Vài suy nghĩ về cái Tôi trong thơ từ cách nhìn Phật Giáo

02:39 CH @ Thứ Năm - 16 Tháng Mười Một, 2017

Tưởng rằng có cái TÔI tuyệt đối, cái tôi đích thực, đó là một trong những ảo tưởng lớn nhất của loài người. Nhưng xem ra, căn bệnh này ở những người làm nghệ thuật và các nhà thơ còn nặng hơn nhiều so với những người khác.

Bản chất của cái TÔI (ego) là TỰ NGÃ. Càng là người làm nghệ thuật, cái ngã này càng có xu hướng lớn nếu trong bản thân họ không có một “NGƯỜI BIẾT”, hay một con người tỉnh thức. Cái người tỉnh thức này tiềm tàng luôn có đấy, chỉ có điều bản thân mỗi con người có cố gắng để cho nó ngóc đầu lên được hay không.

Tất cả những xúc cảm và ham muốn không phải tự trong bản thân mỗi con người mà ra, mà chúng xuất hiện do sự tác động của thế giới bên ngoài vào chúng ta thông qua các giác quan – qua đó chúng tạo nên cái gọi là “tôi” hay TỰ NGÃ. Nhiều nhà tâm linh của thế giới hiện đại cũng nhấn mạnh: cái trí năng của con người, lý trí của nó, mọi suy tưởng, suy nghĩ miên man của nó – tất cả cùng làm nên tự ngã. Con người ngày ngày thu nhận bao nhiêu thông tin, kiến thức…từ đủ các nguồn bên ngoài. Sau khi thu nhận, nó tự nhào nặn, nhào nặn mãi, bồi lên mãi, rồi rốt cuộc đồng hóa mình với chính những thứ ấy mà không biết. Điều này cũng giống như sóng đánh mãi vào bờ, nhưng bờ phải ở lại, chứ không phải chồm đi theo sóng, để rồi quằn quại theo sự dập dềnh của biển. Con người không ở lại, nó đánh mất bản chất của mình theo cách đó.

Một số nhà thơ, không cứ người trẻ, muốn thể hiện họ có nhiều nhân tính hơn bằng cách thể hiện họ có rất nhiều cảm xúc phong phú, nhiều nỗi đau hơn người, tinh tế hơn người... Nhiều, nhiều đến nỗi có nhà thơ, thơ họ trước hết là nỗi đau, nhiều tập thơ đầy ắp nỗi đau – từ bản thân cho đến bố, mẹ, chồng, con, anh chị em…Rốt cục họ và thơ họ bị đồng hóa với nỗi đau, tới mức nếu không có nỗi đau, chắc họ không sống được mất, chứ chưa nói đến làm được thơ. Nếu họ suốt ngày chỉ đau như thế mà không có sự tỉnh thức để hiểu bản chất của nó và làm sao để thoát được thì họ hơn người ở chỗ nào và họ nói với mọi người bằng thơ để làm gì? Vô số nhà thơ và nhà thơ trẻ bây giờ làm thơ cũng thế. Isidore Ducasse, nhà thơ Pháp thế kỷ 19 đã khuyên:”Chỉ nên để cho kẻ đọc văn anh cái kinh nghiệm anh thoát khỏi đau thương và nó không còn là sự đau thương nữa. Đừng nên khóc công khai. Nếu anh khốn khổ, chớ nói cho độc giả biết. Hãy giữ nó cho mình”. Vậy đó, người đọc muốn thấy sự thật được nhận biết từ nỗi đau, chứ không phải bản thân nỗi đau.

Cái mà phần lớn các nhà thơ ta đang bám vào đó, chẳng phải cái gì khác mà chính là cái TÔI to tướng, cái TỰ NGÃ mà thôi. Bộ mặt của cái TÔI, như một loạt các bài gần đây trên VietnamNet đã mô tả và phân tích rồi, tôi không nói lại, là chẳng đẹp đẽ gì. Tôi chỉ muốn nói thêm: đó là sự nhầm lẫm ghê gớm của con người, tưởng rằng có tồn tại cái “là tôi”, “tôi là cái mà tôi là”, “của tôi”, “riêng tôi”…mà thực chất tất cả những thứ đó đều là những cái đã bị điều kiện hóa, biến đổi, sinh diệt và không có tồn tại tự thân. Nó đã không có thật thì càng bám vào đó, càng sai lạc. Với nghệ thuật, nếu không có sự tỉnh thức, sự sai lạc này càng nhân lên gấp bội. Càng bám vào cái tôi, con người càng xa rời con đường tới chân lý.

Chah, một minh sư người Thái Lan, đã đưa ra một minh họa thế này: Bạn chưa bao giờ ăn xoài mà chỉ được nghe tả về xoài. Bạn tìm đủ mọi sách để đọc về nó, nhưng bạn vẫn không hình dung được nó chua thế nào, ngọt thế nào. Nhưng đến một ngày bạn ăn quả xoài, ăn xong, mọi lý thuyết của bạn về vị xoài biến mất. Nói khác đi, khi bạn đã THẤY, mọi lý luận, lý giải, lý sự dù bằng triết học hay nghệ thuật cũng đều biến mất. Cái THÂY đó là thấy chân lý. Tự ngã là đám mây mù bao phủ cái nhìn của bạn. Nếu bạn không biết dẹp cái tự ngã, như phát quang những đám mây mù, mặt trời sẽ không bao giờ ló rạng trong nghệ thuật của bạn.

Cái TÔI ở mọi người, ở các nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ, là sản phẩm của sự lẫn lộn của tri giác của họ về thế giới. Họ không có chỗ bám víu, và họ bám víu vào cái mà họ tưởng là có thật – là cái TÔI. Thực ra, cái hỗn độn đó, dưới ánh sáng của Phật giáo, là cái do họ không biết gì về chính bản thân họ cả. Nếu bạn bị quẳng xuống nước thì thử hình dung xem nực cười thế nào nếu bạn lại bám vào mấy cái rơm rác, cọng cây để khỏi chết chìm. Nhiều nhà thơ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ, đang bám vào rác rưởi như thế đó. Họ không nhận ra rằng người ta sống phải có đạo. Làm nghệ thuật lại phải càng có đạo. Nghệ thuật phải là con đường đi tới ánh sáng, hay như Charles Du Bos, nhà phê bình văn học Anh-Pháp (1882-1939), nói: “Văn chương chính là ý tưởng đến với cái đẹp trong ánh sáng”.

Đạo là phương thức, là con đường ta đi đến bến bờ. Có đạo chỉ có nghĩa là bạn đang đi và hướng tới chân lý, tới sự thật. Kẻ vô đạo không biết mình đang đi đâu và đang làm gì. Triết học, tôn giáo, các khoa học, hay nghệ thuật – dù bằng phương thức nào, sứ mệnh của nó cũng là nhận thức chân lý, hướng con người tới chân lý, “văn dĩ tải đạo”. Nên, lẽ phải là cái đẹp, chân lý là cái đẹp. Nếu bạn còn bận tâm với “cái tôi”, nghệ thuật của bạn là vô nghĩa – chỉ vậy thôi.

Trở lại câu chuyện về quả xoài của Chah, hãy lắng nghe vị minh sư đắc đạo này nói: Chỉ cần biết một quả xoài, bạn biết tất cả mọi quả xoài; chỉ cần biết một chiếc lá, bạn biết mọi chiếc lá; chỉ cần biết một cái cây, bạn biết mọi cái cây; chỉ cần biết một con người, bạn biết mọi con người! Cái biết mà Chah nói là biết cái bản chất, cái Phật tính, cái tâm có trong mọi con người. Bạn phải nhọc công cả đời để biết bản thân đã, rồi bạn sẽ hiểu lòng người đâu khác lòng mình! Khi đó, bạn không có gì phải phân biệt mình với người nữa, bạn buông bỏ những thứ bạn từng bám riết vào và ngộ nhận chúng là giá trị- bạn đã BIẾT! Nếu không có tinh thần đó thì làm gì đạt được cái mà George Bernard Shaw, nhà viết kịch, nhà phê bình và hoạt động chính trị Anh (1856-1950) từng nói:” Kẻ mà viết về anh ta và thời đại của anh ta là người độc nhất viết về mọi người và mọi thời đại”!

Thơ hay, vì vậy, dứt khoát không phải là xiếc chữ, không phải trò chơi vô ý thức, không phải là chỗ thể hiện “cái tôi”, rằng ta giàu tình cảm hơn người, cao quý hơn người, tài năng hơn người, cá tính hơn người và trăm ngàn thứ thường được tưởng là “hơn” khác. Cái nâng bài thơ và thi nhân lên cao là ý, là tư tưởng. Ý tại ngôn ngoại, “thượng ý chứ không thượng từ” - đức Khổng Tử đã dạy như thế. Nguyễn Dữ cũng từng nói:”Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa thơ mới hay”. Bài thơ mà không có ý thì nó không hơn gì một sự rỗng tuếch. Nói bí hiểm, múa chữ, xiếc chữ… để tự huyễn hoặc rằng người thông minh mới hiểu, còn bọn không hiểu là dốt nát, thì cũng chỉ vẫn là sự rỗng tuếch và nhạt nhẽo mà thôi! Tác giả của những bài thơ như thế giống như những kẻ mù khua gậy đi mãi, đi mãi, không bao giờ đến. Họ chỉ lòe được những người cũng đui mù. Nguyễn Siêu từng nói trong một bức thư gửi Cao Bá Quát: “Gần đây (ở Hà Thành) có một bọn tự biết mình bất tài, không thuyết phục được ai, liền sinh ra loại văn chương tắc tị và bí hiểm để hù dọa thiên hạ. Mới đầu thì kẻ ngu tin. Sau rồi đôi kẻ có trí cũng a tòng mà theo. Cái sự độc hại này xem ra còn ghê gớm hơn trong văn chương của bọn người không đọc sách”. Ở phương trời Tây, từ thời đại mình, văn hào Đức vĩ đại Goethe (1749-1832) cũng từng nói có quá nhiều kẻ pha nước lã vào mực! Vậy ra căn bệnh của ta, hay Tây, trong nghệ thuật, thời nào cũng giống nhau, chẳng có gì mới. Chỉ tiếc là nhiều người vẫn cứ vướng vào rồi vỗ ngực cho là hay, là tìm tòi, phát kiến, tân hình thức!

Thời gian trôi qua đã chứng minh còn lại Goethe, còn lại Cao Bá Quát, chứ đâu còn ai biết đến các tác giả của cái thơ bí hiểm, tắc tị, hay “mực pha nước lã” kia!

Quay trở lại với Phật giáo, nói cho rốt ráo thì nếu con người nói chung, và nhà thơ nói riêng, từ bỏ được cái TỰ NGÃ, chắc họ sẽ ngỡ ngàng nhận ra: Đâu làm gì có “cái tôi”, làm gì có “cá tính”! Vứt bỏ bộ quần áo tự ngã, con người chỉ còn lại cái bản chất đích thực của nó: đó là cái tâm, hay nói như Chah, là cái năng lực nhận biết, là “NGƯỜI BIẾT”, ở đó, mọi người đều giống nhau.

Thế thì nghệ thuật còn gì để nói nếu có tâm rồi? Xin dẫn lời Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là để kết thúc bài viết này:”Nói tâm là nói về cái chỗ chí đạt tới vậy, mà thơ lại để nói về chí”.

Hãy yên tâm, bạn làm gì cứ làm, không cần phải vứt nghệ thuật đi, miễn là bạn luôn BIẾT thôi!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • ''Nhục cảm yếu đuối'' của văn nghệ Việt Nam

    20/01/2018Tiểu PhươngĐến tận thế kỷ XXI, các nhà phê bình của chúng ta vẫn cứ loay hoay bàn bạc, tranh cãi xem chủ đề sex là cao quý hay thấp hèn, là mục đích hay là phương tiện của nghệ thuật... Đây chính là lúc chúng ta cần đến hướng đến một thứ “nhục cảm lành mạnh” trong đời thường cũng như trong nghệ thuật...
  • Nghe Phật dạy về tình yêu

    14/02/2016Hằng NguyễnNày người trẻ, bạn có biết Phật dạy như thế nào về tình yêu? Tôi đã may mắn tham dự một buổi pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh về tình yêu: mối quan hệ giữa yêu thương và hiểu biết, tình yêu từ bi hỉ xả, tình yêu và tình dục. Ông gọi đó là “yêu thương theo phương pháp Phật dạy”...
  • Con đường văn học

    01/05/2008Nhà văn Nguyễn Huy ThiệpKhi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết...
  • Một năm văn chương và mấy bước đi “hụt hẫng”

    25/01/2008Nguyễn HòaNếu định tính văn chương năm 2007 từ góc nhìn của các giải thưởng vốn được công bố khá sớm thì tôi có thể nói ngay rằng năm qua văn chương nước Việt như đang bị... "mất mùa” cho dù Hội Nhà văn Việt Nam vẫn trao giải thưởng...
  • Thơ là giọng, là phong cách của tư tưởng

    07/04/2006Thiếu chúng ta, thế giới vẫn hoàn chỉnh. Một sự thật không thể khoan thứ. Nhà thơ đáp lại bằng cách nổi loạn, muốn chứng tỏ rằng không phải thế. Do lòng tự đại bị tổn thương, niềm tự hào ương ngạnh hoặc nhu cầu tuyệt vọng, nhà thơ kinh niên tranh cãi với sự thật, và một điều kinh ngạc xảy ra: một sự thật khác được tạo nên, giống như một thành tố mới có phần đối nghịch với điều không thể khoan thứ.
  • Văn chương 2004 - oằn mình giữa "nhập nhòa" cũ - mới

    03/01/2006Nguyễn Hoà"Cái mới" đang là khát vọng với những chấm phá chưa định hình và "cái cũ" hàng ngày vẫn ám ảnh đâu đó trong sự vận hành của từng cây bút - đó là tình trạng mà đã mấy năm rồi, văn học Việt Nam đang cố gắng vượt qua để chuyển mình đổi mới. Văn học năm 2004 cũng vậy, nó "nhập nhòa" giữa sự ra đời của những tác phẩm, những sự kiện khiến người ta vừa có điều gì đó để hy vọng, vừa khiến người ta không khỏi lo âu...
  • Nhà văn Đỗ Chu: “Cô đơn được càng tốt !”

    24/11/2005Hồng Thanh QuangNhà văn là người có quyền lật đi lật lại vấn đề mà anh ta quan tâm. Và phải biết lật đi lật lại! Chả có gì mâu thuẫn trong việc này. Thì suốt cuộc đời, người ta ai mà chẳng phải trăn trở, nghĩ ngợi. Đâu phải nhất nhất mọi việc, mọi chuyện đều bất biến... Trong quá trình nhận thức của một đời người, quan trọng là xác lập cho được những câu hỏi lớn, chứ không phải là thuộc lòng vài ba câu trả lời lớn. Biết đặt ra những câu hỏi mới khó!
  • Thơ ca như một thứ tôn giáo

    21/10/2005Nhà thơ Trần Anh TháiKín đáo và ngại ngùng bởi không muốn nói nhiều về mình và tập thơ Trên đường vừa xuất bản, nhưng nhà thơ Trần Anh Thái tỏ ra cởi mở hơn khi đề cập đến thơ ca và công việc sáng tác của người nghệ sĩ. Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên với nhà thơ...
  • Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

    21/07/2005Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người.
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.
  • xem toàn bộ