Thi tốt nghiệp 2005: có nghiêm túc được không?
Kết quả thi cử có phản ánh đúng chất lượng dạy và học trong thực tế? Tại sao nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ tốt nghiệp luôn ở tốp trên nhưng khi thi HS giỏi lại luôn đứng cuối bảng? Làm thế nào để chấn chỉnh kỷ cương thi cử?...
Đó là những câu hỏi "nóng bỏng" được đặt ra tại hội nghị về thi phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19-4-2005 ở TP.HCM...
Giám khảo chấm... 200 bài thi/ngày!
Các sai sót trong các kỳ thi được ông Nguyễn Hải Châu, vụ phó Vụ Trung học, nêu lên xảy ra ở gần như tất cả các khâu. Ngay ở thành phần coi thi, nhiều tỉnh thành cũng chưa chú trọng. Có tỉnh điều động một phó chủ tịch (không có trong quyết định ban đầu), vị này do đột xuất không nắm qui chế thi và hậu quả là làm lệch khoảng 2.000 số phách trong một môn thi.
Có những giám thị lần đầu coi thi chưa nắm vững nghiệp vụ nên vẫn xảy ra tình trạng... quên cho HS ký tên vào danh sách dự thi, để HS trao đổi bài, mang tài liệu vào phòng thi... Có hội đồng thi, thanh tra bộ đến sát bên cạnh mà giám thị vẫn không hay biết vì mải mê đọc... tiểu thuyết.
Ông Lê Quán Tần, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, bức xúc: “Qui chế thi năm 2004 qui định thí sinh không được mang tài liệu, đồ dùng cấm vào khu vực thi, nếu phát hiện sẽ bị đình chỉ thi. Thế mà khi các đoàn của bộ đến các hội đồng sau mỗi môn thi đều thấy tài liệu đầy trong phòng".
Đáng chú ý là ở khâu chấm thi. Qui định chấm hai vòng độc lập ở nhiều địa phương vẫn mang tính hình thức. Hai người chấm nhưng điểm hoàn toàn giống nhau, thậm chí có nơi giám khảo phải chấm 120-200 bài/ngày (!). Vì vậy ở hầu hết các tỉnh được bộ kiểm tra, biểu hiện thường thấy nhất là giám thị cho điểm rộng hơn so với đáp án. Ở tỉnh Hưng Yên, khi kiểm tra sáu bài thi sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT, thanh tra phát hiện có hai bài chấm rộng từ 1,25-1,5 điểm; trong khi ở Tuyên Quang cũng môn này có một số bài giám khảo chấm thiếu 1-1,5 điểm.
Nhiều trường hợp thí sinh làm bài giống nhau (có hiện tượng chép bài của nhau) nhưng hội đồng chấm thi và giám khảo vẫn không xử lý. Trong số 144 bài do đoàn thanh tra bộ chấm thẩm định tại một số tỉnh, có đến 67 bài sai lệch từ 0,5-0,75 điểm và ba bài sai lệch 1 điểm.
Chấm sai, vào điểm cũng sai, đáng lưu ý là có bài vào sai đến 3 điểm. Rồi điểm trên phiếu chấm và điểm trên máy tính cũng sai lệch nhau.
“Sai từ khâu hồ sơ đến làm phách, coi thi, chấm thi, vào điểm thi... nhưng hầu như không có tỉnh nào xử lý sai phạm. Biên bản thi chỉ thể hiện đơn giản “kỳ thi diễn ra bình thường”, sai sót mà không lưu vào biên bản tổng kết để nhắc nhở hội đồng thì làm sao rút kinh nghiệm! Vì vậy mà năm nào cũng có sai sót”, ông vụ phó thẳng thắn phê bình trước hội nghị.
Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận hệ quả của sự thiếu nghiêm túc trong thi cử là kết quả thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT của một số tỉnh thành phố có dấu hiệu chưa phản ánh sát thực tế chất lượng học tập của HS. Số tỉnh thành đỗ tốt nghiệp trên 90% khá nhiều mà chủ yếu là các tỉnh miền Trung trở ra, trong đó có những tỉnh đặc biệt khó khăn. Có tỉnh thi HS giỏi thì đứng cuối bảng nhưng thi tốt nghiệp lại ở tốp trên.
Ở hệ bổ túc thành tích mới đáng ngạc nhiên: 11/33 tỉnh thành ở miền Bắc có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90%, trong đó có những đơn vị đỗ 100%, 99,73%. Tỉ lệ tốt nghiệp “trên trời” dường như năm nào cũng được bộ nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy!
Qui trách nhiệm cho từng cá nhân
Theo ông Lại Hữu Miễn, vụ phó Vụ GDTX (Bộ GD-ĐT), lãnh đạo bộ đã đặt câu hỏi nghi vấn về tính trung thực của kết quả thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm 2004 đạt trên 99% ở một số đơn vị phía Bắc. Ông khẳng định: “Tôi hoan nghênh các tỉnh phía Nam đã dám chấp nhận tỉ lệ tốt nghiệp bổ túc chỉ đạt trên 50%, nó phản ánh sự nghiêm túc của những người làm công tác thi.
Thật ra kết quả thi có phản ánh đúng chất lượng dạy và học không, kỳ thi có diễn ra nghiêm túc không, trách nhiệm trước hết ở ban giám đốc các sở GD-ĐT. Nếu ban giám đốc muốn đạt tỉ lệ tốt nghiệp 99% thì đề ra như thế nào đi chăng nữa cả tỉnh cũng sẽ đỗ 99% thôi”.
Ông Miễn nói tiếp: “Ban giám đốc các sở đừng đổ tội cho ủy ban tỉnh, thành hay giám thị, giám khảo mà hãy xem lại công tác chỉ đạo của mình. Trước mỗi kỳ thi, các thành viên trong ban giám đốc sở hãy dũng cảm và thẳng thắn khước từ những lá thư tay, những cú điện thoại nhờ vả, gửi gắm của người thân, người quen, bạn bè, lãnh đạo.
Lần này không nhờ được, chắc chắn lần sau họ sẽ không dám nhờ nữa. Người lãnh đạo đừng tạo tiền lệ vi phạm qui chế cho giáo viên làm theo. Tôi nghĩ nếu giám đốc sở cương quyết thực hiện “giám thị, giám khảo vi phạm qui chế thi sẽ bị kỷ luật ngay” chắc chắn không ai dám vi phạm. Để sửa căn bệnh thành tích của giáo dục, trước hết hãy bắt đầu từ khâu thi”.
Ông Lê Quán Tần nhấn mạnh: “Năm 2005 là năm ngành GD-ĐT kiên quyết chấn chỉnh kỷ luật phòng thi và trường thi bởi kỷ cương thi cử sẽ tác động mạnh mẽ đến việc dạy và học. Những tỉnh, thành có tỉ lệ tốt nghiệp cao một cách bất thường, bộ sẽ lập đoàn kiểm tra chấm lại một phần hoặc 100% bài thi. Bài nào phải thay đổi điểm, thanh tra sẽ truy ra ai là người chấm vòng đầu, ai là người chấm vòng hai để qui trách nhiệm cụ thể”.
Theo ông Tần, chấn chỉnh kỷ luật thi cử, đặc biệt phải chấn chỉnh về nhân lực. Ông Tần kể chuyện ở Trung Quốc - nước láng giềng với Việt Nam: họ chỉ có một giám khảo chịu trách nhiệm chấm thi và tiếp theo thanh tra sẽ chấm lại 30% số bài thi. Nếu có vấn đề, thanh tra sẽ thông báo ngay cho giám khảo ngưng chấm thi và chịu hình thức kỷ luật tương ứng.
Ông Tần kêu gọi: “Năm 2004 chỉ có 406 thí sinh vi phạm qui chế, chỉ bằng khoảng 7% so với tuyển sinh ĐH, CĐ (6.000 thí sinh vi phạm) cho thấy chúng ta vẫn đang sống hòa bình với sự lỏng lẻo, nhượng bộ trong thi cử. Năm nay Bộ GD-ĐT sẽ lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi mà không cần ra quyết định, không cần thông báo. Riêng thanh tra sẽ có thanh tra của bộ và 64 đoàn thanh tra ủy quyền. Chúng tôi mong rằng các đoàn thanh tra này hãy làm thẳng tay để chấn chỉnh kỷ cương thi cử...”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh Phúc