Vinashin và ngọn nến tình thương, trách nhiệm

09:05 CH @ Thứ Hai - 13 Tháng Mười Hai, 2010
Lâu nay, báo chí đã nói nhiều đến chuyện vỡ nợ của Vinashin. Chúng tôi được biết dư nợ Vinashin để lại là 86.000 tỉ đồng, lớn hơn tổng số tiền thuế trong ba năm 2007, 2008 và 2009 mà 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam đã đóng góp 1. Tính bình quân, mỗi người dân Việt phải cõng trên lưng một món nợ khoảng 1.000.000 đồng.Đối với những người ăn nên làm ra, số tiền này chẳng đáng là bao. Nhưng với nhiều người dân quê ở các vùng sâu và vùng xa, với những người lao động nghèo ở thành phố, mỗi ngày làm việc cật lực để kiếm một số tiền đủ sống qua ngày đã khó thì làm sao dành dụm được một số tiền lớn như thế?! Đất nước và nhân dân phải bỏ ra nhiều tiền bạc, công sức và thời gian để trục vớt cho được con tàu chìm có tên gọi là Vinashin này?

Từ vụ đắm tàu Vinashin thứ nhất, người ta bắt đầu nói đến chuyện chìm tàu Vinashin thứ hai. Đó là con tàu Vinashin trách nhiệm đang được lèo lái bởi những người có chức có quyền mà mỗi quyết định, mỗi chữ ký đều có ảnh hưởng đến hạnh phúc và khổ đau của hàng triệu người dân… Sự cố đắm tàu Vinashin thứ hai này, chính là nguyên nhân tạo nên tai họa chìm tàu Vinashin thứ nhất. Con tàu Vinashin thứ hai này chưa được trục vớt thì sẽ có những con tàu Vinashin thứ ba, Vinashin thứ tư và Vinashin thứ n tiếp tục chìm đắm dài dài… Khi đó, không biết đến bao giờ đất nước ta mới có hạnh phúc, ai cũng được ăn no mặc ấm, ai cũng được học hành?!

Từ hai con tàu Vinashin khổng lồ được biết qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi nhớ lại những chiếc tàu Vinashin tí hon mà mình đã nhìn thấy.



Nhiều năm giảng dạy ở một số trường trung học và đại học, đi trên hành lang, chúng tôi thường thấy trong những phòng học không có sinh viên, nhiều đèn điện vẫn sáng trưng, các quạt điện đang quay vù vù. Vào phòng vệ sinh, chúng tôi lại thấy trên một cái xô đã đầy nước, một vòi nước đang mở và nước chảy lênh láng… Đến khi đã nghỉ dạy vì lý do tuổi tác, mỗi buổi sáng vào tập thể dục trong một công viên của thành phố, chúng tôi thường thấy những ống nhựa dùng để tưới cây xanh đang xả nước “vô tội vạ”, nước chảy tràn lan trên thảm cỏ rồi đổ dồn vào hố ga để thấm sâu xuống lòng đất hoặc chảy xuống cái hồ ở bên cạnh. Trong khi đó, tại nhà vệ sinh mới xây trong công viên, trên một cái xô nhỏ đã đầy nước vẫn có một cái vòi nước được mở ra và nước đang chảy xối xả.

Những lúc ấy, nghĩ gần, chúng tôi nhớ đến những gia đình ở xa trung tâm thành phố thường bị cắt điện, thường không có đủ nước sạch để uống và nấu các thức ăn. Nghĩ xa hơn, giả thiết có giặc ngoại xâm tấn công thành phố thân yêu của chúng ta, chúng tôi tin rằng công việc trước tiên mà kẻ thù gian ác phải nghĩ đến là phá hoại hệ thống điện nước. Hiện trên đất nước ta có nhiều người thiếu công tâm và không hiểu biết đang vô tình phá hoại hệ thống điện nước quốc gia theo cái cách vừa nói. Chỉ khác một điều là người Việt chúng ta thì vô tư phá từ từ, còn giặc ngoại xâm thì cố ý phá ào ạt…

Suy rộng ra, có thể nói rằng, trong thành phố, giữa làng quê, trên rừng núi hay ngoài biển khơi, có những chiếc tàu trách nhiệm nho nhỏ mang thương hiệu Vinashin đã và đang đắm chìm. Và điều đáng lo ngại hơn là nhiều Vinashin nhỏ sẽ tạo thành một Vinashin lớn.

Trục vớt những con tàu Vnashin trách nhiệm nhỏ bé này là nhiệm vụ của chính quyền và toàn dân. Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về những nhà giáo dục. Là nhà giáo, chúng tôi đã nhiều lần buồn lòng nhìn thấy cảnh nhiều học sinh, sinh viên không có ý thức bảo vệ của công khi hồn nhiên làm lãng phí điện nước. Ở trường học, sau nhiều lần vào những lớp không có sinh viên để tắt quạt, tắt đèn, chúng tôi thường nói với các bạn trẻ rằng thói quen không biết bảo vệ của công là tàn dư của bộ não những người đã có một thời gian dài sống dưới sự thống trị của ngoại bang. Ngày nào nhiều người dân Việt còn vô trách nhiệm với của công và việc công, ngày ấy nước Việt thân yêu của chúng ta chưa thực sự có độc lập và tự chủ đúng nghĩa…

Giữa tháng 10 này, lũ chồng lũ đã cuốn trôi sinh mạng và tài sản của nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung. Nhưng cơn lũ không thể cuốn trôi tình tương thân tương ái của hàng triệu người Việt. Đài truyền hình chiếu cảnh lãnh đạo chèo thuyền, lội nước đến thăm và ủy lạo những người dân đang khốn khổ vì nạn hồng thủy. Tuần báo Giác Ngộ in hình ảnh nhiều Tăng Ni và Phật tử miền Nam đã lặn lội ra miền Trung trao tận tay đồng bào nạn nhân lũ lụt quà cứu trợ. Nhật báo Tuổi Trẻ cho biết tính đến ngày 23.10.2010, số tiền nhân dân thành phố Hồ Chí Mih ủng hộ bà con vùng lũ đã lên tới 6,1 tỷ đồng. Có một thông tin làm chúng tôi cảm kích là mặc dù xúc động mạnh trước cảnh tang thương của miền Trung đang bị thiên tai tàn phá, một số bạn đọc báo Tuổi Trẻ vẫn không quên quyên góp số tiền 24 triệu đồng để giúp hai con gái ông Mai Phụng Lưu (thuyền trưởng tàu cá có 9 người bị Trung Quốc bắt giữ nhiều lần) đang tha phương cầu thực ở Sài Gòn. Riêng trong phạm vi gia đình, với tiêu đề “Thắp lên một ngọn nến cho đồng bào miền Trung”, một người cháu lớn tuổi gọi chúng tôi bằng cậu đã tự nguyện tự giác gởi thư kêu gọi hảo tâm của bà con và đã quyên góp được số tiền 6.000.000 đồng cùng 300 USD để góp sức với một số bạn thân mang tiền và quà tăng ra Quảng Bình trao tận tay đồng bào đã nghèo khổ lại nghèo khổ hơn vì thiên tai dồn dập.

Xúc động và hấp dẫn hơn hết là việc trục vớt chiếc xe khách chở hơn 30 người bị nước lũ cuốn trôi vào dòng chảy của sông Lam. Sau một thời gian tìm kiếm mà không có kết quả, có viên chức hữu trách đã nản lòng vì cho rằng “xe này có đến tám bánh và bốn bánh dự phòng, trần và hầm đều đóng kín. Khi bị trôi, xe như một chiếc phao và trôi rất nhanh nên có thể bị cuốn đi rất xa về phía biển 2. Nhưng Phó Giám đốc Công ty Vận tải biển Trường Thành ở TP. Vinh là Trần Nhất Thành thì không chịu bó tay. Nghĩ rằng nếu không trôi về biển thì chiếc xe sẽ nằm lại ở đâu đó dưới lòng sông Lam, công dân Trần Tất Thành đốt lên ngọn nến của mình bằng cách mạnh dạn xin chính quyền cho dò tìm chiếc xe xấu số. Được các Công ty Hải Long, Thiên Tài, Đình Cẩm và Ngọc Hải góp kinh phí mua vật tư và bồi dưỡng cho 130 thợ làm việc trên sông, vào chiều ngày 20 tháng 10, một giờ sau khi được chính quyền cho phép triển khai phương án cứu hộ, kỹ sư Thành chỉ huy tàu trục vớt, tàu kéo, tàu vận tải biển, cần cẩu, sà lan và các thiết bị rà tìm tiếp cận khu vực chiếc xe gặp nạn. Được sưởi ấm bằng ngọn nến tìn thương thắp sáng ở trong tim, không ngại hiểm nguy, hai thợ lặn “cự phách” là Nguyễn Văn Hoàn và Nguyễn Văn Sơn mình trần thân trụi đã lao xuống sông sâu lạnh giá để kiếm tìm và sau hai giờ vật lộn với dòng nước chảy xiết, hai anh đã tìm thấy chiếc xe khách và một số thi hài của những người dân bất hạnh ở độ sâu 12 mét 3.

Sức mạnh của nhân dân đã trục vớt chiếc xe khách định mệnh mang số hiệu 48K-5868. Nếu chính quyền thực sự làm hết trách nhiệm với nước, với dân thì sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân sẽ được tạo lập và những con tàu chìm Vinashin to lớn đến cỡ nào cũng có thể trục vớt được. Từ ngàn năm trước, tổ tiên đã để lại cho chúng ta bài học phải trả giá bằng nhiều máu xương: Trong một hoàn cảnh lịch sử tối tắn, nếu toàn dân biết lấy giáo lý vị tha vô ngã của Như Lai làm lẽ sống, nếu mọi người biết gạt qua một bên những khác biệt về địa vị, quyền lợi, học vấn, tuổi tác và giới tính, cùng ngồi lại với nhau để đồng loạt đốt lên ngọn nến tình thương và trách nhiệm, bóng tối sẽ bị đẩy lùi, lễ hội hoa đăng của dân tộc sẽ được mở ra và mặt trời sáng rực niềm tin sẽ được tìm thấy.

Chú thích
1. Nhật báo Tuổi trẻ số ra ngày 25-10-2010, tr. 14
2. Nhật báo Tuổi trẻ số ra ngày 20-10-2010, tr. 5
3. Nhật báo Tuổi trẻ số ra ngày 23-10-2010, tr. 6


Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kẻ thù của chân lý

    06/06/2015Nguyên CẩnTừ ngàn xưa, một trong những nơi thử thách bản lĩnh và trình độ của chính khách là nghị trường. Ở đó, những người đại diện cho cử tri đứng ra chất vấn các quan chức đứng đầu các cơ quan của chính phủ. Đây là tấm gương soi của nền dân chủ...
  • Tảng băng trách nhiệm

    29/12/2010Nguyên CẩnKhi con tàu Titanic lộng lẫy và sang trọng đâm vào một tảng băng trôi khiến hơn 1.500 hành khách tử nạn, nhân loại ngày ấy (năm 1912) đã gọi sự kiện đó là thảm họa lớn nhất trong thời bình. Đó không chỉ là một vụ chìm tàu đơn thuần mà còn là một cú "sốc" lớn cho những nhà thiết kế đầy tham vọng...
  • Quốc nạn - Sự vô trách nhiệm và lãng phí mang tính hệ thống

    02/12/2010Nguyễn Hoàng (2010)Sự vô trách nhiệm mang tính hệ thống tất yếu gây ra những lãng phí
    mang tính hệ thống. Đó là sự lãng phí về cơ hội, các nguồn lực con
    người và xã hội, tiền của, thời gian, tài nguyên đất nước và phải được
    coi như một tội ác ghê gớm. Quy mô và sức phá hoại nó rât nặng nề có
    thể lên đến nhiều tỷ dollar/năm. So sánh về sức tàn phá, tham nhũng chỉ
    như mấy chú muỗi mắt đặt bên cạnh những con khủng long lãng phí và phá
    hoại mà thôi. Hiện tại, chưa có bất cứ một chế tài nào để chế ngự được
    loại quốc gia đại nạn này...
  • Tái cơ cấu Vinashin theo hướng nào?

    24/09/2010Lê Văn TứĐến nay, kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vẫn chưa được công bố, ngoài một vài thông tin lẻ tẻ cho thấy việc tái cơ cấu đã khởi động. Vì thế lòng dân không yên, bởi mọi tổn thất mà Vinashin đã gây ra, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ do người dân chịu...
  • Vinashin và lỗ hổng tài chính

    16/09/2010Anh VũSau khi Tập đoàn Vinashin không còn khả năng trả nợ, người ta mới giật mình, đặt câu hỏi: ai đã quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn vốn của Vinashin? Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn sẽ không dẫn tới tình trạng như hiện nay...
  • Để không còn một Vinashin

    04/09/2010Nguyễn Ngọc BíchVượt qua những sự xúc động khác nhau đối với Vinashin, tôi xin giải thích tình trạng của nó theo quan điểm quản trị kinh doanh hay quản trị xí nghiệp (business management) để hy vọng trong tương lai sẽ không còn một vụ như thế...
  • Quản trị quốc gia nhìn từ điều hành của Vinashin

    26/08/2010Phùng Hoàng CơChúng ta hình dung năng lực quản trị và điều hành của các lãnh đạo Vinashin hiện nay như là khả năng bình thường của bé trai 10 tuổi ăn được 02 bát cơm nhưng được bố mẹ giao ăn 04 bát cơm. Đứa trẻ sẽ phản ứng điều gì?
  • Sửa chữa những khuyết tật qua chuyện Vinashin

    01/08/2010Khánh Linh - Việt LamPhải thấy rằng câu chuyện Vinashin là do sơ xuất của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, để sửa chữa những khuyết tật của mô hình tập đoàn thời gian qua thì cả hệ thống phải thống nhất ý chí và hành động – Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Invest Consult nhận định...
  • Nói gì về Vinashin lúc này?

    24/07/2010Đỗ Thái BìnhTrước tình hình Vinashin hiện nay, các nhà quản lý đất nước cần có những quyết định dứt khoát: đóng cửa các cơ sở, dự án chỉ cốt chơi trội; tập trung mọi nguồn lực cho các cơ sở, dự án gắn liền với yêu cầu vận tải, đánh bắt, bảo vệ chủ quyền trên biển; cố cứu giữ các thành quả công nghệ vừa thu lượm được dù với giá rất đắt do đầu tư dàn trải, thiếu bài bản, đặc biệt là các lớp kỹ sư và công nhân vừa được chạm tay tới nhiều công nghệ mới; duy trì và phát huy các thiết bị công nghệ mới rất đắt tiền, kể cả cần bố trí, phân phối lại, bổ sung cho phù hợp.
  • Vinashin, kết quả thí điểm

    06/07/2010Sáu NghệDư luận đang đặc biệt quan tâm đến Tập đoàn Vinashin không chỉ vì kết quả kinh doanh. Nhớ lại, ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 103/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Trong năm 2006 còn ra đời nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác...
  • Vấn đề Vinashin – nhìn từ nhiều phía

    06/07/2010PGS TS Vũ Trọng KhảiCác tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, theo quy định của Chính phủ, đột nhiên phải thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp này từ trước đến giờ “không quen biết” gì nhau, nằm ở rải rác khắp nơi, nay cùng “chui” vào một “rọ quản lý” của tập đoàn...
  • xem toàn bộ