Khởi đầu xây dựng một Thế giới quan mới

03:51 CH @ Thứ Bảy - 26 Tháng Tư, 2003

Những câu hỏi triết lý vĩnh cửu được mỗi thời đại trả lời bằng kiến thức khoa học và công nghệ của thời mình. Khoa học công nghệ đương đại sẽ cung cấp tư liệu mới, phương pháp tư duy mới làm cơ sở cho việc xây dựng “lâu đài” triết học của thế kỷ 21 định hướng cho con người hiện đại rõ ràng và đúng đắn hơn.

Sau thế kỷ 19, triết học với ưu thế dựa trên nền tảng khoa học tin cậy đã dần thay thế Tôn giáo như một nguồn tài nguyên chính để hợp nhất kiến thức. Với kiến thức vật lý học, thiên văn học, khoa học tự nhiên là nền tảng của văn hoá chung loài người thời ấy, còn thế giới quan đúng đắn, đỉnh cao của thời đại chính là những tư tưởng của dòng triết học duy vật.

Sang thế kỷ 20, cảnh quan tư duy khoa học cơ giới – chính xáctrong khoa học đã dần dần đổi sang cách tiếp cận mới là cảnh quan tư duy tổng thể - hệ thống.Nó đem đến một khả năng hợp nhất một cách toàn diện, nghiêm túc nền khoa học. Khoa học hệ thống và điều khiển học đã lớn mạnh, đạt được nhiều thành công kỳ diệu và trở thành một nền tảng căn bản cho văn hoá chung của nhân loại. Giáo sư Göldner Klaus, viện trưởng viện triết học Đức, đã viết về ngành Khoa học hệ thống-Điều khiển học như sau: “Điều khiển học nghiên cứu các hệ thống động, chính xác hơn, một lớp nhất định các hệ thống vật chất động. Tính chất quan trọng của hệ điều khiển học là chúng giữ được sự cố định tương đối, bất chấp ảnh hưởng của môi trường. Lý thuyết điều khiển học vạch ra các quy luật tổng quát về điều khiển và điều chỉnh các hệ sinh học, kỹ thuật và xã hội. Nhưng mặc dù có tính chất phổ cập, đối với triết học thì điều khiển học vẫn chỉ là một ngành khoa học cá biệt”. Tuy khoa học hệ thống – điều khiển học là một ngành khoa học riêng nhưng sự phát triển của chúng hứa hẹn sẽ làm nên một điều tương tự như việc vật lý học trước kia đã làm đổi thay các quan điểm triết học. Năm 1963, Göldner Klaus đã tiêu đoán trước về điều này như sau: “Điều khiển học đang đẻ ra những tư tưởng mới của triết học”.

Mỗi môn khoa học có góc nhìn thế giới từ góc nhìn của riêng mình. Điều khiển học là ngành khoa học với nghĩa rộng lớn do Norbert Wiener đề xướng - chọn đối tượng nghiên cứu cho mình là những quá trình điều khiển, truyền thông và tổ chức. Nó bổ sung cách nhìn thế giới cho các nhà vật lý - làm "mềm hoá" cách nhìn của họ. Nhà vật lý thường chú ý nhiều đến những phần hữu hình - phần cứng của thế giới, còn những nhà điều khiển học lại quan tâm nhiều đến những phần vô hình của vật chất - phần điều khiển hay còn gọi là phần mềm.

Những ý tưởng của điều khiển học hứa hẹn giúp các triết gia đổi mới về cơ bản cách nhìn nhận nhiều vấn đề chủ chốt của thế giới quan, đặc biệt là các vấn đề:

1) Bản chất của thế giới là gì?

2) Bản chất của hoạt động tinh thần, ngôn ngữ và văn hoá là gì?

3) Con người đang và sẽ đi tới đâu?

4) Kiến thức là gì?

5) Thế nào là thiện/ác và giá trị sâu sắc nhất của con người là gì?

Tiêu chuẩn cơ bản cho Thế giới quan mới

Năm 1936, Max Planck, nhà vật lý sáng lập cơ học lượng tử đã viết: “Khoa học... có nghĩa là một sự cố gắng không mệt mỏi và một sự phát triển tiến bộ liên tục nhằm hướng tới một mục tiêu mà trực giác thơ mộng có thể nắm bắt được nhưng trí tuệ không bao giờ có thể hiểu thấu hoàn toàn”.

Cái phức tạp, đa dạng và cực kỳ phong phú của thiên nhiên và cuộc sống, trước khi được nhận thức bằng khoa học đã được con người cảm nhận qua trực giác và thể hiện bằng ngôn ngữ của thơ ca, âm nhạc, hội hoạ của nghệ thuật.

Và giờ đây, sau mấy thế kỷ khoa học phát triển như một công cụ chủ yếu của nhận thức thế giới, chúng ta đã có được một nền khoa học có tiềm năng bao quát được thêm những chân trời nhận thức mới.

Thế giới quan mới của thế kỷ 21 cần phải tích hợp tất cả các lĩnh vực khác nhau của tri thức con người và kinh nghiệm hoạt động, cung cấp được khả năng nhận thức và tác động sát với bản chất thực tiễn hơn.

Vì vậy, nó phải bao gồm các nguyên lý riêng của nhiều loại hệ thống đa dạng, hiểu biết của các chuyên ngành khoa học riêng, mô tả đúng đắn các dạng tổ chức vật chất đa dạng.

Thế giới quan mới cần phải phù hợp với sự đa dạng, phức tạp của các hệ thống, tính mở, sự tiến hoá và tương tác giữa các hệ thống. Để có một sự tích hợp thành tựu đa ngành trọn vẹn, "thế giới quan" mới cần phải đầy đủ, rõ ràng, tránh mâu thuẫn, hoặc lẫn lộn, nhập nhằng.

Thế giới quan mới cần phải hình thành trên cơ sở triết học duy vật Marx-Lenin và xác nhận tính đúng đắn của triết học ấy. Tất cả phương pháp luận và kết luận của nó đều kế thừa và phát triển những tinh hoa của thế giới quan duy vật.

Thế giới quan mới cần cung cấp câu trả lời tốt nhất tới những vấn đề cơ bản của Triết học:

- bản thể học (lý thuyết của xuất hiện và tồn tại của thế giới),

- nhận thức luận (lý thuyết về việc chúng ta có thể biết thế giới quanh ta ra sao),

- luân lý học (hệ thống những giá trị, mục đích và quy tắc có thể hướng dẫn chúng ta trong mọi hoạt động)

Nó phải có mức trừu tượng cao để mô tả được mọi vấn đề cụ thể, hỗ trợ được việc phân tích và giải quyết những vấn đề thuộc bất kỳ chuyên ngành nào, gắn với bất kỳ kiểu hệ thống nào. Cần đưa ra bộ khung rỗng làm mẫu hình chung và gợi ý cho các giả thuyết. Điều này đạt được không có nghĩa là hình thức hoá thế giới một cách hoàn toàn như toán học. Khung tư duy phải cung cấp nhiều mức nội dung trung gian giữa trừu tượng đến cụ thể, từ mọi tình huống tổng quát đến ngữ cảnh đa dạng.

Tham vọng hợp nhất khoa học trong quá khứ

Điều tương tự nêu ra ở đây đối với khoa học, cũng đã từng xuất hiện cuối thế kỷ 19 trong một chuyên ngành riêng là toán học.

Toán học đã có những lĩnh vực ứng dụng rất đa dạng và thành công: hình học, số học, đại số, lượng giác... Tuy nhiên, toán học chưa có khung lý thuyết về đối tượng chung cho các lĩnh vực riêng: mục đích, những tiên đề, những quy tắc, ký pháp, những khái niệm, định lý toán... Đa số các nhà toán học cùng cho rằng tồn tại một "Cách tư duy toán học" chung, nhưng phải chờ đến lôgic toán và lý thuyết tập hợp phát triển về sau này thì điều này mới trở nên rõ ràng. Trước đó khi lý thuyết lôgic hình thức đã ra đời thì ngành toán vẫn chưa có sự nhất quán, còn đầy rẫy những nghịch lý, mâu thuẫn và thiếu sự gắn kết các lĩnh vực riêng.

Tới khi tác phẩm "Những nguyên lý của tư duy toán học" của Whitehead và Russell ra đời thì các nhà toán học mới có một khung lý thuyết chung đầy đủ, chắc chắn và rõ ràng. Cái mới lạ trong công việc của hai ông là họ đã áp dụng chính những phương pháp toán học xây dựng nền tảng chung cho toán học, công thức hóa những quy luật của tư duy dẫn dắt cách suy luận toán học bằng các tiên đề, định lý và chứng minh toán học. Từ đấy, những nguyên lý chung của toán học đã hình thành cơ sở cho nền “toán học hiện đại".

Liệu quá khứ có thể lặp lại với Khoa học hệ thống-Điều khiển học?

Rõ ràng, vấn đề xây dựng một lý thuyết toàn cầu, bao trùm nhiều xu hướng, nhiều lĩnh vực khoa học phức tạp khó hơn bất kỳ mục đích cụ thể của một lĩnh vực đơn lẻ. Có rất ít ngành khoa học có thể lựa chọn để trở thành công cụ hữu hiệu cho sự hợp nhất khoa học vào trong một Thế giới quan tiên tiến.

Có hai chuyên ngành khoa học mang tính chất tổng hợp và có liên quan đến mọi loại hệ thống khác nhau: toán học (chỉ liên quan đến hình thức của các hệ thống) và khoa học hệ thống – điều khiển học (liên quan đến cả nội dung lẫn hình thức của các hệ thống).

Cả hai ngành này đều giống nhau ở chỗ chúng không mô tả những đối tượng cụ thể hoặc bộ phận của thế giới mà mô tả những cấu trúc và quá trình trừu tượng dùng để hiểu và mô hình hoá thế giới. Nói cách khác chúng gồm những siêu mô hình (meta-models) mà từ đó có thể sử dụng xây dựng những mô hình cụ thể hơn. Từ đặc tính này, cả 2 lý thuyết toán học và khoa học hệ thống - điều khiển học có thể áp dụng cho chính mình: một siêu mô hình của những đối tượng bao gồm cả chính nó.

Toán học và Khoa học hệ thống-Điều khiển học có nhiều điểm khác nhau.Toán học chuyên nghiên cứu những quan hệ hình thức, định lượng của mọi sự vật hiện tượng, nên nó đã đơn giản hoá, tách rời ngữ cảnh, giá trị, mục tiêu, đặc tính riêng... của các phần tử thuộc mô hình thực tế. Trong khi đó, Khoa học hệ thống - Điều khiển học, lại nhấn mạnh tính phức tạp, đa dạng và tương tác giữa các phần tử, có tính chủ quan, tuỳ thuộc ngữ cảnh và bản chất theo các đặc điểm và giá trị riêng của mô hình thực tế. Khoa học hệ thống-Điều khiển học không chối bỏ giá trị của toán học mà bao chứa toán học trong nó bởi nó cố gắng khái quát mọi hiện tượng chứ không chỉ đại diện như một khung cố định, hình thức.

Vậy vận dụng Khoa học hệ thống-điều khiển học trong Triết học hoàn toàn khác với trường hợp của “Những nguyên lý chung của tư duy toán học” trong toán học.

Khoa học hệ thống - điều khiển học không phải là sự anh minh thần kỳ giải quyết được mọi vấn đề. Các nhà điều khiển học cũng như khoa học gia chuyên ngành khác đặt ra mục tiêu đầy thách thức, tham vọng của thời đại: nghiên cứu và xây dựng những lý thuyết chuyên ngành, giải quyết cho lĩnh vực ứng độc lập riêng như: quản lý, tin học, tự động hoá, khai mỏ dữ liệu (data mining), thiết kế robot... Những ứng dụng hữu ích, cụ thể này chỉ thu hút sự chú ý của nhóm những người say mê công nghệ.

Ý nghĩa của chuyên ngành đối với triết học và các ngành khác chưa thực sự được đánh giá cao. Tính tổng quát của cách tiếp cận tri thức dễ làm cho người ta mắc kẹt trong sự trừu tượng hóa, xa rời thế giới thực nên khó sử dụng và kiểm tra chúng trong những vấn đề cụ thể để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu.

Từ khả năng của khoa học hệ thống – điều khiển học, chúng ta thấy được nhiều điểm mạnh của nó đối với Thế giới quan tương lai. Ưu điểm của khoa học hệ thống- Điều khiển học là ở nó dựa trên căn cứ khoa học rõ ràng, phương pháp tư duy tổng thể-hệ thống góp phần đắc lực để có một cách nhìn mới, một cách hiểu mới có sức thuyết phục về các hệ thống phức tạp của thế giới. Dưới đây ta sẽ lược qua một số đặc điểm của tư duy tổng thể - hệ thống ấy:

1. Đặc điểm chủ yếu của tư duy tổng thể - hệ thống là ở cách nhìn toàn thể và do cách nhìn này mà thấy được những thuộc tính trồi của hệ thống. Các thuộc tính trồi là của toàn thể mà từng thành phần trong hệ không thể có. Tình yêu, hạnh phúc, thành đạt... là những thuộc tính của một con người trong toàn thể, chứ không thể là của một bộ phận nào trong con người đó. Cũng vậy, dân chủ, bình đẳng... là thuộc tính của một xã hội, chứ không thể là thuộc tính của từng con người trong xã hội đó.

2. Hợp trội là sản phẩm của tương tác, qua tương tác mà có cộng hưởng tạo nên những giá trị cao hơn tổng gộp đơn giản các giá trị của các thành phần. Đồng thời trong tiến hoá, tính chất hợp trội đó của hệ thống cũng làm tăng thêm phẩm chất của các thành phần.

3. Trong các hệ thống thực tế, có nhiều loại tương tác khác nhau. Có những tương tác qua trao đổi vật chất và năng lượng như trong các hệ vật lý, có những tương tác chủ yếu là qua trao đổi thông tin (và tri thức) như trong các hệ văn hoá xã hội; các tương tác phải được mô tả bằng một thứ ngôn ngữ nào đó, như các mô hình toán học, mô hình lôgíc, mô hình thông tin và điều khiển học (với các quan hệ vào ra và các vòng phản hồi), mô hình văn hoá xã hội (với các quan hệ định tính)....Hệ thống có các tương tác bên trong nhưng khác với các hệ kín thường được xem đến trong cơ học và vật lý, các hệ thống thực tế trong sinh học, sinh thái, kinh tế và xã hội hầu hết là các hệ mở, nghĩa là có các tương tác với bên ngoài và với môi trường. Hành vi của một hệ mở chỉ có thể hiểu trong bối cảnh các tương tác với môi trường đó.

4. Tính có mục đích cũng là một đặc điểm rất quan trọng của các hệ thống phức tạp. Có mục tiêu, chứ không phải có mục tiêu biết trước, được xác định từ đầu. Có thể có một mục tiêu mà cũng có thể có nhiều mục tiêu đồng thời. Ta phải thường xuyên nghiên cứu tại sao đối tác làm những việc họ làm, họ thích những cái họ thích, từ đó cảm nhận được mục tiêu của họ trong môi trường rồi tuỳ đó mà xác định các giải pháp thích nghi cho mình. Các lý thuyết điều khiển tối ưu, lý thuyết trò chơi... thích hợp cho một số lớp các hệ có mục tiêu khá đơn giản; ngày nay, “điều khiển” trong các hệ thích nghi phức tạp với nhiều tác tử (agents) là một vấn đề rất khó và rất cần nhiều cách tiếp cận mới để nghiên cứu.

5. Tính đa chiềulà một đặc điểm cốt yếu của tư duy tổng thể-hệ thống. Trong thế giới chúng ta đang sống, trong các hệ thống của tự nhiên và xã hội luôn luôn tồn tại những khuynh hướng đối lập nhau, những xu hướng trái ngược nhau có những đối lập dẫn đến đối kháng cực đoan đòi hỏi một mất một còn, nhưng đó không phải là phổ biến, mà phổ biến là các khuynh hướng đối lập không loại trừ nhau, chung sống và tương tác với nhau bằng đấu tranh và thoả hiệp, tạo nên một quan hệ bổ sung, một trạng thái mới với những chất lượng mới cho phát triển. Theo nhà điều khiển học Russell L. Ackoff, “Các phần không chấp nhận được riêng rẽ có thể tạo nên một toàn thể chấp nhận được”. Chẳng hạn, riêng kỷ luật hay riêng tự do không tạo thành một xã hội tốt, nhưng trong một xã hội lành mạnh, vừa có kỷ luật, vừa có tự do.Tất nhiên đa chiều không nhất thiết là có đối lập. Đa chiều là có nhiều cái khác nhau, nhiều cách nhìn, cách hiểu khác nhau về một đối tượng. Quan điểm đa chiều trong tư duy hệ thống còn là sự cố gắng phát hiện cái giống nhau, trong những cái khác nhau, và cái khác nhau trong những cái giống nhau. Tìm cái giống nhau trong những cái khác nhau là khoa học, hướng tới cái phổ biến, cái có tính quy luật; tìm cái khác nhau trong những cái giống nhau là nghệ thuật; hướng tới những phong cách riêng, sắc thái riêng của cảm thụ. Cả hai đều cần thiết và bổ sung cho nhau để sáng tạo nên những chất lượng phong phú mới. Đa chiều cũng là một cách nhìn nhiều mặt, nhiều cấp độ khi tìm hiểu các hệ thống.

6. Phép biện chứng và tư duy tổng thể-hệ thống nói rõ các hệ thống không chỉ có các thuộc tính đối lập cùng tồn tại mà các mặt đối lập còn có tương tác, chuyển hoá với nhau, sáng tạo nên những chất lượng cao hơn trong quá trình phát triển.

7. Tính phi tuyếnlà phổ biến đối với các hệ thống phức tạp. Chính do tính phi tuyến mà hành vi của hệ thống có thể có những bất thường, phụ thuộc nhạy cảm vào những đổi thay rất bé của các điều kiện ban đầu, từ ổn định chuyển sang bất ổn định, từ trật tự chuyển sang phi trật tự và hỗn độn, thậm chí thể có những bước nhảy đột biến không tiên đoán được đến một trật tự mới có tính tổ chức cao hơn. Trong cân bằng và ổn định thì ta có thể tiên đoán và lập kế hoạch, còn ở đây, có thể dự phòng chứ không thể tiên đoán chính xác và lập kế hoạch trước, ta phải chuẩn bị ứng phó và xử trí một cách linh hoạt, thích nghi với những diễn biến cụ thể chưa biết, chưa từng gặp, tình hình bất định và bất ổn.

Vận dụng những tư tưởng và thành tựu của khoa học hệ thống-điều khiển học, bám sát nền tảng tư duy tổng thể-hệ thống, đồng thời cũng tiếp thu những tinh hoa trong các dòng tư duy truyền thống, chúng ta cùng thử nghiệm xây dựng và phát triển thế giới quan với cách nhìn mới, cách hiểu mới, và tiếp theo là cách xử sự mới trước những phức tạp, đa dạng.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiến tới một triết học về hợp tác vì sự giải phóng con người

    22/09/2015Nguyễn Trần BạtVượt thời gian là một khả năng tuyệt vời của nhận thức. Khả năng vượt thời gian cho phép người ta có thể truy đuổi, suy ngẫm về tương lai, hay ít nhất là chuẩn bị tiền đề tâm lý để đi đến với nó. Và ngay cả những người hôm nay đã tìm ra công nghệ để đi đến tương lai nếu trong quá trình tiến đến tương lai tiếp theo, tương lai cấp hai, vẫn khư khư giữ lấy bản đồ án của tương lai thứ nhất thì cũng sẽ trở thành kẻ bảo thủ trong giai đoạn thứ hai này. Cơ sở của công nghệ đi đến tương lai là tư duy không ngừng, lựa chọn không ngừng và loại bỏ không ngừng...
  • Trao đổi với bạn đọc về ChúngTa.com

    13/11/2005Minh Bùi
  • Mấy suy nghĩ về việc xác định bản chất của thế giới quan

    23/09/2005Nguyễn Huy HoàngNgày nay, dưới sự tác động của các quá trình dân chủ hoá, nhân đạo hoá, tin học hoá và toàn cầu hoá, việc xác định tình trạng hiện thời của đời sống xã hội và vạch ra con đường phát triển của nó trong tương lai không chỉ là công việc riêng của các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, mà còn cuốn hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp đại chúng. Trong khung cảnh như thế, việc xác định, xây dựng và phổ biến một thế giới quan khoa học và cách mạng sẽ mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nội dung khác