Con người, kết quả của một tiến hóa
Con người không chỉ là động vật giữa muôn ngàn động vật khác. Bởi vì những động vật khác chỉ cần sống như con vật mà thôi, chứ con người thì còn phải sống sao cho ra người nữa. Mà để sống cho ra người thì phải có văn hóa.
Để có văn hóa, nhờ đó sống cho ra người, người ta lại phải sống thành xã hội, bởi lẽ chỉ có văn hóa và phát triển văn hóa giữa lòng một xã hội.
Vậy văn hóa là gì, xã hội là gì, và hai đằng liên quan với nhau ra sao?
Để đi sâu vào những vấn đề ấy, không thể không chất vấn chính con người, con người trong bản chất của nó, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể.
Vũ trụ với con người
Người xưa ai mà chả nhìn ra "Nhân linh ư vạn vật", nhưng đồng thời vẫn cảm nhận mình thuộc vũ trụ đây.
Con người cao hơn vạn vật đâu phải nhờ thân xác, bởi nói về sức thì nó chẳng bằng voi; về nhanh, khéo nó không tày con vượn, con tằm... Vâng, nó vượt cao hơn hết nhờ vào một cái gì đó khác hẳn.
Này nhé, nếu con tằm kéo tơ dệt kín số dách, thì nhiều triệu năm nay chiếc kén ấy vẫn nguyên trạng, chẳng gì thay đổi cả. Chứ con người, mới đây mấy ngàn năm còn chui rúc trong hang, mà nay đã nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ; mới đây mấy trăm năm còn sợ cọp như "Chúa sơn lâm", mà nay đứng ra bảo vệ cọp đang trên đà tuyệt giống; mới đây nữa không lâu, còn không thể chạy nhanh như hươu thỏ, thông tin xa như "cá ông", mà nay thì hỏa tiễn phóng đến cung Hằng, sao Hỏa, và nối mạng Internet khắp hoàn cầu.
Quả thật, con người sinh ra trần trụi và rất yếu đuối, nhưng nó mang theo khi sinh cái khả năng để tiến hóa đến vô cùng vô tận, cái khả năng để dù chìm nghỉm giữa muôn vật, nó sẽ ngoi lên, rồi đứng trên để làm chủ khắp. Là gì cái khả năng kỳ diệu ấy? Và với siêu khả năng ấy, làm sao con người vẫn thuộc thế giới vật chất này?
Để giải quyết vấn đề, kinh thư Do Thái giáo quy hết cho sự sấp đặt của Yavê: Yavê đấng tối cao đã tạo nên con người như thế,
Con người vừa làm bằng đất (adâmâ), vừa chứa sinh khí (neshama) do Yavê thổi vào (Sáng thế thư 2.7), mà theo 6.3, thì hơi sống ấy cũng là hơi thở (trình) của Ngài, hơi thở mà ai có sẽ thành khôn ngoan để phán đoán và quản trị. Ngài ra, con người còn được tạo sinh theo hình ảnh Ngài (l.26-27), và tạo sinh cuối cùng, như thể đích điểm và đỉnh điểm của tạo thế.
Nếu huyền thoại cổ Lưỡng Hà nói trên coi con người như đỉnh điểm của Tạo thế, thì huyền thoại cổ Ấn lại lấy con người làm gốc và nguồn của vũ trụ này. Đây là Con người thần thánh nguyên sơ Purusa, và việc tạo thế trên cái nền là Con người ấy được diễn tả dài dòng trong bốn kinh thư thuộc loại căn bản và truyền thống nhất: Rg-veda, Atharva-veda, Vâjasaneyi-samhitâ, Taittriya- âranyaka, nên có âm vang sâu xa đến toàn tư tưởng Cổ Ấn Độ.
Theo huyền thoại nói đó, thì từ tế phẩm quan trọng nhất là Con người Purusa mà vạn vật đã được làm nên, với mắt nó thành mặt trời, với tâm trí nó thành mặt trăng, với tai nó thành gió, với miệng nó thành lửa, với đầu nó thành trời cao, với chân nó thành đất thấp. với rốn nó thành khoảng không trung..., để rồi tất cả những yếu tố này lại được thu hồi trở lại trong những con người thường phàm, với lửa chui vô thành miệng, mặt trời chui vô thành mất, chị Nguyệt chui vô thành tâm trí (manas).v.v... Và như thế, Con người vừa là gốc của thế giới, vừa thu tóm cả thế giới ấy vô trong mình luôn.
Trong học thuyết Sâmkhya, Purusa nói trên biến thành Tinh thần tuyệt đối. Nhờ sự có mặt của Purusa như chất xúc tác, mà vật chất bản sơ Prakrti tự biến hóa thành muôn loài muôn vật. Và đây là một biến hóa song hành nó làm nên một bên là cái Tâm.bên trong để tri thức, bên kia là cái Vật ngoại thế để được tri thức bởi Tâm. Do đó mà Tâm-vật liên quan mật thiết với nhau. Sở dĩ có liên quan này và song hành ấy. là vì Tạo thế bắt nguồn từ ý thức (làm nên) cái Tôi (Aham-kâra) nơi Bản nhiên hay Prakrti. nó cũng là sự phân cực của Prakrti thành khiếu năng bên trong của Tâm và thế giới bên ngoài như đối tượng của tri thức.
Sự tạo thế, xưa cũng như nay, luôn được nhìn ra trong sự kết hợp giữa Chất và Lý, khiến cho mọi vật được hệ thống hóa để thành khả tri, và mọi biến hóa được diễn ra nhịp nhàng trong quy luật Trong Sâmkhya, cái Lý ấy tiềm sẵn trong vật chất, nhưng chỉ tác động nhờ sự có mặt xúc tác của Tinh thần. Với chủ nghĩa duy vật chất ngày nay, cái Lý tiềm sẵn ấy vận hành tự mình, không cần đến thứ Tinh thần thừa kia. Còn với Khổng giáo, thì Lý là do Thiên mệnh chiếu in thành Tính hay cái Đạo dịch biến của muôn vật bên ngoài, thành Tính hay cái Đạo làm người ở lương tri chúng ta. Do đó, chỉ cần Cách vật hay nghiệm suy thấu đáo về Cách Vận hành của vũ trụ, và Trí tri hay chìm vô Tâm bằng Thành ý để nghe ra tiếng nói lương tri là sẽ hiểu được Mệnh Trời ngay.
Cũng như bên Đông, người phương Tây xưa luôn coi vũ trụ là một cơ thể lớn và thân xác chúng ta là sự rút gọn của cơ thể lớn này. Với Zenon bên Hy Lạp ( 336-264 trước CN), Lý đến từ Hồn Logos nó sống động hóa và điều khiển hoàn vũ. Hồn Logos ấy là một với cái hồn thông minh trong con người chúng ta.
Nếu với Zenon, trong mỗi người chỉ có một hồn, và hồn này đơn giản, thì với Plotin (205-270 sau CN ), hồn gồm bởi hai thành phần khác nhau, dù trong tiểu vũ trụ là con người hay trong đại vũ trụ cũng thế. Và đây là thành phần lý tính nó hướng về khả tri khả lý, và thành phần phi lý tính nó hướng về khả giác nên cũng đầy ham muốn luôn. Có lẽ học thuyết này đã có từ xa xưa. khi mà chính Thánh Phao lô, hai thế kỷ trước Plotin, cũng phân biệt nơi con người cái tinh thần pneuma nó hướng lên và cái hồn sống psukhê nó ghì xuống.
Sự phân biệt nói trên cũng phù hợp với Trung Quốc khi họ quan niệm ác hai thứ khí: Dương khí hay Thần nó nhập vô con người thành "phần Tinh anh", và âm khí hay Quỷ (theo ý nghĩa dùng trong Lễ ký) nó nhập vô con người thành Phách (vía) để sống động hóa xác thể: "Thác là thể phách, còn là tinh anh" (Truyện Kiều).
Với Hy Lạp nói chung, nếu hồn cá nhân chỉ hiện hữu nhờ tham phần vào hồn vũ trụ, thì khuyết điểm (của con người), như hướng ngã và hướng giác lại chỉ thuộc hồn cá nhân thôi, khiến để bay lên, hồn này luôn phải hướng thượng và mở ra để hòa nhập với hồn hoàn vũ. Có vẻ như đây là một hòa tan, để biến mất trong đó. Giống như chủ trương của Thông thiên học: Hồn cá nhân chỉ là những mảnh bán ra từ Chân như, để rồi sau đó lại trở về với Chân như duy nhất này. Có điều Chân như của Thông thiên học vốn có xuất xứ từ Ấn Độ (dù do một phụ nữ Mỹ khai sáng) lại không phải là Hồn của vũ trụ. Vũ trụ, trong con mắt của hiền nhân Ấn Độ, do tính vật chất phức đa và biến dịch của nó, thường bị coi rẻ, coi như không có, và luôn là trở ngại lớn cho sự giải phóng tinh thần.
Như thế, với người xưa, con người xem ra có một nguồn gốc và cứu cánh vượt xa trên thế giới này, khiến cho sự khẳng định mình cũng là phủ định vật chất luôn. Kết quả là họ coi con người hoặc chỉ là tinh thần thôi, hoặc tinh thần và thể phách một lượt, nhưng tinh thần cao hơn và hai đằng chống nghịch nhau.
Con người từ con vật?
Như đã trên, con người trong quan điểm cổ nhân vừa là loài trên hẳn mọi loài, vừa cách nào đó thuộc vũ trụ của chúng ta. Và để giải thích, họ thường phân con người thành hai phần: Tinh thần và Chất thể, với chất thể được sống động hoá thành thân xác bởi hồn sống được gọi là phách, vía, psukhê.
Ngày nay, thế giới hướng về một thứ người "nhất thể", chứ không "nhị thể", tức nhị phân như trước. Và con người "nhất thể" ấy từ trong vật chất mà tiến hoá thành.
Thuyết tiến hoá chính thức xuất hiện cách đây hai thế kỷ, và bắt đầu giới hạn ở sự sống, để cuối cùng mở rộng tới con người một mặt, và mặt kia tới cả khoáng chất luôn.
Năm 1800, Lamarck cho rằng sinh vật biến hoá (trans-form) do sử dụng nhiều năm hay không sử dụng hay không sử dụng một chi thể: Chi thể nào hoạt động nhiều thì phát triển, chi thể không hoạt động thì teo chột đi. Ngoài ra, những gì đã hình thành ở cha mẹ cũng được di truyền cho con cháu.
Nửa thế kỷ sau ông, năm 1859, Darwin, giải thích biến hoá bằng một nguyên lý khác: "Chọn lọc tự nhiên", cũng là "Đấu tranh để sống còn". Đúng là các sinh vật phải giành giật nhau thức ăn, chỗ ở, bên phối ngẫu, nói chung, các điều kiện bảo dưỡng và truyền sinh, khiến con khoẻ thì tồn tại, thích nghi tốt với môi trường thì biến đổi, và những biến đổi này được di để cho con cháu.
Sự biến đổi và di truyền rồi sẽ được Mendel minh chứng năm 1866 bằng thí nghiệm phối giống: đực cái cùng chủng loại, khi giao hợp với nhau, sẽ đưa di truyền của mình gom lại trong con, và di truyền này cứ tồn tại trong thế hệ kế tiếp, thì gen tích tụ đa dạng có thể làm hoàn toàn.
Thật ra, một biến loại lớn thành biến chủng hay tiến hoá vĩ mô thì phải chờ sang thế kỷ XX mới được giải thích bởi nhà thực vạt học Hugo De Vrise, khi ông chỉ cho thấy, vào một thời điểm nhất định, một tỷ lệ nhỏ cá thể của một chủng sinh vật sẽ đồng loạt đột biến thành chủng khác do biến đổi thai chủng (germen).
Sự biến hoá nói trên sẽ được quan niệm lại tiến hoá, và sự tiến hoá ấy một mặt nới rộng tới con người, mặt kia ngược dòng tới cả khoáng chất nữa.
Tới con người ư ? Loài khỉ xem ra rất giống với chúng ta, từ hình hai cho đến bộ dạng và tư thế đứng thẳng nó giải phóng hai tay cho việc nắm bắt, rồi vận dụng công cụ. Nhưng đây mới chỉ là "xem ra", vì giữa hai mốc, khỉ và người, còn có cả một khoảng cách. Thế là từ hàng thế kỷ nay, người ta cố lấp đầy khoảng cách ấy trên bình diện hình thái học (và giải phẫu học), bằng cách tìm ra qua khảo cổ những bộ xương trung gian. Và người ta đã tìm được một phần. Xem ra tổ tông thứ nhất - tiền thân thứ nhất thì đúng hơn - của giống người là loài Australopithecine (africanus và robustus) hoặc loài nào khác gần giống và có mặt và đồng thời, kế đó là loài Homo sapiens tổ trực tiếp của chúng ta). Cũng ngày nay, người ta nghĩ rằng giữa các khỉ vượn, chỉ khỉ tinh tinh (chimpazé) mới đúng là tiền thân của giống người.
Sự phát triển mạnh của khoa Di truyền học từ mấy thập kỷ này mở ra cho khoa học một hướng tìm tòi mới về nguồn gốc loài người. Vâng, người ta chỉ việc nghiên cứu và mang ra so sánh những hệ gen (génome) và từng chuỗi nucléotide. Mã số di truyền nằm ở trình tự (séquence) các nucléotide này.
AND làm thành bởi các đơn vị gọi là là nucléotide, mỗi nucléotide ấy bao gồm phosphate, đường désoxyribose và một trong 4 chất kiềm: A(adenine), G(guanine), C(cytosine), T(thymine). Hai chuỗi nucléotide làm thành thang xoắn dọc theo phân tử AND. Nối hai chuỗi lại với nhau có các nguyên tử H nó buộc A của chuỗi này với T của chuỗi kia, và C của một chuỗi với G, của chuỗi còn lại. Để được như thế, nếu chuỗi bên trái có trình tự (Séquyence) ACGTGCA, thì chuỗi bên phải sẽ là TGCACGT...
Biết bao nhiêu loại gen sinh ra do biết bao những trình tự ấy, và mỗi gen còn những trạng thái hay alen khác nhau, khiến việc so sánh gen không phải là đơn giản. May mà gần đây người ta đã khám phá ra cách giới hạn sự truy tìm vào gen đàn ông thôi.
Số là hệ di truyền của một người là do đóng góp của 2 cha mẹ, 4 ông bà, 8 tằng, v.v... nên chỉ cần tìm đến nhiễm sắc thể giới tính, vâng, chỉ một trong 23 cặp nhiễm sắc thể. Và trong nhiễm sắc thể giới tính kia, giữ lại nhiễm sắc thể Y chỉ đàn ông mới có.
Y và X rất khác nhau, nên khó có thể trộn với nhau khi nam nữ giao phối, nhờ đó Y tồn tại nguyên vẹn được từ đời nọ sang đời kia, khiến chỉ cần nghiên cứu những biến đổi của Y là đủ để tái tạo cây phả hệ nam giới. Tái tạo được nhờ "đồng hồ phân tử" (horlogemoléculaire), khi mà những đột biến bất ngờ (mutations aléatories) luôn diễn ra đều đặn, khiến cứ 1 triệu năm thì hệ gen thay đổi từ 2 đến 4 phần trăm. Như thế, chỉ cần xem bộ xương người tiền sử nào có trình tự gen với của con tinh tinh nhất, thì người tiền sử ấy chắc là thuỷ tổ loài người. Thật ra, con tinh tinh không phải là tiền thân của giống người đâu, nhưng nó cũng có một tổ với chúng ta (X.x Science et vie, Avril 98, tr 88tt.).
█
Và từ Quantum ban sơ.
Nếu thế kỷ XIX nhìn ra quan hệ tiến hoá giữa các loài sinh vật, thì thế kỷ XX lại đưa ngược dòng tiến hoá ấy đến tận khoáng chất, thậm chí đến tận Lượng tử ban sơ (Quantum initial) với học thuyết "Tiếng bùng lớn" (Bigbang).
Năm 1929, nhà thiên văn học Mỹ E. Hubble phát hiện các thiên hà ngày càng đi xa dải Ngân hà của chúng ta: bằng chứng về sự giãn nở liên tục của vũ trụ này. Nếu lội ngược dòng giãn nở ấy, chúng ta hẳn gặp điểm 0, cũng là thời điểm 0, cũng là điểm xuất phát của vật chất, của vũ trụ. Thế nghĩa là vào thời điểm KHÔNG, và ở điểm KHÔNG ấy, tất cả bị dồn tới vô cùng, để nổ bung trong một tiếng NỔ LỚN: Bigbang. Và cuộc tiến hoá diễn ra ít từ 15 tỷ năm nay. Một số những giai đoạn tiến hoá ấy đã được thực hiện thu nhỏ trong "phòng" thí nghiệm.
Các vũ trụ này quả đã bắt đầu bằng những cái KHÔNG thật lớn như thế đấy: không vật chất, không không gian và không thời gian, với cái Lượng tử ban sơ không hình dạng, như một thứ Hỗn mang nào đó. Để rồi liền sau tiếng nổ, tới thời điểm mới chỉ 10-43 giây, bắt đầu xuất hiện các photon cùng với những hạt tối cơ bản và siêu nhẹ: electron-positon và neutrino. Sau đó, tới lượt những hạt cơ bản nặng là quarks, như những viên gạch xây nên proton (và phản-proton), neutron, chúng sẽ phối hợp thành hạt nhân của các nguyên tử sau này.
Thật ra, phải chờ đến thời điểm lớn hơn một giây, proton và neutron mới kết lại được những hạt nhật không vững của tritium và helium, rồi đến phút thứ ba, khi nhiệt độ giảm xuống còn 3 tỷ Kelvin thôi, mới có các hạt nhân vững của helium, hydrogen, deuterium. Dạng vật chất khi ấy là Plasma (như cháo), và plasma này sẽ chuyển thành khí.
Các đám mây khí hydrogen và helium, bởi sức nén tạo ra do vạn vật hấp dẫn, bởi phản ứng nhiệt hạch từ tâm gây cân bằng ở bề mặt, sẽ kết tụ thành những ngôi sao. Ở lò lửa các ngôi sao được đun nóng thêm do khí helium và carbon bốc cháy, sẽ xuất sinh các nguyên tử cho chúng có hoá tính để từ đó diễn ra những phản ứng hoá học cần cho sự sống sau này. Và đây là các nguyên tử Natrium, carbon, oxy... rồi tắt. Để giải phóng nguyên tử sắt vốn khá nặng, các nhiên liệu còn lại sẽ bị đốt hết, khiến ngôi sao cạn kiệt, không phát sáng nữa: sao chết.
Một khi do lực hấp dẫn mà bị nén tới độ chót, sao sẽ nổ tung thành một siêu sao mới, và sứ mạnh vụ nổ sẽ tạo ra những nguyên tử nặng hơn sắt, như bạc và vàng. Do sức nổ này, các mảnh bắn vào không gian có thể tự tạo nên những hành tinh, và hành tinh có thể mang sự sống.
Vũ trụ hôm nay được thiết kế trên bốn lực cơ bản và nhiều hằng số. Bốn lực ấy là: (A) lực hạt nhân mạnh nó kết proton với neutron để làm nên những loại hạt nhân khác nhau (cho các nguyên tử khác nhau), (B) lực điện từ nó kết electron (vốn âm) với những hạt nhân (vốn dương) nói trên, nhờ đó làm nên các nguyên tử, (C) lực hấp dẫn, và (D) lực tương tác nhẹ.
Còn hằng số, thì phải kể trước tiên đến hằng số hấp dẫn, và liền sau đó là hằng số vận tốc ánh sáng. Các hằng số này được tính toán vô cùng chính xác và kỳ diệu, nhờ đó mới có sự sống hôm nay. Này nhé, chỉ cần hằng số hấp dẫn lớn hơn một tí, thì các sao vì co hẹp nhanh, tiêu hao năng lượng mạnh, sẽ không kịp phức tạp hoá và tiến hoá về phía sự sống. Bằng như sức hấp dẫn bé hơn một tý, thì thiên thể không suy sụp đủ để làm nên các vì sao, trên đó hình thành các nguyên tố nặng nền tảng của sự sống.
Như viên gạch thật sự của sự sống, đó là acid amin chúng hợp làm nên các protein, và acid nucleic kết thành nhân tế bào.
Acid amin ngày nay khoa học có thể tạo nên chúng bằng cách phóng điện và làm ra bão từ trong một môi trường methan, ammoniac, hydrogen, hơn nước, oxy... hoặc bằng cách mô phỏng một môi trường giống như không gian quanh các vì sao mới, ở đó thường có bão mạnh nó mang các hạt cơ bản tới bắn phá bụi vũ trụ ở đây. Nói cách khác, acid amin có thể được tạo ra giữa các vì sao, ở đó sẵn nhiều chất hữu cơ như formaldehyd và acid cyanhydric từ đó làm nên acid amin. Chỉ có điều phân tử hữu cơ sinh ra giữa các vì sao thì hướng tả (levo-gyres) giống như trong phản ứng sinh hoá bình thường, còn (bằng phản ứng hoá học) trong phòng thí nghiệm, nghĩa là điều kiện hôm nay của Trái Đất, thì chúng có hai loại hướng tả và hướng hữu với số lượng bằng nhau. Thế là đã rõ, những acid amin đầu tiên được tạo sinh giữa các vì sao, để từ đó được mang tới Trái Đất. Mà quả thế, những vẩn thạch tìm thấy năm 1969 ở Úc có chứa acid amin, và các acid amin này phân cực ánh sáng về phía trái. Cố nhiên chúng cũng có thể tạo sinh trên Trái Đất, nhưng trong những điều kiện khí hậu hoàn toàn khác của cách đây 4 tỷ năm, khi mà hoạt động núi lửa đi đôi với sự bắn phá dữ dội của các vẩn thạch vào giữa một khí quyển dồi dào các chất oxyde carbon và dioxyde carbon, cùng với hơi nước, diêm sinh, methan, và natrium (Xx. Science et vie, Oct. 1998, tr. 69 -72).
Có điều một mình acid amin với chức năng chuyển hoá hay trao đổi chất (metabolism) sao đủ để làm nên một sinh vật với cả khả năng tự sinh sản; Do đó cần đến loại gạch khác nữa. Và đây là cái mà di truyền học, ra đời vào thế kỷ XX, phát hiện acid nucleic (hạt nhân) với hai chất AND và ARN chúng hợp tác với nhau trong sinh sản (để thay thế) các tế bào: AND làm thành những chuỗi và trình tự (sequence) gen chúng chứa thông tin di truyền, mà dựa vào đó, ARN chế biến các loại protein phù hợp.
Ngoài hai chức năng chuyển hoá sinh sản ra, sự sống còn đóng vai trò là cá thể hoà một toàn khối tế bào thành cơ thể thống nhất của một sinh vật duy nhất, với khả năng tự sống khi quy mọi hoạt động về mình, đồng thời phân mình ra khỏi những cá thể khác và môi trường xung quanh.
Acid amin là acid hữu cơ. Để làm nên những cơ thể sống, chúng phải kết chùm với nhau (polymerisation) thành những đại phần tử, lắm khi lên tới cả hàng triệu nguyên tử. Sự kết chùm trong cơ thể sống là tự nhiên , nhờ ARN sao chép (réplique); còn ngoài cơ thể sống thì có lẽ chỉ trong môi trường đất sét nó có khả năng tự sao chép thành chùm (réplique) và truyền lây khả năng ấy sang cho acid amin kế bên.
Nếu Protein có thể tự sao chép hay nhân bản ( do nguyên tắc tự xúc tác, auto-cattalyse), thì phải chăng sinh vật thứ nhất có thể được làm nên thuần bằng protein, nghĩa là bằng một tế bào không nhân? Mà thật ra, một số hoá thạch có chuỗi hàng tỷ năm đã là các đơn bào không nhân, như thế đấy.
Có điều năm 1960, rồi tiếp đó 1980, người ta phải ngỡ ngàng khi phát hiện các virus, chúng không đủ làm nên dù chỉ một tế bào, khi mà chúng chỉ có ARN thôi. Năm 1980, hai nhà di truyền học Mỹ chứng minh được rằng ARN tự mình có khả năng thông tin di truyền và xúc tác các phản ứng sinh-hoá. Và như thế, sự sống đã có thể xuất hiện hoặc với ARN suông, hoặc với acid suông.
Sự nới rộng tiến hoá, về phía sau đến con người, về phía trước đến tận Lượng tử ban sơ, giúp củng cố về ý tưởng về một Loài người như tột điểm và đỉnh điểm của con đường tiến hoá, một con đường thôi, nhưng rất dài và phức tạp. Và như thế, phải chăng con người thành mục đích và ý nghĩa duy nhất của tạo thế? Ta hãy nghe ý kiến sau đây của J.B Robinet:
- "Trên đỉnh chiếc thang dài các cư dân Trái Đất, có con người, nó là cư dân hoàn hoả nhất: Không những con người gom vào mình mọi phẩm chất của mọi cư dân khác, mà hết thảy những gì tương hợp với phẩm chất ấy nơi cùng một yếu tính, thì con người cũng có luôn, mà có ở mức hoàn hảo tối cao. Con người đúng là kỳ công của thiên nhiên, nó ở đỉnh cuối trên thang cấp mọi loài"1
1 Trưng dẫn bởi Fr. Tinland trong tập biên “Etudes d’anthropologie philosophique”, Louvain-La-Neuve, 1984, tr.40
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh