Trách nhiệm văn hoá là trách nhiệm chung
Năm ngoái, cũng vào dịp này, tôi đã than phiền về sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn ở thời đại chúng ta. Một năm (ngắn ngủi!) đã trôi qua và tuy chưa thấy sự thiếu vắng ấy có đỡ hơn chút nào, tôi nghiệm rằng tình trạng èo uột văn hoá không chỉ là vì sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn, song còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Bởi lẽ, tất cả chúng ta, nhất là những người chưa là nhà văn hoá lớn, đều có những trách nhiệm đối với văn hoá.
“Chúng ta” là ai và trách nhiệm văn hoá của chúng ta là gì?
Trước hết, trách nhiệm là của những người sản xuất văn hoá (nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu...). Thành phần này có trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất trong sinh hoạt văn hoá.
Chúng ta cần yêu cầu những người “sản xuất” (mọi loại hình) văn hoá sản xuất nhiều hơn, cho ra đời những tác phẩm chất lượng cao hơn. Không là một người sản xuất văn hoá, tôi không dám có những đề nghị gì cụ thể hơn. Hẳn là những người sản xuất văn hoá thừa biết họ cần làm gì, thế nào là chất lượng cao. Tôi chỉ xin nhận xét rằng văn hoá, hoặc ngay trong một lãnh vực của nó là văn chuơng, là cực kỳ đa dạng. Trách nhiệm chung của cộng đồng những người sản xuất văn hoá là phải khám phá, thử nghiệm và khai thác sự đa dạng ấy.
Song, trở về với thực tế, chúng ta cũng nên “thông cảm” với những người sản xuất văn hoá ở nước ta lúc này. Thứ nhất, trong một xã hội ngày càng thương mại hoá như hiện nay, chọn một nghề sản xuất văn hoá để mưu sinh đòi hỏi những sự hi sinh không dễ dàng. Thứ hai, phải nhìn nhận, công việc sáng tác hiện nay đang gặp nhiều “khó khăn”. Một số khó khăn ấy là cá biệt cho nước ta (nói thẳng, đó là chế độ “quản lý” văn hoá chặt chẽ của nhà cầm quyền), một số khó khăn khác là chung cho nền văn hoá toàn cầu đương đại (thị hiếu xã hội ngày càng xuống thấp, những văn hoá tầm cao phải “cạnh tranh” ngày càng khốc liệt với văn hoá thô lậu, tầm thường). Song chính trong những khó khăn này mà giá trị của các nhà sản xuất văn hoá chân chính càng đáng ngưỡng mộ, và trách nhiệm của họ càng nặng nề.
Sáng tạo văn hoá không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau. Hãy viết, hãy vẽ, hãy soạn nhạc, làm thơ, và dù những tác phẩm ấy không thể ra mắt bây giờ, hãy giữ đấy, chắc chắn sẽ có ngày chúng được biết đến. Được tức thời công bố, trình diễn, hẳn là kỳ vọng của mọi người sáng tác, nhưng không phải cơ hội duy nhất để người khác biết đến tác phẩm của ta chỉ xảy ra ngay bây giờ. Tất nhiên, viết trong bí mật, cho thế hệ mai sau, là cực kỳ khó khăn, nhưng có thể xem khó khăn ấy như một thử thách cho những người sáng tạo chân chính, tự tin, không chỉ để thoả mãn “thị trường” cấp thời. Không được ra mắt ngay lập tức không phải là lý do để ngưng sáng tạo.
Thậm chí, có một nghịch lý: Khi một tác phẩm hay, trung thực, càng khó ra mắt công chúng, thì người sáng tác cần cố gắng bảo đảm chất lượng của tác phẩm mình, để sau này nó “đáng đồng tiền bát gạo”.
Tôi biết rất rõ là không ít nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt Nam (nhiều người là bạn tôi) đang can đảm miệt mài trong thầm lặng mà không có một phần thưởng nào đáng kể. Trong lúc tôi cho rằng họ cần ý thức trách nhiệm của họ trong điều kiện khó khăn hiện nay, và phải cố gắng hơn nữa, họ cũng nên biết rằng có những người đang lặng lẽ theo dõi đóng góp của họ. Họ không nên thất vọng. Ngày mai trời lại sáng!
Nhưng văn hoá không chỉ là những tác phẩm văn chương, âm nhạc, hoặc mỹ thuật... mà còn là thái độ ứng xử giữa chúng ta với nhau và, trong nghĩa này, tất cả chúng ta đều là những nhà “sản xuất văn hoá”. Chúng ta có trách nhiệm tích cực bảo tồn di sản văn hoá Chẳng những trách nhiệm văn hoá là trách nhiệm chung, nhiều bộ phận văn hoá chỉ có thể thực hiện được bởi cộng đồng.
Trách nhiệm văn hoá cũng nằm ở những nhà phê bình, những người trợ giúp quần chúng thẩm định, gạn lọc và tiếp thu các tác phẩm văn hoá. Chúng ta cần những nhà phê bình có kiến thức, khách quan, và công tâm. Nhà phê bình phải thay mặt cộng đồng thưởng ngoạn (không chỉ trong lãnh vực văn chương mà còn gồm các hình thái nghệ thuật khác) để nói lên một cách có hệ thống những điều phải nói.
Nhà phê bình là người trung gian giữa người sản xuất và cộng đồng “tiêu dùng” văn hoá (sẽ bàn thêm dưới đây). Có thể nói rằng một nhà phê bình cũng là một nhà sản xuất mà “sân chơi” vừa hẹp lại vừa rộng hơn nhà sản xuất nguyên thủy. “Hẹp hơn” vì chủ đề của họ là giới hạn ở một tác phẩm nào đó, nhưng cũng “rộng hơn” vì họ có thể, từ tác phẩm đang được phê bình, phóng ra những vấn đề khác, lãnh vực khác. Ở họ, không chỉ cần những kiến thức quảng bác (có khi quảng bác hơn cả người sản xuất văn hoá), bởi lẽ họ phải so sánh tác phẩm này với tác phẩm kia, thậm chí ngành này với ngành khác, mà còn cần công tâm và chính trực. Công tác phê bình là vô cùng khó khăn vì nó đòi hỏi một sức học, tinh thần khách quan, và một nhân cách trưởng thành. Nhà phê bình, phải khắt khe nhưng khiêm tốn, nhất là phải tự phê bình trước đã.
Phải nhìn nhận rằng nhà phê bình thường bị cám dỗ bởi cảm tính và cảm tình, trở thành “cá nhân”, hời hợt. Trong quá khứ, khi việc xuất bản còn khó khăn thì những nông nổi, sai lầm trong phê bình ít ra còn được hạn chế bởi biên tập viên của tờ báo. Nhưng ngày nay, với sự lan tràn của internet (cụ thể là thế giới blog) ai cũng có thể là nhà phê bình, có thể được “xuất bản” ngay lập tức, không qua một hệ thống kiểm soát chất lượng nào. Do đó, chất lượng phê bình đại trà có nguy cơ xuống thấp, làm nãn lòng không ít những người sáng tác chân chính. Trách nhiệm của nhà phê bình nghiêm túc là phải nâng cao văn hoá phê bình.
Thứ ba, và quan trọng nhất, là trách nhiệm của những người “tiêu dùng văn hoá”, tức là tất cả chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta không chỉ là tiêu dùng nhiều văn hoá, bởi vì sự thật là xã hội đang ngụp lặn trong “văn hoá”, song đó là thứ văn hoá thương mại, văn hoá “mì ăn liền”, phần lớn là ngoại lai, thậm chí có thể nói là “thô lậu”.
Vậy thì trách nhiệm của chúng ta, những người tiêu dùng văn hoá, là phải “khó tính” phải đòi hỏi “hàng có chất lượng”. Muốn như thế, chính người tiêu thụ văn hoá, tức là toàn xã hội, phải nâng cao khả năng thẩm định của mình. Phải biết thế nào là văn hoá cao, thế nào là văn hoá thấp. Chính là để nâng cao khả năng thẩm định này mà vai trò của giáo dục là thiết yếu. Trách nhiệm văn hoá gắn liền với trách nhiệm giáo dục ở chỗ ấy.
Phải nhận rằng trào lưu “thô tục hoá” văn hoá bởi thương mại là một trào lưu toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Nó tác động lớn nhất đến thế hệ trẻ, nhưng không chỉ ở giới trẻ. Tuy nhiên, ở những nước đã phát triển thì văn hoá đại chúng của họ đã đến một trình độ cao, sự trì trệ chút ít cũng không đáng quan ngại cho lắm. Ở nước ta, khác thế, khi mà văn hoá hiện đại còn non trẻ mà đã bị lây nhiễm văn hoá tiêu thụ thì thật là đáng báo động. Buồn hơn nữa là dường như khuynh hướng này đang lây nhiễm ngược đến thế hệ phụ huynh của giới trẻ.
Tiện đây, cũng xin có đôi lời về trách nhiệm đối với văn hoá Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài. Phải nói rằng không phải bất cứ người Việt nào ở nước ngoài cũng chú ý đến vấn đề văn hoá, nhất là văn hoá Việt Nam. Sự thờ ơ này là đáng tiếc và là một thiệt thòi cho chính những người này. Họ có trách nhiệm đối với chính họ. Tuy nhiên, có một số không ít theo dõi rất sát tình hình văn hoá nước nhà, và có những đóng góp tích cực qua những tác phẩm bằng tiếng Việt, hoặc giới thiệu văn hoá Việt Nam với nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài.
Trách nhiệm văn hoá của người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là trách nhiệm đối với đồng bào (thế hệ cùng thời lẫn tương lai). Thỉnh thoảng có người than phiền rằng có quá ít dịch giả đưa tác phẩm tiếng Việt ra nước ngoài. Điều này đúng một phần song cũng hơi “oan” cho những người có khả năng dịch. Tác giả trong nước thường nghĩ rằng thị trường ngoại quốc hẳn là “đắt khách” lắm. Sự thật lắm khi không phải thế. Vì nhiều lý do khác nhau (sự lan tràn internet và lối sống vội vã ở các nước đã phát triển, v.v.) thị trường văn hoá phẩm ở nhiều nước phát triển cũng ngày càng “khó sống”. Một dịch giả chỉ dám bắt tay vào một công trình dịch thuật khi nghĩ rằng sẽ có một thị truờng cho sản phẩm của mình. Đúng là số người đọc ở các nước phát triển là rất đông, nhưng số tác giả cũng rất nhiều và, phải nói thẳng, số lượng tác phẩm Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường ấy còn rất hiếm.
Trên đây, trách nhiệm văn hoá được chia ra trách nhiệm của ba thành phần song thật ra thì ba thành phần ấy chỉ là ba bộ măt của mỗi cá nhân. Mỗi chúng ta, với những tỷ lệ khác nhau, đều là người sản xuất, phê bình, và tiêu thụ văn hoá. Do đó, sự nghèo nàn văn hoá, nói đúng hơn là sự thô tục hoá của văn hoá ngày nay, nếu có, là trách nhiệm chung của mọi người. Thói quen của chúng ta là đổ lỗi cho người khác, hoặc cho hoàn cảnh “khách quan”. Chúng ta thường trách nhà nước không nâng đỡ đúng mức, thậm chí đã kềm chế tiến bộ văn hoá, song nghĩ cho cùng, không một nhà nước nào có thể “sản xuất” văn hoá. Tất nhiên sự “can thiệp” mạnh tay của nhà nước vào văn hoá, mà lại không có một nâng đỡ nào đáng kể, là một điều đáng phàn nàn. Nhà cầm quyền, nhất là những người có trách nhiệm đối với sinh hoạt văn hoá, phải nhận trách nhiệm của mình đối với hậu thế. Chúng ta cũng thiếu những nhà văn hoá lớn. Song không ai trong chúng ta là vô can. Chúng ta quá dễ dãi với văn hoá hạ cấp, chúng ta quá thờ ơ, dửng dưng với văn hoá có chất lượng. Chúng ta không bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Và nói thẳng, đôi khi chúng ta, mỗi chúng ta, có những hành động thiếu văn hoá!
Chính cái “vốn văn hoá” của xã hội là bắt nguồn từ những ràng buộc cộng đồng, và khi sự ứng xử với nhau “thiếu văn hoá” thì vốn văn hoá của dân tộc ta sẽ sụt giảm, lôi kéo theo những hệ lụy cho phát triển kinh tế và chủ quyền dân tộc.
Tất nhiên, những ý kiến trên đây đều căn cứ trên giả định là “văn hoá là hệ trọng” (ít ra nó cũng đóng góp vào chất lượng của đời sống). Nếu cho rằng giả định ấy là sai thì không có gì để nói nữa.
Trần Hữu Dũng, Cuối năm 2011
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn