Vinashin phá sản hay không phá sản?

09:52 SA @ Thứ Năm - 04 Tháng Mười Một, 2010
Đó là câu hỏi mà bản thân TS Nguyễn Đức Kiên - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ủy viên Ủy ban Kinh tế - đã trả lời khác nhau trước báo chí và trước Quốc hội. Tuổi Trẻ cùng một số báo khác trở lại câu chuyện này với ông Kiên bên lề kỳ họp ngày 3-11.


* Tuổi Trẻ: Bạn đọc cho biết họ rất khó hiểu khi mười ngày trước, bên lề kỳ họp Quốc hội này ông nói “Vinashin về thực chất đã phá sản nhưng chúng ta không tuyên bố”, còn ngày 2-11 ông phát biểu ở Quốc hội rằng “Vinashin không phá sản bởi vốn chủ sở hữu vẫn còn”. Ông giải thích thế nào?

- Chúng ta đã xử lý Vinashin bằng cách chia tách nó ra, thay đổi những người điều hành, cắt bớt nhiệm vụ như là không cho nó làm kinh doanh bảo hiểm nữa... Có nghĩa là về mặt thực chất thì mình đã tái cơ cấu. Và như vậy thì đấy chính là hình thức phá sản và tái cơ cấu sau phá sản.

Thông thường có hai mô hình phá sản: mô hình phá sản của Mỹ là phá sản qua đêm, nghĩa là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động nhưng thay đổi pháp nhân - thay đổi chủ doanh nghiệp; mô hình phá sản kiểu châu Âu thì đóng cửa, bán doanh nghiệp, bán tất cả đi, sau đó có ông nào đó vào mua giá rất rẻ, xong rồi các chủ nợ cơ cấu lại cái nợ đó. Thế nhưng trong trường hợp Vinashin, chủ doanh nghiệp không thay đổi (Chính phủ vẫn là chủ sở hữu - NV) và mình phải cơ cấu lại nợ, mình không thể nói là mặc kệ các ngân hàng được. Thế cho nên về bản chất là mình đã thực hiện nó như là một doanh nghiệp đã bị phá sản.

Còn thật ra, nếu theo báo cáo thì thấy rằng hiện nay trên sổ sách kế toán mà các cơ quan kiểm toán độc lập họ vào tính toán thì tổng tài sản hiện đang có lớn hơn tài sản nợ, cộng với vốn chủ sở hữu thì nó vẫn còn số dư. Cho nên về mặt nguyên tắc, nó chưa mất vốn. Chính vì thế, Chính phủ với tư cách chủ sở hữu mới xác định rằng anh sử dụng vốn của tôi không hiệu quả thì tôi lấy lại.

"Con số nợ 86.000 tỉ đồng cứ nói là trả được hay không trả được, đến bây giờ ý kiến các chuyên gia đều cảm tính hết. Tất nhiên, Vinashin sai thì đã sai rồi, vấn đề là chúng ta xử lý làm sao cho nó đỡ bung bét nhất, thiệt hại ít nhất"

Còn con số 86.000 tỉ đồng, báo chí cần phải nói rõ ra: đây là tổng nợ của Vinashin đối với ngân hàng và các tổ chức tín dụng, chứ không phải 86.000 tỉ đồng này là thất thoát tài sản.

* Tuổi Trẻ: Nhưng trên thực tế Vinashin ở trong tình trạng không có khả năng trả nợ, hàng ngàn công nhân không có việc làm và Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu đang phải chỉ đạo tái cơ cấu các khoản nợ của Vinashin?

- Vinashin nợ thì bây giờ mới phải tái cơ cấu lại nợ. Vấn đề ở đây là chúng ta nhìn nó hết sức bình thường trong một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong kinh tế thị trường thì một doanh nghiệp có thể vay gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu nhưng nếu nó đạt yêu cầu thì vẫn bình thường.

* Tiền Phong: Với số nợ khổng lồ đó, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều năm Vinashin mới khôi phục được chứ chưa nói gì đến trả nợ, ông nghĩ sao?

- Tôi chưa biết chuyên gia nào tính như vậy. Bạn có thể cho tôi biết tên chuyên gia đó để tôi có thể sẵn sàng trao đổi với họ và mời bạn tham gia trao đổi. Còn các chuyên gia kinh tế của Vinashin tôi đều biết hết trong lòng bàn tay.

* Tiền Phong: Ông có thể tính toán với số nợ hiện nay, Vinashin cần bao nhiêu thời gian để trả không?

- Tôi là đại biểu Quốc hội nên tôi không tính toán, đại biểu Quốc hội là làm vĩ mô, làm cơ chế chính sách.

LÊ KIÊN ghi


Thử tính giá trị tàu Hoa Sen

Giải trình về nợ và tài sản của Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: “Số nợ của Vinashin là 86.000 tỉ đồng (làm tròn số), nhưng tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin khoảng 103.000 tỉ đồng, như vậy tiền vay này đang nằm trong các tài sản, các dự án”. Phát biểu này là hoàn toàn chính xác về nguyên tắc kế toán, nhưng nếu hiểu về bản chất giá trị của các khoản nợ và tài sản thì ở đây cần phải xem lại.

Chúng ta biết rằng khoản nợ 86.000 tỉ đồng là một con số chắc chắn tối thiểu mà doanh nghiệp sẽ phải trả, càng kéo dài thời gian khó khăn thì nợ càng gia tăng vì lãi vay phát sinh mà doanh nghiệp không trả được. Hơn thế, với việc tỉ giá VND/USD liên tục tăng cao cũng làm khoản nợ này tăng lên đáng kể. Ngược lại, giá trị tài sản được ghi trong bảng cân đối kế toán chỉ là việc hạch toán số tiền đã thực chi ra chứ ít khi phản ánh thực giá trị của doanh nghiệp.

Lấy tàu Hoa Sen làm ví dụ. Giả định vào tháng 11-2007 (thời điểm mua tàu Hoa Sen), Vinashin - Hoa Sen được thành lập với tài sản duy nhất là con tàu được mua với giá 1.300 tỉ đồng từ 1.200 tỉ đồng vốn vay trái phiếu chính phủ có lãi suất trên 7%/năm và 100 tỉ đồng vốn chủ sở hữu của Vinashin.

Bảng tổng kết tài sản của Vinashin - Hoa Sen vào tháng 11-2007 sẽ là bên tài sản 1.300 tỉ đồng được hạch toán ở mục tài sản cố định, bên nợ và vốn sẽ là 1.200 tỉ đồng nợ và 100 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.

Bảng tổng kết tài sản của Vinashin - Hoa Sen sẽ như thế nào ở thời điểm hiện tại?

Sau khi mua về, con tàu này dường như không hoạt động, nhưng chỉ riêng phần lãi vay phát sinh trong ba năm đã lên đến 1.200 x 7,15% x 3 = 257 tỉ đồng.

Về mặt kế toán, sẽ có hai cách giải quyết:

Thứ nhất, do không hoạt động nên doanh nghiệp sẽ treo tạm phần lãi vay phải trả nêu trên vào một tài khoản nào đó bên tài sản (khoản phải thu) và hạch toán số tiền tương ứng vào tài khoản phải trả. Kết quả là cả hai bên của bảng tổng kết tài sản sẽ tăng lên 257 tỉ đồng và tổng tài sản sẽ là 1.557 tỉ đồng.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp hạch toán lợi nhuận chi phí đầy đủ thì tổng tài sản vẫn là 1.300 tỉ đồng (giả sử không khấu hao), nhưng lúc này các khoản nợ sẽ tăng 257 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu sẽ là âm 157 tỉ đồng chứ không phải là dương 100 tỉ đồng như phương án 1.

Nhìn những gì đang xảy ra thì có vẻ như cách thức thứ nhất đã được áp dụng chủ yếu ở Vinashin. Với phương thức này, nhìn vào sổ sách thì mọi chuyện vẫn ổn. Vốn chủ sở hữu không mất đi mà quy mô của doanh nghiệp tăng lên.

Tuy nhiên, về bản chất con số báo cáo cho Quốc hội phải là con số giá trị thực tài sản của Vinashin hiện nay. Hiểu đơn giản là nếu bán tàu Hoa Sen thì sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền.

Với những thông tin đã được đăng tải thì giá trị của tàu Hoa Sen sẽ là rất thấp. Giả sử giá trị thị trường của con tàu này hiện nay là 500 tỉ đồng, khi đó vốn chủ sở hữu của Vinashin - Hoa Sen sẽ là âm 957 tỉ đồng chứ không phải là dương 100 tỉ đồng như vẫn ghi trong sổ sách kế toán.

Chỉ riêng một con tàu Hoa Sen với những ước tính sơ bộ đã cho con số nêu trên, nếu tính cho cả Vinashin thì chắc hẳn vốn chủ sở hữu sẽ là con số âm.

THẢO NGUYÊN
Nguồn:Tuổi trẻ
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vinashin nợ ai, ai nợ?

    03/11/2010... tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103.774 tỉ. Như vậy tiền vay này nó đang nằm trong các tài sản, các dự án, cũng có thể có dự án thì hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả. Phát biểu của ông bộ trưởng Vũ Văn Ninh chứa hàm lượng thông tin rất thấp, do đó chưa trấn an được ai...
  • Bauxite và Vinashin

    30/10/2010Nguyễn Vạn PhúGiữa hai dự án bauxite ở Tây Nguyên và Vinashin có điểm gì chung?
  • Độc đoán, chuyên quyền làm đắm con tàu lớn (...)

    22/10/2010Chí TùngCon tàu lớn (...) quyết định làm theo ý mình**) là một việc cố ý làm trái với chỉ đạo của Chính phủ...
  • Tái cơ cấu Vinashin theo hướng nào?

    24/09/2010Lê Văn TứĐến nay, kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vẫn chưa được công bố, ngoài một vài thông tin lẻ tẻ cho thấy việc tái cơ cấu đã khởi động. Vì thế lòng dân không yên, bởi mọi tổn thất mà Vinashin đã gây ra, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ do người dân chịu...
  • Vinashin và lỗ hổng tài chính

    16/09/2010Anh VũSau khi Tập đoàn Vinashin không còn khả năng trả nợ, người ta mới giật mình, đặt câu hỏi: ai đã quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn vốn của Vinashin? Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn sẽ không dẫn tới tình trạng như hiện nay...
  • Để không còn một Vinashin

    04/09/2010Nguyễn Ngọc BíchVượt qua những sự xúc động khác nhau đối với Vinashin, tôi xin giải thích tình trạng của nó theo quan điểm quản trị kinh doanh hay quản trị xí nghiệp (business management) để hy vọng trong tương lai sẽ không còn một vụ như thế...
  • Đóng tàu để làm gì?

    24/08/2010Đỗ Thái BìnhKhi bàn về sự cần thiết phải có biện pháp cứu Vinashin người ta thường nói chung chung tới chiều dài 3200 km đường biển, coi như có biển dài, nhất định phải có công nghiệp đóng tàu. Điều đó không sai, nhưng đâu phải cứ có biển dài là phải đóng tàu xuất khẩu, phải trở thành cường quốc hàng đầu về công nghiệp đóng tàu của thế giới...
  • Thuyền Rùa và thuyền Cổ lâu

    17/08/2010Đỗ Thái BìnhĐọc cuốn tự truyện kể lại đời mình của ông chủ tập đoàn Hyundai, có lẽ ai cũng phải xúc động trước ý chí, quyết tâm dời non lấp biển của Chung –Ju-Yung. Sau những thành công trong xây dựng, chàng thợ hồ học vấn tiểu học ở tuổi năm 55 nhảy sang lĩnh vực đóng tàu. Cần có số vốn 80 triệu đô la để dựng nhà máy, Chung đã sang London, cố thuyết phục Ngân hàng Barclays. Bằng cấp anh đâu? Quá trình kinh nghiệm đóng tàu của anh đâu?
  • Nợ...

    06/08/2010Trí QuânCon tàu khổng lồ Vinashin của "nền đóng tàu đứng thứ 5 trên thế giới" mất lái, hải trình đứt gãy, nửa chìm nửa nổi. Thuyền trưởng bị bắt, để lại phía sau trôi nổi những phận người...
  • Sửa chữa những khuyết tật qua chuyện Vinashin

    01/08/2010Khánh Linh - Việt LamPhải thấy rằng câu chuyện Vinashin là do sơ xuất của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, để sửa chữa những khuyết tật của mô hình tập đoàn thời gian qua thì cả hệ thống phải thống nhất ý chí và hành động – Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Invest Consult nhận định...
  • xem toàn bộ