Văn hoá và sự "đứt gãy": Vì đâu?

03:13 CH @ Thứ Hai - 29 Tháng Mười Hai, 2014
Với một quá khứ nhiều đứt gãy và một nền tảng văn hoá không được tiếp nối một cách chăm chút, đàng hoàng và có hệ thống, thì những biểu hiện văn hoá thường sẽ là "giật gấu vá vai".


Sau những ồn ào tranh luận của dư luận xã hội, của bạn đọc về bộ phim "Trung Hoa hóa" (Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long), mới đây, Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết của tác giả Thái Nam Thắng bàn về Văn hóa và sự "đứt gẫy" của văn hóa Việt. Nhận thấy đây là chủ đề bổ ích, để rộng đường dư luận và tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng tải, với mong muốn nhận được nhiều bài viết của các quý bạn đọc gần xa, trong nước, nước ngoài bàn về chủ đề thế nào là Bản sắc văn hóa Việt? Làm thế nào để vừa gìn giữ, vừa phát triển, vừa tôn vinh được văn hóa Việt trong thời hội nhập?

Sự "đứt gãy" văn hóa và những hệ lụy

Bản sắc văn hoá của một dân tộc được hình thành từ sự vận động tiếp biến, dung hội, giao thoa giữa các nền văn hoá. Đó cũng là một quá trình học hỏi, sáng tạo và khẳng định. Học hỏi những gì, của ai, ở đâu... cần dựa trên một cái văn hoá nền mà trong suốt quá trình sống, cộng đồng dân tộc ấy đã không ngừng điều chỉnh và sáng tạo ra. Vừa phải tiếp nối, vừa phải thích ứng với các giá trị thời đại, đó là những vận động lịch sử bắt buộc, không thể cưỡng lại được khi một dân tộc đã ý thức để mắt ra bên ngoài lãnh thổ.

Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, văn hoá luôn có sự đối kháng và bị chi phối mạnh bởi số phận khắc nghiệt của dân tộc Việt Nam- liên miên bị chiến tranh xâm lược, từ phương bắc, đến phương tây. Nên có thể nói lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh chống xâm lược, giành độc lập tự do.

Bản chất của các quốc gia phong kiến phía bắc là xâm chiếm đất đai và cắt đặt chư hầu. "Hán hoá" là một thực tế lịch sử khi người Việt chịu ách đô hộ trong suốt một nghìn năm. Trong dòng lịch sử đầy thăng trầm ấy, điều mà người Việt giữ được cho đến hôm nay chính là tiếng Việt. Một nhà nước phong kiến nhỏ, luôn bị đe dọa bởi những âm mưu thôn tính đến từ bên ngoài, thì ngoài việc mở rộng lãnh thổ, tự bảo vệ, trong đó bảo vệ tiếng nói- là cách duy nhất để tồn tại.

Bản ngã mãnh liệt của dân tộc Việt được trui rèn và thể hiện qua bản lĩnh chống ngoại xâm và những ứng xử nhân đạo, nhân văn kèm theo nó. Chính trong quá trình tiếp biến văn hoá Tam giáo, người Việt đã sàng lọc cho dân tộc mình một đời sống ứng xử đậm chất khoan dung. Khoan dung tư tưởng là nhân tố quan trọng để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, tạo nên nền văn hoá dung hội, hoà hợp và hoà giải. Lịch sử minh chứng, người Việt không thích ứng với văn hoá, tôn giáo cực đoan, áp đặt.

Quá khứ đứt gãy đã làm mất đi những điểm soi chiếu cho hiện tại, và khi không có đầy đủ những dữ liệu cần thiết để chứng minh thì sẽ dẫn đến những tranh cãi không dứt về "bản sắc". Chẳng hạn, gần đây một bộ phim lịch sử đã gặp phải những phản ứng khác nhau về vấn đề "Trung Hoa hoá".

Sẽ chẳng có nhiều tranh cãi nếu bộ phim lịch sử kia có bối cảnh lịch sử từ triều Nguyễn. Nhưng ở vào thời Lý, thời vừa thoát ách nghìn năm không lâu để khẳng định nền độc lập, tự chủ, thì điều đầu tiên cần phải làm trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nhiều mặt từ "Trung Hoa" là tạo nên những giá trị khác biệt nhất định.

Một cảnh trong phim Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long


Nói đến triều Lý, không chỉ dừng lại ở những bàn luận về kiến trúc, lễ nhạc, mỹ thuật... mà điều quan trọng cần phải bàn đến đó chính là tư tưởng Phật - Đạo - Nho đã được tiếp biến và ứng dụng như thế nào trong chính sách "cai trị" của Đại Việt. Trong khi cả ba tư tưởng này cũng đều có thế đứng vững chắc trên đất nước Trung Hoa.

Trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, văn chương, lễ nhạc, y phục, ca vũ của Đại Việt có bao nhiêu phần trăm ảnh hưởng từ Trung Hoa, từ Chăm? Không khó để tìm đọc lại những gì còn sót lại trong lịch sử. Trong tính chất "thân thuộc giả vờ", Đại Việt bên trong thì xưng đế, bên ngoài vẫn phải nhận tước vị, mũ áo cân đai, ấn tín của "thiên triều". Đại Việt vừa cống nạp vừa xin về những kinh sách có giá trị. Điều này ảnh hưởng gì đến những hình thức sinh hoạt khác nhau trong đời sống của người Việt?

Ngược lại, lụa An Nam nổi tiếng khắp châu Á, lan đến tận những chốn cung đình thâm nghiêm nhất há chẳng phải là niềm tự hào của người Việt hay sao? Vua Lý Nhân Tông là người tinh thông âm luật, chế ca nhạc. Trong Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, Nguyễn Công Bật viết: "Vua ta tinh tường âm nhạc nước ngoài, chuyển nắm được đầu mối cốt yếu của mọi nghệ thuật".

Nhưng chính sự đứt gãy văn hoá (chủ yếu do chiến tranh) đã khiến chúng ta không biết được ngay cả cách ăn mặc của ông cha mình ra sao. Trong lĩnh vực tuồng truyện, Đại Việt sử ký toàn thư chép: Năm Đại Trị thứ 5 (1362), mùa Xuân, tháng Giêng, "lệnh cho cho các nhà vương hầu cùng công chúa dâng các trò tạp hý, vua xét định trò nào hay thì ban thưởng cho. Trước đây, khi đánh Toa Đô, bắt được người phường hát là Lý Nguyên Cát rất giỏi hát, những con ở trẻ của các nhà thế gia theo y tập hát điệu phương Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở tuồng truyện cổ, có các tích như Tây Vương Mẫu hiến bàn đào.

Trong tuồng có các vai quan nhân, chu tử, đán nương, câu nô, gồm 12 người, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay, vỗ phím đàn, thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy".

Đại Việt sử ký toàn thư còn chép rõ, vào năm Thiệu Khánh thứ nhất (1370), vua Trần Nghệ Tông đã phải cảnh báo: "Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc như về y phục, âm nhạc... thật không kể xiết".

Xin lưu ý trong đoạn chép này, vua Trần Nghệ Tông dùng từ "triều trước" để chỉ nhà Lý, và ông nói rõ là "không theo quy chế nhà Tống" rất cụ thể, chứ không phải cái "Trung Hoa" chung chung.

Văn hóa "giật gấu vá vai"

Đọc lại lịch sử thời Lê, khi bàn về lễ nhạc, người ta còn thấy Nguyễn Trãi và Lương Đăng đã xảy ra bất hoà, khi ấy Lương Đăng dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh (Trung Hoa). Trước kia, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành, Lương Đăng dâng thư đại khái nói:

Văn hoá là sức sống giao hòa, được lặp đi lặp lại trong ứng xử, giống như một vùng lau lách được người ta đi mãi thì thành đường mòn, viết mãi thì thành thi thư. Trong ứng xử cộng đồng nếu anh không "đi mãi" với văn hoá truyền thống từ cách ăn, mặc, ở, ngủ... mà anh cứ nói bô bô về bản sắc văn hoá thì hoá ra văn hoá ấy là một bài học mà gần như chẳng có mấy ai thuộc bài.

"Kể lễ thì có lễ Đại triều, lễ Thường triều. Tế Trời, cáo Miếu, ngày Thánh tiết, ngày Nguyên Đán thì làm lễ Đại triều, Hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ Miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan mang áo mũ triều. Còn như những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng, thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ Xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan mặc áo công, đội mũ phác đầu. Thường triều thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ Xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc áo thường cổ tròn, đội mũ sa đen". Về lễ bộ thì có đại giá, xe loan lớn, xe ngựa kéo, có kiệu cửu long (9 con rồng) kiệu thất long (7 con rồng) có xe người kéo, đi bước một, xe chạy nhanh"...

Ở thời phong kiến, mỗi triều đại lập mới đều có những thay đổi nhất định về trang phục, lễ nhạc, kiến trúc, vì thế mới định hình nên những "phong cách" khác nhau. Nhà Lý tương đương với thời nhà Tống (Trung Hoa) vì thế căn cứ sự khác nhau phải dựa trên cái chuẩn đồng đại, không thể lấy những phong cách trang phục, kiến trúc thời sau hay thời trước mà so sánh với thời Lý.

Ngay tại Trung Hoa, mỗi triều đại đều có những phong cách khác nhau trong kiến trúc, điêu khắc... Nên cũng cần phải nói rõ, "Trung Hoa" là Trung Hoa của triều đại nào, chứ không thể căn cứ trên những trang phục trong một số phim lịch sử Trung Quốc thường thấy mà vội vàng kết luận. Bởi chính khi làm phim lịch sử, bản thân người Trung Quốc cũng còn không tránh khỏi những tranh luận về cách chế tác trang phục của các nhà làm phim.

Nhìn vào thực tế sẽ rõ, những bộ tăng y của Trung Hoa và Việt Nam trải qua nghìn năm, nhưng vẫn có những sự trùng hợp đến bất ngờ. Theo sử sách ghi chép lại, tăng sĩ người Việt vốn nổi tiếng khu vực về hành khoa trong đàn tràng, cúng tế, nên thường được tuyển chọn sang Trung Hoa. Cổ như tháp Phật ở chùa Dâu (Bắc Ninh), tháp Phổ Minh (Nam Định) mà nhìn vào còn thấy "hao hao" giống kiến trúc "Trung Hoa". Vậy phải lấy cái chuẩn mái cong của đình chùa thời Lê về sau để làm mẫu cho "bản sắc" mới đúng hay sao?

Áo dài Việt Nam


Thấy một người nước ngoài mặc áo dài, đội nón lá, nói vài câu tiếng Việt, hẳn người Việt rất vui, dù niềm vui đó chỉ là thoáng chốc. Áo dài "truyền thống" mà phụ nữ ngày nay thường mặc là do một họa sĩ người Pháp thiết kế vào thế kỷ 19. Và có một thực tế khác gần như mâu thuẫn, người Việt Nam mặc đồ Tây nhiều quá. Không rõ lúc đó du khách phương Tây có "tự hào" vượt trội không, hay họ chẳng quan tâm gì bởi đó đã là điều "xưa như trái đất"? Nón lá, áo dài biến đâu mất trong cái vẻ nhộn nhịp dường kia? Vậy khi chúng ta tự hào về một cái hiện thực ít thực hiện ấy, có bất ổn lắm không?

Với một quá khứ nhiều đứt gãy và một nền tảng văn hoá không được tiếp nối một cách chăm chút, đàng hoàng và có hệ thống, thì những biểu hiện văn hoá thường sẽ là "giật gấu vá vai". Sau thời vong bản văn hoá (tiêu huỷ văn hoá vật thể và phi vật thể) là thời chủ nghĩa dân tộc hình thức lên ngôi, và người ta muốn tất cả dân tộc tính phải như những hiện vật được bảo vệ trong bảo tàng.

Mỉa mai thay, cái cuộc đời thực ở mãi ngoài kia, nào là xe bay tàu chạy, nhà ở, trang phục, thực phẩm mà người người đang sính dùng gần như "Tây hoá" cả. Trong mỗi dịp lễ tết, thử hỏi có bao nhiêu người thường hay ồn ào về bản sắc văn hoá dân tộc có thói quen mặc trên mình cái "truyền thống" (khăn đống áo dài...).

Các vị ấy có lẽ còn sợ mang tiếng quê mùa, còn mải bận lòng với cà-vạt, com-lê hơn người khác, thì làm sao đòi hỏi người dân bình thường phải trịnh trọng với "bản sắc dân tộc". Điều đáng nói các ông, các bà ấy dù có ghé thăm đình chùa, miếu mạo thì cũng giống như quan chức đi vào viện bảo tàng. Có những người hô hào dân chúng rằng "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", nhưng thử hỏi trên người họ, trong nhà họ có bao nhiêu thứ gắn mác "Việt Nam" hiện diện?

Vậy ra trong văn hoá cũng có chuyện "chém gió" bảo người này phải "bảo vệ bản sắc" chê bai người khác là "đánh mất thứ này thứ kia", trong khi bản thân họ giữ được bao nhiêu cái hồn Việt trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

Văn hóa Việt: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Văn hoá là sức sống giao hòa, được lặp đi lặp lại trong ứng xử, giống như một vùng lau lách được người ta đi mãi thì thành đường mòn, viết mãi thì thành thi thư. Trong ứng xử cộng đồng nếu anh không "đi mãi" với văn hoá truyền thống từ cách ăn, mặc, ở, ngủ... mà anh cứ nói bô bô về bản sắc văn hoá thì hoá ra văn hoá ấy là một bài học mà gần như chẳng có mấy ai thuộc bài.

Một dân tộc có nhiều bài học không được học thuộc như thế, nhưng ngược thay một số người lại luôn cao giọng với "thuật nhi bất tác" (tức là theo chuyện cũ mà chép lại, chứ không sáng tác ra điều gì mới). Nhưng nếu cứ nuôi dưỡng cái nhận thức "thuật nhi bất tác" không khéo lại mắc vào cái bẫy tư tưởng "Trung Hoa". Trong khi ngài Khổng Tử hàng nghìn năm vẫn ngồi cười, bởi ông sinh ra từ nước Lỗ, mà bây giờ ở cái gọi là nước Trung Hoa rộng lớn kia có mấy ai biết nước Lỗ nó ở đâu để tự hào thay cho Khổng Tử.

Có lẽ Khổng Tử sẽ cười mà rằng, phải chi lúc đầu ông ta tìm đến nước Việt thì biết đâu bây giờ người Trung Quốc lại ngại không dám nhắc đến cái tên Khổng Tử vì sợ mình nước lớn mà bị "Việt hoá"? Và thời ấy có ai biết trong các dân tộc Bách Việt, người Việt chúng ta sống ở đâu? Vẫn có thể tỉ mẩn để tìm ra cái địa giới cương vực, nhưng "địa giới văn hoá" thì đong đo thế nào trước bao nhiêu sự giao thoa, chồng lấp và cả thủ tiêu của lịch sử.

Văn hoá nằm trong ý thức ứng xử quan trọng hơn cái văn hoá cau kiểng chỉ chú mục vào hình thức. Người xưa nói "Thánh nhân vi phúc bất vi mục" (Thánh nhân vì bụng chứ không vì mắt). Chủ nghĩa dân tộc hình thức chỉ có ý nghĩa khi nó hài hoà với ý thức ứng xử văn hoá của cộng đồng. Hãy xem, đạo Phật trong quá trình giao thoa với tín ngưỡng văn hoá bản địa, đã trở thành tôn giáo của dân tộc, nhưng thử hỏi có bao nhiêu phần trăm đạo Phật ảnh hưởng bởi Ấn Độ, Trung Hoa.

Nếu tách nước ra khỏi sữa thì không còn khái niệm tiếp biến, dung hội, hòa nhập, và lúc ấy sẽ "không ai trò chuyện nổi cùng ta" nữa. Chẳng lẽ bản sắc văn hoá giống như chuyện đi "mượn" một cái thạp của người, về gắn thêm quai vào thế là thành "của mình" hay sao? Đã có bản lĩnh mượn dùng thì hãy phát huy công dụng của nó cho đến nơi đến chốn, đáng dùng vào việc gì thì dùng vào việc ấy.

Xin các nhà văn hoá hãy khảo sát khắp đình chùa, đền miếu trên khắp Việt Nam để xem người xưa chế tác tượng thờ như thế nào, và nên tập trung vào mũ miện, trang phục để xem có bao nhiêu phần trăm "Trung Hoa" ẩn hiện đậm nhạt trong đó rồi hãy kết luật, chứ đừng nên vội vuốt ve cho một cái "bản sắc" không thể gọi tên được (xin tìm hiểu từ cố đô Hoa Lư trước).

Chùa Dâu (Bắc Ninh)


Tiếc thay có quá nhiều bài học của lịch sử được nói mà không được học, nên trong cuộc sống văn hoá người Việt trống cứ đánh xuôi mà kèn cứ thổi ngược. Thôi thì bỏ đi những nhận xét chủ quan khi chưa tìm được chuẩn về trang phục, kiến trúc trong một bộ phim, nhưng chả lẽ danh nhân văn hoá của chúng ta suốt hàng chục thế kỷ của Nho giáo, làm thơ Đường luật đều không phải là người Việt hay sao?

Thành tựu lớn nhất của người Việt trong 1000 năm, dù có vẽ rắn thêm chân thì cũng không đi ra ngoài tinh thần độc lập, tự chủ. Giữ được tinh thần độc lập tự chủ thì giữ được bản sắc, còn không giữ được tinh thần ấy thì mọi thứ sẽ tràn vào, và văn hoá dân tộc chúng ta cứ lầm lũi hoà tan một cách ngọt ngào trong đó.

Khổng Tử nói "thuật nhi bất tác", còn Phật hoàng Trần Nhân Tông lại bảo "mỗi lần nêu ra một lần mới". Văn hoá mà "nêu ra" được thì văn hoá ấy dù có là một chiếc bình cổ nhưng cũng không bao giờ xưa cũ. Nếu không thấy "mới" từ cái "cũ" (truyền thống), và không thể "nêu ra" được thì dù cho có tiếp nhận, vay mượn, sửa sang trùng tu vô vàn thứ thì một ngày kia người ta cũng sẽ chán ngán và vứt bỏ nó mà thôi.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xin nói thẳng, không có bản sắc dân tộc Việt Nam “hiện đại”

    09/07/2018Lê Mỹ phỏng vấn TS. Nguyễn Vân NamCái mà chúng ta gọi là bản sắc dân tộc VN hiện đại hôm nay, theo tôi khác với bản sắc dân tộc truyền thống. Hay nói thẳng thắn là không có bản sắc dân tộc VN hiện đại...
  • Làm thế nào để bản sắc dân tộc và hiện đại hóa được “cơm lành canh ngọt”?

    23/10/2017GS. Hoàng Ngọc HiếnTính hiện đại thường được đặt ra như đối lập với bản sắc dân tộc (hoặc tính dân tộc). Sở dĩ như vậy là vì tính hiện đại thường bị hiểu một cách phiến diện bị lược quy vào sự tiếp thu chủ nghĩa duy lý (của phương Tây hiện đại), bị xem là kết quả đơn thuần của quá trình hợp lý hoá.
  • Nghĩ thêm về bản sắc

    21/12/2009Nguyên NgọcBây giờ thường nghe nói nhiều đến toàn cầu hóa và hội nhập, và mỗi khi nói đến hội nhập hầu như bao giờ cũng nghe kèm theo một chữ “nhưng” chặt chẽ và thận trọng: Hội nhập, đúng rồi, không thể không hội nhập trong thời đại ngày nay, nhưng phải luôn tâm niệm không được để mất bản sắc (cũng như hễ nói đến tiên tiến thì, nhưng, phải đậm đà bản sắc dân tộc).
  • Ám ảnh về bản sắc

    10/09/2009Lê Ngọc TràXu hướng hội nhập một mặt dẫn tới chủ nghĩa quốc tế trên mọi lĩnh vực, mặt khác làm nổi rõ nhu cầu về bản sắc dân tộc. Bởi vì nếu không có những điểm chung nhất định (tính quốc tế) thì không thể giao lưu, nhưng nếu không có cái riêng (bản sắc dân tộc) thì không có nhu cầu về trao đổi.
  • Một cách tiếp cận “Bản sắc dân tộc” và một cách hiểu về “nội lực”

    16/02/2009Hoàng Ngọc HiếnChúng tôi giới thiệu cách tiếp cận vấn đề "bản sắc dân tộc" trong bài Văn hoá và toàn cầu hoá: vài phân tích kinh tế của Trần Hữu Dũng (Đại học Wright State, Ohio, Mĩ và cách hiểu vấn đề "nội lực" trong bài Du nhập, chuyển giao công nghệ và năng lực xã hội: vài khảo sát kinh nghiệm ở Đông Á của Trần Văn Thọ (Đại học Waseda Tokyo, Nhật Bản)...
  • Công nghiệp hóa - hiện đại hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

    03/05/2007Nguyễn Văn HuyênC.Mác đã từng khẳng định một cách đúng đắn rằng, một xã hội chỉ có thể phát triển cao với một nền đại công nghiệp. Lý tưởng cao đẹp của toàn Đảng, toàn dân, toànquân ta là xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và văn minh. Để thực hiện lý tưởng đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra: từ nay đến năm 2020 chúng ta phải phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.
  • Hội nhập với thế giới và bản sắc văn hóa gia đình Việt Nam

    07/03/2007Nguyễn Võ Lệ Hà“Vì ta sùng bái hâm mộ cái phong lục xã hội Âu, Mỹ - cái chế độ hôn nhân của họ mà ta muốn mang hết thảy về thay đổi cho ta, đó chẳng những không hấp thụ được cái tinh hoa văn hóa họ mà lại dẫm lên cái cặn bã văn hóa của họ...Vậy thì chị em ai là người chủ trương sự giải phóng cho nữ giới, phải nên lựa chọn cái tính chất văn hóa cũ cùng cái tính chất của văn hóa mới dung hòa thế nào cho phù hợp nhau, để tạo nên những người phụ nữ rất trung thành với nghĩa vụ của mình...
  • Hiểu tư duy người Việt mới hiểu bản sắc Việt

    27/02/2007GS-TS Nguyễn Thuyết PhongLà một trong những gương mặt “Vinh danh nước Việt”, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đang dạy tại trường Đại học KentState thuộc tiểu bang Ohio, Mỹ. Ông là người Việt duy nhất được Chính phủ Mỹ mời đến Nhà Trắng để trao tặng giải thường Di sản quốc gia (National Heritage Fellowship) năm 1997. GS hiện là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ.

  • Bản sắc và toàn cầu hóa

    22/08/2006GS. Cao Huy ThuầnCái gì là “mới” của thời đại này? Và cái gì là đặc điểm nổi bật của thời đại gọi là “mới”? Chắc ai cũng trả lời: toàn cầu hóa. Hạn chế vấn đề vào lĩnh vực văn hóa, và thu hẹp văn hóa vào một khía cạnh thôi, là "bản sắc", xin nêu ra đây một thử thách khi mà toàn cầu hóa về kinh tế kỹ thuật lôi cuốn theo toàn cầu hóa về văn hóa...
  • Đừng quá sợ đánh mất bản sắc dân tộc

    29/06/2006Kim HạnhCùng với xu thế hội nhập ngày càng gia tăng, mối lo ngại về sự đánh mất dần bản sắc dân tộc cũng gia tăng. Mối lo ngại ấy là tự nhiên thôi. Ông cha mình canh cánh muôn thuở về điều ấy. Rốt cuộc ta vẫn là ta...
  • Cấu trúc lưỡng hợp trong bản sắc văn hóa Việt Nam

    27/12/2005TS. Nguyễn Thành Bang
  • xem toàn bộ