Thực trạng sử dụng Internet ở thanh, thiếu niên Việt Nam
Internet có vẻ như đã trở thành một thứ rất quen thuộc đối với đông đảo thanh, thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn. Thế nhưng, sự quen thuộc đó liệu đã mang ý nghĩa tích cực như chúng ta nghĩ lẽ ra nó phải vậy? Vấn đề không phải chỉ một chiều từ phía những tác động xấu mà báo chí đã nói tới nhiều như các trang web đồi truỵ, tán gẫu khiêu dâm, ảnh khoả thân của những người nổi tiếng..., vấn đề cốt lõi là ở chỗ, TTN đang quá thiếu định hướng để biết và thấy cần khai thác những mặt tích cực của thế giới ảo...
Khách hàng ở các quán Internet đa phần là thanh thiếu niên. Họ dùng Internet để...
Điều dễ thấy nhất ở toàn bộ hơn 20 quán café Internet tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội mà chúng tôi tới là: Tuyệt đại đa số khách hàng vào Internet để chat (tán gẫu), trong đó phần lớn sử dụng phần mềm Yahoo!Messenger (YM), số còn lại sử dụng các dịch vụ ICQ, AIM và các phòng chat công cộng. Có lẽ chúng ta cần các nhà hoạch định chính sách tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn để đưa ra những con số thống kê về bao nhiều phần trăm TTN VN sử dụng Internet để giải trí (trong đó có không ít các loại hình giải trí vô bổ, thậm chí độc hại), bao nhiêu phần trăm phục vụ nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức. Còn dưới góc nhìn của một người bình thường, ai cũng có thể nhận thấy ở các quán café Internet, nơi các khách hàng ở độ tuổi đi học luôn chiếm đa số, những màn hình đọc tin, tìm kiếm thông tin trên mạng thật sự vô cùng hiếm hoi. Điều khó tưởng tượng là trong số những TTN thao tác "chat chit" trên YM nhanh như chớp với những ngón tay thoăn thoắt, không ít người không biết đến trình duyệt web là gì. Một số biết thì chỉ quanh quẩn truy cập một vài website rất hạn chế.
Những cô cậu tuổi chưa tới 20 miệt mài với hàng loạt "tín hiệu nhấp nháy" trên màn hình mời gọi. P. và T., hai cô gái 16 tuổi cười khúc khích trước 6, 7 cửa sổ chat có hình ảnh ở một quán trên đường Hồ Đắc Di, lắc đầu ngơ ngác khi chúng tôi hỏi ngoài việc chat có bao giờ vào mạng để xem các website không. Còn H.Y, một học sinh cấp 3 cho biết cũng có máy tính nối mạng ở nhà, nhưng em thích ra các hàng ở đường Nguyễn Trãi vì thoải mái hơn và không bị mẹ theo dõi: "Em thường chat với mấy người bạn ở các tỉnh khác...". Được chúng tôi giới thiệu trang tìm kiếm Google, H.Y vui mừng ghi ngay vào sổ tay và khoe: "Em sẽ xem trang này từ nhà. Mẹ em sẽ không cấm đâu!". Màn hình máy tính của Đ.P (lớp 12 Trường Quang Trung) cũng chỉ có mấy cửa sổ chat: "Em mới tập vào mạng từ một tháng nay và chỉ để chat. Em không biết nhiều lắm vì chẳng được ai hướng dẫn. Tiếng Anh thì em không biết. Dùng mạng khó phết...".
Tự phát, thiếu định hướng và quá ít hiệu quả: Lợi bất cập hại?
"Chẳng được ai hướng dẫn", đó là tình trạng chung của TTN hiện nay đối với CNTT nói chung và Internet nói riêng. Chúng ta thường nói nhiều tới tầm quan trọng của CNTT, nhu cầu nối mạng toàn cầu để hội nhập và phát triển, thậm chí coi việc giới trẻ ngày càng quan tâm và sử dụng Internet nhiều là một biểu hiện của sự nâng cao trình độ tin học và phát triển giáo dục. Nhưng dường như chúng ta đang "quá tin tưởng" hay đúng hơn là phó mặc cho khả năng tự tìm tòi của TTN.
Tại các nước có nền giáo dục và công nghệ phát triển, việc sử dụng các mạng máy tính, trong đó có mạng của trường và mạng Internet toàn cầu, là một phần không thể thiếu của quá trình học. Các vấn đề đặt ra luôn có tính mở và cập nhật, đòi hỏi học sinh, sinh viên phải tra cứu, thu thập những thông tin, kiến thức liên quan để có thể nắm vững bài học và làm bài tập. Đấy là chưa kể những khoá, những giờ học chuyên biệt hướng dẫn cụ thể việc sử dụng máy tính và Internet để phục vụ việc học tập, nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực. Kho kiến thức vô giá từ Internet luôn được các giáo viên chú trọng dạy cách khai thác sao cho hiệu quả, định hướng sử dụng và cảnh báo các nguy cơ.
Ở VN, hầu như vẫn chưa có những kế hoạch đào tạo, định hướng sử dụng máy tính và Internet một cách cơ bản và rộng rãi cho học sinh, sinh viên. Các môn học không liên quan tới CNTT thì lại càng bó hẹp về nội dung và hình thức giảng dạy, chưa tạo được lòng ham tìm tòi, khám phá thêm cho các em. Thầy giáo Phạm Huy Thông, Trường THCS Giảng Võ, tâm sự: "Chúng tôi biết nhiều em học sinh cấp II đã tự làm quen với máy tính và Internet ở nhà hoặc qua các quán Internet, nhưng những hoạt động đó đều ngoài giờ học ở trường nên chúng tôi không thể quản lý được. Còn để định hướng thì hiện nay cấp II chưa có chương trình và kế hoạch dạy tin học chính quy, trang thiết bị còn rất thiếu thốn. Một số ít trường có trang bị tương đối khá thì lại vẫn còn lúng túng chưa biết khai thác thế nào cho hiệu quả, bởi cũng chính trường lại thiếu định hướng từ các cấp cao hơn...".
Ở lứa tuổi học cấp II, các em bắt đầu háo hức tìm hiểu những công nghệ mới. Trường lớp không dạy, các em mách bảo nhau cách sử dụng và tất nhiên, học cái vô bổ, cái xấu thì luôn dễ nhất. Thực tế, có không nhiều phụ huynh như mẹ em H.Y ở trên theo dõi con làm gì trên mạng, mà hầu hết thường có tâm lý cho rằng con cái học "mấy cái đó" nhanh hơn mình. Các vị cha mẹ mà chúng tôi hỏi đều cho biết không bao giờ hoặc rất ít khi kiểm tra con cái làm gì với máy tính và mạng Internet bởi "có kiểm tra cũng không biết đường nào mà lần" - theo lời anh Hùng, có con học cấp III Trường THPT Việt - Đức; hoặc "thấy chúng say mê máy tính là tốt rồi" - chị Quỳnh, có con học cấp II Trường Ngô Sỹ Liên cho biết. Họ cũng cho biết con cái hầu như chẳng bao giờ trao đổi với mình về những gì chúng làm, đọc, hay thấy trên Internet.
Thầy Thông chia sẻ với chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có chương trình đào tạo tin học đồng bộ và phù hợp cho từng cấp học, cũng như có các phần mềm giáo dục, sách điện tử, cơ sở dữ liệu và website có nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp một cách khoa học tới mọi môn học để học sinh, sinh viên có điều kiện tự nghiên cứu, khám phá. Nếu không có những định hướng căn bản như vậy thì bao nhiêu tiền của để trang bị máy móc, bao nhiêu thời gian của các em tiêu tốn vào Internet sẽ phí hoài và thậm chí "lợi bất cập hại".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn