Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Chăm hôm nay

10:44 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Sáu, 2011

1. Sự cần thiết của triết học

Chuyện 1. Năm 1977, ông thầy cũ ghé nhà tôi tại Caklaing thấy tôi đang ôm cuốn L’Être et le Temps của M. Heidegger, chợt nhăn nhó:

- Trời đất! Thiên hạ đang chết đói mà mầy lại đi đọc triết! Mầy sống bằng không khí à? Thế là ông thầy lên lớp tôi một hơi về phải học biết thế nào là thực tế, thực tiễn. Tôi im lặng chịu đựng, không một lời cãi lại. Đợi cho ông qua cơn thuyết giáo, tôi mới thủng thẳng hỏi:

- Thầy có biết mình đang sống dưới chế độ nào không?

- Chủ nghĩa xã hội, đương nhiên.

- Thế chế độ này do ai lập nên? Không phải Hồ Chí Minh sao?

- Thì đúng rồi!

- Mà Hồ Chí Minh là ai? Ông có phải học trò của Lenin, và học thuyết Lenin chẳng phải xây dựng trên nền tảng triết học của Marx? Mà là ai chứ? Ông ta hẳn nhiên là đại triết gia rồi…

Ông thầy nín thinh, tôi tiếp: Con người là cây sậy suy tư… Chỉ cần một làn gió cũng đủ giết chết con người. Nhưng làn gió kia khi giết chết con người, nó không hiểu, còn con người thì hiểu. Ông Pascal, chắc thầy chưa quên. Đây là chế độ đang tác động đến chính cuộc sống của em và mọi người xung quanh em, em là con người, em cần hiểu nó. Hiểu đến nơi đến chốn. Vậy thôi.

Chuyện 2. Năm 1991, một trí thức Chăm từ ngoại quốc về, bên cạnh số người chạy theo cũng có không ít vị chống. Chống và nói xấu ông ta sau lưng. Sự việc vừa xót xa vừa buồn cười. Tôi thử im lặng quan sát. Sau một thời gian ngắn, không ít kẻ chạy theo ông quay lại nói xấu ông. Tôi nói với một bạn trẻ: Cả chạy theo hay nói xấu đều xuất phát từ thiếu hiểu biết. Trong khi trí thức là kẻ hiểu biết, kẻ biết để cho tâm TRÍ mình luôn ở tình trạng THỨC.

Đâu riêng Chăm, quần chúng nhân loại nói chung thiếu chất trí thức. Thiếu, nên dễ bị tuyên truyền làm lung lạc. Các nhà chính trị hoạt đầu thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công chúng. Vô hình trung, chúng ta trở thành con rối lúc nào không hay.

Hai năm qua vài “trí thức” trong cộng đồng hay nhân danh dân tộc để kết án chú này phản bội truyền thống, bác kia bôi nhọ dân tộc. Họ nói mãi, thế nào cũng có kẻ tin. Gặp trường hợp như thế, đòi hỏi trước hết là, bạn phải biết đặt câu hỏi với người phê phán: Anh/ chị là ai? Ai cấp giấy phép cho anh/ chị có quyền “nhân danh” dân tộc? Nguyên động lực nào anh/ chị phát biểu câu đó? Anh/ chị có quan hệ “nợ nần” gì với đối tượng bị phê phán không? Và phê phán với dụng ý hay thâm ý gì?

Đó là tinh thần hoài nghi mang tính triết lí.

Hỏi như thế, là bạn đã đặt bản thân kẻ phê phán và vấn đề bị phê phán vào tư thế phải được xét lại; qua đó bạn khiến đối tượng mất tự tin và lúng túng. Bước tiếp theo là, bạn bình tâm tìm hiểu phía bên kia: Đối tượng bị phê phán đó có thật sự hành xử như thế không? Đâu là tang chứng vật chứng? Nếu có, sự thể có đáng bị lên án nặng nề như vậy không? Khi nghe sự phê phán đó, họ đã phản ứng hay tự biện minh thế nào? Bạn hãy lắng nghe họ giải minh.

Vậy là bạn không bị nhồi sọ một chiều mà nhận được thông tin từ cả hai phía. Dĩ nhiên, nếu sự thể động cập đến chuyên môn, bạn cũng cần sự hỗ trợ của các chuyên gia uy tín. Uy tín và đạo đức. Bạn tham khảo thông tin từ nhiều phía khác nữa. Sau cùng, qua tổng hợp và phân tích, bạn có thể đưa ra ý kiến của riêng bạn.

Đó chính là tinh thần tư duy độc lập. Bạn không phải nghe theo, tin theo, nói hùa theo bất kì ai cả! Bạn đủ khôn lớn để phán xét mọi việc.

Làm như thế, chẳng những bạn minh oan được cho đối tượng bị phê phán thôi mà còn giúp chính mình nữa. Bởi vì nếu không tự tạo cho mình tinh thần phản biện, thiệt thòi về phần bạn là chính. Bạn mất cơ hội để nhận biết sự thật, từ đó bạn luôn chịu thao túng của tuyên truyền một chiều. Của báo chí hay của dư luận. Bạn giống thứ thân cây mềm yếu nghiêng ngả theo chiều gió, thành nô lệ của tuyên truyền và không tránh khỏi bị lợi dụng. Không phải lợi dụng tiền bạc bạn mà lợi dụng tâm hồn bạn, lợi dụng sự ngây thơ của tâm trí bạn.

Chỉ khi nào bạn biết độc lập tư duy, bạn mới trở thành người lớn, trở thành chính bạn.

Sự thể này nói lên thái độ công bằng đối với mọi thành phần trong xã hội, tránh cho cá nhân bị nhìn một cách bất công. Sự bất công này dễ đẩy đối tượng đến tình trạng tuyệt vọng hay có phản ứng ngược lại, tác hại đến xã hội không ít. Nếu vài người học biết ứng xử như thế, mọi hiểu lầm to lớn đến đâu cũng được vượt qua dễ dàng.

2. Tư thế độc lập

Không thấy mà tin, là sức mạnh của mọi tôn giáo độc thần; nói mãi vào tai riết rồi sẽ tin, là phương sách của người làm chính trị; thấy rồi mới tin, là điều kiện tiên quyết đặt ra với các nhà khoa học; nhưng triết học thì khác: thấy vẫn không tin. Thấy, biết,… nhưng vẫn cứ đặt câu hỏi về cái thấy, cái biết của mình. Còn ai suy tư điều đã được suy tư? M. Heidegger đã hỏi thế! Một câu hỏi mang tính vận mệnh của tư tưởng.

Nhưng con người, lạ - vẫn cứ tin. Từ mê tín đến bạo động chỉ cách nhau một bước chân. Cho dù không có nửa dấu vết bạo động trong hành vi, suy nghĩ, ta vẫn cứ bạo động, bao động đủ hình thái, cấp độ. Ở đây, thử xét bạo động theo nghĩa áp chế hay triệt tiêu óc phán đoán độc lập.

Thời hiện đại, giữ tư thế độc lập để có thể suy tư và đưa ra nhận định độc lập, là điều cực kì khó. Con người bị tác động bởi đủ chuyện, từ mọi phía đến không thể cựa quậy được, nói chi tự do suy tư hay hành động. Tôn giáo buộc ta đi theo khi ta lỡ sinh ra trong cộng đồng đó và ta đành phải mang vác nó, chịu đựng nó; chế độ chính trị của đất nước nơi ta sống; nền giáo dục và uy tín gia đình ta buộc phải bảo vệ; chủ trương bè phái phe nhóm mà ta đã lỡ rơi vào; cả căn cước của ta nữa. Đó là các gò bó dễ nhận biết. Còn bao nhiêu triền phược khác khó nhận ra hơn: Dư luận cộng đồng, truyền thống văn hóa, "tập khí" từ xã hội và thiên nhiên,… Làm sao cá nhân có thể suy tư độc lập trong môi trường đó, hoàn cảnh đó?

Con người luôn sống trong sợ hãi. Ta sợ suy nghĩ lệch pha bị người đời chê cười, sợ bị cô lập khỏi cộng đồng, tập thể, hoặc thậm chí - sợ bị biến mất!

Làm được như Krishnamurti, từ bỏ vai trò Đấng Cứu thế của Dòng tu Ngôi sao với mấy vạn tín đồ cùng bao nhiêu bất động sản giá trị, là điều thiên nan vạn nan trong xã hội này. Không đề cập chuyện to tát ấy mà chỉ muốn nhấn ở làm thế nào có thể giữ được tinh thần độc lập trong một xã hội nhiều bất trắc, rủi ro? Từ đó có thể học biết suy tư độc lập, trong môi trường bạn đang sống.

Họ hàng bà con, anh chị em hay bằng hữu thường nghe theo nhau; khi ta từ bỏ hay hạn chế tối đa sự nghe theo một chiều ấy, là ta đã học biết suy tư độc lập. Người của phe nhóm ta nói sai, tôn giáo ta phán định trật, ta không còn nhắm mắt tin nghe theo, là ta khởi đầu cho tư duy độc lập. Nhận ra truyền thống văn hóa ta cổ hủ, phản tiến bộ, ta thoát ra khỏi nó để làm cái hay hơn, tốt đẹp hơn, là ta đã biết hành động độc lập. Không sợ dư luận khi dư luận đó vô ý tác hại, xâm phạm đến cá nhân hay cộng đồng, ta bình tâm tìm cách phơi bày nó ra để cho mọi người hiểu, là ta đã có tinh thần suy tư độc lập.

Có ai hôm nay sẵn sàng cho suy tư như thế?

Có ba loại trí thức: Trí thức công chức, không thể không lệ thuộc vào cơ quan chủ quản, vào thủ trưởng, không nhiều thì ít; và nếu trí thức đó có theo đảng hay tôn giáo nào đó, thì sự giải thoát càng khó hơn. Loại thứ hai: Trí thức khoa bảng thì luôn phải khép mình vào nền nếp và khuôn phép để “nêu gương sáng” cho thế hệ trẻ. Như vậy chỉ còn trí thức độc lập mới có điều kiện và khả năng suy nghĩ và hành động mà không ngại phạm quy ước hay điều lệ của tổ chức nào, tập thể nào bất kì. Bạn chỉ nghe theo lương tâm và trí tuệ mình. Bạn hành động không định kiến và vô vị lợi.

Trong xã hội Chăm hôm nay, hỏi ai và bao nhiêu người là trí thức độc lập?

Trí thức độc lập là kẻ biết suy tư độc lập, một suy tư thoát khỏi mọi căm thù cá nhân, mọi vướng mắc quyền lợi phe nhóm, mọi tư tưởng tôn giáo hay ý thức hệ chính trị, mọi cổ hủ của truyền thống hay sai lầm của nền giáo dục ta từng tiếp nhận,… để có thể nhận định trên nền tảng tư duy chín chắn, tâm hồn rộng mở và lương tâm trong sáng. Chỉ khi nào đạt được tầm như thế, chúng ta mới có thể nói đến phản biện xã hội; còn không thì chỉ là những phát biểu hàm hồ, tai hại. Nếu không thể làm trí thức, tốt hơn cả là ta cứ ăn theo đường ngay nói theo lẽ lành - Bbơng twei tapak, hwak twei haniim, là đủ tư cách làm người lương thiện rồi.

3. Tuyên truyền và bạo động

Tuyên truyền áp đặt một chiều tức là đã “bạo động” rồi. Như thể con ngựa bị che kín hai bên để chỉ thấy một lối duy nhất ở phía trước, ta đòi hỏi đối tượng nhìn một chiều duy nhất về vấn đề, sự việc nào đó. “Bạo động” nguy cơ đẩy con người vào cuộc chiến đẫm máu hay chia rẽ nghiêm trọng. Trong khi tinh thần triết học luôn đòi hỏi cái nhìn mở, đa diện và đa chiều.
Con người sinh ra để sống, sống sao cho ra người. Chứ không phải cúi đầu làm theo một điều gì đó, nhân danh một ý thức hệ nào đó, một tín điều hay chủ thuyết nào đó. Con người sinh ra để sống cuộc sống của mình, chứ không phải để nghe theo mệnh lệnh của bất kì đấng nào, lãnh tụ hay nhà cách mạng nào, dù ông/ bà ta có vĩ đại tới đâu đi nữa! Sinh chỉ một lần và sống chỉ một lần đời sống của chính mình.

A. Camus: “Một cuộc đời không là gì cả, một cuộc đời là tất cả”! Đó là biện chứng đẹp về ý nghĩa cuộc đời.

Dăm năm qua, vài nhà văn nghĩ rằng tôi cổ xúy cho trào lưu văn chương hậu hiện đại Việt, tôi nói: không! Sáng tác hậu hiện đại Việt xuất hiện trước khi tôi viết về nó. Đúng hơn, tôi “lập biên bản” khi nó đã có mặt. Như tôi đã ứng xử với các trào lưu, hệ mĩ học khác. Nghĩa là tôi đối xử công bằng với mọi trào lưu văn học. Ngay cả với mỗi trào lưu, tôi cũng đã xử sự rất công bằng với chính nó.

“Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh... Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế”.

“Nhìn nhận nó như là thế”, chứ không phải bằng quan điểm độc đoán của tôi, để buộc người khác nhìn theo cách nhìn của tôi. Đó là cái nhìn công bằng và rộng mở. Độc giả chưa biết gì về tác phẩm, tôi dẫn họ đến với tác phẩm đó trong tâm thế mở, tránh diễn giải mang tính áp đặt, mà chỉ bày nó ra. Từ đó, độc giả thưởng thức nó theo kiểu của mình, mà không bị chi phối bởi các nhận định của tôi.

Trong cuộc sống, với con cái cũng vậy. Nếu có ghét ai (trong đời sống không thể tránh chuyện hỉ nộ ai lạc), bạn không phải lộ ra cho con cái biết. Chúng cứ đến với đối tượng đó, như tờ giấy trắng. Còn nếu bạn áp đặt cái nhìn của bạn lên tâm trí con cái, là bạn đã bạo động rồi. Con bạn sẽ nhìn đối tượng qua con mắt của bạn chứ không phải của chính nó. Làm như thế, xét về tính thực dụng thì có thể gây hại cho bọn trẻ. Vì nếu đó là kẻ xấu, con bạn sẽ bị lợi dụng. Còn đợi nó rút kinh nghiệm thì đầu nó bị sứt mẻ rồi. Thế nhưng, nhìn từ khía cạnh triết học và nhân văn, bọn trẻ sẽ học được rất nhiều điều, qua va chạm và tiếp xúc.
Tôi gọi đó là tinh thần phi tuyên truyền trong đời sống hàng ngày.

Tuyên truyền bất cứ về cái gì là diễn giải và áp đặt để gây nơi đối tượng một niềm tin. Hậu hiện đại chống lại tinh thần đó, và quyết giải tán nó. Đó là tinh thần dân chủ mới.

4. Huyền nghĩa của XẢ

Xả là buông bỏ, một trong những đức hạnh quan yếu của đạo Phật. Xả, tâm thức ta vững như bàn đá. Xả, ta độc lập với vui buồn, sân hận.

Câu chuyện: Rija Nưgar vừa qua, vài bạn văn Chăm đề cập đến tính ích kỉ của Chăm. Không là ích kỉ sao, khi bí quyết xây tháp đã tiệt mất kĩ thuật cao cường? Không là ích kỉ sao, khi lớp học ngày xưa chỉ có mỗi thầy với một hay vài trò, như thể bí truyền? Hay lối viết giấu chữ ppadơp akhar, sách không cho ai mượn, v.v…, không gọi là tâm ích kỉ thì còn kêu là gì? Anh bạn viện dẫn tục ngữ:

Sunuw đơ bauh habei - Gru si brei đa ka abih.
Bùa bé chỉ bằng củ khoai - Thầy muốn cho ai, e là mất hết.

Kiến thức bé xíu thôi, nếu thầy cho hết thì cái bụng trống trơn, còn chi để ra oai thể hiện uy quyền. Một bạn phản đối quyết liệt lối hiểu này. Rằng Chăm rất nghệ sĩ tính, nghĩa là hào hoa, chịu chơi. Anh muốn dịch câu trên theo kiểu khác, qua dị bản khác, mang ý nghĩa khác:

Sunuw đơ bauh habei - Gru si brei đa ka o hacih.
Bùa bé chỉ bằng củ khoai - Thầy muốn cho sợ [ai] chưa sạch.

Nghĩa là, thầy muốn ban phát lắm, nhưng sợ đầu óc trò không mang vác nổi, hay tâm trò chưa tẩy sạch tham sân si, sẽ dùng chính cái bùa này làm điều bậy bạ. Ý này tôi đã một lần đề cập trong một bài viết. Ông Thành Tín được Nưbi Thánh ban cho bài thuốc trừ rắn độc, ông không truyền cho ai, ngay cả với con. Ví ông giấu kín bí quyết để trục lợi thì miễn bàn, đằng này, ông sẵn sàng bỏ buổi cày lặn lội qua chục cây số để chữa trị vô vị lợi cho người bị nạn. Không phải ông không tin người, nhưng biết sao bây giờ? Đã xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng nơi cõi nhân gian này, ai biết được?

Đúng sai không bàn, sự thể ở đây chứng tỏ ông không mang tâm ích kỉ. Người Chăm ít cho sách mượn, có lí do chính đáng của nó: văn hóa Chăm chưa trải qua kĩ thuật in ấn, có được một bản chép tay là chuyện thiên nan vạn nan. Nên, nếu bác thích thì hãy qua nhà tớ mà chép. Không hợp tình sao?

Các vị đạo sư Bà-la-môn như Vivekananda có bao giờ giấu bí quyết đâu! Họ nói tất đấy chớ. Nói và bỏ đi. Buông bỏ, chối bỏ, cắt đứt, thả đi, phóng thích, ra đi, từ bỏ, rời khỏi, triệt tiêu, xua đuổi, dứt bỏ, nhổ bật, bứt rời… là huyền nghĩa của XẢ. Thầy không truyền dạy cho bạn, e là bạn chưa chuẩn bị tâm và trí để đón nhận. Trí chưa thông, bạn bị tẩu hỏa nhập ma như chơi. Tâm chưa sạch, bạn dùng tri thức hay bùa phép lừa người, hại đời. Có thể lắm chứ! Hãy nghĩ đến truyện cổ: Đi tìm học bán vợ, cũng đủ biết Chăm đã quý mến tri thức như thế nào, người học phải trải nghiệm thử thách ra sao.

Xả có nghĩa là buông bỏ những gì mình có, mà không tính toán, không kể số.

Năm 1992, vào Sài Gòn, tôi vô cùng kinh ngạc khi hỏi mượn ở một ông anh thi phẩm cổ Chăm, anh đã nói rất ngây thơ rằng: Sara có gì để trao đổi không? Tôi nói không phải tôi không có nó, chỉ vì vội vào nên quên mang theo. Tôi có cả đống bản chép tay ở phòng trọ, anh cần gì cứ sang lấy. Khi tâm hồn ta giàu sang thực sự, ta mới dám cho, dám buông bỏ. Giàu - ta luôn giữ bàn tay mở. Để cho mọi thứ đi vào và đi ra bàn tay ta. Bàn tay ta luôn mới mẻ, mới mẻ để phong phú hơn. Còn thái độ nắm chặt một dúm, thì một dúm đó cứ còn lại mãi thế, không giàu lên được.

Xả là tự do là sáng tạo. Tự do chắc chắn không đồng hành với vô trách nhiệm. Tự do khỏi Chúa, Phật, khỏi tất cả ý thức hệ tôn giáo và chính trị, khỏi mọi vướng bận truyền thống và định kiến. Càng tự do ta càng trách nhiệm. Khi sai lầm hay phạm tội, ta không còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ tội cho thầy, quy trách nhiệm cho truyền thống giáo dục, ta hết còn bởi-tại-vì Chúa, Phật, Allah hay bất kì đảng phái hoặc cơ chế chính trị nào ta tự nguyện quy thuộc vào.

Buông bỏ để giải thoát khỏi vướng bận cũ, những triền phược nô lệ, để dấn mình vào chân trời mới đầy tự do và sáng tạo. Nghĩa là dám đối mặt với cái không biết, kiếm tìm thách thức mới, qua đó làm phong phú tâm hồn và cuộc sống mình.

Gauguin từ bỏ cuộc sống hạnh phúc gia đình trong yên ngoài ấm, rời bỏ thành phố văn minh để lên tàu thẳng hướng hòn đảo Tahiti còn hoang sơ, quyết mở hướng đi mới cho nền hội họa phương Tây đang bế tắc và tù túng giữa bao nhiêu trào lưu, trường phái.

Sự buông bỏ có thể dẫn đến thất bại, thậm chí tại họa; nhưng chính nó làm nên sự thay đổi. Từ đó, nó thổi luồng gió đại dương vào lục địa đã quá già cỗi.

5. Giải sân hận

Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”. Ông bà Chăm không đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối nói ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi. Nếu nhà bác khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt ppalai tung tian mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bạn còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bạn còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bạn chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bạn chưa mở lòng với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bạn chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.

Đâu là thông điệp của Glơng Anak?

Ariya Glơng Anak, dài chỉ 116 câu ariya lục bát Chăm nhưng đã đựng chứa và cưu mang cả biển khổ cuộc người. Ngay từ lúc chưa cắp sách đến trường, tôi đã thuộc lòng nó. Và mãi hôm nay, khi tâm hồn mình bị xáo động trước thời cuộc và lòng người, tôi luôn tìm đến Ariya Glơng Anak. Cuốn sách cứu chuộc con người là vậy.

Chăm hầu như không biết căm thù. Giận thì có, nhưng thù, hận, căm thù, hận thù – không, có lẽ. Lạ! Trong văn chương Chăm không có dấu vết căm thù. Lẽ ra với người Kinh, họ “cần” căm thù mới có lí chớ, nhưng thực sự – không!

Tiếng Chăm: “căm” là janưk; “thù” là mưbai. Hai từ này hay đi chung với nhau thành cặp đôi mưbai janưk hay janưk mưbai: thù hận, hận thù. Ở cấp độ khác, hanauh là “hờn”; nặng hơn xíu thành ginaung: “giận”.

Ariya Ppo Parơng được viết cách nay gần một thế kỉ rưỡi, chỉ toàn giận là giận. Pháp bắt đi làm việc, bị chửi bới đánh đập, cơ khổ mọi bề, họ chỉ giận. Còn người Việt, đất về phần họ rồi, nhưng sao họ lại bỏ mặc các tháp đền cho hoang phế (nghĩa là không biết thờ cúng – lối nghĩ rất ngây ngô nhà quê!), tác giả Ariya Ppo Parơng cùng lắm chỉ oán trách chứ tuyệt không có câu nào biểu hiện căm thù. Cả Ariya Twơn Phauw cũng vậy, tác phẩm thơ kí sự ghi chép cuộc chiến của Twơn Phauw với quân Minh Mạng, tuyệt không có bóng dáng căm thù.

Nhưng tại sao Ariya Glơng Anak, tác phẩm được cho là nhân bản nhất suốt lịch sử văn học Chăm, chữ janưk, mưbai, janưk mưbai lại có mặt dày đặc? Janưk (hận; xấu ác, không lành) 6 lần xuất hiện ở các câu: 11, 37, 50, 57, 58, 65; mưbai(thù) 2 lần: câu 11 và câu 57. Ngoài ra, mưbai janưk (thù hận) còn quàng vai đi kèm 3 bận: câu 46, 75, 115; hay janưk haniim(thiện ác) đi cặp 2 lần ở câu 51, 115 nữa!

Ariya Glơng Anak xuất hiện đầu thế kỉ XIX, khi Champa đã tan rã. Biến thiên cuộc thế và thay đổi của lòng người gây ra đại khủng hoảng, mang tính quyết định sự tồn vong [không phải đất nước nữa – đã mất rồi, mà] của sinh mệnh dân tộc. Hận thù có mặt khắp xung quanh, trong không gian, do người ngoài mang đến “tặng” ta, nó có mặt giữa anh em bà con bè bạn ta, và ngay nơi thẳm sâu lòng ta nữa. Kẻ thức giả cô đơn và cô độc giữa cuộc thế và lòng người. Ariya Glơng Anak viết để cảnh giác, để cảnh báo. Viết như là trối trăn (thơ Inrasara). Đó là thông điệp cuối cùng của thức giả lớn cuối cùng trong ngày tàn cuộc cuối cùng.

Song hành với mưbai, janưk, janưk mưbai Ariya Glơng Anak không quên haniim (phúc, lành, thiện – 6 lần) hay haniim ayuh (phúc thọ) hay haniim phwơl (thiện lành). Rất nhiều lần lặp lại. Không phải như một đối kháng nhị nguyên mà, như một mở lối thoát, một khai thông hướng đi.

Ariya Glơng Anak đã mở ra cho chúng ta, trước không khí ngột ngạt của lịch sử, một sinh lộ khiêm tốn nhưng thiết thực, hé cho chúng ta thấy, trong đêm tối đen mò của thời cuộc, một tia sáng yếu ớt của niềm hi vọng:

Ngap rideh paga wal raung kabaw
Bilimưk khơng di nau, pajiơng jađun saung hatơm
Ppabơk banưk ppakwơc ribaung bidalam
Gan agha gan rơm, sa prưn sa hatai
Hadơng jan ia xwa laik mưrai
Liwa hamu drak padai, liwa puh pala tangơy
Blauh pala nhjơm paya saung plwai
Yah ơk cang thrwai, bbơng plwai saung dak

Đóng xe, dựng chuồng nuôi trâu
Cho thật béo mập để dùng vào việc chuyên chở
Đắp đập, khai nương cho thật sâu
Băng rừng băng sông, chung lòng chung sức
Đợi khi mùa mưa kịp xuống
Cày ruộng gieo lúa, cày rẫy trồng ngô
Rồi trồng bí đỏ, trồng khổ qua
Ăn qua vụ đông, đợi mùa lúa chín

Chỉ với một đoạn thơ, với cái giản đơn ý thơ, của ngôn từ và lời lẽ nhưng đã ông nói lên được cả một tấm lòng. Đó là tấm lòng bao dung của người cha. Hãy tưởng tượng, khi tất cả đã bị đảo lộn, khi thân cây đạo đức đã trụi lá, khi tâm thiện chí mất đất đứng, khi bóng tối lan tràn và tất cả đã tuyệt vọng, một giọng nói chân thành và đầm ấm vang lên – khiêm cung nhưng dứt khoát, một bàn tay cứng cáp và nồng ấm đưa ra trong cơn hoảng loạn chung!

Đây không đơn thuần là những lời khuyên đạo đức của một nhà luân lí trong một xã hội đã rã mục. Đây là một lối nhìn, một quan niệm sống, một chiến lược hành động của nhà đại trí thức ưu thời mẫn thế, một con người còn bình tâm đi tìm con đường sáng khả dĩ đưa dân tộc thoát khỏi vũng lầy lịch sử. Con đường trở về bản thể mình.

6. Giải thoát khỏi tên tuổi

Tôi biết gì? – Câu trả lời sâu thẳm nhất: Tôi không biết gì cả!

Của đáng tội là tôi có xu hướng bám lấy mấy thứ danh vị vụn vặt đó: nhà văn, tiến sĩ, nhà nghiên cứu; tôi bám lấy mấy thứ ghế: hiệu trưởng, chủ tịch, phó giám đốc,… Cho nên, khi dự hội nghị hay cuộc họp lớn nhỏ nào đó, nếu có ai kính thưa tiến sĩ, phó chủ nhiệm, vân vân… thì ta khoái ra mặt. Còn không thì ta giận, ta để bụng. Tôi còn bám vào mớ công trình, mấy tập thơ, vài cuốn tiểu thuyết cùng bao nhiêu thứ nữa. Ví dù có ai đó phê bình tác phẩm tôi là tôi mất ăn, thiếu ngủ ngay. Tôi tìm cách trả thù cho hả dạ mới thôi. Một tổ chức rất vu vơ với lèo tèo vài ba người, nhưng tôi cứ khoái cái nỗi chủ tịch với hội trưởng này nọ. Tôi bám, triển khai và bảo vệ cái ghế vu vơ ấy. Rồi khuếch trương chúng ra và bảo vệ chúng quyết liệt hơn nữa. Tôi cần bám cứng vào chúng để tôi được là cái gì đó. Bởi thực sự tôi không biết gì cả, không là gì cả, nếu không có chúng, nếu tôi bị lấy mất mấy thứ ghế, bằng cấp, chức danh lỉnh kỉnh kia đi.

Bạo động và chiến tranh xuất phát từ sự BÁM đó.

Chính sự bám này, chính tinh thần đồng hóa đã gây cho xã hội Chăm mấy năm qua bao phiền phức. Đồng hóa, ta gắn thân ta với cơ quan (cơ quan to chừng nào tốt chừng nấy, ví dụ làm ở Bộ này hay Đại học nọ), gắn tên ta với học vị học hàm hay danh vị vớ vẩn nào đó. Trong khi truyền thống Chăm rất sang cả. Có ai thấy tác giả Chăm nào ghi tên mình lên tác phẩm không? Tháp Ppo Klaung Girai, Tháp Dương Long, Tháp Cánh Tiên,… vô danh đã đành, ngay Glơng Anak, Pauh Catwai hay Ariya Cam - Bini,… cũng vô danh nốt!

Nguyễn Công Trứ: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Khổ vậy đó! Công (sự nghiệp) và danh (tên tuổi) có cái nỗi chi mà to thế chứ. Mèng ôi, chính tâm thế này kéo anh em bà con vào cuộc cãi vã vô lối, hay rộng ra: Khiến loài người lôi nhau vào mấy trận chiến tàn khốc. Hoelderlin thì khác:

Đầy tràn trong công danh sự nghiệp
Nhưng con người sống một cách thơ mộng trên mặt đất này.
Full of merit / yet poetically, man dwells on this earth.

Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả: tên tuổi của tôi, các công trình của tôi, để được sống thơ mộng trên mặt đất này. Sống, mà lòng nhẹ như mây trời… Bởi sống là gì, nếu không phải để ngợi ca và cảm tạ? Ngợi ca một nghĩa cử đẹp, một tác phẩm hay, một tấm lòng cao thượng. Cảm tạ một buổi sớm mai hồng, một câu nói ấm lòng hay nửa nụ cười huyền ẩn và linh diệu đột ngột xuất hiện giữa đêm tối cuộc thế và cõi người.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Triết học và năng lực tư duy của con người trong kỷ nguyên toàn cầu

    06/11/2019PGS.TSKH Lương Đình HảiĐã có nhiều quan niệm khác nhau về triết học và do vậy, cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về vai trò của triết học. Có thể xem xét vai trò của triết học từ nhiều phương diện khác nhau, bởi trong thực tế, triết học có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và con người. Một trong những tác động lớn của triết học đến con người và xã hội là tác động lên năng lực tư duy của con người.
  • Quan niệm về nhận thức trong triết học phật giáo Việt Nam

    09/08/2019TS Triết học Nguyễn Đức DiệnQuá trình hình thành quan niệm lý luận về nhận thức luận trong các học thuyết triết học thường diễn ra thông qua mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Trong triết học Phật giáo, giữa bản thể và nhận thức có quan hệ không tách rời. Biểu hiện của quan hệ ấy ở chỗ tính “không” của bản thể, cũng như tính vô thường, nhân quả của thế giới hiện tượng chỉ được nhận thức thông qua mối quan hệ với “tâm”.
  • Bước ngoặt tinh thần trong triết học

    22/10/2018GS.Đỗ Duy MinhThời kỳ Khai sáng có thể được nhìn nhận như là một cuộc cách mạng văn hoá, một lý tưởng về cộng đồng nhân loại chưa được nhận thức một cách đầy đủ, hay một đặc trưng trí lực kiểu hiện đại lan toả toàn thế giới. Trọng tâm của bài viết này nói về trí lực thời kỳ Khai sáng, một hệ tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới.
  • “Tôi dịch triết học với mong muốn VN có ngôn ngữ triết học”

    06/02/2015Kim Anh thực hiệnGiải thưởng này càng cao quý đối với tôi vì nó mang tên của một nhà trí thức, nhà tư tưởng kiệt xuất của dân tộc ta mà tôi hằng ngưỡng mộ - Phan Châu Trinh. Liên hệ so sánh Phan Châu Trinh với V.Soloviev, tôi bất ngờ nhận ra hơn một nét tương đồng, hơn một điểm gần gũi giữa hai trí tuệ lớn và hai lương tâm lớn này. Cả Soloviev lẫn Phan Châu Trinh đều cho chúng ta những tấm gương sáng không phai mờ về chủ nghĩa yêu nước đích thực.
  • Triết học cần tự điều chỉnh

    08/12/2014Giáp Văn DươngCơ sở của nhận định này là sự tụt hậu của Triết học so với các ngành khoa học cụ thể, đặc biệt là Vật lý, trong việc nhận thức thế giới. Triết học dường như đã trở thành bất lực trong việc trả lời những câu hỏi rất cơ bản như: Làm sao chúng ta có thể hiểu được thế giới? Bản chất của thực tại là gì? Mọi thứ từ đâu đến? Liệu vũ trụ có cần một Đấng sáng thế?
  • Khái niệm triết học tại Sài Gòn trước 1975

    02/08/2014Dương Ngọc DũngVề phương diện chính trị văn hóa có thể khẳng định ngay thành phố Sài Gòn là trung tâm của miền Nam, giống như Huế ở miền Trung hay Hà Nội ở miền Bắc. Cái gọi là triết học phần lớn phát xuất từ các trí thức Nam bộ có may mắn được đi học trường Tây và hấp thu văn hóa Pháp...
  • Triết học - Khoa học

    09/11/2012Phan Huy ĐườngTriết học nghiêm túc giống khoa học đích thực ở hai điểm và cũng khác khoa học ở hai điểm...
  • Giới thiệu sách “Câu chuyện triết học”

    10/11/2010Như LêNói đến triết học, nhiều người thường tỏ ra e ngại, có cái gì đó như nặng nề - phải nhăn trán suy tư; hoặc nói đến những người râu tóc dài, những thư viện lớn và những cuỗn sách dày cộm… Thế nhưng, có những cuốn sách triết học lại làm người đọc phấn chấn tạo cảm giác gần gũi, như đọc tác phẩm văn học hay sách giải trí vậy...
  • Triết học tâm trí

    01/11/2010Nguyễn ƯớcFrankenstein gom góp "các tư liệu" dùng cho cuộc thí nghiệm của mình, gồm có hết thảy những mảnh khác nhau của cuộc mổ xẻ con người, rồi ráp chúng vào nhau để đem lại hình ảnh một sinh vật trông giống như con người. Cuối cùng, Frankenstein tìm thấy bí mật về sự sinh động của chúng. Trong khoảnh khắc rùng rợn đó, tạo vật được y lắp ráp các bộ phận con người ấy trở về với cuộc đời...
  • Triết học là gì?

    28/04/2010Hình như triết học không có một chủ đề xác định nào như trong các khoa học và các nghiên cứu kinh viện. Phải chăng triết học bao gồm mọi lĩnh vực tri thức? Hay nó chỉ đơn thuần là tư tưởng, không có một đối tượng riêng biệt nào? Triết học có phải là một khoa học mang đến cho ta tri thức chắc chắn và chính xác, hay chỉ là nghệ thuật suy nghĩ?
  • Tiếu lâm và triết học

    03/03/2010Nguyễn Vạn PhúChuyện tiếu lâm và triết học là hai lĩnh vực rõ ràng không liên quan gì đến nhau; một bên đọc lướt để cười, một bên nghiền ngẫm để giải đáp những bí ẩn của cuộc đời. Thế nhưng hai tác giả Thomas Cathcart và Daniel Klein lại bỏ công viết một cuốn sách nhằm “tìm hiểu triết học thông qua chuyện tiếu lâm” với tựa đề “Plato và Platypus bước vào quán rượu…”.
  • Đối thoại triết học giữa người và chó Léo

    06/11/2009N.V.NThử cất đi bộ mặt suy tư nghiêm trọng để cười cùng triết học khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách viết về cuộc đối thoại giữa một con chó tên là Léo và ông bạn triết gia của nó. Câu hỏi lớn bao trùm cuốn sách mỏng này là: Một con người thì khác gì một con vật?
  • Các hệ thống triết học hiện đại

    25/08/2009William S. Sahakan & Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchTrong cuộc đời, một số triết gia danh tiếng đã thay đổi quan điểm triết học, chuyển từ trường phái này sang trường phái khác; một số còn có khả năng đại diện cho nhiều trường phái triết học khác nhau...
  • Những vấn đề triết học Phật giáo - Siêu hình học

    18/08/2009O.O.Rozenberg- Nguyễn Hùng Hậu & Ngô Văn Doanh dịchViệc nghiên cứu triết học Phật giáo trên cơ sở những văn bản hệ thống được giữ lại trong các bản dịch Trung quốc đã chiếu luồng sáng mới vào những vấn đề thế giới quan Phật giáo được biết ở Âu châu, đồng thời đặt ra một loạt những vấn đề mới mà cho đến nay vẫn còn chưa được đưa ra trong các công trình về Phật giáo. Nhiều cái đã không có thể biết vì hoặc thiếu những tài liệu, hoặc tài liệu hiện có không được sử dụng.
  • Vài so sánh giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây

    11/11/2006Bài này chia sẻ những điểm khác biệt về triết học, triết lý Đông - Tây, từ đó quyết định xem cân đối kiến thức sao cho hợp lý, hiệu quả cho cuộc sống...
  • xem toàn bộ