Văn hóa ổn định rất khác với văn hóa phát triển

10:46 SA @ Thứ Bảy - 16 Tháng Tư, 2016

Vào những ngày đầu xuân, khi mà giới truyền thông lẫn các facebooker đang sôi sục về chuyện lễ hội, chuyện rượu bia và số người chết vì đâm chém nhau, vì TNGT gia tăng, tôi nhận được sự đồng ý của Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho phép được hầu chuyện cùng ông.

Phải là hầu chuyện chứ không phải trao đổi, bởi với một nhà nghiên cứu có kiến văn sâu rộng về đặc tính văn hóa của người Việt, cái khí chất của sĩ phu Bắc Hà như Giáo sư thì sử dụng cụm từ “trao đổi” là một mạo phạm. Phải biết đặc tính của chúng ta thế nào để nhìn thẳng, phải nhìn thẳng để sửa đổi, phải sửa đổi để phát triển… và từ những ý này, lần đầu tiên tôi được am tường thế nào là văn hóa ổn định, thế nào là văn hóa phát triển.

Hóa ra, bấy lâu nay tôi vẫn thường nhầm tưởng. Mà có thể là, không chỉ mỗi tôi nhầm tưởng.

- Phóng viên: Thưa Giáo sư, thời gian gần đây tôi e rằng đã nảy sinh tình trạng xét lại văn hóa. Rất nhiều quan niệm cho đến tập tục mà vốn dĩ tôi luôn tin rằng thuộc về dân gian và dân gian là yếu tố then chốt để quyết định điều ấy tồn tại hay biến mất, thì nay lại bị “đánh”, phỉ báng sỗ sàng không cần rào trước đón sau… Thái độ phỉ báng có thể thấy từ truyền thông chính thống cho đến các trang mạng xã hội. Với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, quan điểm của Giáo sư ra sao? Và đặc tính của văn hóa nước mình là gì, thưa Giáo sư?

- Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Hình như dẫn đến tình trạng này có vai trò rất lớn của truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội. Đã đành là ở xã hội nào thì truyền thông cũng là một sức mạnh, nhưng do những đặc điểm nhất định của văn hóa truyền thống mà sức mạnh của truyền thông ở Việt Nam được cộng hưởng lên gấp nhiều lần.

Mà đặc điểm quan trọng nhất của văn hóa truyền thống nước mình thì có thể tóm gọn trong hai chữ là “âm tính”. Có thể coi đó là bản chất của văn hóa truyền thống Việt Nam. Sở dĩ có âm tính, mà còn là âm tính nặng nữa, là vì hoạt động nông nghiệp có đặc điểm là tĩnh hơn hoạt động du mục và công nghiệp. Mà trong nông nghiệp thì trồng lúa nước là tĩnh nhất, vì trồng lúa nước thì bị bó chặt vào đồng ruộng, phụ thuộc vào nước, mức độ phụ thuộc càng cao thì tính âm, tính tĩnh càng mạnh.

Chúng ta có thể suy ra điều này từ bất cứ chuyện gì trong đời sống. Ví dụ trong gia đình mà một người nhu nhược thì sẽ lệ thuộc vào người kia, tất cả mọi thứ đều đâm ra bị động. Nông nghiệp mình như thế mà văn hóa mình cũng thế.

Thử nhìn lại toàn bộ lịch sử của nước mình, thì đó chủ yếu là lịch sử giữ nước, lịch sử khép kín, lịch sử đối phó. Và chính vì đặc điểm của lịch sử như vậy nên tính âm càng phát huy được tối đa; không có nền văn hóa dân tộc nào lại đẹp như lịch sử của nước mình. Mặc dù phải va chạm, phải đối phó với đủ loại giặc ngoại xâm nhưng ta vẫn bảo tồn, gìn giữ được đất nước, được văn hóa. Làm được điều này chính là do tính âm của chúng ta cực mạnh.

Để giải thích rõ hơn thì ta cần biết thêm: Bảo tồn là âm, còn phát triển là dương; giữa nông thôn và đô thị thì nông thôn là âm, còn đô thị là dương; giữa gốc và ngọn thì gốc là âm, còn ngọn là dương. Khi muốn phát triển thì vai trò của đô thị rất quan trọng, khi đô thị phát triển thì nông thôn sẽ phát triển theo. Nhưng để bảo tồn, ổn định thì nông thôn mới quan trọng, bởi nông thôn là âm, là cái gốc của văn hóa. Giữ được cái gốc thì không có gì có thể tác động đến văn hóa được.

Sự xâm lược của văn hóa ngoại lai đa phần đều tác động vào đô thị, diễn ra ở đô thị. Phương Bắc xâm lược rồi cai trị chúng ta gần 10 thế kỷ, họ mang cả quan lại, thể chế qua để thực hiện ý đồ đồng hóa. Quan lại và thể chế này được đặt ở Trung ương, ở kinh đô, đến các trung tâm đầu tỉnh là hết rồi. Họ làm gì có người để đưa về cai trị các huyện, xã? Như vậy thì huyện xã, tức là vùng nông thôn, hoàn toàn là của mình, đấy là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, vì cái gốc của văn hóa chúng ta nằm ở nông thôn, mà người nông dân xưa hầu như không đi đâu xa, quanh đi quẩn lại chỉ trong làng thôi. Như vậy, vô hình trung toàn bộ những tính cách truyền thống, văn hóa truyền thống nằm ở trong làng, không vượt ra khỏi cổng làng.

Thế nên thời gian trôi qua dẫu có là một nghìn năm, thì ngay sau khi Ngô Quyền thắng trận, người Trung Hoa rút về hết thì văn hóa từ nông thôn lại tràn vào đô thị, vì nông thôn mạnh hơn nên nó lấn át đô thị, nông thôn hóa đô thị. Vì vậy mà những thủ đô truyền thống như Cổ Loa, Hoa Lư… nay có còn gì đâu. Ngay cả Huế sau khi kết thúc sứ mạng “kinh đô” của mình cũng trở thành nông thôn ngay. Và cho đến bây giờ thì Huế về cơ bản vẫn là một thành phố nông thôn – thành phố - nhà vườn. Trong khi Đà Nẵng ở ngay bên cạnh thì phát triển rất nhanh vì Đà Nẵng là thành phố mở, dương tính.

Tóm lại, chất âm của mình rất có lợi trong những giai đoạn cần ổn định, cần bảo tồn, cần khép kín với hạt nhân văn hóa là nông thôn. Thế nhưng đến thời đại cần phát triển như bây giờ, khi mà cả thế giới cần công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hoá và hội nhập thì lại cần phát huy vai trò của đô thị, hạt nhân văn hóa trong thời phát triển phải là đô thị. Mình có đi ra nước ngoài nhiều thì sẽ thấy rất rõ điều này. Ở các nước phát triển thì ngay cả nông thôn của họ cũng đã đô thị hóa hết rồi: Người nông dân Mỹ làm việc hoàn toàn như một công nhân. Ở một số làng Hàn Quốc, người ta xây cao ốc và người nông dân sống trong các căn hộ chung cư rộng rãi và đầy đủ tiện nghi.


Ảnh: Hoài Thanh

- Sự lộn xộn mà tôi vừa xin ý kiến của Giáo sư có lẽ bắt nguồn từ khi đặc trưng âm tính thì mất đi mà đặc trưng dương tính thì chưa chiếm lĩnh được, cứ dở dang hóa ra mù tung. Nền văn hóa với đặc tính âm như chúng ta thì sẽ như thế nào trong giai đoạn này, thưa Giáo sư?

- Cái chính là ở chỗ đấy. Văn hóa truyền thống của chúng ta bắt đầu thay đổi từ khi tiếp xúc với Trung Hoa. Đến khi tiếp xúc với phương Tây nó lại tiếp tục thay đổi nữa. Cho nên ngay từ đầu thế kỷ thứ XX, người ta đã bắt đầu nói đến rất nhiều thứ mà chúng ta bây giờ gọi là rộ lên cái này, rộ lên cái kia… Nhưng mà, ngày đó chỉ có báo chí thôi, nên có rộ lên cũng chỉ rộ trên báo chí, không có mạng này hay mạng khác. Mà phạm vi ảnh hưởng của báo chí lúc bấy giờ còn hạn chế lắm.

Đến sau năm 1945 thì lại rộ thêm lần nữa, nên khi viết Sửa đổi lề lối làm việc thì Bác Hồ đã nói đến rất nhiều các tật xấu của cán bộ. Đến 1950, bắt đầu mở cửa thông với Trung Quốc, Liên Xô, chúng ta lại du nhập thêm nhiều đặc tính văn hóa của chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, Trung Quốc. Đến năm 1986, mở cửa tiếp lại thêm một loạt chuyện xảy ra. Và cho đến bây giờ thì lại tiếp diễn, sự tiếp diễn này có sự góp sức của viễn thông những năm 80, Internet những năm 90 của thế kỉ XX và mạng xã hội bây giờ.

Nền văn hóa âm tính có nhiều ưu điểm như tôi đã phân tích, nhưng nó cũng có những hạn chế. Ví dụ, tính cộng đồng làng xã buộc tất cả mọi người phải giống nhau. Ai mà trồi lên thì sẽ bị kéo xuống, tất cả đều được cào bằng. Vì vậy, mỗi người luôn khao khát có một vị trí trong làng và vì vậy ai cũng thích hơn người khác một chút. Vì sao lại hơn một chút? Vì hơn nhiều là sẽ bị để ý, sẽ bị kéo xuống ngay. Thậm chí là bị đánh hội đồng. Cho nên ai cũng thích hơn người khác một chút thôi, hơn người được một chút là thích lắm, là sung sướng lắm. Y như trong thành phố bây giờ, bạn cứ thấy nhà nào sửa nhà thì ngay lập tức sẽ cố xây vỉa hè phố trước nhà mình cao hơn vỉa hè nhà bên cạnh một chút, bất chấp việc vỉa hè phố không thuộc sở hữu của mình.

Tính cộng đồng còn làm nảy sinh thêm một tật xấu khác là tật thích tán, thích nổ, thích khoe. Tán chuyện, buôn dưa lê là đặc tính rất rõ của văn hóa âm tính. Đó là biểu hiện của những người thừa thời gian, rỗi việc cho nên hay la cà buôn chuyện. Cho nên có nhiều người Việt Nam không chỉ phụ nữ, mà ngay cả đàn ông cũng thích tán. Phụ nữ thì ngồi với nhau để tán, còn đàn ông thì buôn chuyện ở quán nhậu, quán cà phê.

Cộng với cái tính thích chém gió, thích nổ, thích khoe, thích khẳng định mình một chút thì mạng xã hội Facebook là mảnh đất màu mỡ để phục vụ cho những đặc tính này. Theo GlobalWebIndex, một cuộc khảo sát với 170 nghìn người tại 32 quốc gia khác nhau cho kết quả là Việt Nam đứng thứ 10 trong số những quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất. Theo GlobalWebIndex, nhiều người Việt đang sống trong tình trạng “ăn” Facebook, “ngủ” Facebook, “sống ảo” với Facebook; tần suất đăng nhập Facebook của một số người Việt Nam thậm chí gần như 24/24.

- Điều Giáo sư vừa đúc kết là thực trạng hiện tại đang xảy ra. Liệu có thể hiểu rằng cộng đồng Facebook của nước ta cũng đang bị văn hóa âm tính chiếm hữu? Và hình như điều này không chỉ xảy ra trong cộng đồng mạng xã hội phải không, thưa Giáo sư?

- Đúng là tôi đang nói đến điều đó. Tật buôn chuyện, thói a dua, bệnh chém gió… đều là những hậu quả của văn hóa âm tính. Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, Facebook đã nhanh chóng thay thế cho Yahoo và Blog 360 để trở thành mạng xã hội phổ biến nhất, trở thành công cụ thích hợp nhất cho tật buôn chuyện, thói a dua, bệnh chém gió… bùng phát. Cứ thấy ai nói gì là nói theo, thấy ai có ý kiến khác với số đông thì lập tức nhảy vào ném đá. Nghĩa là bản lĩnh cá nhân kém, ít chịu suy nghĩ sâu xa, bị cảm tính chi phối hoàn toàn, cứ nghe thấy người ta nói bùi bùi, nghe loáng thoáng là ào ào theo ngay mà không cần đọc kỹ, suy nghĩ để phân tích xem họ nói đúng hay sai. Thế cho nên bạn thấy nhiều chuyện xảy ra đều rất dễ bùng phát thành phong trào và cuốn số đông theo như nước lũ.

Và đúng là chuyện này đã có từ trước khi cộng đồng mạng xã hội hình thành. Nó không chỉ là căn bệnh của dân chúng, mà cả giới lãnh đạo cũng không tránh khỏi. Ví dụ, nếu suy nghĩ thấu đáo thì lãnh đạo cấp tỉnh phải hiểu rằng khi ba bốn tỉnh xung quanh mình đã có trường đại học rồi thì tỉnh mình nên tập trung xây dựng thật tốt một trường dạy nghề, thu hút những người không đậu đại học ở các tỉnh kia thì sẽ có lợi cho cả mình và khu vực.

Chỉ cần mỗi người chịu khó suy nghĩ một ít thôi, bớt ích kỷ một chút thôi, bớt “đánh đu” với đám đông một ít thôi, thì xã hội hài hòa ngay. Nhưng cái này khó lắm. Bởi vì văn hóa âm tính còn sinh ra bệnh sĩ diện rất nặng. Có trường đại học thì mới oai chứ trường dạy nghề, trường cao đẳng thì tầm thường quá. Ông quan đầu tỉnh kia đi ra Trung ương họp bằng máy bay đậu ngay tại sân bay nhà. Vậy thì mình cũng phải xin xây sân bay cho bằng, chứ không lẽ lại phải ngồi ôtô sang tỉnh của lão ấy mới lên được máy bay à?

- Nếu như vậy thì có quá nhiều hệ lụy, thưa Giáo sư?

- Rõ ràng là vậy rồi. Mà hệ lụy nghiêm trọng nhất là nó làm rối tất cả mọi thứ. Nhiều thứ “Made in Vietnam” là sản phẩm của tầm nhìn ngắn, tư duy nhiệm kỳ, tính chuyện đối phó.

- Trở lại bản chất âm tính của văn hóa truyền thống Việt Nam mà Giáo sư đã đúc kết, liệu có thể hiểu rằng tính ổn định cao và tính cộng đồng mạnh mà nó sinh ra là những giá trị đặc thù riêng của văn hóa truyền thống Việt Nam?

- Giá trị là phạm trù có tính tương đối, vì vậy không có cái gì là giá trị ở mọi nơi, mọi lúc. Tính ổn định cao là một giá trị rất quan trọng của văn hóa Việt Nam trong quá khứ, khi mà việc giữ nước và nhu cầu ổn định là quan trọng, còn bây giờ, khi mà nhu cầu phát triển đất nước mới là quan trọng thì sự ổn định quá mức lại trở thành lực cản.

Tương tự như vậy, tính cộng đồng làng xã là một giá trị quan trọng của văn hóa Việt Nam trong quá khứ, nó là một trong những cơ sở đảm bảo cho sự ổn định. Nhưng hiện nay nó đang là một trong những nguồn gốc làm phát sinh ra nhiều hệ lụy nhất. Ngày xưa có bao nhiêu cái tốt từ đây ra thì bây giờ cũng cũng có thể có bấy nhiêu cái xấu từ đây ra. Ví dụ như thói cào bằng là một hậu quả của tính cộng đồng. Sĩ diện cũng là một hậu quả khác của tính cộng đồng.

Mặt khác, tính tương đối của giá trị còn có nghĩa là không dân tộc nào có độc quyền sở hữu đặc trưng nào từ đâu ra. Ví dụ, tính cộng đồng không phải là độc quyền sở hữu của ta, cũng như tính cá nhân không phải là độc quyền sở hữu của người phương Tây. Người phương Tây rất tôn trọng vai trò cá nhân, và nhờ vậy mà họ phát triển tốt. Sự ổn định của xã hội phương Tây có được chủ yếu là nhờ vào pháp luật. Nhưng nói vậy không có nghĩa là người phương Tây không có tính cộng đồng và lúc nào cũng chỉ thuần túy lấy luật ra để giải quyết với nhau. Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy người phương Tây rất tự giác trong việc bảo vệ quyền lợi chung, và rất có ý thức trong việc hợp tác với nhau vì lợi ích tập thể, ngay cả khi họ không ưa gì nhau. Đấy là tính cộng đồng chứ còn gì nữa?

- Một tính cộng đồng rất khác so với tính cộng đồng mà chúng ta đang sở hữu, thưa Giáo sư?

- Khác quá đi chứ. Để phân biệt, tôi gọi đó là tính cộng đồng xã hội, theo đó người ta không cần phải quen biết nhau nhưng mà, với lý trí sáng suốt soi đường, vì quyền lợi chung của cả cộng đồng họ sẽ cùng nhau hành động. Cái đó mình hoàn toàn thiếu.

Tính cộng đồng của mình là cộng đồng làng xã, dựa trên sự quen biết và tình cảm. Người Việt sẽ hết lòng vì nhau khi họ là một cộng đồng mà tất cả mọi thành viên đều có mối quan hệ quen biết và tình cảm thân thiết với nhau. Chính vì vậy mà khi không quen biết (như ở môi trường thành phố), người Việt sẽ trở nên vô cảm. Và khi không có tình cảm thân thiết, người Việt sẽ trở nên ích kỷ, rất ích kỷ. Thói ích kỷ này dẫn chúng ta đến chỗ sẵn sàng bao che tật xấu cho nhau, nâng đỡ nhau bất chấp năng lực... và đó là cơ hội cho lợi ích nhóm phát triển.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây về việc quản lý thông tin, tôi đã nói rằng do bị tình cảm chi phối nên văn hóa của chúng ta có triết lý là “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Rồi một thời gian dài bao cấp lại đẻ thêm ra cơ chế xin-cho. Nên trong việc quản lý thông tin dần dần đã hình thành một tật xấu là không tôn trọng quyền được thông tin của người dân. Người dân không được biết hết sự thật. Điều gì có lợi (= tốt đẹp) thì được thông tin (được “cho”), điều gì bất lợi (= xấu xa) thì bị bưng bít hết, giấu hết, coi đấy là chuyện trong nhà, đóng cửa bảo nhau, đưa ra công luận không có lợi. Như vậy thì làm sao mà xã hội phát triển được?

Chúng ta chỉ muốn ổn định, cái tốt đẹp phô ra, cái xấu xa che lại thì ổn định là chắc rồi. Nhưng để phát triển thì khó lắm, vì chúng ta không đủ dũng cảm để nhìn nhận khiếm khuyết của chính mình thì lấy đâu ra dũng khí để thay đổi mà phát triển?

Tính cộng đồng theo dạng xấu che tốt khoe có thể hữu ích trong thời kỳ chiến tranh giữ nước, nhưng đến thời kỳ phát triển đất nước thì phải khác chứ?

Nông thôn đô thị hóa biến thành thành phố, từ anh nông dân trở thành thị dân, công nhân, quan hệ xã hội rộng ra; việc làm, chỗ ở luôn biến động, con người đâu có còn quen biết nhau như thời sống trong làng xã nữa. Bây giờ cần có một cộng đồng xã hội thì chúng ta chưa có, trong khi tính cộng đồng làng xã thì về cơ bản không còn phù hợp nữa rồi. Có chăng, chúng ta vẫn đang còn giữ một số dấu vết của đặc tính này.

Hình thức tổ chức đô thị theo tổ dân phố và sinh hoạt tổ dân phố chính là dấu vết của tính cộng đồng làng xã đấy. Sinh hoạt bảo ban giúp đỡ nhau, là cộng đồng làng xã đấy. Mỗi khu phố có một cái cổng tượng trưng, thậm chí có khu phố còn làm cổng thật, đêm đến tổ trưởng ra khóa lại, thì đó chính là cộng đồng làng xã đấy, khép kín đấy.

Tại nhiều khu phố ở Hà Nội, cứ vào 6-7 giờ sáng và 5-6 giờ chiều là loa phát thanh lại “a-lô, a-lô” - đó cũng là cố gắng lưu giữ cộng đồng làng xã đấy. Chứ bây giờ nhà ai cũng có tivi, có mạng Internet rồi; trong dịp phát động bảo vệ chủ quyền biển đảo, chỉ một cái nhấn nút thì mỗi người dân đều đã nhận được thông báo của Thủ tướng rồi, cần gì loa phóng thanh nữa, nhất là khi thành phố đã có quá nhiều loại tiếng ồn!

Khi ta đi ra đô thị, thì những thói quen nông dân vẫn đi theo. Không chỉ là việc họp hành, là việc đóng cổng, là cái a-lô. Mà điều hệ trọng hơn là sự khép kín, thói ích kỷ vẫn hiện hữu. Nhà có con chuột chết, thay vì bỏ vào bịch rác để công nhân vệ sinh thu dọn, nhiều nhà vẫn chọn cách ném ra ngoài đường. Hoặc thay vì thu gom rác lại đợi xe đổ rác đến lấy đi thì nhiều nhà cứ quét tống ra đường, hoặc quét đường ở trước cửa nhà mình nhưng hắt sang nửa phía bên kia và phía hai bên nhà hàng xóm.

- Thưa Giáo sư, nghĩa là mặt tốt của văn hóa âm tính chỉ phát huy được trong quá khứ và chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ (làng xã) chứ không phải là toàn xã hội?

- Không, phạm vi tác động của một giá trị văn hóa không quy định bởi những ranh giới cứng, mà là bởi những điều kiện mà nó thỏa mãn. Sở dĩ văn hóa lúa nước chủ yếu là văn hóa làng xã là vì làng xã là đơn vị thích hợp nhất, vừa đủ nhất để người ta hợp lực với nhau mà đối phó với môi trường. Nhưng mà khi có giặc ngoại xâm thì làng xã nào cũng bị đe dọa và do vậy cả nước nhanh chóng biến thành một cái làng lớn. Mặc dù lúc đó người trong cả nước không thực sự quen biết nhau nhưng người ta vẫn cảm thấy gần gũi nhau và sẵn sàng khoác vai nhau cùng chống ngoại xâm.

- Thưa giáo sư, tôi nghĩ cái làng lớn mà Giáo sư vừa nhắc đó chính là do dòng máu hun đúc từ truyền thống cha ông tạo nên?

- Điều bạn vừa nói chỉ là cách nói văn chương, về mặt khoa học không có giá trị gì. Nhưng nó chính là một minh chứng nữa cho ảnh hưởng ghê gớm của thói hời hợt trong tư duy người Việt, nó chi phối cả những phóng viên như bạn. Cái văn hóa hình thành lâu đời bởi tính cộng đồng làng xã của cư dân trồng lúa nước đã tạo nên cho không chỉ Việt Nam mà cả các dân tộc Đông Nam Á một ý niệm chung là dân tộc mình từ cùng một quả bầu/ quả trứng/ bọc trứng mà sinh ra. Nên trong cuộc sống thường ngày thì làng nào biết làng ấy, “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, nhưng khi có nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn của đất nước (như việc Trung Quốc khuấy động biển Đông) thì ngay lập tức cả dân tộc lại “muôn người như một”.

- Nhưng xong việc lớn thì lại tiếp tục chia nhóm nhỏ và hành xử quá khác biệt với nhau?

- Đúng rồi, khi điều kiện đòi hỏi con người phải đoàn kết ở quy mô quốc gia không còn nữa thì cái “làng lớn” hết lý do tồn tại và người ta sẽ lại trở về với đời sống thường ngày, nơi mà người ta chỉ đoàn kết trong phạm vi những nhóm nhỏ có sự thống nhất về quyền lợi – ngày xưa là các làng xã, còn bây giờ bên cạnh làng xã, có thêm các nhóm lợi ích. Và giữa các nhóm ấy, con người sẽ tiếp tục soi nhau.

- Vậy thì có cách nào để tinh thần đoàn kết ấy bền vững bất chấp hoàn cảnh không, thưa giáo sư?

- Nếu ta tiếp tục sống theo kiểu cũ thì đó là điều không thể, vì ta đang nói đến hai kiểu văn hóa khác nhau: Thứ nhất, là văn hóa để ổn định. Thứ hai, là văn hóa để phát triển.

Nếu chúng ta muốn phát triển thì bắt buộc phải có văn hóa phát triển, sang xã hội phát triển thì phải có văn hóa của xã hội phát triển chứ không thể mang văn hóa ổn định để lấp vào đó được.

Vì vậy, muốn phát triển thì chúng ta phải thay đổi tính cách: Muốn công nghiệp hóa thì phải tiếp nhận những phẩm chất của công nhân, muốn đô thị hóa thì phải tiếp nhận những phẩm chất của thị dân, muốn hội nhập thì phải tiếp nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại. Thế cho nên mấy năm nay tôi nói rất nhiều về việc xây dựng một hệ giá trị Việt Nam mới.

- Thưa giáo sư, để có một văn hóa phát triển thì chúng ta phải bắt đầu thay đổi từ đâu?

- Nguyên tắc là kiểm xem hiện nay có những tật xấu nào là tệ hại nhất, xác định xem cái gì là nguyên nhân dẫn đến tật xấu đó và làm ngược lại là xong.

Tôi lấy ví dụ chẳng hạn như thói cào bằng có nguyên nhân từ tính cộng đồng làng xã, cộng đồng tình cảm, thì lật ngược lại sẽ thấy phải thay đổi bằng bản lĩnh cá nhân trên cơ sở lý trí. Cần phát huy, khuyến khích phát triển cái tôi. Mỗi cá nhân phải có bản lĩnh của mình. Mà bản lĩnh phải là bản lĩnh thật, bản lĩnh trên cơ sở lý trí lành mạnh, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, vì lợi ích chung của xã hội, bản lĩnh kiểu ông Nguyễn Bá Thanh ấy. Chứ không phải là bản lĩnh để đâm chém nhau, bản lĩnh để chịu nhục đi bằng đầu gối...

Văn hóa âm tính rất chuộng cái khéo, khéo để hòa hoãn với tất cả, có khéo mới tạo được sự ổn định. Nhưng khéo quá thì sẽ sinh ra giả tạo, không thật thà. Trong văn hóa làng xã thì chúng ta biết nhau hết rồi, đi guốc trong bụng nhau cả rồi, chẳng qua là không nói ra thôi. Nên việc lựa lời bùi, lời khéo nói với nhau là để cho cả hai bên nghe đều sướng thôi chứ anh không thể lừa được tôi. Nên cái khéo của ông cha chúng ta thời trước chỉ là cái khéo không gây hại. Nhưng khi chuyển sang xã hội mở thì cái khéo ngày càng trở thành giả dối. Chúng ta nói dối nhiều quá. Kết quả điều tra do đề tài của chúng tôi mới thực hiện trong năm vừa rồi với 5.604 phiếu điều tra cho biết tật giả dối, nói không đi đôi với làm chiếm tỷ lệ khá cao. Nếu phần đông xã hội như vậy thì sao phát triển được? Vậy nên, muốn có văn hóa phát triển thì phải đặt sự trung thực làm đầu.

- Xin cảm ơn Giáo sư về buổi hầu chuyện. Kính chúc Giáo sư cùng gia đình nhiều sức khỏe, vạn sự hanh thông.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ánh xạ của văn hóa

    16/06/2016Nguyên CẩnCũng có khi bình tâm, nhìn lại ta thấy văn hóa hiện ra như một thứ kính vạn hoa có thể soi chiếu, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống...
  • Văn Lang thời Hùng Vương đã từng có chữ viết riêng?

    16/04/2016Minh BùiVừa qua, nhà giáo về hưu 71 tuổi Đỗ Văn Xuyền sinh năm 1937, hiện đang sống tại Việt Trì, sau một thời gian để công nghiên cứu đã bước đầu công bố công trình “Giải mã chữ Việt cổ” tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam...
  • Thời Hùng Vương tổ tiên ăn mặc thế nào?

    14/04/2016Nguyễn Vũ Tuấn AnhNgười Việt thời Hùng Vương đã có một nền văn minh rực rỡ, xứng đáng với danh xưng văn hiến trải gần 5000 năm, một thời huyền vĩ bên bờ nam sông Dương Tử.
  • "Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ"

    01/10/2015Soi rọi các hiện tượng xã hội dưới ánh sáng văn hóa - đó là công việc mà nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đang theo đuổi. Dưới đây là những chia sẻ của ông với phóng viên VietNamNet nhân một câu chuyện thời sự...
  • Muốn hội nhập, phải thoát khỏi văn hoá làng xã

    29/09/2015M. T. ghiViệt Nam là một dân tộc ngàn đời nay sống bằng nghề nông trồng lúa nước, cho nên toàn bộ văn hoá VN, xã hội VN, cái hay cái dở của VN đều từ văn hoá làng xã mà ra...
  • Kim Định với việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam

    09/03/2015GS.TSKH. Trần Ngọc ThêmBài viết gồm bốn nội dung: (1) Hiện tượng Kim Định; (2) Những điểm mạnh và những thành công của Kim Định; (3) Những điểm yếu và những hạn chế của Kim Định; (4) Cơ hội, thách thức và những trách nhiệm của chúng ta.
  • Ai lên danh sách “10 tố chất cơ bản của người Việt”?

    29/01/2015Ngân Anh – Nguyễn Thảo tổng hợpVài ngày nay, trên các trang mạng xã hội chia sẻ nhiều một bản danh sách liệt kê “10 tố chất cơ bản của người Việt”. Theo nguồn ghi trên văn bản này, thì đây là kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ (American Institute of Social Research)...
  • Về một thái độ vị chủng văn hóa

    29/07/2014Đỗ Minh TuấnCông trình là những đóng góp đáng trân trọng ghi nhận như là một trong những viên gạch đầu tiên lát trên con đường xây dựng một khoa học về văn hoá. Nhưng chính trong những mặt mạnh này công trình Tìm về bản sắc văn hoá dân tộc của Trần Ngọc Thêm cũng bộc lộ những hạn chế mà chúng tôi xin phân tích cụ thể dưới đây để mong rút kinh nghiệm cho những công trình tương tự...
  • Bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia Kim Định

    24/12/2012Hà Văn ThùyTôi xin trình bày ba vấn đề: Thứ nhất, đôi dòng về cuộc đời triết gia Kim Định. Thứ hai, bước đầu tìm hiểu sự nghiệp triết gia kim Định. Và thứ ba, thử đánh giá công hiến của triết gia Kim Định...
  • Một cách tiếp cận về lịch sử văn hoá Việt Nam

    14/01/2011Ngô Đức ThịnhThực tại và lịch sử bao giờ cũng có một khoảng cách. Đó là khoảng cách giữa cái hiện thực và cái phản ánh hiện thực ấy. Các nhà sử học luôn luôn có tham vọng rút ngắn cái khoảng cách ấy để làm sao các tác phẩm sử học phản ánh tương đối sát hợp với hiện thực và quy luật của sự phát triển của xã hội mỗi nước, mỗi dân tộc...
  • Cách phong giáo sư lâu nay sinh ra bệnh háo danh

    10/05/2010PGS.TSKH Trần Ngọc ThêmThực trạng nhiệm vụ và chế độ chính sách đối với giáo sư, phó giáo sư (GS-PGS) ở ĐHQG TPHCM không nằm ngoài thực trạng nhiệm vụ và chế độ chính sách đối với GS-PGS ở VN nói chung. Mà thực trạng đó, đến lượt mình, bị quy định bởi những nhược điểm và hạn chế của một nền văn hoá gốc nông nghiệp điển hình.
  • Cái tất yếu thời toàn cầu hóa

    14/05/2009Minh NhânCó thể những người chủ trương “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” sẽ vô cùng bất bình, thậm chí phẫn nộ khi đứng trước những biểu hiện 100% tiếng nước ngoài hay nghe, xem đâu đó những từ vay mượn từ tiếng Anh như: festival ( liên hoan), bulding, villa ( nhà cao tầng, biệt thự), sale off ( hạ giá), fair play (chơi đẹp),… Song đối với số khác, hiện tượng này đơn giản chỉ là một phần tất yếu trong thời toàn cầu hóa.
  • Xây dựng văn hoá tiêu dùng: Bắt đầu từ đâu?

    11/04/2009Minh ThiNhiều người cho rằng, còn quá sớm để khẳng định đã có nền tảng văn hoá tiêu dùng ở VN. Bởi vẫn còn đó tâm lý đám đông, phong trào lao vào mua sắm hay đầu tư theo tin đồn mà không tính toán kỹ;
  • Hội thảo về sự “xấu xí” của người Việt

    23/03/2009Tùng NguyênDù còn nhiều quan điểm bất đồng về nguyên nhân dẫn đến tâm thế, tư duy và lối sống của người Việt hiện nay nhưng hầu hết các học giả đều cho là: người Việt hiện nay… xấu xí...
  • Giá trị bền vững của triết lý dân gian trong toàn cầu hóa

    21/09/2008Tô Duy HợpVấn đề được đặt ra dưới dạng song đề. Toàn cầu hoá đang tạo ra tình thế hai mặt: vừa mở rộng cơ hội vừa thách thức to lớn đối với văn hoá dân gian nói chung và triết lý dân gian nói riêng. Điều này liên quan tới bản chất, đặc điểm của triết lý dân gian. Do đó cần làm rõ ưu điểm và nhược điểm của nó. Sức sống, giá trị bền vững của triết lý dân gian phụ thuộc vào việc duy trì phát huy ưu điểm và đồng thời khắc phục nhược điểm để có thể lợi dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức của toàn cầu hoá...
  • xem toàn bộ