"Xiếc" chữ và đời thực
Đời sống luôn tồn tại một cách độc lập. Cái bát hay cái chén hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp gọi nó là gì gì đi nữa thì nó cũng vẫn thế, không ảnh hưởng gì đến người dùng nó để đựng cơm, đựng nước. Sự thật ấy là hiển nhiên.
Tuy vậy vẫn do những lý do khác nhau, người ta luôn muốn thay đổi bản chất của sự vật bằng nhữngtrò xiếc chữ.
Hãy nghiền ngẫm loại văn báo cáo phổ biến nhất.
Chúng được soạn thảo để thay mặt tổ chức (công ty, cơ quan hay đoàn thể) công bố thông tin ra ngoài xã hội. Thay vì "gọi con bò là con bò" người ta gọi nó là "con sư tử có sừng". Thay vì nói thẳng năm này, tháng này công ty thua lỗ, nợ nần, làm ăn không tương xứng với hy vọng hay kế hoạch, người ta viết "đạt thành quả hạn chế". Thay vì nói thẳng trong cơ quan có chuyện tranh giành, đấu đá, các phe phái vu cáo nhau gây rối cho tổ chức, người ta viết "đoàn kết nội bộ chưa thật chặt chẽ"... Vì thế, các bản báo cáo luôn tràn ngập những từ và cụm từ "lấp lánh lá ngụy trang" như: đồng thời, bên cạnh đó, song song, tuy nhiên, mặc dù, không ngừng v.v...
Bản thân những từ này không có màu sắc, nhưng từ ngòi bút của những người làm xiếc chữ, chúng trở thành đồng lõa để che đậy, dối trá hay lừa mị, phổ biến nhất là để lấy "mồm miệng thay tay chân". Tôi đã từng đọc một báo cáo cấp xã: "không ngừng tăng cường đàn heo nái đồng thời phát triển heo thịt và củng cố một bước đàn gia súc có sừng".
Hỏi ông chủ tịch (người đọc báo cáo trước HĐND) rằng xã mình hiện có bao nhiêu heo nái, bao nhiêu heo thịt ông mù tịt. Hỏi ông lấy vốn đâu, có biện pháp gì để "củng cố một bước" đàn gia súc có sừng, một bước là bao nhiêu con, ông bảo sẽ tính sau. Chắc chắn đọc báo cáo cho các vị hội đồng yên tâm rồi bỏ xó.
Từ những năm sau đổi mới cho đến tận hôm nay, do bung ra từ dây trói bao cấp, bỗng dưng bùng nổ những khái niệm xiếc chữ. Dẫn chứng trường hợp "trường công lập tự chủ tài chính", hay "xã hội hóa" v.v... Trường công xưa nay là của Nhà nước. Loại hình nhà trường này nước nào cũng duy trì và tùy theo khả năng ngân sách mà phát triển để đảm bảo phúc lợi của dân và vai trò khuôn mẫu giáo dục quốc gia.
Ngoài ra là trường tư (tư thục) do tư nhân đầu tư khi trường công không thể thỏa mãn chỗ học. Nhà nước có thể cấp những khoản tài trợ cho vay hay không hoàn lại. "Trường công tự chủ tài chính" có lẽ là trường hợp này. Tại sao không gọi thẳng đó là "trường tư thục"?
Nhiều trường công học phí lên tới cả triệu đồng thì sao còn gọi là trường công? Còn "xã hội hóa"? Thực chất đó là tư nhân, nguồn tiền ngoài ngân sách ra chỉ còn là tư nhân, dù là công ty TNHH cũng là tư nhân, từ "xã hội" cũng như "toàn dân" đưa lại sự mơ hồ chủ thể, có chăng nó chỉ nói lên rằng ta vẫn còn sự kiêng kỵ không cần thiết nào đó.
Làm xiếc chữ chính là một biểu hiện xơ cứng tư duy khi người ta thiếu cảm hứng, thiếu sáng tạo hay lười suy nghĩ. Chữ nghĩa bị sáo mòn vì không có nội dung, như đồng tiền không có vàng bảo đảm. Vấn đề không phải là chỉnh đốn, sửa chữa cách viết báo cáo. Đó chỉ là hình thức. Cái chính là cần phải trung thực trong mọi trường hợp, công tư, thắng thua, tốt xấu rõ ràng, đẩy lùi nạn giả dối đang ăn mòn đạo đức xã hội.
Bản thân ngôn ngữ không có tội gì, nhưng ngôn ngữ là những thứ dễ bị lợi dụng nhất vì lời nói không mất tiền mua, vì lời nói có thể giúp người ta che đậy hay ngụy trang cái trống rỗng, cái lừa mị hay hiểm độc bên trong. Nếu làm trò xiếc với câu chữ lâu năm thì sẽ đến lúc chính bản thân những "diễn viên" xiếc ấy cũng không biết mình là ai nữa. Đời thực có sức mạnh tự bản thân nó, như con tàu lừ lừ chạy trên đường ray, luôn ngoài ý muốn xiên xẹo của những người thích làm xiếc chữ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh