Về hạnh phúc và các khẩu hiệu khác
Tết đang đến, mang theo những lời chúc hạnh phúc mà chúng ta dành cho những người thân yêu.
Hạnh phúc, đó là món quà giá trị nhất mà con người của các quốc gia ai cũng mong ước. Nhưng Việt Nam nằm trong số rất ít các quốc gia đưa hạnh phúc thành một trong vài mục tiêu hàng đầu của quốc gia, trong khi các quốc gia khác thường tôn vinh đoàn kết, rồi tới các giá trị khác theo trật tự thông thường là Thượng đế, tự do, tổ quốc, công lý…Và kỳ lạ nhất có lẽ là khẩu hiệu của một quốc gia nhỏ tí xíu ở Châu Âu1: “Chúng tôi muốn duy trì như hiện tại” (“We want to stay as we are”), đó hẳn phải là quốc gia duy nhất trên thế giới cho rằng mình đã đạt đến hạnh phúc…
Hiển nhiên là những giá trị mà một quốc gia lựa chọn hướng tới trong khẩu hiệu của mình thường gắn với hoàn cảnh ra đời của quốc gia ấy. Những nơi phải chịu ách áp bức của thực dân thường tôn vinh nền độc lập và tự do; những nơi phải khổ đau vì nội chiến hàng thế kỷ sau khi thống nhất đất nước, thường là do phải chiến đấu chống lại một kẻ thù chung nào đó, sẽ tôn vinh sự đoàn kết; những nơi từng trải qua đói nghèo, và thường là đến nay vẫn đang tiếp tục đói nghèo, sẽ tôn vinh sự thịnh vượng; những nơi vật lộn với nạn sa mạc hóa sẽ tôn vinh mưa (mưa là khẩu hiệu gồm một từ duy nhất của Botswana). Với những quốc gia tôn vinh Thượng đế, tôi không rõ giá trị cụ thể mà họ hướng tới là gì, và tôi thường ngờ vực những khẩu hiệu kiểu như Chúng ta đặt lòng tin ở Thượng đế(In God we trust) hay Thượng đế ở bên ta(Gott mit uns) – khẩu hiệu đầu in trên các đồng tiền dollar Mỹ, cái mà với tôi tượng trưng cho quỷ sứ nhiều hơn là Thượng đế, còn khẩu hiệu sau được tuyên xưng bởi quân đội một quốc gia từng thảm sát tập thể vô số người Do Thái trong Thế chiến thứ II. Chưa kể tới khẩu hiệu Allah vĩ đại xuất hiện trên băng rôn của những kẻ tàn sát trẻ em mà hiện nay đang tự gọi mình là Nhà nước Hồi giáo.
Đọc qua tất cả những khẩu hiệu quốc gia trên đây chúng ta thấy sự đa dạng của những con đường dẫn tới điểm chung duy nhất mà chúng hướng tới đó là hạnh phúc. Từ những xuất phát điểm khác nhau, những con đường ấy không tránh khỏi trải qua những cung đoạn, địa hình khác nhau. Nhưng những khác biệt ấy chẳng can hệ gì, miễn là cuối cùng chúng đưa ta đến được bờ hạnh phúc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói2 “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Có thể đến một ngày nào đó trong tương lai xa, khi không còn biên giới giữa các quốc gia, khi hành tinh của chúng ta trở thành đất mẹ duy nhất, thì chắc chắn khẩu hiệu chung của các dân tộc sẽ là một từ duy nhất: Hạnh phúc.
Có thể đến một ngày nào đó trong tương lai xa, khi không còn biên giới giữa các quốc gia, khi hành tinh của chúng ta trở thành đất mẹ duy nhất, thì chắc chắn khẩu hiệu chung của các dân tộc sẽ là một từ duy nhất: Hạnh phúc.
Mặt khác, cũng qua những khẩu hiệu trên đây, chúng ta nhận ra tính tương đối của hạnh phúc. Không thể định nghĩa nó trong một khuôn khổ chung dành cho mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Trong đa số các trường hợp, để đo lường hạnh phúc, người ta thường dùng thước đo là sự bất hạnh mà những đồng loại phải trải qua trước khi giành được nó. Nếu được hỏi điều gì khiến ta hạnh phúc hơn, ta thường chỉ nghĩ đến những gì mình không có mà người khác (có thể) có. Với người nô lệ, hạnh phúc là tự do; với người nghèo, hạnh phúc là giàu có; với người ốm yếu, hạnh phúc là sức khỏe. Tất cả đều sẽ ngộ nhận nếu cho rằng hạnh phúc của mình cũng giống y như hạnh phúc của thế hệ con và cháu mình, mặc định rằng hạnh phúc của ai cũng như nhau, một điều rất phi thực tế.
Trong số những người bạn Việt Nam thân thiết nhất của tôi có những người đã trải qua mọi nỗi cơ cực trên đời, từ chiến tranh tới sự đói kém, cống hiến đời mình cho khẩu hiệu của đất nước: độc lập, tự do, hạnh phúc. Họ đã chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống, và cũng chứng kiến bao kẻ khác chế giễu lý tưởng chiến đấu của mình, rồi cũng không biết bao lần họ băn khoăn, lo lắng, thậm chí thất vọng trước những điều tàn nhẫn mà thực tế đời sống mang lại. Nhưng tôi cho rằng mình hiểu đủ về họ để nói rằng đó là những con người hạnh phúc, xứng đáng với những lời thơ của Aragon3: Sau tất cả, tôi chẳng thể nói gì hơn ngoài cám ơn bạn, bất chấp tất cả bạn đã khiến cuộc đời này tốt đẹp đến vậy. Họ đã sinh ra trong một thế hệ bị áp bức, hạ nhục, và bóc lột, nhưng di sản họ để lại cho thế hệ cháu chắt ngày nay là một đất nước tự do, hòa bình và độc lập.
Tôi cũng có những người bạn Việt Nam thân thiết nhất là những đồng nghiệp trẻ, thế hệ con cháu của thế hệ những người bạn già của tôi. Họ sinh ra, lớn lên trong thời kỳ Đổi mới, thừa hưởng di sản là tổ quốc sẵn có mà cha anh truyền lại. Họ không hiểu bị mất độc lập, mất tự do, nạn đói, và chiến tranh là như thế nào. Họ không hiểu rằng những cái mình đang có, đối với cha ông chính là hạnh phúc. Với họ, hạnh phúc vẫn là chặng đường dài phía trước. Họ muốn phải được hưởng nhiều công bằng hơn, nhân văn hơn, đạo đức hơn, và họ muốn bản thân mình phải đạt được nhiều phẩm chất, kỹ năng tốt hơn. Họ muốn đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, và những mặt trái đang tồn tại trong đời sống. Họ muốn đất nước mình có vị thế cao hơn trên trường quốc tế, có những trường đại học chất lượng tốt hơn, giảm bớt nạn chảy máu chất xám, có nhiều hơn những kỹ sư, nhà khoa học giàu năng lực, những nghệ sỹ tài năng. Đó là những gì họ muốn đấu tranh trên con đường tới hạnh phúc, với tất cả nhiệt huyết, sự vô tư của tuổi trẻ. Như Camus từng nói, sự nhọc nhằn trên đường lên đỉnh núi đủ để lấp đầy trái tim một con người4. Có lẽ sự vật lộn hướng lên những đỉnh núi chính là điều kiện cần để con người cảm thấy hạnh phúc.
Trong lịch sử, con người từng gây ra những điều tồi tệ khi nhân danh người khác và áp đặt cho họ các giá trị riêng của mình, bắt họ tin vào những vị thượng đế, hay những học thuyết giáo điều nào đó. Đây là những điều chúng ta cần lưu tâm trước khi khẳng định sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác. Mỗi ngày trên thế giới đều có trẻ em bị giết hại và phụ nữ bị hãm hiếp nhân danh Allah. Hàng triệu người Do Thái từng bị Hitler tàn sát nhân danh thanh lọc nòi giống da trắng, hàng triệu người da đỏ bị thực dân Tây Ban Nha giết hại nhân danh Thượng đế, và hàng triệu người đã chết trong cuộc đấu tranh giai cấp khởi xướng bởi Stalin, Mao Trạch Đông, và Pol Pot. Giordano Bruno từng bị thiêu sống nhân danh Nhà thờ La Mã. Nước Mỹ từng ném bom Việt Nam nhân danh dân chủ. Tầng lớp giàu có nhân danh chủ nghĩa tự do (liberalism) để bóc lột người nghèo.
Lịch sử cho thấy những ngôn từ trong khẩu hiệu của không ít quốc gia hoặc bị lợi dụng, bóp méo để phục vụ cho lợi ích các nhóm thiểu số, hoặc trở nên nguy hại khi chúng bị sử dụng một cách cứng nhắc, giáo điều. Bởi vậy, chúng ta phải sẵn sàng gác các ngôn từ, khẩu hiệu sang một bên khi chúng không giúp ta đi đúng hướng trên con đường tìm kiếm hạnh phúc.
Mỗi người trong thế hệ trẻ ngày nay đều phải tự lựa chọn con đường tìm kiếm hạnh phúc của mình và chúng ta phải tôn trọng điều ấy. Nhưng hãy khuyến khích họ suy xét cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định để tránh những con đường sai lầm. Chúng ta không thể thay họ lựa chọn đích đến, tuy nhiên ta có trách nhiệm cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.Ở đầu bài viết, tôi đã khẳng định không có cái gọi là hạnh phúc phổ quát; nhưng thật may là điều này không hoàn toàn đúng; nụ cười của một em bé, tình yêu của một người phụ nữ, ly nước mát giữa cơn khát, sự hùng vĩ của mặt trời buổi hoàng hôn... không ai có thể lấy đi những điều ấy của ta. Hạnh phúc có thể chính là sự bằng lòng với những điều giản dị ấy...
Trong thập kỷ 30 của thế kỷ trước, những bạn bè của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường từng phê phán Hồ Chí Minh là người cộng sản cuồng tín đi ngược lại lợi ích quốc gia và dân tộc, trong khi ở chiều ngược lại có một số người phê phán Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, cơ hội, phản bội lại lý tưởng cộng sản và sứ mệnh đấu tranh giai cấp. Nhưng Hồ Chí Minh đã không phản bội bất kỳ ai, Người chỉ đơn thuần không quên mục tiêu duy nhất của mình, đó là hạnh phúc của nhân dân, và không lý lẽ, ngôn từ giáo điều nào có thể xô đẩy ông đi chệch khỏi con đường mà ông lựa chọn
Chú thích:
1Luxemburg.
2Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Quyển: 4, tr. 56.
3Malgré tout je vous dis que cette vie fut telle/Qu’à qui voudra m’entendre à qui je parle ici,N’ayant plus sur la lèvre un seul mot que merci,/Je dirai malgré tout que cette vie fut belle.
4Lời tòa soạn: tác giả bài viết trích dẫn tác phẩm Huyền thoại Sisyphuscủa Camus, trong đó Sisyphus bị các vị thần trừng phạt bằng cách bắt ông trọn đời phải không ngừng vần một tảng đá lên đỉnh núi, nơi tảng đá không tránh khỏi tự lăn xuống chân núi. Các vị thần cho rằng không hình phạt nào nghiêm khắc hơn là đày ải một con người phải trọn đời làm một công việc vô ích, nhưng với tư tưởng triết học Hiện sinh, Camus cho rằng tự thân sự vật lộn của con người trong đời sống đã hàm chứa hạnh phúc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn