"Lớp trẻ cần tự hình thành hệ thống giá trị mới"

12:39 CH @ Chủ Nhật - 17 Tháng Ba, 2013

"Lớp trẻ hiện nay mang trong mình cả một tiềm năng ghê gớm lẫn cả tai hoạ tiềm tàng. Nếu không biết khai thác, thật khó đoán biết điều gì sẽ xảy ra... Tôi muốn nói rằng, các bạn trẻ cứ yên tâm. Xã hội ta luôn đón chờ những tài năng trẻ". Nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn chia sẻ.

• Vương Trí Nhàn: "Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ"

Lanh, khôn, nhưng thiếu chắc chắn

- Có nhiều ý kiến khác nhau về lớp trẻ bây giờ: cả lạc quan lẫn bi quan. Còn ông, ấn tượng chung về họ ở ông ra sao?

- Ở bạn trẻ bây giờ, cảm giác tự do rất mạnh. Hơn hẳn cái đó ở bọn tôi. Thời trước, chúng tôi rón rén, khép nép, cái gì cũng sợ. Chúng tôi chờ đợi được cho phép làm... mà vẫn vui vẻ với điều đó.

Các bạn giờ sống với cả thế giới rộng lớn, nhiều bạn có cảm giác mình là công dân thế giới. Chúng tôi xưa quanh quẩn trên mảnh đất quen thuộc. Nhớ lần đầu đi qua biên giới thì tim đập thình thịch.

Song đằng sau vẻ rất lanh, rất khôn, tiếp cận và hiểu biết nhiều, lớp trẻ bây giờ lại gợi trong tôi một cảm giác thiếu chắc chắn, trên đại thể lại lờ mờ, thiếu ước mơ lớn. Hình như họ có cảm giác bi quan, không bao giờ đạt được lý tưởng cao cả nữa.

Họ có thể phóng đi rất nhanh để rồi chả biết làm gì ở cái nơi vừa đến. Đằng sau cái vẻ vội vã của họ hình như ẩn giấu một nỗi thèm thuồng, chỉ sợ không được hưởng hết mọi lạc thú ở đời. Trong sự vội vã ấy, họ lại không có khả năng dò vào chiều sâu của cuộc sống.

Tôi đã nói người mình là một khối tự phát và lớp trẻ thường là lớp người nhạy cảm nhất, dễ gây bất ngờ nhất. Lớp trẻ hiện nay mang trong nó cả một tiềm năng ghê gớm lẫn cả tai hoạ tiềm tàng. Nếu không biết khai thác, thật khó đoán biết điều gì sẽ xảy ra.

- Ông có thể cắt nghĩa hiện tượng này?

- Tuổi trẻ bao giờ cũng bị ảnh hưởng ngang bởi tinh thần thời đại nhiều hơn là ảnh hưởng dọc từ thế hệ cha ông. Mà thời đại ta nói chung là thời đại của cái gì đó vỡ ra dang dở và chưa được sắp xếp lại.

Nước ta vẫn đang trên đường phát triển, nói theo thuật ngữ xã hội học là trong quá trình chuyển đổi. Con người bước từ chỗ tối ra chỗ sáng, nên đôi khi cảm giác vẫn còn bị ngợp và chập choạng, lúc thì tự tin quá, lúc lại tự ti quá. Cái này thấy rõ ở giới trẻ. Tôi nhớ một nhân viên tuyển dụng nước ngoài thường tiếp xúc với SV mới ra trường, có nhận xét, SV ta nhiều khi nói nhiều điều mà mình không biết, đến lúc hỏi kỹ thì lại trở nên lúng túng.

So với lớp trước, lớp trẻ hiện nay có cảm giác về tự do tốt hơn, nhưng nhiều lúc điều đó đồng nghĩa với bơ vơ, mất phương hướng, không xác định được mình.

Trong nhiều trường hợp, họ hiểu rất sai về tự do. Tự do không phải là bột phát, muốn làm gì thì làm. Mà tự do là sự hiểu biết chung về bản thân, về hoàn cảnh và cách sống thích hợp với hoàn cảnh, đồng thời khẳng định bản thân mình.

Tự do cao nhất là tự do về mặt tinh thần, liên quan đến nội lực con người, sự phong phú trong tinh thần của họ, chứ tự do không phải là lăn ra đường để khẳng định cái tôi. Đa số giới trẻ hiện nay, tự do bề ngoài thì có nhưng sâu sắc bên trong thì không. Điều này dẫn đến việc họ không tìm được cách khẳng định mình, mà trút cái gọi là tự do vào những hành động ngông cuồng bề ngoài.

- Nói một chút về sự mất phương hướng của lớp trẻ. Ở Mỹ từng có một "thế hệ vứt đi" sau Thế chiến I, và một thế hệ hippy trong chiến tranh Việt Nam, mất niềm tin vào cuộc sống. Ở Nhật cũng có một thế hệ khủng hoảng niềm tin... VN trải qua một cuộc chiến lâu dài, đang trên đường phát triển và sẽ phải đối mặt với cả những hiện tượng xã hội đi kèm. Ông có nghĩ một điều tương tự ở đây?

- Bất cứ một xã hội nào, sau thời gian chiến tranh, con người cũng đều cảm thấy đời là trống rỗng... Đây là bệnh chung của xã hội thời hậu chiến. Còn xã hội hiện đại mà phát triển nóng quá, giới trẻ chịu áp lực thì cũng dễ gây những hiệu ứng tâm lý. Ngay cái ham hưởng thụ, sống gấp... cũng là một biểu hiện.

So với các nước cũng trải qua chiến tranh, tôi cho là ở VN, tình hình tương tự còn trầm trọng hơn nhiều. Thiếu một sự quan tâm thường xuyên, thiếu một cái nhìn kỹ lưỡng, thiếu một sự nhận chân, như thế này sẽ luôn luôn có scandal chờ sẵn.

Tuy nhiên, ở VN, lối phản ứng của con người không bao giờ quyết liệt cả, mà thường tản mát, tự bó hẹp, làm nghèo mình đi.

Không nên dạy trẻ về một xã hội ảo tưởng

"Không nên dạy cho lớp trẻ về một xã hội ảo tưởng, mà nên phản ánh đúng thực tế của nó... Thời đại mới bây giờ đòi hỏi tất cả phải minh bạch hơn bao giờ hết". Ảnh: ZAIZAI

- Nếu làm phép so sánh tương quan với các thế hệ trước, ông đánh giá lớp trẻ bây giờ nằm ở vị trí nào?

- So với lớp cha anh thì họ đã có nhiều cái mới. Nhưng, so với yêu cầu thời đại thì còn đòi hỏi một sự phấn đấu cao hơn hẳn.

Đầu thế kỷ XX, nước ta có sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, với văn minh phương Tây.

Cả một lứa như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Anh... thực sự tạo dựng được một nền tảng học thuật vượt xa các bậc tiền bối.

Trong văn học nghệ thuật, một thế hệ các nhà khoa học, các nhạc sỹ, hoạ sỹ, nhà văn... để lại dấu ấn mạnh mẽ.

Lấy đơn cử, các tác giả thời ấy như Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam... có số lượng người đọc đông đảo, trước họ chưa từng có. Tức là sức ảnh hưởng vào thời đại của họ cũng rất lớn.

Thời Pháp thuộc, 15-16 tuổi người ta đã đi làm công chức và đã có sự trưởng thành về mặt xã hội. Không ai có thể nghĩ là Vũ Trọng Phụng chết non được, vì tuy mới 27 tuổi ông đã có một sự nghiệp hoàn chỉnh.

Sau đó, thế hệ thanh niên sinh khoảng trước sau 1930 và bắt đầu lập nghiệp từ sau giai đoạn Cách mạng tháng 8 1945 cũng để lại trong tôi một ấn tượng rõ rệt. Các nhà văn như Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, các nhạc sĩ như Nguyễn Đức Toàn, Huy Du… làm nên một bước chuyển mới trong sinh hoạt văn nghệ. Các tác phẩm để đời của họ thường được viết ngay khi họ mới 20-25, thậm chí còn trẻ hơn nữa.

- Thế còn thế hệ các ông, thế hệ thanh niên trong chiến tranh chống Mỹ, cũng là một thế hệ ưu tú mà nhiều người thường nhắc đến với một sự hoài niệm tự hào?

- Cuộc chiến tranh vắt kiệt sức của một thế hệ, nhưng không phủ nhận, nó cũng tạo động lực để thế hệ ấy phát huy được tốt nhất tinh hoa của mình.

Tuy nhiên, khơi dậy nội lực theo cách này giống như khai hoang, chỉ được 1 lần. Vấn đề là chúng ta phải thâm canh. Chúng ta phải đào tạo ra những người luôn có thể làm ra những thứ tinh hoa, 1 lớp người tinh hoa.

- Vậy, theo ông, làm sao để "thâm canh" trên thế hệ trẻ hiện tại 1 cách tốt nhất?

- Hiện tại, đã qua rồi cái thời xây dựng thông điệp qua những điển hình.

Trước đây, chúng ta cứ hay dạy trẻ "ở hiền gặp lành"... bây giờ phải có những câu khác, ở hiền đôi khi vẫn gặp ác như thường. Không nên dạy cho lớp trẻ về một xã hội ảo tưởng, mà nên phản ánh đúng thực tế của nó.

Thêm nữa, giới trẻ luôn tích tụ khối năng lượng lớn, làm sao để hướng cho họ sử dụng tốt nguồn năng lượng này. Ngay đằng sau những cuộc đập phá mà nhiều người lên án là một cảm giác muốn tự khẳng định. Mà xã hội chúng ta chưa chỉ cho họ con đường chân chính để làm việc này. Điều kiện để họ phát triển - trước tiên là một nền giáo dục hiện đại mang tinh thần nhân bản - thì lại càng chưa có.

Điều quan trọng nhất là cho họ thấy mọi nỗ lực chính đáng của họ sẽ được khẳng định. Nếu chỗ nào họ cũng cảm thấy bí, bị chặn lại... bởi những điều tiêu cực giới hạn như trong chuyện học hành, công việc... thì họ sẽ dễ nản. Trong xã hội, vẫn đầy rẫy nạn tham nhũng, vẫn đánh giá nhau về kinh nghiệm, sống lâu lên lão làng... điều này cũng làm sự vận động xã hội nói chung chậm lại.

- Cùng với sự phát triển xã hội và hội nhập, liệu những quy tắc xã hội đã chạy theo kịp sự vận động của thời đại?

- Lep Landao, nhà vật lý nổi tiếng có nói: "Thời đại của chúng ta là thời đại của những nghịch lý". Trong hoàn cảnh mọi sự đều thay đổi như vậy, không thể giữ mãi một kiểu nghĩ cũ.

Theo tôi, thời đại mới bây giờ đòi hỏi tất cả phải minh bạch hơn bao giờ hết. Nay là lúc mọi chuyện tốt xấu nên công khai ra, công nhận nó, chứ đừng đẩy nó vào bóng tối, lại làm phát triển ngầm hơn.

Tôi ví dụ, ở một số nước, người ta cho phép hoạt động mại dâm công khai miễn là có quản lý chặt chẽ. Còn ở ta, cho rằng mại dâm là trái với thuần phong mỹ tục, với quan niệm truyền thống phương Đông nên ta chỉ có cấm. Nhưng ai cũng thấy chỉ cấm được trên danh nghĩa, còn trong thực tế lại để lan tràn.

Hiện tại chúng ta vẫn duy trì nhiều sự quá khắt khe, mà tiếc thay, cái khắt khe ấy chỉ ở trên bề nổi, trong thực tế của chúng ta vẫn đầy rẫy những chuyện ấy. Đấy là một biểu hiện của sự giả dối.

Trong mắt tôi, vụ NSƯT Lê Vân thẳng thắn nhìn nói lên những gì chưa được trong gia đình là một tín hiệu tốt. Tất nhiên, chẳng có gì là trọn vẹn cả, được cái này hỏng cái khác. Người Việt hay thích tròn trịa, mà chính vì sự tròn trịa này nó làm ta bớt sắc đi.

- Sự phát triển kinh tế, xã hội luôn phải đối mặt với sự thay đổi các giá trị văn hoá. Theo ông thì làm gì để điều tiết cân bằng hiện tượng này, để giới trẻ dễ đi giữa 2 làn đường này?

- Trong văn hóa học, giá trị có 2 dạng. Các giá trị nhân bản thì thời nào cũng có, như sự tôn trọng xã hội, sống lương thiện, tự do... Lại có những giá trị chỉ thích hợp với từng thời đại Một số bài học truyền thống ta đang giáo dục cho lớp trẻ như phải biết vâng lời hoặc “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại”... giờ không thích hợp nữa.

Lớp trẻ cần tự hình thành một hệ thống giá trị mới

"Chúng ta cũng phải xác định thẳng với người dân là cố gắng mấy cũng không bao giờ đón đầu được. Cái chính là phải cố đi cho nhanh. Đi tắt thì sau này lại phải trả giá thôi". Ảnh: ZAIZAI

- Ông đánh giá cao điều gì nhất ở lớp người trẻ?

- Thứ nhất là khả năng dám nghĩ khác và thứ hai là sự thẳng thắn.

Tôi nhớ mãi câu nói của một thanh niên. Ta hay khuyên họ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nhưng cậu "lý luận", đó là quan hệ bình đẳng chứ không phải mang ơn, hệ luỵ: "nhờ tôi mua quả bà trồng cây mới sống được". Cảm giác biết ơn là một giá trị truyền thống. Tôn trọng lao động của nhau, mỗi người có một giá trị đóng góp là một giá trị hiện đại, hợp thời.

Trong cách nghĩ ấy, rõ ràng là đã thấy một lớp người khác.

Trong phẩm chất của các bạn trẻ, tôi cũng đề cao khả năng có những khoảng đơn độc với chính mình. Người Việt Nam thường rất sợ sống một mình. Việc ít đọc sách, ít nghiên cứu cũng là một biểu hiện. Điều này thể hiện tính bầy đàn cao. Muốn có trí tuệ thì phải dám đơn độc.

- Hiện tại, xã hội Việt Nam đã phát triển nhiều so với trước, nhưng một cách thẳng thắn, chúng ta vẫn ở vị trí rất khiêm tốn, bị thế giới bỏ xa khá lớn. Theo ông thì có hướng nào để nhanh thu hẹp khoảng cách này không?

- Có những người chủ trương như đi tắt, đón đầu. Tôi không ủng hộ. Chúng ta cũng phải xác định thẳng với người dân là cố gắng mấy cũng không bao giờ đón đầu được. Cái chính là phải cố đi cho nhanh. Đi tắt thì sau này lại phải trả giá thôi.

Chúng ta đang phát triển nóng quá. Nếu cả xã hội sống tỉnh táo, bình tĩnh, tự nhận thức chính xác về mình, làm gì đó theo đúng chuẩn mực, thì bằng những bước đi chắc chắn như thế, chúng ta sẽ giúp cho lớp trẻ một cơ hội thuận lợi.

- Gác qua những điều kiện hỗ trợ của xã hội, vậy thì bản thân giới trẻ phải đáp ứng những yêu cầu gì để có thể thực hiện nhiệm vụ thời đại của mình?

- Thời đại đòi hỏi ở lớp trẻ một trí tuệ cao lắm. Lớp trẻ hiện tại cũng đang thiếu một khát vọng lớn lao, thiếu sự nghĩ rằng, mình phải ngang hàng với các dân tộc trên thế giới.

Tôi nghe kể một câu chuyện đàm đạo về giấc mơ. Người Việt bảo, mơ có một cái honda, ô tô. Người Nhật bảo: Tôi có ước mơ là thực hiện được ước mơ của bạn. Chuyện phiếm thôi, nhưng nó phản ánh tâm lý nhược tiểu của dân tộc mình.

Chúng ta phải có một cuộc tự vấn rộng lớn, xã hội đặt câu hỏi với chính mình. Nghĩ rằng, mọi vấn đề đều có thể có cách làm khác.

- Sự tự vấn ấy được thực hiện dưới hình thức nào?

- Chúng ta nên có nhiều những cuộc đối thoại với lớp trẻ. Từ chuyện của Lê Vân, tôi thấy cần có sự đối thoại thường xuyên giữa lớp trẻ - già. Đặt mình vào địa vị của nhau, lớp già thì nên biết điều hơn, đừng dạy dỗ nhiều, lớp trẻ nên thông cảm hơn, hiểu những khó khăn ngày hôm qua...

- Cuối cùng, ông đặt nềm tin vào giới trẻ chứ?

- Hồi ở Văn nghệ quân đội, ông Nguyễn Khải hay bảo tôi, nói chuyện với lớp trẻ là khó nhất, nhưng chinh phục được "hội nó" lại là thú vị nhất. Khi trưởng thành lên, tôi cũng thấy thế. Trong những cuộc đối thoại, được giới trẻ khen tôi cảm thấy yên tâm, không chừng mình còn sống được với tương lai.

Tôi đang viết đều chuyên mục "Thói hư tật xấu người Việt" trên báo Thể thao - Văn hoá. Tòa soạn bảo chính độc giả trẻ lại quan tâm hơn, điều đó động viên tôi rất nhiều.

Tôi nhớ, lúc tôi mới vào nghề, người phụ trách trực tiếp tôi là nhà văn Nhị Ca luôn bảo: "Nhất định các cậu phải làm được hơn chúng mình". Câu ấy không làm cho tôi kiêu căng, mà giúp mình phải cố lên để đạt được kỳ vọng. Ngày nay tôi cũng thường nói thầm như thế với các bạn trẻ xa gần.

Tôi muốn nói rằng, các bạn trẻ cứ yên tâm. Xã hội ta chưa phải là ưu việt, nhưng luôn đón chờ những tài năng trẻ.

Tuy nhiên, hiện giờ vẫn chưa hình thành được hệ thống giá trị mới. Lớp trẻ cần tự hình thành cho mình, trong sự tác động của xã hội.

- Cảm ơn ông.


Nguồn:Vietnam Net
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lý do kinh tế và di hại đạo đức

    01/12/2018Vương Trí NhànTrong sự bê bối về giáo dục hiện thời, ai cũng thấy là lỗi trước tiên thuộc về những người quản lý và hoạch định chính sách. Nhưng chẳng nhẽ những người lên bục giảng vô can chăng? Vậy thì lỗi của các thầy ở đâu? Tại sao không người trong cuộc nào lên tiếng?
  • Ta là ai?

    12/08/2016TaLaWhoHãy để cho tầm nhìn vươn cao, vươn cao nữa. Trái đất to lớn của chúng ta lúc đó sẽ là gì trong hệ mặt trời, và hệ mặt trời sẽ là gì trong cái vũ trụ mênh mông, vô thủy vô chung? Có buồn cười không chuyện con người cứ cho mình là chúa tể của muôn loài, nhưng mới chỉ nhìn xuống từ một Toà nhà hai chục tầng đã thấy mỗi người chỉ giống như hạt vừng, hay như con kiến gió bé tí ti...
  • Một đóng góp vào việc nhận dạng con người Việt Nam hôm nay

    29/11/2014Vương Trí NhànCó những cuốn sách làm cho người đọc căm ghét cuộc sống( chẳng hạn; một số tác phẩm hiện thực phê phán); có những cuốn sách làm cho người đọc thêm yêu đời nhiều hơn. Còn qua những trường hợp như Thời xa vắng của Lê Lựu, đọc xong, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc đời...
  • Chúng ta buộc phải sắc sảo

    12/10/2014Khánh DũngÔng Nguyễn Trần Bạt là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Investconsult Group - Công ty Tư vấn hàng đầu Việt Nam. Ông là một người nghiên cứu sâu sắc và rộng khắp các lĩnh vực về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. PV Nguyệt san Doanh nghiệp đã trao đổi với ông về nghề tư vấn tại Việt Nam....
  • Tìm về văn hóa để hiểu hôm nay

    07/06/2014"Nhân nào quả ấy" là một tập phiếm luận về văn hóa đương thời tổng hợp các bài viết ngắn của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Ông đặt câu hỏi về tầm vóc văn hóa hay đúng hơn là sự thiếu văn hóa ẩn hiện đằng sau nhiều hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội Việt Nam thời nay...
  • Hội nhập giữa đời thường

    12/03/2014Vương Trí NhànNhững chuyển biến hôm nay - những biến chuyển mà trong cuộc hội nhập đã diễn ra hai chục năm và được đánh dấu bằng việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Theo tôi phải xem đây như một nét mới của người Việt hiện đại...
  • Biết mình biết người, tỉnh táo đi tới!

    22/12/2010Vương Trí NhànBắt tay vào cuộc hội nhập là chấp nhận rằng chúng ta sẽ tham gia sân chơi lớn của thế giới. Điều cần thiết lúc này là soát xét lại mình, bàn bạc, học hỏi, rút kinh nghiệm, sẵn sàng làm lại mình nếu cần. Bởi mọi cơ hội chỉ có ý nghĩa khi người ta có một phương sách đúng, một chiến lược đúng để tận dụng được nó...
  • Nghĩ về chúng ta: Hiện đại và dân tộc tính

    13/02/2008GS. Trần Hữu Dũngchúng ta cũng bị bao phủ bởi bao nhiêu chuyện hàng ngày: từ những vụ tham nhũng khủng khiếp, những vấn đề bức xúc trong giáo dục, y tế, giao thông, những tệ nạn xã hội, cho đến những sự cố trọng đại về chủ quyền, về lãnh thổ... làm tâm thức chúng ta khó thể không chao đảo. Phải nghĩ sao? Bắt đầu từ đâu? Nhìn từ một góc cạnh căn bản thì dường như có sự căng thẳng giữa “cái bây giờ” – tạm gọi là tính hiện đại – và “cái của ta”, nói gọn là dân tộc tính. Phải nghĩ về liên hệ giữa hai phạm trù này như thế nào? Có thể chăng một sự hòa hợp giữa hai phạm trù ấy?
  • Chúng ta thừa kế di sản nào?

    05/10/2007Tuấn Đông (lược thuật)Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, việc kế thừa và phát huy những di sản truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần đưa đất nước phát triển. Vấn đề là ở chỗ, ở những thời điểm lịch sử khác nhau, giá trị của di sản cũng có thể được nhìn nhận khác nhau. Việc xác định đâu là di sản cần phải phát huy, đâu là di sản cần phải cân nhắc, hạn chế hoặc loại bỏ... là một vấn đề phức tạp mang ý nghĩa cấp thiết
  • Con người và tư tưởng thời bao cấp

    14/09/2006Vương Trí NhànMặt nghệt ra như mất sổ gạo.Một yêu anh có may ô -- Hai yêu anh có cá khô để dành -- Ba yêu rửa mặt bằng khăn--- Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa.Những câu ca dao tục ngữấy được dịch hẳn ra tiếng Anh rồiđược kẻ nắn nót cẩn thận trên những bức tường lớn, dưới đó là mấy gian trưng bày các hiện vật theo một cách thức mà trong điều kiện ở Hà Nội này phải gọi là “hoành tráng”...
  • Diễn đàn: Ta là ai!

    17/08/2006Thu PhươngTự nhận và tự vấn những tật xấu của bản thân không còn là điều xa lạ, và hàng loạt các cuốn sách như "Người Trung Hoa xấu xí" ,"Người Mỹ tự trào", "Những tật xấu của người Nga"… Đó chính là một cách để con người tự vươn lên: Còn ở nước ta thì sao? Chúng ta có những ưu điểm nổi bật gì, những tật xấu gì? Đã khi nào dám khám phá mình, nhìn thẳng vào đó để tu dưỡng?
  • Nhân nào quả nấy

    04/02/2006Vương Trí NhànNhà phê bình Vương Trí Nhàn thật khéo léo khi chọn hình thức phiếm luận để bàn về văn hóa đương thời. Câu Nhân nào, Quả ấy của người xưa được tác giả khai thác rất đắc. Nó không đơn thuần chỉ là một lời cảnh báo. Nó nhắc ta đọc để nhìn lại mình, nhìn lại hiện tại và nhận lấy trách nhiệm làm chủ nền văn hoá nước nhà...
  • Một vài suy nghĩ về văn hóa Việt Nam

    10/12/2005Là một nhà nghiên cứu văn học, GS Hà Minh Đức rất quan tâm đến sự phát triển của nền văn hoá dân tộc vì theo ông văn hoá gắn với sự phát triển chung của đất nước, với mỗi con người, mỗi cuộc đời. Dưới đây, Tạp chí xin giới thiệu đôi điều suy nghĩ của GS về văn hoá Việt Nam.
  • Tản mạn về một số hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại trong quan hệ với quá trình “đứt gãy văn hóa”

    06/12/2005Nguyễn HoàMột hệ thống giá trị văn hóa - văn minh lạ lẫm được du nhập... đã gây nên một cuộc đảo lộn và một quá trình “đứt gãy văn hóa” xuất hiện. Nhưng quá trình du nhập ấy, sự “đứt gãy văn hóa” ấy dẫu mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể nhanh chóng thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp văn hoá... có tuổi đời đã hàng nghìn năm. Nó phải chấp nhận một tình trạng “lưỡng phân"...
  • Chúng ta sợ suy tư

    14/05/2003Ngô Văn Tao phỏng dịch - Martin HeideggerHãy đừng tự dối mình! Chúng ta tất cả - kể cả những chuyên gia trí thức - thiếu suy tư và dễ dàng để đầu óc trống rỗng. "Để đầu óc trống rỗng" là trạng huống hiện hữu khắp nơi trong xã hội ngày nay...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác