Nguyễn Du tố cáo vai trò bá chủ của đồng tiền trong sinh hoạt xã hội

03:21 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Hai, 2019

Chương 4. Thời đại Nguyễn Du và nội dung tư tưởng Truyện Kiều

Bằng Truyện Kiều, Nguyễn Du đã phản ảnh thời đại mình như thế nào? Muốn trả lời câu hỏi này, phải khảo xét cách sang tạo những hình tượng nghệ thuật của Nguyễn Du. Nghĩa là phải phân tích tính khí, tâm trạng và vận mệnh những nhân vật chính yếu của Truyện Kiều, tìm hiểu những sinh hoạt xã hội làm khung cảnh cho sự hành động của nhân vật, khám phá tính chất giai cấp của những quan hệ xã hội được phản ảnh trong truyện. Thi sĩ đã ghi lại những nhân tố nào của xã hội đương thời và đã bình giá hiện thực theo lập trường quan điểm giai cấp nào?

  1. Vai trò bá chủ của đồng tiền trong sinh hoạt xã hội của thời đại
  2. Sự bần cùng hóa của tầng lớp thị dân tiểu tư hữu
  3. Tự do và công bằng: hai vũ khí phản phong của nhân dân
  4. Vòng vây chặt chẽ của điều kiện lịch sử

.

.

I. Vai trò bá chủ của đồng tiền trong sinh hoạt xã hội của thời đại

Đúng như ông Lê Duẩn đã nhận định, “cô Kiều đương sống trong một thời kỳ phong kiến bước qua tiền tư bản. Đồng tiền đã muốn làm chủ thế gian. Đồng tiền đã chà đạp nền đạo lý thần thánh của phong kiến. Trung hiếu, tiết hạnh, tài hoa, nhan sắc như cô Kiều đã bị đồng tiền làm cho ba chìm bẩy nổi, đã hóa cô Kiều làm món hang xa xỉ của thế gian… Đồng tiền giải quyết mọi việc khó khăn của xã hội. Thế là hết đạo lý, thế là hết tài với sắc. Mọi sinh hoạt xã hội đều quay về đồng tiền…”

Ở con mắt tác giả Truyện Kiều, đồng tiền đã làm trụy lạc nhân phẩm, mục nát bộ máy phong kiến thống trị, biến con người thành một thứ hang hóa, phá tan các gia đình, hủy hoại tự do và hạnh phúc cá nhân. Quan lại vì tiền mà bỏ công lý. Sai nha vì tiền mà tra tấn người vô tội, cướp bóc tài sản người lương thiện. Lũ mẹ mối, Mã Giám Sinh, Tú bà cậy tiền mà hành hạ người tài sắc. Sở Khanh vì tiền mà bầy mưu đặt kế cho Tú bà xô đẩy Kiều vào nghề “đưa người cửa trước rước người cửa sau”. Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tham tiền mà lừa Kiều đem bán cho lầu xanh. Hồ Tôn Hiến dùng tiền lung lạc Kiều, “lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu”, để tiêu diệt Từ Hải. Tiền đã đè đầu đè cổ tài hoa, sắc đẹp, nhân phẩm, đạo lý.

Nguyễn Du, khi tả đến những cảnh sinh hoạt trong đó đồng tiền hoành hành tác hại, đã tỏ rõ thái độ bất bình của mình ở những câu nhận xét chua chát, phẫn nộ:

Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hạ, chẳng qua vì tiền!

...

Trong tay sẵn có đồng tiền
Dầu long đổi trắng thay đen khó gì!

...

Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong!

...

Có ba mươi lạng trao tay
Không dưng chi có truyện này trò kia!

...

Mụ rằng: ai cũng như ai
Người ta ai mất tiền hoài đến đây!

...

Mụ càng tỏ lúc chuốt hồng
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê…

Cảnh Thúy Kiều bán mình bị lũ buôn người “đắn đo cân sắc cân tài” rồi bị chúng:

Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm

.

Đã vạch trần bộ mặt kinh tởm của một chế độ xã hội trong đó tài hoa, sắc đẹp, nhân phẩm đều bị đồng tiền mua bán mặc cả như một hàng hóa ở thị trường. Chế độ ấy đã thối nát đến mức những kẻ tham tiền hám lợi lạnh lùng giày xéo lên mọi tình cảm đau thương tủi nhục của con người. Nỗi niềm “thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” của Thúy Kiều, sự tình “nhìn nàng ông những máu sa ruột rầu” của Vương viên ngoại, “nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang” của gia đình họ Vương, những tâm trạng bi đát này không lọt được vào bàn tính, đĩa cân của lũ con buôn tàn nhẫn. cũng như trước đó ít ngày, “tiếng oan dậy đất”, tiếng “van lạy suốt ngày”, sự “đau đớn rụng rời”của gia đình họ Vương không hề xúc động mảy may bọn sai nha lúc chúng “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” hay “giường cao rút ngược giây oan” để nã tiền khổ chủ. Cũng như sau đó một tháng, Tú bà la thét: “Thôi thôi vốn tiếng đi đời nhà ma”, hung hăng mắng chửi riếc móc Kiều, rồi “chập bì tiên rắp sấn vào ra tay” không còn tính kế gì đến nỗi xót xa, e thẹn, đau buồn của cô thiếu nữ khuê các đã bán mình cho nó. Thật là một xã hội tàn ác, vô nhân đạo, đã bị đồng tiền làm cho mất hết tính người, vì tiền mà coi rẻ giá trị con người!

.


“Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ, Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”- Trích Truyện Kiều.

.

Nguyễn Du đã tố cáo và lên án xã hội độc ác ấy bằng những lời thơ sắc nhọn. Mã GIám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, bọn sai nha, dưới ngòi bút thi sĩ, đã hiện ra thành những bộ mặt đáng phỉ nhổ, những hành vi đáng thống mạ. Nguyễn Du đã khắc sâu vào trán lũ người táng tận lương tâm ấy dấu ấn của sự bỉ ổi muôn đời không gột sạch được. Chúng tiêu biểu cho hạng người chỉ thờ có đồng tiền, chỉ có một lẽ sống là kiếm nhiều tiền, bất kể đến tình cảm, lương tâm, nhân đạo. Hạng người này là sản phẩm của một xã hội mà đồng tiền đã thống trị, hễ có tiền là mua được tất cả: hạnh phúc vật chất, địa vị xã hội, thế lực uy quyền… Đó là một xã hội mà bình dân đã mô tả bằng những câu tục ngữ mai mỉa: “Có tiền mua tiên cũng được”, “Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá người nghe ầm ầm”, “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “Đồng tiền liền khúc ruột”.

Đó là tình trạng thực của xã hội phong kiến thời Nguyễn Du. Từ khi Trịnh Giang còn cầm quyền, vì ngân quỹ thiếu hụt, năm 1731, hắn đã phải đặt lệ “quan văn võ từ lục phẩm trở xuống nộp tiền 500 quan thì được thăng một trật. Chưa có chức tước nộp từ 500 đến 2500 quan thì được bổ các chức tri huyện, tri châu hay tri phủ ở những nơi hoặc nhiều việc hoặc ít việc’. Đến Trịnh Doanh, vì cần nhiều tiền, lại sửa lệ bán chức tước đến ba lần. Hắn còn đặt lệ: thí sinh nộp ba quan thì được miễn hạch gọi là tiền thông kinh. Thi cử thì cứ có nhiều tiền đút lót quan chấm trường là được đỗ. “Theo Lịch triều hiến chương lại chí thì năm 1741, những kẻ nhờ thế và nhờ của mà thi đậu có đến phần nửa(Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam).

Với thứ chính sách đồi bại ấy, sự học, sự thi, sự làm quan phần lớn lọt vào tay kẻ nhiều tiền. Và khi đã có chức tước rồi, bọn quan liêu con buôn ấy phải ra sức tham ô bóc lột nhân dân để thu lại vốn và lấy lời: tham quan lại nhũng đã được đề thành một chế độ bình thường. Do đó, tâm lý kiếm nhiều tiền ở bọn quan lại, lấn đoạt hẳn các thứ nhân nghĩa lễ trí tín đã trở thành vô dụng. Khổng, Mạnh, Trình, Chu đều nép mình dưới chế độ đồng tiền. Có tiền có công danh quyền thế, không cần đến thánh kinh hiền truyện.

Và kiếm tiền thành mục đích duy nhất của sự làm quan. Lúc Nguyễn Danh Phương chiếm giữ miền Tuyên Quang (1744), “Trịnh Doanh phát binh đi đánh thì Danh Phương lại cho xe của cải đến hối lộ tướng sĩ. Phần nhiều bọn tướng sĩ lại dùng kế “nuôi giặc để kiếm lời” cho nên thế nghĩa binh càng ngày càng vững…”. Khi Hoàng Ngũ Phúc vâng lệnh Trịnh Sâm vào Quảng Nam đánh Nguyễn và diệt Tây Sơn (1775), Nguyễn Nhạc lúc đó sức còn yếu dùng kế hoãn binh “sai đem vàng bạc sang dinh Hoàng Ngũ Phúc xin nộp đất ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên và xin làm tiền khu cho quân trịnh để đi đánh họ Nguyễn”. Hoàng Ngũ Phúc bằng lòng ngay thôi không tiến binh nữa, đóng quân lại ít lâu rồi rút về Thuận Hóa. Nguyễn Nhạc nắm được cơ hội tốt để củng cố và phát triển thế lực.


Từ Hải gặp Thúy Kiều
.

Không những hám tiền đến quên hết ngân nghĩa, bọn quyền quý còn luôn luôn dùng tiền để giải quyết mọi khó khăn trong đời sống. Năm 1785, quân Tam phủ nổi loạn ở kinh thành đòi giết chiêm vũ hầu trốn trong phủ Chúa. Trịnh Tông và Thái phi van xin thế nào cũng không được.

“Đêm ấy, chư quân canh phòng cửa phủ rất cẩn. Tông bàn với Thái phi rằng:

  • Coi bộ chúng nó hăng quá như vậy, chắc là không thể giảng giải bằng lời nói suông. Phải mất nhiều của đút cho chúng nó may ra mới xong.

Thái phi đáp:

  • Nghe nói có tên thư lại. Nhưng Thọ vốn là một đứa giảo quyệt, chứ quân mưu bàn việc gì vẫn phải hỏi nó. Sáng mai, Chúa cho người ra dụ nó, rồi sẽ ngỏ ý đút lót bảo nó hễ nhận chủ trương việc này thì sẽ giao một vạn lạng bạc, ba vạn quan tiền nó muốn làm gì thì làm không cần hỏi đến…” (Hoàng Lê nhất thống chí)

Năm 1788, Lê Chiêu Thống, Lê Quýnh cầu viện quân Thanh đánh Tây Sơn, Quân Thanh chiếm đóng Thăng Long. Núp dưới oai quyền Tôn Sĩ Nghi, Lê chiêu Thống trừng trị những người trước kia đã bỏ hắn, gết người này, biếm chức người kia. Đến trường hợp Nguyễn Bá Khoan “vì là võ biền già nua, thật thà không biết gì, được miễn tội. Lê Quýnh nghe nói khi Khoan ở Cao Bằng về có trở hàng xe vàng bạc, tức thì sai người đòi lấy 20 lạng vàng. Quýnh có nói rõ với vua chuyện ấy. Hoàng thượng cười nói: “Sẻ chỗ bù vào chỗ ít, ngươi muốn làm sao thì làm không hề chi” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Thật là cực độ của sự trụy lạc tinh thần! Từ vua, chúa đến các cấp quan viên văn võ lớn nhỏ, kẻ nào cũng chỉ nghĩ đến tiền bạc. Toàn bộ tập đoàn thống trị đã biến thành một con quái vật “hễ thấy hơi đồng là mê”, ngày đêm hút sinh lực của xã hội, không kể gì đến hưng, vong, trị, loạn cả.

Tâm lý “kiếm tiền bất cứ bằng cách gì” của bọn cầm quyền, chế độ “có tiền là có tất cả” đã phát triển ăn nhịp với cuộc chạy đua “làm tiền” trong xã hội thời Nguyễn Du. Sự lừa đảo, lối sống lá mặt lá trái thâm nhập vào các kẽ ngách của sinh hoạt hàng ngày – ngang với hối lộ, cướp đoạt. Trong tập Vũ trung tùy bút, tác giả là Phạm Đình Hổ (1768-1839) có chép rằng:

“Một hôm ở phường Đông Các (phố Hàng Bạc) có một bà lớn đi võng mành mành cánh sáo đến dừng võng trước cửa một nhà hàng bạc, đầy tớ lính hầu rậm rịch, truyền thị tỳ châu võng lại đó cho hỏi mua mấy chục nén bạc; mặc cả giá chưa xong bà lớn ngồi trong võng truyền vú già hãy cầm chục nén bạc đem về dinh trình quan lớn xem qua sẽ định giá. Chủ nhà hàng cũng không ngờ; một lát thì những đứa thị tỳ và lính hầu lẩn dần đi hết; hai tên lính khiêng võng cũng cút mất. Trời đã gần tối, chờ mãi cũng chẳng thấy vú già cầm bạc trở lại. Nhà chủ mới đến trước võng hỏi bà lớn để đòi bạc, mở mành mành ra xem thì té ra là một mụ lão ăn mày mù cả hai mắt, mặc cái áo nhiễu điều ngồi chễm chệ trong võng, bấy giờ mới hoảng lên không biết nói làm sao cả, chỉ bắt được có cái võng lại là võng cũ mà nát hỗ giá không đáng mười quan tiền; cho đi tìm khắp mọi nơi không còn thấy tăm hơi đâu cả”

(Đông Châu dịch, Nam Phong tạp chí, tập XXI, số 124)

Đồng tiền quả đã phá hoại nhân tâm, phá hoại đạo lý phong kiến. Bao nhiêu hành động phi nhân loại: giết choc, cướp bóc, lừa đảo, tra tấn, đánh đập, vu cáo… bọn tham tiền không từ một thứ nào, miễn là có lợi cho bản thân. Tác dụng của đồng tiền, ngay ở mặt xấu của nó, cũng là một nhân tố phá hủy luân lý phong kiến và làm đọa lạc giai cấp thống trị.

Óc con buôn, óc cầu hơi ích kỷ do sự hám tiền đẻ ra đã cắt đứt dây liên lạc tinh thần giữa các bộ phận của guồng máy chính quyền, giữa các thành phần của toàn thể trật tự xã hội. Vua, chúa, quan, dân, cha, con, thầy, trò, vợ, chồng… trong lúc phong kiến thịnh trị, được thắt buộc vào nhau bằng đạo lý phong kiến, bằng pháp luật phong kiến (mặc dầu vẫn mâu thuẫn nhau) nay bị đồng tiền và óc cầu lợi ích kỷ phân lìa nhau ra. Nghĩa quân thần, sư đệ, phụ tử, phu phụ, quan dân mất hết giá trị thực tế trong đời sống.

Tên Trang, học trò của Trần Quán, lúc bắt Trịnh Khải nộp Tây Sơn bị thầy khiển trách là trái đạo, đã trả lời gọn ghẽ: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa không bằng quý thân”. Trần Công Sán vâng lệnh vua Lê đem thư vào cho Nguyễn Huệ đòi lại đất Nghệ An, bị giam tại ngục. Trung Thư Trần Văn Kỷ vào dụ hàng nói rằng: “Quân tử có khi không cần theo mệnh. Chế được mệnh chỉ cốt ở mình. Ví như đánh bạc, đồng tiền một sấp một ngửa. Ta theo kẻ được mà đánh, thiên hạ sẽ khen ta giỏi đánh bạc”. Sán đáp: “Đó là phường cờ bạc, không phải đạo người quân tử…“. Kỷ ra bảo Ngô Văn Sở: “Nhà Hán có Tô Tử Khanh, nhà Lê có Trần Công Sán; đáng thương nhưng cũng đáng ghét” (Hoàng Lê nhất thống chí). Cá nhân chỉ còn nghĩ đến mình, tính toán lợi cho riêng mình.

.


Thúy Kiều hầu rượu cho Thúc Sinh và Hoạn Thư. (Tranh của nữ họa sĩ Ngọc Mai)

.

Triết lý sống vì tiền, tâm lý tính toán cầu lợi, luân lý cá nhân chủ nghĩa là triết lý, tâm lý và luân lý của thị dân, chủ yếu là thương nhân. Từ khi kinh tế hàng hóa và yếu tố thị dân gặp được điều kiện thuận lợi để phát triển (thế kỷ XVII, XVIII), tầng lớp thương nhân tăng cường số lượng và mật độ ở các nơi tập trung buôn bán (Thăng Long, Phố Hiến, Hội An, Đông Phố, v.v.) Lề lối làm ăn và sinh hoạt của thương nhân – căn bản là cạnh tranh để kiếm tiền và dùng tiền để hưởng lạc cá nhân – đã ảnh hưởng lan tràn đến toàn bộ đời sống xã hội phong kiến. Nhân sinh quan thị dân, phần nào, đã lấn đất nhân sinh quan phong kiến thống trị. Nó phá phách chế độ phong kiến ở mọi mặt.

*

* *

Nhưng Nguyễn Du căm thù đồng tiền không phải vì nó phá chế độ phong kiến mà chính là vì nó đầy đọa, sỉ nhục con người. Sự tham nhũng của quan lại, sự tàn nhẫn của sai nha, sự độc ác của lũ buôn thịt bán người – vì mục đích kiếm tiền mà có – sở dĩ đáng thóa mạ là bởi những cái đó phá tan hạnh phúc một gia đình lương thiện, làm khổ đôi trẻ đa tình, hành hạ một thiếu nữ tài sắc vô tội. Bởi nhìn và đánh giá triết lý thị dân theo quan điểm nhân đạo chủ nghĩa nên ở những trường hợp mà triết lý ấy giải phóng con người một phần nào thì Nguyễn Du lại tán thành ca tụng nó. Lập trường này hiện ra rõ rệt ở thái độ phản ảnh hiện thực của tác giả Truyện Kiều. Nguyễn Du rất đồng tình với những ý tưởng, tình cảm và hành động của các nhân vật (Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh…) trong chừng mực nào họ chóng lại hoặc vượt qua đầu lễ giáo, luân lý, pháp luật phong kiến, trong chừng mực nào họ quyết chí thực hiện ý nguyện cá nhân chủ nghĩa một cách can đảm. Hơn nữa, khi đồng tiền là một phương tiện để cứu nạn nhân của chế độ bóc lột ra khỏi cảnh trầm luân khổ ải thì Nguyễn Du lại nhìn nó bằng con mắt khác. Lúc Thúc Sinh – một thương nhân – dùng tiền và thế lực đồng tiền để bắt mụ Tú bà phải để Thúy Kiều hoàn lương (sự hoàn lương này hợp với ý nguyện cá nhân của Thúc Sinh, của Kiều) thì Nguyễn Du nhất nhất đều đứng về phía Thúc Sinh, phía Thúy Kiều:

Bắn tin đến mụ Tú bà
Thua cơ mụ cũng cầu hòa, dám sao!

Rõ ràng cũng dẫn tay trao
Hoàn lương một thiếp, thân vào cửa công
Công tư đôi lẽ đều xong
Gót tiên phút đã thoái vòng trần ai,

Để tỏ thêm thái độ thiện cảm của mình đối với hành vi của Thúc Sinh cứu Kiều ra thoát tay Tú bà, khi báo ân báo oán, thi sĩ đã cho Kiều thưởng người ân nhân cũ ở Lâm Chuy:

Nàng rằng: Nghĩa trọng nghìn non
Lâm Chuy người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm thương chẳng vẹn chữ long
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân
Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là…

Có nắm được quan điểm nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du, ta mới cắt nghĩa được hai thái độ khác nhau của thi sĩ đối với ngay một nhân vật như Thúc Sinh.

Đối với Thúc Sinh biết kính trọng tài năng Kiều, Thúc Sinh thương xót Kiểu, muốn cứu Kiều, yêu Kiều, Thúc Sinh chống lại mụ Tú bà, chống lại cha, quyết tâm lấy kỳ được Kiều, thiết tha bảo đảm hạnh phúc cho đời Kiều thì Nguyễn Du đã tỏ ý có thiện cảm rõ rệt. Nhưng đến lúc Thúc Sinh vì sợ Hoạn Thư (đại quý tộc) mà để nó đầy đọa Kiều thì Nguyễn Du lại nhìn chàng lái buôn ấy bằng con mắt khinh bỉ, chê bai, ghét bỏ. Khi Thúc Sinh tưởng Kiều đã chết thiêu thật, trở về quê vợ, chợt gặp Kiều ở đó, mặt mày choáng váng, bị Hoạn Thư hỏi vì lẽ gì mà không vui, đã nói dối là vì vừa đoạn tang mẹ, thi sĩ đã làm nổi bật hẳn lên cái hèn mạt của Thúc Sinh (thương nhân nép mình dưới uy thế phong kiến), đồng thời tố cáo cái đểu cáng của Hoạn Thư (đại quý tộc) khi nó bình luận lời nói dối của chồng và lợi dụng ngay lời nói dối ấy để thi hành độc kế:

Tiểu thư trông mặt hỏi tra:
“Mới về có việc chi mà động dong?”
Sinh rằng: “Hiếu phục vừa xong
Suy lòng trắc Dĩ, đau lòng chung thiên”
Khen rằng: “Hiếu tử đã nên!
Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu
Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi...

.

Lúc Thúc Sinh lẻn ra Quan âm các tìm Kiều, Nguyễn Du đã để cho chàng nói những câu vừa thảm hại vừa đáng ghét, đáng bỉ:

Thấp cơ thua trí đàn bà
Trông vừa đau ruột nói ra ngại lời…
… Liệu mà xa chạy cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi…

.

Mối quan hệ Thúc Sinh – Hoạn Thư, xét về mặt hiện thực, là mối quan hệ giai cấp giữa tầng lớp thương nhân yếu thế và tầng lớp quý tộc thống trị. Thương nhân (Thúc Sinh) cấu kết với quý tộc (Hoạn Thư) vẫn chịu lép vế. Mặc dầu đã cả gan chống lại phong kiến một lúc nào đó (Thúc Sinh chống lại cha đòi lấy Kiều), rút cục, thương nhân vẫn bị quý tộc kiềm chế, ức hiếp. Hoạn Thư trừng trị Thúc Sinh một cách thâm độc như vậy là bởi nó cho rằng Thúc Sinh lấy Kiều (một người ở tầng lớp nghèo thành thị) là làm hạ giá thanh danh quý tộc của gia đình nó. Mặt khác, làm cho Kiều nhục nhã và tìm kế cho Kiều phân lìa hẳn với Thúc Sinh, nó muốn hành phạt và xua đuổi một người ở tầng lớp nghèo dám len vào hàng ngũ quý tộc bằng tài năng. Cái ghen của Hoạn Thư, xét đến thực chất, chỉ là một hành động tự vệ và trả thù giai cấp.

Ở trường hợp này, Nguyễn Du đã đứng hẳn về phía Kiều (tầng lớp nghèo), tố cáo tâm địa độc ác của Hoạn Thư (quý tộc) và lên án thái độ hèn nhát của Thúc Sinh (thương nhân). Thủy chung, lập trường Nguyễn Du vẫn là lập trường nhân đạo chủ nghĩa của một người chan chứa thiện cảm với những nạn nhân của chế độ bóc lột và áp bức. Luân lý thị dân mà thi sĩ tán đồng ở điểm nó chống phong kiến khi nó thỏa hiệp với phong kiến để bóc lột, áp bức con người thì lập tức Nguyễn Du coi nó là thù nghịch. Đó cũng là lập trường và quan điểm của dân lớp nghèo nói chung và của nông dân nói riêng trong chế độ phong kiến. Dân nghèo bị giai cấp quý tộc bóc lột đè nén vẫn có thiện cảm với tầng lớp thương nhân vì tầng lớp này dù sao cũng tạo điều kiện tốt cho sự chống phong kiến. Họ vẫn liên minh với thương nhân khi thương nhân thực tế chiến đấu chống phong kiến; nhưng họ vẫn đối lập với thương nhân ở những trường hợp thương nhân đi với phong kiến bóc lột và đè nèn họ.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đồng tiền dễ chà đạp lên phẩm giá, đạo đức

    15/09/2019Nhật Minh (thực hiện)Dường như xã hội càng phát triển thì văn hoá, đạo đức càng xuống cấp. Nghịch lý đó khiến nhiều người bi quan...
  • Đồng tiền hai mặt

    08/07/2019Nguyễn Khắc PhêThực ra thì ở đời, hầu như mọi sự đều có hai mặt với cả nghĩa đen và nghĩ bóng. Như đồng tiền luôn có hai mặt khác nhau về họa tiết và chúng ta vẫn thường bảo đồng tiền này “trong sạch” còn đồng tiền kia là “nhơ bẩn”. Khi xã hội đang có một số mặt sa sút, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “mặt trái” của đồng tiền xuất hiện ở mọi nơi cũng là điều dễ hiểu...
  • Người nhận sai khi nhận định về Nguyễn Du

    07/01/2019Mi LyNhững năm 1940, nhà văn Trương Tửu - một trong những tác giả viết nhiều nhất về Truyện Kiều ở Việt Nam, nhận định “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh”. Hơn 10 năm sau, ông viết sách thừa nhận: “Tôi đã sai lầm!”.
  • Nguyễn Du và Truyện Kiều dưới cái nhìn của Trương Tửu

    03/01/2019Đỗ Lai ThúyVới khái niệm - chìa khóa cá tính Nguyễn Du, một mặt, nhà phê bình Trương Tửu đã lý giải được những động lực sáng tác, một thứ tâm lý học sáng tạo ở nhà thơ, mặt khác, phát hiện soi sáng một cách khoa học, khách quan những đặc sắc nghệ thuật ở Truyện Kiều...
  • Truyện Kiều của Nguyễn Du - Giá trị vượt không gian và thời gian

    02/12/2018TTXVNViệc hai chính khách hàng đầu Mỹ vận dụng những áng thơ Kiều trong các sự kiện quan trọng để nói về quá trình bình thường quan hệ giữa hai quốc gia cho thấy giá trị bất hủ, cũng như tầm ảnh hưởng của ''Truyện Kiều'' như một phương cách giao tiếp văn hóa hoặc ngoại giao văn hóa...
  • Các vụ án trong xã hội Truyện Kiều

    17/11/2018Phan Thị Thanh ThủyTrong xã hội phong kiến Truyện Kiều, có hai vụ án xưa nay đã được bàn cãi rất nhiều, đó là vụ oan gia nhà họ Vương và vụ Thúc ông kiện Thúy Kiều. Khi bàn về chúng, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đổ lỗi cho quan tham, và kết luận xã hội đã để xảy ra những vụ án như thế là một xã hội thiếu đức trị...
  • Tìm hiểu tư tưởng Nguyễn Du qua đoạn kết Truyện Kiều

    26/09/2017Nguyễn Sĩ ĐạiNếu có ai hỏi, người Việt Nam thuộc câu Kiều nào nhất, tôi dám chắc đó là câu “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”...
  • Ăn ở với đồng tiền

    18/06/2017TS. Phạm Duy NghĩaChuyện tiền nong thường khó nói. Khi ta nghèo, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, thoảng qua nhanh đâu còn thời giờ để nghĩ ngợi làm gì. Khi ta có chút của ăn của để, tiền ở lại với ta lâu hơn, ấy là lúc ta tập nghĩ tới cách ứng xử với đồng tiền. Từ một xứ nghèo, vươn lên kiếm lấy đồng tiền là nhu cầu rất tự nhiên và chính đáng, song cách ứng xử tiêu dùng tiền ấy có thể cũng là chuyện nên bàn...
  • Phan Khôi và những cuộc tranh luận về Truyện Kiều những năm 1920 - 1930

    05/08/2015Lại Nguyên ÂnNhững năm 1920-1930, trên báo chí ở ba miền Việt Nam đã nổ ra khá nhiều cuộc tranh luận xung quanh “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Một số công trình nghiên cứu và tư liệu nhiều năm qua đã đề cập đến những tranh luận ấy. ..
  • Suy nghĩ lớn và gương mặt của đồng tiền

    18/02/2014Hoàng Độ (thực hiện)Suy nghĩ là tự định hướng cho số phận ở nhiều cấp độ: nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, bản thân. Suy nghĩ, hành động và kết quả thường là một thể thống nhất: gieo như thế nào, gặt như thế ấy...
  • Trò chuyện với đồng tiền

    12/09/2013Xuân Sách“Tiền tài như phấn thổ. Đạo nghĩ trọng thiên kim”. Hãy coi đồng tiền như bụi như đất. Còn đạo nghĩa đáng trọng như ngàn vàng. Chị thấy không để đánh giá sức nặng của đạo nghĩa vẫn phải đem so sánh với nghìn vàng, với đồng tiền...
  • Ngợi ca... đồng tiền

    04/08/2012Bùi Quang MinhNgợi ca! Không thể như thế được. Loài người chỉ ngợi ca những giá trị mang tính nhân văn, nhân tính, thiên về tinh thần bởi có ích lâu dài cho con người, cho xã hội và nhân loại như tình yêu, sự dũng cảm, yêu lao động, sáng tạo... Đồng tiền con người nghĩ ra trung tính. Nó phải kết hợp với các giá trị khác để đem lại lợi ích hay tác hại, từ đó mới đánh giá được là tốt hay xấu...
  • Trở lại câu chuyện So sánh Kim Vân Kiều với Truyện Kiều

    05/12/2005GS. Nguyễn Huệ Chi... muốn so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều một cách khoa học nhất thiết phải có những thao tác nghiêm chỉnh và tỷ mỉ nhằm đối chiếu chỗ dị đồng giữa hai bên thật rành mạch chứ không thể tùy tiện....
  • xem toàn bộ