Người Việt đẹp
Khoảng năm 1989, một anh bạn họa sỹ nước ngoài (lúc đó còn là loại “hàng độc”, của hiếm) bảo tôi rằng: anh ta ngạc nhiên thấy Hà Nội cùng với Luân Đôn có lẽ là hai thành phố có nhiều đàn bà đẹp nhất trên thế giới. Tôi bảo anh ta rằng cái thực tế ấy tôi không rành, nhưng với tư cách người dạy lịch sử mỹ thuật Việt Nam thì tôi tin chắc phụ nữ Việt Nam vào loại đẹp nhất thế giới.
Những người đàn bà búi tóc cao, ngực nở, eo thon, mặt tròn vận những chiếc váy dài, đeo những chuỗi vòng cổ, vòng chân, vòng tay, khuyên tai tinh xảo chẳng những cho ta hình ảnh nàng Mỵ Nương, Bà Trưng, Bà Triệu, mà còn thừa sức gợi ý cho các Việt Nam Fashion Week đương đại. Các tượng vũ nữ Chăm - như Vũ nữ Trà Kiệu - còn cho ta tự hào về sự hòa nhập dòng máu và văn hóa giữa các tộc người Việt Nam để đi tới Người Việt Đẹp cổ điển hiện hình hoàn mỹ trong pho tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay đặt trong chùa Bút Tháp (thế kỷ XVII) và cô Ngọc Nữ chùa Dâu (thế kỷ XVIII). Pho tượng bằng người thật, cao 1 mét 55 đã được thầy trò Trường Mỹ thuật đo cả ba vòng và thấy “rất chuẩn”. Người Việt Nam nào cũng nên tự hào về những nữ tiền nhân xinh đẹp tuyệt trần của mình!
Một nữ đồng nghiệp hỏi tôi: “Ông thấy phụ nữ làm mỹ thuật thế nào?”. Tôi thành thực đáp: “Phụ nữ cực giỏi về văn, thơ và nghệ thuật biểu diễn song rất mờ nhạt trong soạn nhạc. Còn tỷ lệ nữ họa sĩ thành công so với nam có lẽ chẳng quá 5 % song vẻ đẹp phụ nữ lại làm nên 70-80 % các thành tựu mỹ thuật. Họ là chủ thể tuyệt đối của cái đẹp tạo hình”.
Thiếu nữ, Nguyễn Văn Long (Lụa) |
Cái đẹp ấy di truyền bền vững nhưng không bất biến mà mang tính thời đại rõ ràng. Trong văn hóa Việt Nam thế kỷ XX không đâu ta trông rõ những biến đổi đẹp của người phụ nữ như trong hội họa. Từ cô thiếu nữ sơn son thếp vàng ở Chùa Dâu cổ tay như ngà, mắt như dao cau, cười như hoa ngâu với “cái khăn đội đầu như thể hoa sen” tới các cô gái nông thôn, ngoại thành của Nguyễn Phan Chánh là một đột phá lớn. Chẳng thế mà ngay với những bức Rửa rau cầu ao, Chơi ô ăn quan, Lên đồng vẽ những năm 1930 các cô gái mặt tròn, miệng nhỏ, duyên dáng một cách khỏe mạnh trong chất lụa mộc và gam nâu đất lành đã lập tức đi vào bách khoa nghệ thuật của “mẫu quốc”. Cho tới cuối đời sáng tác những Tiên Dung, các cô gái tắm đêm Trăng tỏ, Trăng lu khá phốp pháp và phúc hậu của “cụ” đồ Nghệ này còn là cảm hứng cho các nhà văn nhà thơ cùng thời.
Trong vườn xuân,Nguyễn Gia Trí (sơn mài) |
Cùng thời Mỹ thuật Đông Dương, ta còn có vẻ đẹp đài các hoài cổ của Lê Phổ nơi các cô gái mặt dài, cổ dài, vai thon quá cỡ với các đường nét thật thướt tha yểu điệu. Nguyễn Gia Trí là bậc thầy sơn mài mà gần như toàn bộ thành công “nhờ vào” vẻ đẹp mộng mị của các cô gái áo dài trong các vườn hoa diễm ảo. Người phụ nữ đẹp trong tranh ông mang tính tượng trưng và lãng mạn. Hai trường phái chủ đạo cuối thế kỷ XIX bên châu Âu nhưng đồng thời rất tiêu biểu cho các cô gái tân thời ở đô thị thuộc địa An Nam! Xác thực nhất với vẻ đẹp của con người cá nhân thành thị đang dứt bỏ vòng cương tỏa phong kiến, tự ý thức sâu sắc về vẻ đẹp tâm hồn, thể xác và những xúc cảm yêu đương của riêng mình phải kể tới các thiếu nữ của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... cũng như của ông thầy Inguimberty của họ. Áo dài bó sát phô thân thể non tơ đầy đặn, mắt lá răm, mũi dọc dừa, miệng trái tim… họ như nhàn nhã chẳng có việc quan trọng gì để làm ngoài những việc tư lự về tình cảm của mình, thân phận của mình, lắng nghe “tiếng lòng” mình. Đó là một cuộc “cách mạng nhung” giải phóng phụ nữ thời tiền chiến (!?).
Hai thiếu nữ và em bé (1934),Tô Ngọc Vân (sơn dầu) |
Cuộc cách mạng xã hội thực sự đến với phụ nữ và vẻ đẹp của họ bắt đầu từ 1945 trải qua hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nữ công nhân, nữ nông dân, nữ bộ đội... của Nguyễn Sáng, Sĩ Ngọc, Mai Văn Hiến, Nguyễn Tiến Chung, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm... và hầu hết các họa sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa đều mang vẻ đẹp dân gian, khỏe mạnh, tập thể và lạc quan của những người chủ của xã hội mới. Không cá nhân hóa mà khá đồng nhất, lấy sự giống nhau, đoàn kết làm niềm tự hào.
Cái đẹp phữ nữ một lần nữa biến đổi căn bản với Hội họa đổi mới từ giữa những năm 1980. Chủ nghĩa cá nhân thay cho chủ nghĩa tập thể. Khao khát tự do mãnh liệt, sự vật lộn với số phận, sự giằng xé nội tâm, vẻ đẹp nhục thể và tâm linh lên ngôi trong các thể nghiệm modernism từ lập thể, siêu thực tới cực thực, tối thiểu,... Vẻ đẹp ấy trở nên đa dạng hơn bao giờ hết trong tranh của lớp họa sĩ từ Bửu Chi, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Đỗ Sơn, Đặng Thị Khuê, Nguyễn Quân... tới Đặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương, Lê Quảng Hà, Hà Trí Hiếu, Đinh Ý Nhi, Thắm Poong, Châu Giang, Lý Trần Quỳnh Giang...
Để cảm thấy thực hơn, hiểu hơn, biết hơn về vẻ đẹp của những người nữ gần cận mình nhất, con gái và cháu gái, vợ và mẹ, chị và em, người tình và đồng nghiệp..., xin hãy bớt chút thời gian nhìn ngắm họ trong hội họa thế kỷ XX của chúng tôi và chúng ta.
Thiếu nữ, Mai Trung Thứ (Sơn dầu) |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành