Tôi chấm thi tú tài
“Còn thiếu, các thầy cô tự bù”
Hội đồng chấm thi của tỉnh tôi - một tỉnh thuộc ĐBSCL - có trên 300 giám khảo cho 7 bộ môn (6 môn thi tốt nghiệp chính thức và 1 môn thay thế). Điều lạ là một số giám khảo chưa dạy lớp 12 vẫn được điều động đi chấm thi. Giám khảo đến địa điểm chấm thi lúc 8 giờ sáng. Đến 8 giờ 20 phút, hơn 300 người được tập trung vào một phòng hội đồng nhỏ với sức chứa hơn 100 người. Không khí ngột ngạt và nóng bức vô cùng.
Chế độ chấm thi vẫn chẳng hề thay đổi dù năm nay Sở GD-ĐT đã thu 20.000 đồng/thí sinh, mỗi bài chấm thi được 3.500 đồng chia đều cho 2 giám khảo. Đây là biểu giá đã được áp dụng suốt trong 5 năm qua.
Một số giáo viên than phiền về số tiền lưu trú (30.000 đồng/ngày). Số khác lại bực dọc vì quãng đường từ nơi mình công tác đến địa điểm chấm thi đi xe ôm cũng mất 30.000 đồng/lượt đi-về nhưng Sở chỉ thanh toán 12.000 đồng với lời "an ủi" ngắn gọn: "Còn thiếu, các thầy cô tự bù".
Những điều trông thấy...
Hằng năm, cứ chấm được một hai buổi, hễ tỷ lệ trên trung bình dưới 50%, lập tức có chỉ thị chấm lại, mở rộng đáp án. Kỳ cục nhất là những bài toán có liên quan giữa câu a, b, c; thí sinh chỉ cần làm được câu b hoặc c thì giám khảo cũng phải chấm, mặc kệ việc câu b sử dụng kết quả của câu a.
Một số giáo viên dặn dò học sinh mình làm ký hiệu riêng trong bài. Những giáo viên khác còn dặn học sinh làm mở bài hoặc câu bổ sung dẫn chứng giống y nhau để dễ... chấm. Trong ngày đầu tiên, tôi đã chấm 5 bài có số mật mã cách xa nhau nhưng mở và kết bài không khác một dấu chấm, dấu phẩy, thậm chí còn có 2 bài giống nhau đến dấu chấm dấu phẩy, đề nghị chấm hội đồng thì bị gạt đi.
Trước mỗi kỳ thi, mong đợi lớn nhất của các thí sinh và cũng là của đội ngũ giám khảo là làm sao có một kết quả khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ về kết quả các năm trước, tôi nhận thấy nhiều điều khá kỳ lạ. Có những em học hành lười biếng, tưởng rớt nhưng lại có điểm cao vọt.
Kết thúc buổi chấm thứ 3, tôi ngồi ở băng ghế đá đặt phía trước cổng trường, có khá nhiều em học sinh ngóng kết quả dù vẫn biết chưa có. Giữa ồn ào tiếng xe cộ, cười nói, tôi chợt nghe tiếng thút thít ở ghế đá bên cạnh: "Chắc con rớt quá!". Lại có tiếng nói khác, đanh chắc: "Rớt sao được mà rớt!", "Con biết sức con mà má!". "Tao đã nói không rớt là không, bao nhiêu tiền tao cũng lo được...".
Tôi không dám quay mặt sang nhìn họ, lòng thấy tê tái. Có tiêu cực trong hội đồng chấm thi không? Chẳng lẽ, cái gì cũng có thể bán được hay sao?
Việc thanh tra trong quá trình cắt phách, mã hóa phách và chấm thi cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Chính vì những kẽ hở trong quá trình này mà tiêu cực rất dễ xảy ra. Thế nhưng, những tiêu cực này chưa hề bị vạch mặt chỉ tên, bởi một điều đơn giản là ai cũng cần một công việc để mưu sinh. Vả lại, như lời một đồng nghiệp của tôi than thở: "Chỉ sợ chưa bắt được họ thì mình đã phải chịu hậu quả. Họ đã gian tất phải ngoan".
Khóc cười cùng văn chương tú tài
"Môn văn càng lúc càng trở nên xa lạ với học sinh !". Câu cảm thán trên là của một đồng nghiệp lớn tuổi khi xấp bài ông chấm có đến 13/25 bài thi dưới 5 điểm. Một con số lạnh lùng làm đau lòng những người có tâm huyết với nghề và nặng lòng với tiếng Việt. 100% bài thi do tôi chấm đều có lỗi chính tả.
Thậm chí, có một bài chỉ viết được khoảng 200 chữ đã có đến hơn 50 lỗi ! Thật không thể tưởng tượng được. Điều làm buồn lòng thầy cô nhất là những lỗi chính tả sơ đẳng các em vẫn mắc phải: lãng mạng (lãng mạn), đài đọa (đày đọa), khóc liệc (khốc liệt), khác dọng (khát vọng), huy sinh (hy sinh), mất mác (mất mát), cởi chói (cởi trói)...
Các cô tú cậu tú tương lai không hiểu được cả những khái niệm đơn giản nhất trong văn học: bài thơ, tập thơ, tác giả, tác phẩm. Chẳng thế mà các em đã viết như thế này: tập thơ của Tố Hữu là Tiếng chổi tre, tập thơ khác là Kính gửi cụ Nguyễn Du; bài thơ Tây Tiến là "một tập thơ hùng dũng".
Em khác lại thản nhiên: "Tô Hoài là một tập truyện", "Nam Cao là một tác phẩm". Kể tiểu sử Lỗ Tấn, có em hùng hồn tuyên bố "Lỗ Tấn là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại của Việt Nam", "ông làm nghề khai khoắng (ăn trộm ?), khai mò (???), bới rác". Có em khẳng định: "Tô Hoài là một nhà thơ xứ ruộng đồng", em khác lại cho rằng: "Văn phong Lỗ Tấn lạnh lùng tàn bạo" còn văn chương Tô Hoài thì "tha thướt yểu điệu dịu dàng dễ thương". Chấm bài thi mà đỏ cả mặt.
Kỹ năng làm văn thì hầu như các em quên sạch. Có đến 80% bài làm văn không hề chia đoạn trong thân bài. Thậm chí, có một số bài chỉ có một đoạn duy nhất từ đầu đến cuối. Nhiều bài không có đến một dấu chấm, dấu phẩy. Diễn đạt lủng củng, không biết chủ đề nằm ở đâu.
Còn đây là một mở bài "lạ": "Kính thưa các đồng chí và các bạn, đến dự buổi hội thảo hôm nay, tôi xin mời các đồng chí và các bạn nghiên cứu bài Vợ chồng A Phủ của nhà thơ Tô Hoài. Mời các đồng chí và các bạn cùng tôi đi vào phân tích". Kết bài càng “lạ” hơn: "Cảm ơn các đồng chí và các bạn đã lắng nghe, xin chào đoàn kết và quyết thắng".
Đề thi yêu cầu phân tích một đoạn trích của bài thơ Tây Tiến, khá đông thí sinh đã phân tích cả bài (cho chắc ăn?). Đề yêu cầu nêu ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, nhiều thí sinh đã phân tích cả truyện. Yêu cầu kể những nghề Lỗ Tấn đã làm và nêu lý do tại sao ông đổi sang làm văn nghệ, hơn 70% thí sinh viết luôn... cả tiểu sử.
Vì lười học mà học sinh làm những bài văn kiểu râu ông này cắm cằm bà kia đến nỗi nếu tác giả đọc được thì chỉ còn biết... khóc! Hãy đọc thử một đoạn mà xem: "A phủ là canh điền nhà thống lý Pá tra, thống lý có bà vợ ba, bắt A phủ bớp chân hoài"; "Mỵ là người xấu xa cùng với A Phủ đi lường gạt mọi người, chẳng hề có lòng nhân đạo gì. Bởi vậy, tác giả mới kêu gọi mọi người có giá trị nhân đạo". Câu thơ "áo bào thay chiếu anh về đất" bị suy diễn thê thảm: "Anh bộ đội đi trong rừng bị gai cào rách áo bèn lấy chiếu cuốn lên mình để che áo rách"... Cứ thế, mọi chi tiết đều bị hiểu sai lệch, méo mó.
Làm sao bây giờ?
Trước khi chấm, chúng tôi được một cấp trên “khuyên”: "Chúng ta phải đãi cát tìm vàng, chỗ sai bỏ qua, chỉ tìm chỗ đúng mà chấm. Càng nương tay cho các em càng tốt". Nghe mà chua xót quá. Hậu quả của chuyện "nương đều tay" là tỷ lệ tốt nghiệp cứ cao dần mà chất lượng thì thấp dần!
Những ý kiến tâm huyết, những lời cảnh báo cứ như hạt muối rơi tòm xuống biển khơi mênh mông. Bao giờ mới thực sự có những kỳ thi "thật", những bài chấm "thật" đúng đáp án và thực sự công tâm, thực sự vì vận mệnh của nền giáo dục nước nhà?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu