Khoa học và tâm linh

11:03 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Mười Hai, 2005
Những nhận thức của con người về thế giới xung quanh (vũ trụ, xã hội, v..v..) có thể phân thành hai loại: một loại có thể kiểm nghiệm, chứng minh bằng thực nghiệm, bằng lý trí, bằng lô gích, đó là loại gọi là thuộc lĩnh vực khoa học. Loại thứ hai chỉ có thể nhận thức được bằng trực giác của từng người chứ không thể chứng minh hai năm rõ mười được bằng thực nghiệm hoặc bằng lý trí các vấn đề tâm linh thuộc lĩnh vực này.

Các khoa học nói chung (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) đều thuộc loại thứ nhất. Các tín ngưỡng, tôn giáo, các phép thuật, bói toán, tử vi, phong thuỷ, ngoại cảm, vv. đều thuộc loại thứ hai. Loại thứ nhất tạo thành nền tảng vững chắc của tri thức loài người, nó đánh dấu giới hạn chinh phục của trí tuệ loài người trên chân lý vũ trụ, đẩy lùi sự ngu dốt, sự mơ mơ màng màng về bản chất của tự nhiên; nó được tất cả mọi người thừa nhận, mặc dù ta không loại trừ sự tồn tại của những trường phái khác nhau; sự tồn tại này chỉ là tạm thời, là bước quá độ để tiến tới thống nhất vào một nhận định duy nhất. Trái lại, loại thứ hai không có được một sự thống nhất như vậy: ta thấy sự tồn tại của rất nhiều tôn giáo, giáo phái khác nhau, tôn giáo nọ loại trừ tôn giáo kia. Vì không thể có gì chứng minh cho sự đúng đắn hay không đúng đắn của các tôn giáo này, nên người ta có thể cãi nhau suốt đời mà không đi đến ngã ngũ. Ta đành chỉ kết luận rằng tôn giáo là vấn đề tín ngưỡng, là quyền tự do của mỗi người, không ai có thể bắt ép ai được.

Cần thấy rõ rằng các vấn đề tâm linh hoàn toàn không phải là những vấn đề sai, những ngộ nhận của con người. Chẳng qua đó chỉ là những vấn đề không có cách nào chứng minh là đúng hay sai mà thôi. Người công giáo cứ việc tin rằng Đức Mẹ sinh ra chúa Giê su mà vẫn đồng trinh, người Hồi giáo cứ tin rằng không được ăn thịt lợn vì lợn là con vật không trong sạch, người ấn độ giáo cứ tin rằng không được ăn thịt bò vì bò là con vật thiêng liêng, người nông dân Việt Nam cứ tin rằng ngày tốt phải là ngày âm lịch chẵn, còn ngày âm lịch lẻ thì phải kiêng (xuất hành, kinh doanh, vv.) vì là ngày xấu. Đối với những người không tin thì đó có vẻ là những điều ngớ ngẩn, nhưng đối với những người tin thì đó lại là những điều thiêng liêng, huyền bí.

Một tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các giả thuyết khoa học khác nhau mà chưa được chứng minh. Chừng nào chúng chưa được chứng minh thì chúng vẫn còn nằm trong lĩnh vực tâm linh. Đợi khi chúng được chứng minh đầy đủ thì chúng sẽ chuyển sang lĩnh vực khoa học. Chẳng hạn có một giả thuyết cho rằng tồn tại vô số vũ trụ khác nhau, xếp chồng lên nhau, ở lẫn với nhau, nhưng lại hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của nhau. Họ nghĩ rằng có thể suy ra sự tồn tại của những vũ trụ này từ cơ học lượng tử. Tất nhiên là thuyết này hiện nay vẫn còn đang nằm trong lĩnh vực tâm linh.Có lẽ cặp phạm trù đối kháng khoa học-tâm linh sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian, vì mặc dù khoa học kỹ thuật tiến bộ liên tục luôn luôn đẩy lùi ranh giới giữa khoa học và tâm linh nhưng cũng sẽ không bao giờ làm hết được các vấn đề tâm linh: sẽ luôn luôn có những vấn đề mà không thể phân đinh được là đúng hay sai. So với lĩnh vực khoa học thì lĩnh vực tâm linh rộng lớn hơn rất nhiều. Các vấn đề khoa học dù rộng lớn đến đâu cũng chỉ là hữu hạn, còn các vấn đề tâm linh thì lại là vô hạn.

Khoa học và tâm linh ảnh hưởng thế nào đến đời sống con người? Ảnh hưởng của khoa học thì mọi người đều thấy rõ: hầu như tất cả các thành tựu của loài người, từ việc nâng cao đời sống đến việc chinh phục vũ trụ đều là nhờ các tiến bộ của khoa học. Nhưng các vấn đề tâm linh cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Nền văn hoá của các dân tộc, của các quốc gia khác nhau bao gồm một phần lớn những vấn đề tâm linh, nổi bật nhất là những vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng. Chính các vấn đề tâm linh tạo nên dấu ấn cho từng dân tộc riêng biệt.

Việc là một nhà khoa học không mâu thuẫn với việc có một đời sống tâm linh. Trường hợp những nhà bác học nhưng mộ đạo không phải là hiếm. Ở ta không ít nhà khoa học tin ở tử vi, tướng số. Đó là vì trong nhận thức của một con người không phải chỉ có những vấn đề hai năm rõ mười, được kiểm nghiệm một cách chính xác bằng khoa học, mà còn có những vấn đề không thể kiểm nghiệm được, đành chỉ giải quyết được bằng lòng tin của mỗi người.

Người ta cũng cố gắng giải quyết mâu thuẫn này bằng cách nghiên cứu các vấn đề tâm linh bằng phương pháp khoa học, và xây dựng nên những môn gọi là khoa học huyền bí. Đây là một danh từ hoàn toàn không phù hợp (impropre), chứa đựng một mâu thuẫn không thể điều hoà, vì khoa học là môn học nghiên cứu các vấn đề có thể kiểm nghiệm, chứng minh được, còn huyền bí là những vấn đề không có cách nào kiểm nghiệm, chứng minh được.

Tương lai của mối tương quan khoa học-tâm linh sẽ ra sao? Như trên đã nói, khoa học sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn, đẩy lùi ranh giới khoa học-tâm linh ngày một xa hơn, nhưng đường đi này sẽ là vô cùng tận, vì lĩnh vực tâm linh là vô cùng tận.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tín ngưỡng

    07/08/2017Nguyễn Trần BạtLà một vấn đề vô cùng phức tạp, thực ra tín ngưỡng không phải là hiện tượng mê tín thuần tuý theo cách hiểu thông thường. Lịch sử cho thấy rằng các loại tín ngưỡng khác nhau có sức sống dai dẳng và ảnh hưởng lâu dài mà khó có hệ tư tưởng nào sánh được...
  • Tại sao phương Đông đi trước về sau?

    05/05/2017Đỗ Kiên CườngTrong Sự thức tỉnh vĩ đại, Ngô Tự Lập cho rằng văn minh xuất hiện là do sự thức tỉnh của con người về quyền tư hữu. Ngô Tự Lập cũng mở rộng vấn đề, khi xem phương Đông tuy thức tỉnh trước, nhưng không triệt để vì vẫn duy trì chế độ công hữu về ruộng đất đến tận thế kỷ XIX. Và đó là lý do văn minh phương Đông đi trước về sau. Còn phương Tây, tuy thức tỉnh muộn nhưng tư hữu triệt để hơn, nên đã vượt xa phương Đông.
  • Bạn theo tôn giáo nào?

    16/04/2017Hồ Anh TháiCó thời nhiều người Việt ra nước ngoài được bạn bè hỏi theo tôn giáo nào thì đều nhanh nhảu mà rằng chẳng theo tôn giáo nào cả. Nhưng hình như có điều không ổn trong chính những câu trả lời kia, nhất là bao giờ nói xong cũng như kèm thêm một vẻ hãnh diện tự đắc, cứ vênh vênh nhơn nhơn ra....
  • Chúng ta thoát thai từ đâu?

    07/01/2014"...khó mường tượng, cơ chế gì mà chỉ một mô người chết có thể tung ra một lượng thông tin to lớn về tạo dựng những mô người mới ở một cơ thể khác, tức kích thích sự tái sinh. Rồi chuyện mỗi tế bào người phức tạp đến thế nào cũng khó hình dung... Rõ ràng mọi chuyện đó xảy ra theo một chương trình hoạt động liên tục, chặt chẽ mà so với nó một cái máy tính hiện đại nhất cũng chỉ là cái đồ chơi treo trên cây thông Nôen. Các chương trình đó khu trú ở đâu? Tất nhiên không chỉ trong các gen. Theo dữ kiện vật lý mới thì các chương trình đó được ghi trong năng lượng tế vi, ở phương Đông năng lượng đó gọi là năng lượng của Chúa Trời, và cả ở trong nước cơ thể người . Vậy ai đã lập ra các chương trình tái tạo mô người diệu kỳ đó?..."
  • Mun-Đa-Sép, chiếc cầu nối giữa khoa học và huyền học

    12/10/2005Trần Trung PhượngTừ trước tới nay, trong quan niệm của nhiều người, khoa học và huyền học (Mystique hoặc Mysticisme) là hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt thậm chí đối lập lẫn nhau. Một bên thuộc lĩnh vực lý trí đòi hỏi phải có sự phân tích chứng minh và dựa trên một nền tảng thực nghiệm vững chắc và một bên lại đề cao thứ cảm thức có tính chất trực giác, bí nhiệm về một loại đối tượng không hoặc khó có thể xác định bằng bất cứ một phạm trù khoa học nào. Thậm chí, từ một quan điểm thuần lý và cực đoan, có ý kiến cho rằng huyền học là một biến tướng của chủ nghĩa duy tâm ngu dân, một loại tàn dư của mê tín dị đoan từ thời xa xưa...
  • Một cuộc ra đời lần thứ hai

    27/09/2005Phạm ToànTrước hết, cần tìm một định nghĩa cho tâm linh. Xưa nay khái niệm ấy dùng một cách mù mờ, chân tình và cơ hội, trắng đen vàng thau để lẫn lộn. Thành thử có khi tôn vinh tâm linh mà thành hạ thấp nó. Còn trong nhiều trường hợp tâm linh trùng với đồng cốt phong thuỷ...
  • Văn hoá dưới cái nhìn phân tâm học của Sigmund Freud

    09/07/2005Nguyễn Huy HoàngSigmund Freud là người đã hướng tới việc nghiên cứu cái vô thức trong đời sống tâm lý con người và sáng tạo ra phương pháp phân tâm học. Ông đưa ra cách tiếp cận phân tâm học với văn hoá, mô tả sự xung đột của văn hoá với con người; đồng thời, phác hoạ nên bức tranh về nhân cách năng động hơn, phức tạp hơn, đầy những mâu thuẫn và xung đột hơn so với tâm lý học cổ điển. Tuy nhiên, cách tiếp cận phân tâm học đã dẫn Freud tới chỗ hiểu sai về bản chất của văn hoá, trộn lẫn lao động với bản tính tự nhiên của con người. Tựu trung lại, học thuyết của Phrớt không thoát khỏi những bế tắc.

  • Tâm linh – bản thể con người

    09/07/2005Nguyễn KiênTrong đời sống con người, thiêng liêng là một trong những cái không thể nhận biết bằng lý trí và tất cả những gì là thiêng liêng, là cao cả bao giờ cũng vẫy gọi con người, là cho nó luôn luôn tự vượt mình, hướng tới cái cao hơn (hướng thượng), hướng tới cái siêu việt, tới trạng thái chân hơn, mỹ hơn, thiện hơn. Xu hướng ấy của con người tạo ra một mặt cơ bản của đời sống con người: đời sống tâm linh.
  • "Tôi tin vào thuyết sáng tạo"

    07/07/2005Bích HạnhNói tiếng Việt không thật chuẩn, thường xuyên phải minh họa bằng tiếng Anh, Pháp và cả "body language", nhưng giáo sư Trịnh Xuân Thuận vẫn hấp dẫn hội trường đông kín người tại ĐH Bách khoa Hà Nội suốt 3 giờ đồng hồ sáng nay, với bài nói chuyện về Big bang và con người trong vũ trụ...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác