duyên dáng. Michelle cũng rất đẹp, mặc dù không phải đẹp theo kiểu làm cho đàn ông cảm thấy nguy hiểm hay phụ nữ cảm thấy khó chịu. Đó là vẻ đẹp sâu thẳm của một người mẹ, của một người bận rộn chứ không phải cái đẹp đập vào mắt như ảnh bìa các tạp chí hào nhoáng.

Tôi gặp Michelle vào mùa hè năm 1988, lúc đó chúng tôi cùng làm việc cho Sidley & Austin, một công ty luật lớn ở Chicago. Mặc dù Michelle trẻ hơn tôi ba tuổi nhưng cô ấy đã hành nghề luật sư và đã từng theo học Trường Luật Harvard ngay sau khi tốt nghiệp. Lúc đó tôi mới học xong năm thứ nhất ở trường luật và làm việc với tư cách cộng tác viên mùa hè. Tôi được biết Michelle lớn lên ở vùng nam Chicago, trong một ngôi nhà nhỏ ngay phía bắc khu dân cư mà tôi làm việc.

Cha Michelle là người điều khiển máy bơm nước cho cả thành phố; mẹ làm nội trợ cho đến khi con cái trưởng thành và hiện bà làm thư ký ở ngân hàng. Vài tuần sau đó, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau, trong thư viện công ty, ở quán cà phê hoặc những lần đi chơi do công ty tổ chức cho cộng tác viên mùa hè để thuyết phục nhân viên rằng gắn bó với nghề luật không có nghĩa là phải nghiên cứu tài liệu giờ này qua giờ khác.

Nhưng cô ấy vẫn từ chối hẹn hò, bảo rằng thế là không thích hợp vì cô ấy là người hướng dẫn tôi. “Lý do đấy chưa đủ - tôi bảo cô ấy - Nói đi, em hướng dẫn anh những gì? Em chỉ cho anh cách dùng máy photocopy. Em gợi ý anh nên thử ăn ở nhà hàng nào đó. Anh không nghĩ ban lãnh đạo sẽ coi một cuộc hẹn là vi phạm nghiêm trọng quy định công ty đâu”. Cô ấy lắc đầu: “Em xin lỗi”. “Thôi được, anh sẽ thôi. Giờ thế nào? Em là người hướng dẫn anh. Nói cho anh biết anh phải nói chuyện với ai”. Cuối cùng tôi cũng cưa đổ được Michelle.

Đám cưới của Obama và Michelle năm 1992

Tôi nghĩ tôi đã học kiên nhẫn hơn trong vài năm qua, với những người khác cũng như từ chính bản thân. Nếu quả vậy, đó là một trong vài sự cải thiện tính cách cá nhân mà tôi cho là nhờ vợ mình Michelle. Cô ấy lớn lên trong một căn nhà gỗ kiểu một tầng mà tôi đã dành nhiều giờ thăm viếng suốt năm đầu tiên của tôi ở Chicago. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đưa Michelle về Hawaii, ông ngoại đã thúc vào hông tôi và nói Michelle quả là một “người đẹp”. Bà ngoại, mặt khác, miêu tả vị hôn thê tương lai của tôi là “một cô gái rất biết điều” - mà Michelle hiểu là lối tán thưởng cao nhất của bà tôi.

Sau khi đính hôn, tôi đưa Michelle về Kenya để gặp gia đình bên nội của tôi. Cô ấy ngay lập tức là một người thành công ở đó, phần nào vì số từ của người Luo trong vốn từ vựng của cô ấy rất nhanh chóng vượt qua tôi. Chúng tôi đã có một thời gian tốt đẹp ở làng Alego, gặp gỡ những bà con mà tôi chưa từng được gặp.

Trích cuốn sách đầu tay Những giấc mơ từ cha tôi (Dreams from my father) của Barack Obama

Sáu tháng sau khi tôi và Michelle gặp nhau, cha Michelle đột ngột qua đời vì biến chứng sau khi phẫu thuật thận. Tôi bay về Chicago, đứng trước huyệt mộ. Michelle gục đầu trên vai tôi. Khi quan tài được hạ xuống, tôi hứa với Frasier Robinson là sẽ chăm sóc con gái ông. Tôi cảm thấy theo một cách nào đó, tuy không nói ra và vẫn chưa chắc chắn, nhưng cô ấy và tôi đã thành một gia đình.

Tình yêu thương

Trong vài năm đầu sau khi kết hôn, Michelle và tôi đã trải qua những giai đoạn điều chỉnh bình thường như mọi cặp vợ chồng khác: học cách đọc cảm xúc của người kia, chấp nhận thói quen và tật xấu của một người xa lạ ngay bên cạnh.

Cả hai đều làm việc chăm chỉ: tôi hành nghề luật ở một công ty nhỏ chuyên về quyền công dân và bắt đầu giảng dạy ở Trường Luật Chicago; còn Michelle lại quyết định bỏ nghề luật, lúc đầu cô ấy làm ở Sở Quy hoạch Chicago, sau đó phụ trách hoạt động ở Chicago cho một chương trình quốc gia tên là Liên minh Xã hội. Thời gian chúng tôi bên nhau càng ít hơn khi tôi tranh cử vào cơ quan lập pháp bang, và dù tôi thường vắng mặt dài ngày và Michelle không thích chính trị, cô ấy vẫn ủng hộ quyết định của tôi: “Em biết đó là điều anh muốn”.

Rồi Malia ra đời, sinh ngày 4-7-1999, rất hiền lành và xinh đẹp. Malia sinh ra vào khoảng thời gian lý tưởng với cả hai chúng tôi: vì tôi không phải họp và cũng không có giờ giảng vào mùa hè nên tối nào tôi cũng có thể ở nhà; trong khi đó Michelle đồng ý làm việc bán thời gian ở Đại học Chicago để có nhiều thời gian chăm sóc con hơn. Nhưng rồi sang mùa thu - khi các lớp tôi dạy bắt đầu vào học, nghị viện bang cũng quay lại làm việc và Michelle đi làm, quan hệ giữa hai chúng tôi bắt đầu xuất hiện căng thẳng.

Tôi thường đi vắng ba ngày liền và kể cả khi về Chicago tôi vẫn phải đi họp buổi tối, phải chấm bài hoặc phải viết báo cáo. Khi Sasha ra đời năm 2001 thì vợ tôi gần như không kiềm chế sự tức giận với tôi nữa. “Anh chỉ nghĩ đến bản thân anh thôi - Michelle thốt lên - Em chưa bao giờ nghĩ em lại phải một mình chăm sóc cả gia đình”.

Khi những năm thử thách đó qua đi và bọn trẻ bắt đầu đi học, chỉ khi nghĩ lại quá khứ, tôi mới bắt đầu cảm kích Michelle với những gì cô ấy đã phải trải qua. Đó là nỗ lực rất điển hình của người mẹ phải đi kiếm tiền thời hiện đại. Vì bất kể tôi nghĩ mình là người theo quan điểm tự do đến mức nào, bất kể tôi tự nhủ Michelle và tôi đều bình đẳng và giấc mơ, khát vọng của cô ấy cũng quan trọng như của tôi bao nhiêu lần đi nữa, thì thực tế khi bọn trẻ ra đời, chính Michelle chứ không phải tôi là người phải điều chỉnh cuộc sống. Dĩ nhiên tôi có giúp đỡ, nhưng luôn tùy thuộc khả năng, kế hoạch làm việc của tôi. Còn Michelle mới là người phải tạm dừng sự nghiệp.

Cơ bản thì tôi đã hoàn thành vai trò của mình. Hôn nhân của chúng tôi vẫn nguyên vẹn và gia đình tôi có cuộc sống đầy đủ. Tôi đi họp phụ huynh và có mặt ở buổi biểu diễn múa, các con gái tôi được sống trong tình yêu thương. Tôi nhận ra rằng mình không đơn độc. Tôi nhớ đến câu trả lời của Michelle hồi vận động tranh cử, khi một phóng viên hỏi Michelle làm vợ một chính trị gia là thế nào. “Thật là khó”, cô ấy đáp. Rồi theo như anh chàng phóng viên đó thì cô ấy nói thêm với một nụ cười: “Đó là lý do tại sao Barack lại luôn có thái độ cảm kích như vậy”.

Chương 8. Thế giới ngoài kia

Tháng 1-2006, tôi đáp chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 đi thăm Iraq lần đầu tiên. Hai đồng nghiệp cùng đi với tôi là thượng nghị sĩ Evan Bayh bang Indiana và hạ nghị sĩ Harold Ford, Jr. bang Tennessee đều từng đến đây.

Đã bốn năm rưỡi trôi qua kể từ ngày tôi nghe tin máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới, tôi đang bay đến Baghdad với tư cách là một thượng nghị sĩ, phần nào đó có trách nhiệm tìm ra cách giải quyết tình trạng lộn xộn ở đây.

Sự căng thẳng đang chịu đựng

Tôi chỉ có một ngày rưỡi ở Iraq, chủ yếu là ở Vùng Xanh, một khu vực rộng mười dặm nằm ở trung tâm Baghdad, trước đây từng là trái tim của chính quyền Saddam Hussein, hiện là khu vực cách ly do Mỹ kiểm soát, bao quanh là tường an ninh và hàng rào dây thép gai. Nhóm phụ trách tái thiết trình bày ngắn gọn về khó khăn khi duy trì việc cung cấp điện và sản xuất dầu trước sự phá hoại của các lực lượng nổi dậy; các sĩ quan tình báo nói về nguy cơ ngày càng cao đến từ phiến quân Hồi giáo và những cuộc tấn công của nhóm này vào lực lượng an ninh Iraq.

Sau đó, chúng tôi gặp gỡ các thành viên của Ủy ban bầu cử Iraq, họ rất hăng hái trước những thay đổi lớn trong kỳ bầu cử gần đây, và trong một giờ chúng tôi lắng nghe đại sứ Mỹ Khalilzad nói về những hoạt động ngoại giao con thoi phức tạp mà ông đang đảm nhiệm để đưa người Shiite, Sunni và người Kurd hợp tác với nhau trong một chính phủ thống nhất.

Vào buổi chiều muộn, đoàn chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo với các đại diện báo chí quốc tế ở Baghdad. Sau phần hỏi và trả lời, tôi đề nghị các phóng viên ở lại để nói chuyện vui, không chính thức. Tôi nói tôi muốn biết về cuộc sống ngoài Vùng Xanh. Họ vui vẻ đồng ý nhưng nói chỉ có thể ở lại thêm 45 phút - lúc đó đã muộn, và cũng như nhiều người dân Baghdad, họ tránh đi lại sau khi mặt trời lặn.

Nhìn chung cả nhóm đều trẻ, phần lớn mới ở tuổi 20 hoặc ngoài 30, tất cả đều ăn mặc đơn giản đến mức có thể nghĩ họ là sinh viên. Tuy nhiên, trên khuôn mặt họ đã in dấu những căng thẳng đang chịu đựng - đến thời điểm đó đã có 60 nhà báo bị chết ở đây. Tôi hỏi liệu họ có nghĩ căng thẳng sẽ giảm bớt nếu Mỹ rút quân không và đoán rằng họ sẽ khẳng định điều đó. Nhưng ngược lại, họ lắc đầu. “Tôi đoán nếu thế đất nước này sẽ rơi vào nội chiến chỉ trong vòng một tuần - một người trả lời - Một trăm, có thể là 200.000 người chết. Chúng ta là thứ duy nhất giữ cho nơi này còn gắn bó với nhau”.

Đêm đó tôi không ngủ được; tôi xem một trận bóng chày được truyền trực tiếp qua vệ tinh đến ngôi nhà bên hồ trước đây dành cho Saddam và khách của ông ta. Có đôi lần tôi tắt tiếng tivi và nghe tiếng súng cối phá tan sự tĩnh lặng.

Rút quân

Sáng hôm sau, chúng tôi lại lên chiếc Black Hawk đến căn cứ thủy quân lục chiến ở Fallujah nằm ở vùng phía tây khô cằn của Iraq, thuộc tỉnh Anbar. Ở phần Anbar do người Sunni chiếm đóng đã diễn ra một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất chống lại quân nổi dậy, và không khí doanh trại ở đây khắc nghiệt hơn nhiều so với ở Vùng Xanh; chỉ hôm trước thôi năm lính thủy đánh bộ đi tuần đã chết do bom bên vệ đường hoặc do vũ khí nhẹ của quân nổi dậy. Quân lính ở đây trông cũng ít kinh nghiệm hơn, phần lớn mới ngoài 20 tuổi, rất nhiều anh chàng mặt còn mụn và cơ thể vẫn đang lớn.

Vị tướng chỉ huy doanh trại đã thu xếp một cuộc gặp ngắn và chúng tôi nghe các sĩ quan cao cấp nói về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của quân Mỹ: nhờ khả năng được cải thiện nên họ bắt được ngày càng nhiều thủ lĩnh quân nổi dậy, nhưng cũng giống như các băng đảng đường phố ở Chicago, cứ mỗi khi họ bắt được một tên thì có vẻ như luôn có hai tên khác sẵn sàng thay thế. Không chỉ chính trị mà điều kiện kinh tế cũng góp phần gây ra tình trạng nổi loạn - chính phủ thì bỏ mặc Anbar, còn tỉ lệ đàn ông thất nghiệp lên tới xấp xỉ 70%.

“Chỉ cần hai hay ba USD là anh thuê được bọn trẻ đặt bom rồi - một sĩ quan nói - Ở đây chừng đó là một số tiền lớn”.

Đến cuối cuộc họp thì trời hơi có sương mù nên chúng tôi phải hoãn bay đến Kirkuk. Trong khi chờ đợi, nhân viên phụ trách chính sách ngoại giao Mark Lippert đi lại nói chuyện với một sĩ quan cao cấp, còn tôi bắt chuyện với một trong những viên thiếu tá phụ trách chống phiến quân vùng này. Khi viên sĩ quan tùy tùng ra hiệu máy bay đã sẵn sàng cất cánh, tôi chúc viên thiếu tá gặp may mắn và đi ra máy bay. Mark đi ngay cạnh tôi và tôi hỏi anh thu được gì sau khi nói chuyện với viên sĩ quan cao cấp kia. “Tôi hỏi ông ta nghĩ cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là gì”. “Thế ông ta bảo sao?”. “Rút quân”.

Câu chuyện Mỹ can thiệp vào Iraq sẽ còn được phân tích và tranh cãi trong nhiều năm tới - thật ra đó vẫn là một câu chuyện đang dở dang. Nhưng cũng không quá sớm để rút ra một vài kết luận từ những gì chúng ta đã làm ở Iraq. Bởi khó khăn xuất hiện không chỉ do làm việc kém mà chúng còn phản ánh nhận thức sai lầm. Thực tế là gần năm năm sau sự kiện 11-9 và 15 năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Mỹ vẫn chưa có chính sách an ninh quốc gia mang tính gắn kết.

Tại sao lại đưa quân đến Iraq chứ không phải Bắc Triều Tiên hay Myanmar? Có phải chúng ta định sử dụng sức mạnh quân sự ở bất cứ đâu có chế độ độc tài khủng bố người dân, và nếu như vậy thì phải ở lại bao lâu để đảm bảo đất nước đó có nền dân chủ vững chắc? Chúng ta cần thông qua Liên Hiệp Quốc trong mọi vấn đề hay chỉ thông qua khi họ sẵn lòng phê chuẩn các quyết định của chúng ta?...

Tôi không dám nói tôi có sẵn chiến lược lớn này trong túi. Nhưng tôi biết tôi tin vào cái gì và tôi sẽ đề xuất một vài vấn đề mà người dân Mỹ sẽ thống nhất, đó là những điểm khởi đầu cho sự đồng thuận mới.

Mùa thu năm 2002, tôi quyết định sẽ tranh cử vào thượng viện liên bang và tôi biết cuộc chiến diễn ra ở Iraq sẽ là đề tài lớn trong mọi chiến dịch vận động. Một nhóm các nhà hoạt động xã hội ở Chicago đề nghị tôi phát biểu trong một cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh sẽ diễn ra vào tháng mười.

Trước 2.000 người tập trung ở quảng trường liên bang ở Chicago, tôi giải thích rằng không như nhiều người trong đám đông, tôi không phản đối mọi cuộc chiến tranh, rằng ông tôi đã nhập ngũ ngay sau ngày Trân Châu cảng bị ném bom. Tôi cũng nói “sau khi chứng kiến vụ giết chóc và phá hủy, khói bụi và nước mắt, tôi ủng hộ quyết tâm của chính phủ sẽ tìm kiếm và nhổ tận gốc bất cứ kẻ nào đã giết hại những người vô tội nhân danh sự tàn ác”, và “chính tôi cũng sẵn lòng cầm vũ khí để ngăn không cho thảm kịch đó tái diễn”. Cái tôi phản đối là “một cuộc chiến ngớ ngẩn, vội vàng, không dựa trên nguyên nhân nào ngoài sự giận dữ, không dựa trên nguyên tắc gì ngoài phục vụ chính trị”.

Và tôi nói tôi biết ngay cả thắng được chiến tranh Iraq thì Mỹ vẫn sẽ mất không biết bao nhiêu thời gian, bao nhiêu chi phí và không thể lường hết được hậu quả. Tôi biết nếu chúng ta xâm lược Iraq mà không có lý do cụ thể cũng như không được quốc tế ủng hộ, hành động đó chỉ thổi bùng lên ngọn lửa ở Trung Đông, khuyến khích thái độ xấu nhất chứ không phải tốt nhất của thế giới Ả Rập, cũng như đẩy mạnh quá trình tuyển mộ của Al Qaeda.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Diễn văn chiến thắng của ông Barack Obama

    09/11/2015Thượng nghị sỹ Barack Obama đã có diễn văn tuyên bố chiến thắng trước các ủng hộ viên vào đêm 4/11/2008...
  • Mạng xã hội ảo My.BarackObama vẫn tiếp tục hoạt động sau bầu cử

    11/11/2008Hoàng Dũng - (Computerworld)Website mạng xã hội ảo My.BarackObama.com sẽ vẫn được duy trì hoạt động bình thường tiếp tục đóng vai trò như là một kênh hợp tác hiệu quả giữa những người ủng hộ ông Barack Obama.
  • Từ "hiện tượng Obama" đến những chuyển biến mang tính thời đại

    09/11/2008GS Tương Lai"Hiện tượng Obama không chỉ là một sự kiện của một quốc gia dù cho đó là một siêu cường, mà là một hiện tượng mang tầm vóc nhân loại ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với những biến động dồn dập." - GS Tương Lai nhận xét.
  • Thế hệ sau năm 1968

    06/11/2008Meta WagnerCách đây 40 năm, thế giới bàng hoàng vì các phong trào đấu tranh của sinh viên. Có phong trào đấu tranh đã thành cuộc cách mạng lớn khiến nhiều hệ thống chính trị phương Tây phải thay đổi. Nhiều xu hướng, phong cách sống, hệ tư tưởng… đã được định hình trong năm 1968 (hoặc trước, sau đó một năm).
  • “Đây là lý do anh nên làm tổng thống”

    05/06/2008Gia BảoKết thúc vòng bầu cử sơ bộ, ông Barack Obama đã giành được sự ủng hộ của hơn 2.118 đại biểu, qua đó trở thành ứng cử viên tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Kaith Olbermann, nhà bình luận của kênh truyền hình Mỹ MSNBC, thậm chí so sánh chiến thắng này là một cột mốc giống như sự kiện nhân loại lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng…
  • Về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

    14/04/2008TS. Ngô thanh NhànHồn Việt đã có cuộc phỏng vấn về chủ đề này đối với một số bạn đọc Hồn Việt tại Mỹ và ngay lập tức, TS Ngô Thanh Nhàn (New York University) và GS. Sophie Quinn - Judge (Temple University) đã trả lời. Các vấn đề mà hai vị đặt ra rất sâu sắc và mới...
  • Tranh cử thời Internet

    09/07/2007Văn HoaĐiều đó có cơ sở hẳn hoi: Theo số liệu của Viện Thống kê Pew. MichaelCornfield, Phó Chủ tịch Công ty Electionmall chuyên cung cấp công cụ vận động tranh cử qua mạng, bình luận chí lý: "Internet tuy chỉ gây chú ý đối với những người thích chính trị và các bộ sậu vận động tranh cử. Nhưng nó cũng là một thứ quyền lực khổng lồ, dù gián tiếp.
  • xem toàn bộ