Suy nghĩ lớn và gương mặt của đồng tiền

02:26 CH @ Thứ Ba - 18 Tháng Hai, 2014

Tạ Thị Ngọc Thảo - Tổng giám đốc Công ty T.T.N.T. không chỉ là tên của một nữ doanh nhân thành đạt mà còn là một “thương hiệu” trong thị trường bất động sản, đại biểu chính thức đại diện cho doanh nhân Việt Nam tại Hội nghị APEC 14. Là người nổi tiếng “nói năng trực tính và gay gắt”, nhưng lại là người có nhiều ý tưởng và giải pháp nhân văn trong kinh doanh.

Cuối năm, chị đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện, về suy nghĩ lớn, tự ngã của đồng tiền và đời sống tâm linh.

* Thưa chị, chị từng nói “nghĩ lớn mới có kết quả lớn”, chị có thể nói rõ hơn về ý nghĩ này?

- Bà Tạ Thị Ngọc Thảo: Suy nghĩ của con người (nói chung) giống như gió trên cao, không ai có thể buộc gió thổi hướng này hay hướng khác. Nhưng suy nghĩ của từng con người cụ thể lại lớn, bé khác nhau: có người “tương lai đã ở phía sau” vì tự trói buộc bởi “quán tính lịch sử”; có người “tương lai luôn ở phía trước” vì biết gắn liền bản thân với lợi ích dân tộc và cộng đồng, quên đi cái tôi của mình.

Theo tôi, “nghĩ lớn” và “nghĩ bé” không lệ thuộc vào tuổi tác, giai tầng, vị trí xã hội. Những giá trị này đôi khi vì tầm suy nghĩ lớn hay bé mà bị đảo ngược: già thành trẻ, thấp thành cao, nhỏ thành lớn,…

Nghĩ lớn sẽ cho kết quả lớn, nghĩ nhỏ sẽ cho kết quả nhỏ. Nếu Thái tử Tất Đạt Ta không trăn trở với suy nghĩ: “Làm sao để chúng sinh bớt khổ?” thì sẽ không có triết lý Phật Giáo có tầm ảnh hưởng toàn cầu như hiện nay; còn loài người sẽ lãng quên Tất Đạt Ta như đã từng quên bao Thái tử khác. Nếu các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc của chúng ta không tự dày vò: “Dân tộc Việt Nam phải thoát khỏi cảnh ngoại xâm, nô lệ!” thì có thể không có một Việt Nam độc lập, tự chủ như ngày nay và tên tuổi của các danh nhân nước Việt sẽ không được thế giới biết đến.

Suy nghĩ là tự định hướng cho số phận ở nhiều cấp độ: nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, bản thân. Suy nghĩ, hành động và kết quả thường là một thể thống nhất: gieo như thế nào, gặt như thế ấy.

* Người ta thường nói: phụ nữ nên lo việc nhà, lo chuyện bếp núc, nhà cửa, con cái, nói chung là “nội trợ”, chị suy nghĩ như thế nào về điều đó? Người phụ nữ có thể... có “suy nghĩ lớn” hay không?

- Phụ nữ là những ai? Là những con người có thiên chức làm mẹ (đùm bọc đồng loại) chiếm số đông dân số thế giới, có sức khỏe tốt hơn và tuổi thọ cao hơn giới khác… Hơn nữa, trái đất này đã từng một thời có chế độ mẫu hệ. Phụ nữ rất xứng đáng được cộng đồng tôn trọng, ít ra là bằng với những gì họ đã đóng góp cho cộng đồng.

Phụ nữ Việt Nam không ít người đã tự hỏi: Việt Nam đang ở đâu và nhắm vị trí nào trong thời toàn cầu hóa? Tại sao trong danh sách những phụ nữ có tầm ảnh hưởng thế giới, chưa có người Việt Nam? Nếu định hướng năm 2020 Việt Nam trở thành “thương trường của thương trường” (kết nối các nền kinh tế trong khu vực) ở cấp châu Á thì cần có những thể chế, nguồn nhân lực và đối nội, đối ngoại như thế nào để đạt được mục tiêu đó? v.v… Nhưng để “nghĩ lớn” trở thành “kết quả lớn” thì ngoài nỗ lực bản thân, phụ nữ rất cần thêm sự hỗ trợ: nhà nước tạo cơ chế, cộng đồng tạo môi trường và cả gia đình hậu thuẫn… Không nên để phụ nữ tự bơi trong dòng nước ngược. Nội trợ? Không phải chỉ là việc riêng của phụ nữ, càng không phải là tất cả của một Con Người (viết hoa).

* Chị có thể nói đến một trường hợp cụ thể nào đó mà chị đã trải qua của việc “nghĩ lớn mới có kết quả lớn”?

- Khi đứng trước một cơ ngơi của Tập đoàn hoặc Công ty lớn nào đó tôi chưa bao giờ nghĩ: “Nếu được làm việc ở đây lương sẽ rất cao”. Kết quả là hiện nay tôi không phải nhận lương của người khác trả cho mình.

* Chị suy nghĩ gì về đồng tiền? Về sự giàu có?

- Đồng tiền? Cuộc đời tôi đã trải qua 3 giai đoạn:

(1) Tôi và đồng tiền quyện lẫn vào nhau, đôi khi nó làm chủ tôi, đôi lúc tôi làm chủ nó;

(2) Tôi tách ra khỏi đồng tiền để nhìn rõ mình và nhìn rõ đồng tiền của mình;

và (3) Tôi hoàn toàn làm chủ đồng tiền và điều khiển nó theo ý mình.

Giàu có? Tôi cũng đã trải qua 3 giai đoạn: Khởi nghiệp, tôi dành toàn bộ thời gian, tâm tư, tình cảm để làm sao cho bản thân thoát nghèo nhanh nhất. Sau đó, tôi muốn những người chung quanh mình cùng thoát nghèo. Và bây giờ tôi đang muốn cả dân tộc mình thoát nghèo! (tôi ngần ngại nói thêm điều mình đã từng nghĩ: “Làm sao để tất cả con người trên trái đất này giàu có, hạnh phúc”). Để thực hiện được điều “muốn” của mình, tôi kiên trì, nhẫn nại như con kiến tha mồi. Nhưng hạnh phúc lớn của tôi là: không tha mồi một mình. Trong xã hội của chúng ta hiện nay có rất nhiều “kiến”, chúng tôi cùng tha mồi với hy vọng và niềm tin là “tổ” sẽ mau đầy.

* Giả sử có một người trẻ nuôi khát vọng kiếm thật nhiều tiền, đến hỏi chị, chị sẽ nói với người bạn trẻ đó điều gì?

- Tôi sẽ nói với bạn trẻ đó, rằng: suy cho cùng, xã hội có hai loại người: cho và nhận. Nếu không muốn là người nhận thì người trẻ trước hết phải lo được cho bản thân và sau đó phải có cái để cho. Và tiền là một trong những thứ mà nhiều người muốn được nhận nhất, vì thế người cho phải có thật nhiều tiền. Tuy vậy, tôi sẽ lưu ý người trẻ: đồng tiền không có gương mặt riêng, nó mang đúng gương mặt của người nắm giữ nó thể hiện qua cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền. Và, tôi sẽ thật có lỗi nếu không nói thêm: tiền nhiều không đủ làm cho cho con người ta vui và hạnh phúc.

* Tạ Thị Ngọc Thảo là một tên tuổi, một “thương hiệu” trong giới doanh nhân tại TP. HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung, đặc biệt là về lĩnh vực bất động sản. Vậy thưa chị, trước khi trở thành người có “thương hiệu”, Tạ Thị Ngọc Thảo là ai?

- “Thương hiệu” cá nhân thường là do thương trường trao tặng dựa trên quá trình hoạt động của từng doanh nhân. Thương trường trao tặng nên thương trường cũng sẽ lấy đi. Vì vậy để có thương hiệu đã khó, nuôi dưỡng và tạo ra giá trị mới cho thương hiệu còn khó hơn nhiều. Giá trị của thương hiệu ở chỗ luôn hướng thiện (không gian lận thương mại, tồn tại nhờ vào luôn tư duy trên lợi ích người khác…). Cái nghiệt ngã của thương hiệu là: đôi khi mình phải tự thắp nhang thờ mình!

Tôi là ai à? Tôi là một người có khởi điểm bằng không. Và điều tôi muốn chia sẻ là: “Tất cả những gì ngày hôm nay chưa thể thì ngày mai hoàn toàn có thể”.

* Tạ Thị Ngọc Thảo còn là một cây bút thường xuyên xuất hiện trên các báo Sài gòn giải phóng, Doanh nhân Sài gòn cuối tuần, Người lao động, Tuổi trẻ, Tia sáng…. Chị không chỉ chuyên viết đề tài kinh tế, kinh doanh, mà còn viết về những mảng đời đầy nhân ái. Đó có phải là một con người khác của Tạ Thị Ngọc Thảo - một nữ doanh nhân thành đạt?

- Tôi giống như một dòng nước từ cội nguồn nguyên thủy. Nếu ai thấy tôi “đổi màu” thì đó chính là do “môi trường” nơi dòng nước tôi chảy qua và còn do tấm lòng của người đó nhìn tôi nữa. Những bài viết về kinh tế của tôi thường trực diện và khá gay gắt, nhưng liền sau đó là kiến giải với nhà nước về cách tháo gỡ. Qua những bài viết, tôi nhận ra nhà nước rất hiểu tôi và quý tôi. Thật lòng, tôi không thích cách viết, cách đặt vấn đề chỉ thuần về “kêu” mà không “cứu”. Khi viết về đề tài xã hội, tôi quan sát con người và sự việc không chỉ bằng mắt, mà còn bằng trái tim và luôn đặt mình vào bối cảnh và hoàn cảnh của từng số phận để mong thấu cảm một cách trọn vẹn…

PV: Chị nghĩ gì về đời sống tâm linh (đạo Phật, truyền thống dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ông bà...)?

- Trong một thế giới chưa “phẳng” như hiện nay lại có một thế giới tâm linh “phẳng”. Thế giới có nhiều tôn giáo, đạo giáo…nhưng tất cả cùng có một điểm “phẳng” là hướng thiện, hướng về điều cao cả, thiêng liêng. “Phẳng” còn vì đời sống tâm linh của con người không mấp mô bởi địa lý, địa kinh tế, địa chính trị…

Đạo Phật ở trong tôi tự nhiên đến mức độ có như không, không như có; thẩm thấu giống như khí trời vậy. Chính nhờ đạo Phật nuôi dưỡng tâm hồn nên tôi, không vui quá khi được, không buồn quá khi mất. Điều đó rất quan trọng với người làm kinh doanh, giúp họ làm chủ bản thân, tỉnh táo trước đồng tiền và ắp đầy lòng trắc ẩn. Cộng sự, đồng nghiệp và bạn bè của tôi cũng vậy, nhiều người nhìn đồng tiền rất thanh thản nhờ vào triết lý Nhà Phật!

* Cảm ơn chị. Chúc chị luôn tự tại, giữ được nét mặt thanh thản và cái nhìn thẳng, sáng giữa cuộc đời này.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa của tiền bạc

    20/09/2016Minh Huệ & AlphabooksTrong tiểu thuyết Atlas Shrugged xuất bản năm 1957 với đề tài là "vai trò của trí tuệ trong sự tồn tại của con người", Ayn Rand đã đưa ra những khái niệm mới mẻ về giá trị của tiền bạc. Rằng ham mê tiền bạc không phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi. "Sự ham mê tiền bạc tức là nhận thức được rằng tiền được làm ra nhờ năng lực của con người và là phương tiện để đổi lấy những gì xứng đáng nhất"...
  • Lạc sở hữu

    05/08/2015Tạ Thị Ngọc ThảoKhi doanh gia đọc sách Phật là cốt tìm một chút lắng đọng trong tâm hồn. Nhưng không ngờ từ những giờ phút bình yên nay lai nhận biết thêm nhiều điều mới mẻ sâu sắc... Quả, triết lý nhà Phật có sức hấp dẫn dù lòng người, kể cả những người quanh năm bận rộn mua và bán...
  • Đạo đức mở đầu

    08/03/2013Cao Huy ThuầnTôi rất hân hạnh viết lời mở đầu cho quyển sách này của Tạ Thị Ngọc Thảo. Từ mấy năm nay, chị đã tự khẳng định bằng cây bút như một doanh nhân có hai bản lĩnh: bản lĩnh của người làm ra của, bản lĩnh của người tạo ra chữ. Làm ra của, chắc không phải chỉ một mình chị. Tạo ra chữ, ấy mới hiếm...
  • Doanh nhân Việt Nam

    23/10/2009Lớp lớp doanh nhân Việt tiếp nối khát vọng thịnh vượng, mở mang đất nước để sánh vai các dân tộc trên thế giới. Doanh nhân Việt là đội quân chủ lực của công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên bền vững và hội nhập bình đẳng đưa đất nước tiến vào văn minh. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chúng tôi chọn chủ điểm Doanh Nhân để tôn vinh các doanh nhân cùng những phẩm chất cao quý của những người làm nghề kinh doanh, lãnh đạo & quản lý...
  • Tiền

    01/05/2009Lê BầuNgay từ thời Pháp thuộc, khi tôi còn là một cậu bé mặc áo dài thâm, quần chúc bâu trắng, đi guốc mộc, đội mũ cát trắng, đi học tiểu học, tôi đã được đọc trên báo Truyền bá của Nhà xuất bản Tân Dân một định nghĩa về tiền...
  • Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

    03/04/2008Tiếp tục những trăn trở của một người đi trước dành cho giới trẻ, chị Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với bạn đọc một cách sống và làm việc theo triết lý nhà Phật trong thời đại cạnh tranh ý tưởng...
  • Lạc thụ dụng

    16/03/2008Tạ Thị Ngọc ThảoLạc trong thụ dụng của từng doanh gia, nghiệp chủ không ai giống ai, lúc Khách tưởng doanh gia đang khổ, thì họ lại rất lạc; khi Khách ngỡ doanh gia đang lạc, thì họ lại rất khổ!
  • "Chị là... Tạ Thị Ngọc Thảo"

    16/03/2008Tuần Việt Nam (thực hiện)Không chỉ là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, Tạ Thị Ngọc Thảo còn là một cây bút sắc sảo, một diễn giả ấn tượng. Giọng nói chậm rãi, nhẹ như gió thoảng, dáng điệu khoan thai và gương mặt thảnh thơi như không hề... vướng bận bụi trần, những ý tưởng mạnh mẽ, bất ngờ trong kinh doanh... Rất khó có thể "vẽ" lại chân dung người phụ nữ đặc biệt đến thế chỉ bằng câu chữ...
  • Quan niệm của người VN về kinh doanh

    28/01/2004Người dân bây giờ có suy nghĩ như thế nào về nghề kinh doanh? Về nhà doanh nghiệp? Thành kiến còn hay không ? Nếu còn thì tại sao? Bài viết dưới đây thử trả lời mấy câu hỏi này dựa vào kết quả của một cuộc điều tra xã hội học tại TPHCM vào tháng 5-2003...
  • xem toàn bộ