Con người biến đổi

03:43 SA @ Thứ Sáu - 22 Tháng Giêng, 2010

Đến bây giờ chúng ta đã biết rằng nước mình không còn rừng vàng biển bạc, rằng nước mình thực sự đất chật người đông - hơn cả Trung Quốc tính theo mật độ và bình quân đất đai canh tác trên đầu người. Vậy đó! Ai còn mơ màng bài ca thiên nhiên ưu đãi thì hãy xem lại mình có ở trên mây hay không.

Nhìn vào các thành phố lớn mới thấy cái sự đông đúc làm cho mình cứ phải nghĩ ngợi. Những lý lẽ như đất chật người đông, kinh tế thị trường nhộm nhoạm, hay vì khó nhọc mưu sinh… xem ra không biện minh nổi cho những điều khiến mình xót xa.

Một biển người trên sân vận động hay một đám đông bên dưới sân khấu ca nhạc không nói lên đặc điểm riêng của cộng đồng ấy, cũng bởi vì người ta đang vui, người ta được liên kết trong trạng thái thả lỏng, thư giãn, thậm chí thăng hoa. Nhìn đám đông trên đường phố ở ta mới thấy xứ mình thật khác với xứ người.

Cũng đi lại, cũng kiếm sống, cũng xê dịch mà sao chúng ta bon chen, bất chấp, hung tợn như vậy? Có vật gì đó bất an trên đường, có chuyện gì đó bất an ở nhà, có điều gì đó bất an trong lòng của mỗi người chăng? Ai cũng nóng nảy và hối hả, ai cũng muốn quát vào mặt người khác, ai cũng thủ sẵn tiếng còi để đối đáp với kẻ phía trước, ai cũng sợ tai nạn nhưng lại sẵn sàng bất cẩn.

Đơn cử một gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con sống trong một khu chung cư vừa cũ vừa nát, đại diện cho số đông của cư dân thành phố bây giờ. Họ bắt đầu những giây phút sum họp trong ngày bằng những nội dung quen thuộc: người chồng than phiền đường sá rồi đôi lần chửi đổng, văng tục; cô vợ kêu ca chuyện công sở nát tương như thể chiến trường; đứa con trai lớn hậm hực với đống bài tập trên bàn, nói bố mẹ đừng có ồn ào con đang khùng lên đây; cô con gái nhỏ bệu bạo rằng cô giáo dọa nếu không đưa con đi học thêm thì cô không chịu trách nhiệm đâu đấy!

Vị trí đặt quảng cáoCó tiếng chửi nhau ở nhà hàng xóm đối diện, lại “cái đôi” lúc nào cũng tiền tiền; cửa sổ lập tức bị đóng lại, vợ nói may quá, tối nay chỉ bị mệt một bên tai, “cái đôi” già dưới đất mà choảng nhau như mọi khi thì khu phố thành dàn giao hưởng có cỡ!

Có tiếng hô: Cháy! Cháy! Thì ra gã nghiện của căn hộ đầu dãy đang đốt nilông trong phòng để dọa vì ông bố không chịu xì tiền… Không gian đang đầy kịch tính bỗng dưng bị nhà đèn cắt điện. Đám chửi nhau im bặt, cơm nước chưa kịp dọn lên, con cái không thể học bài, bốn thành viên trong nhà đành mỗi người một góc ngã vật ra, ngao ngán.

Tưởng rằng chỉ ở thành phố thì con người mới phải chịu sức ép có tên là cuộc sống công nghiệp. Sau đây là đơn cử một gia đình nông dân cũng với bốn thành viên gọn ghẽ theo tinh thần: mỗi nhà chỉ nên có hai con. Họ cũng chỉ có thể quây quần bên nhau vào lúc chạng vạng. Chồng hỏi vợ khóa chuồng gà chưa, độ rày ăn trộm như rươi; vợ gật đầu hỏi lại sao ống khóa cho chiếc vỏ lãi còn ở trên nhà, bộ lát nữa ông định phóng xuống Ngã ba sung sướng hả; đứa con trai lớn vùng vằng nói ba cứ bài bạc hoài thì con bỏ học; cô con gái nhỏ nói má ơi đóng tiền mua sách, không phải sách giáo khoa chính đâu mà là sách tham khảo! Người chủ gia đình không hiểu sao trồng gì nuôi gì cũng dập bầm giá cả, người vợ không hiểu sao thôn quê nát bét ra; đứa con trai không hiểu sao mình bơ vơ quá đỗi và cô con gái thì không hiểu sao ngày nào ba mẹ cũng hục hặc với nhau.

Xã hội nào cũng có những bất trắc do con người đông đúc lên, ích kỷ hơn, buông thả đi và khí hậu thì đang biến đổi. Nhưng hãy xem người Lào họ hiền hòa như thế nào trong cách ăn và nết ở; hãy xem người Campuchia họ sáng tươi như thế nào trong cuộc hồi sinh thần kỳ của họ; hãy xem người Trung Quốc kiêu hãnh như thế nào trong cách họ kiến tạo vị thế quốc gia; hãy xem Singapore vững chắc như thế nào trong quá khứ và tương lai của đảo quốc giàu sang ấy.

Chúng ta có một lịch sử trận mạc dằng dặc, mấy cuộc chiến liền đã biến Việt Nam thành xã hội rất khó xác lập kỷ cương và con người hiền hòa với đời thường. Dám chắc sẽ có rất nhiều ý kiến phản bác nhận định này. Nhưng, như đã nói, hãy tách ra và quan sát một đám đông chúng ta trên đường phố vào giờ tan tầm đi đã. Có đúng là bặm trợn, bất cần và sẵn sàng giẫm đạp nhau không?

Bao giờ thì người Việt Nam được tự hào mình là con dân của đất nước hiền hòa, lành mạnh, văn minh và giàu có? Làm sao cho mỗi người nhận thấy và cùng hành động để thay đổi?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: