Tương lai nhìn từ Giao thừa
Giao thừa là giây phút chuyển từ hiện tại cũ sang hiện tại mới, chuyển từ quá khứ sang tương lai. Tương lai là thời gian phía trước, là cái của ngày mai, của giờ phút tiếp nối. Tương lai là cái định hướng, cái mà con người hướng tới, nhưng tương lai không diễn tiến theo ý muốn chủ quan của con người.
Có hai loại tương lai, một loại diễn ra độc lập với ý muốn của con người, một loại tồn tại dưới dạng ước muốn của con người, và do chủ quan nên con người không phải lúc nào cũng xác định được tương lai của mình.
Tuy nhiên, khát vọng là thuộc tính của con người nên tương lai bao giờ cũng đầy hấp dẫn đối với chính con người. Không có tương lai – dù là có những loại tương lai chỉ tồn tại trong ước vọng của con người - thì không có khát vọng. Và trong giờ phút chuyển đổi từ hiện cũ sang hiện tại mới, từ quá khứ sang tương lai, con người càng có khát vọng về tương lai.
Ít ai chỉ sống vì hiện tại. Tương lai chính là lý do tồn tại, lý do để con người sống đầy nhiệt huyết trong hiện tại. Một con người, một xã hội hay một quốc gia luôn sống trong xu hướng về tương lai. Làm bất cứ điều gì hôm nay con người ta cũng giải thích là vì tương lai- kể cả cái sự thụ động yếm thế người ta cũng lý giải là để …“ chờ đợi” tương lai ! Nói như thế là để thấy rằng tương lai quan trọng như thế nào đối với con người như thế nào.
Tương lai có gần có xa, tương lai đối với mọi người cũng khác nhau. Phút giao thừa hàng năm, con người hướng về tương lai gần - đó là khát vọng về một năm mới đầy niềm vui, hạnh phúc, thành đạt.
Còn đất nước khát vọng về một năm mới tăng trưởng kinh tế bền vững, người dân ấm no, những bức xúc trong xã hội về quy hoạch, quản lý xã hội được giải quyết, khát vọng bước đi hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tốt đẹp … Nhưng cũng có những khát vọng tương lai nhỏ bé, giản dị mà không phải ai cũng chú ý.
Những em bé mồ côi mong ước năm nay được có nhiều bữa ăn no, ăn ngon, được đến trường học. Những người mẹ nông dân nghèo mong ước năm nay được mùa, kiếm được việc làm để có thêm thu nhập lo cho mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Những gia đình sống dưới gầm cầu trong một túp lều làm bằng bao tải, bìa cứng mong ước năm nay có một căn nhà cấp bốn để che nắng che mưa. Những người bệnh nằm bẹp trong bệnh viện mong ước năm nay khỏi bệnh để trở về cuộc sống bình thường bên người thân… Nhiều và rất nhiều những ước mong giản dị về một tương lai giản dị. Tương lai giản dị với người này - thậm chí không là gì cả - nhưng lại vô cùng lớn lao với người khác. Cuộc sống là như thế và vẫn luôn như thế !
Tương lai sẽ đến như một tất yếu nhưng không phải bao giờ tương lai cũng đến đúng như chủ quan mong muốn của con người. Muốn có tương lai như mong muốn thì ngay từ hiện tại phải đặt những viên gạch liên tục và miệt mài để xây tương lai.
Không có thứ tương lai nào từ trên trời rơi xuống cho bất cứ người nào. Muốn có một năm mới tăng trưởng kinh tế vững thì năm trước và nhiều năm trước nữa chúng ta phải có những chính sách tốt. Tức là tương lai đến một cách hiện thực chỉ khi chúng ta có sự chuẩn bị cho nó. Nói một cách khác, tương lai là hệ quả của quá khứ và hiện tại. Nhưng ngay cả sự chuẩn bị cho tương lai theo lối tư duy cũ thì tương lai cũng không đến như ta mong muốn. Và, tương lai – như đã nói là không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, nên việc xây dựng tương lai cũng phải là sự tư duy mới trên cơ sở khoa học (nghĩa là tôn trọng sự vận động khách quan).
Một điều nữa cần nói là tương lai là sự tiếp nối của quá trình vận động nên tương lai có “chân” trong hiện tại. Con người ta sống vì tương lai nhưng hưởng thụ thực tế là ở hiện tại. Người nghèo phải được ăn no mặc ấm, phải được học hành trong ngay trong hiện tại chứ không phải chờ đến tương lai. Công dân phải được hưởng thụ những thành quả xã hội về kinh tế, văn hoá tinh thần ngay trong hiện tại chứ không phải chỉ “ để dành” đến tương lai. Chính điều đó cần các nhà quản lý điều hành xã hội phải có ngay quyết sách mang tính thực tiễn bên cạnh những quyết sách mang tính chiến lược.
Tất nhiên, giữa quyết sách thực tiễn trong hiện tại và quyết sách mang tính chiến lược phải có sự liên thông với nhau để tránh những mâu thuẫn, không đồng bộ. Bởi vì, hiện tại và tương lai vốn đã liên thông, tương lai không có nguồn mạch là thứ tương lai chỉ có trong tưởng tượng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng