Đồng tiền hai mặt
Thực ra thì ở đời, hầu như mọi sự đều có hai mặt với cả nghĩa đen và nghĩ bóng. Như đồng tiền luôn có hai mặt khác nhau về họa tiết và chúng ta vẫn thường bảo đồng tiền này “trong sạch” còn đồng tiền kia là “nhơ bẩn”. Khi xã hội đang có một số mặt sa sút, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “mặt trái” của đồng tiền xuất hiện ở mọi nơi cũng là điều dễ hiểu.
Trong tình hình ấy, thật là thú vị khi có một nghệ sĩ trẻ - Nguyễn Phương Hà, sinh viên năm cuối Nhạc viện Hà Nội, đã có ý tưởng tổ chức những đêm diễn guitar miễn phí tại các trường Đại học nhằm quyên góp tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. (“Tiếng đàn hướng về nỗi đau…”, Tiền phong ngày 7/4/2005). Phương Hà, cũng như những giá trị thu hái được qua các đêm diễn “miễn phí” của các anh chị lớn hơn, cao đẹp hơn bất cứ khối lượng tiền nào trên thị trường; nói cách khác, những giá trị ấy không thể mua được bằng tiền. Dễ thấy hơn cả, đó là niềm đam mê cái đẹp của nghệ thuật chân chính, không vụ lợi; sâu xa hơn là cả một cộng đồng trẻ tuổi – những chủ nhân tương lai của đất nước, có dịp được thể hiện một cách sống đẹp, biết chia sẻ nỗi đau với đồng bào mình, biết sống vị tha – vẻ đẹp nhân bản đang dần bị lu mờ, sứt mẻ vì rất nhiều lý do trong xã hội hiện nay.
Ba đêm diễn đầu tiên thu hút 2.700 sinh viên, quyên góp được 10.925.000 đồng (bình quân, mỗi sinh viên góp khoảng 4.000 đồng)! Kể ra, có thể nói gọn là :gần 11 triệu đồng” (hình như chưa bằng tiền cát-sê “sao” nọ “sao” kia đòi trả lại sau một “sô” diễn!) nhưng tôi thấy cần ghi đúng số lẻ, vì toàn bộ số tiền này đều là “tiền lẻ” góp lại từ mấy ngàn sinh viên mà phần lớn hẳn là luôn phải tính toán từng đồng trong mọi khoản chi tiêu, nhiều khi phải nhịn ăn sáng, vì đó là những đồng tiền bố mẹ chắt chiu cực nhọc một nắng hai sương trên những cánh đồng, mảnh vườn ngập nước hay khô hạn, từ mỗi bó rau bán được 200 đồng hoặc có khi phải bán cả trâu bò mới có tiền gửi cho con. Cũng vì thế, những đồng “tiền lẻ” góp lại trong các đêm diễn ấy “nặng” lắm và cũng thật là đẹp đẽ.
Lại nghĩ đến cái “giá” cao chót vót một “sô” diễn của các “sao”. Có thể sẽ có người bảo: “Tiền nào của ấy”. Câu này đúng với nhiều loại hàng hóa, nhưng với nghệ thuật thì không hẳn. Tôi là người “mù nhạc”, có thể “bình giá” không chính xác, nhưng xin cứ thử hỏi các nhà chuyên môn (như G. S nhạc sĩ Trọng Bằng hay nhạc sĩ – đại biểu Quốc hội Đỗ Hồng Quân), giả như đem so sánh buổi trình tấu guitar cổ điển của Nguyễn Phương Hà với một “sô” rú rít của “sao” nào đó kể cả thứ “bán kèm” khoe vú lắc mông!) thì chưa hẳn bên nào có giá trị nghệ thuật cao hơn, truyền được mỹ cảm đến công chúng tốt đẹp hơn, nếu không muốn nói đó là hai đẳng cấp không thể so sánh với nhau. Vậy mà… Một sự bất công trong hưởng thụ đã đành, nhưng đau lòng hơn là chuẩn mực giá trị đã méo mó, lệch lạc. Vì thế, con số 2.700 sinh viên đến với 3 đêm diễn thật là một tín hiệu vui.
Lại nghĩ đến các “sao” nào đó đêm đêm ẵm cả chục triệu nhưng cứ muốn quên nghĩa vụ đóng thuế thu nhập mà… buồn! Mặt các “sao” đều được tô trát đẹp đẽ, không biết “mặt” những đồng tiền ấy đáng xếp vào loại nào? Hy vọng đó chỉ là “tin vịt” hoặc do các nghệ sĩ hay… đãng trí mà thôi!