“Tôi dịch triết học với mong muốn VN có ngôn ngữ triết học”
Phạm Vĩnh Cư là người hiểu sâu và đã từng giảng dạy về văn học Nga, nhưng những tác phẩm dịch - có thể nói là để đời - của ông lại thiên về lĩnh vực triết học, khoa học xã hội và nhân văn.
Điềm đạm, khiêm nhường trong giao tiếp, có cảm giác ông dành hết nhiệt huyết của mình cho một con đường duy nhất đã lựa chọn. Bằng vốn Nga và Pháp ngữ, ông đã cố gắng tiếp cận những kiến thức tinh hoa của nhân loại, cảm thụ nó một cách tường tận và truyền đạt lại một cách tốt nhất có thể cho những người thực sự quan tâm.
“Siêu lý tình yêu” một tuyển tập (dày gần 1000 trang, khổ lớn) những tác phẩm, bài viết của nhà triết học nổi tiếng của Nga - người được giới triết học thế giới coi là Platon của Nga, Vladimir Soloviev (1853 - 1900) - do ông tuyển chọn, dịch, giới thiệu và chú giải đã là lý do để Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh chọn ông là một trong năm học giả để trao giải thưởng của Quỹ trong tuần qua. Ông nói:
- “Giải thưởng này càng cao quý đối với tôi vì nó mang tên của một nhà trí thức, nhà tư tưởng kiệt xuất của dân tộc ta mà tôi hằng ngưỡng mộ - Phan Châu Trinh. Liên hệ so sánh Phan Châu Trinh với V.Soloviev, tôi bất ngờ nhận ra hơn một nét tương đồng, hơn một điểm gần gũi giữa hai trí tuệ lớn và hai lương tâm lớn này. Cả Soloviev lẫn Phan Châu Trinh đều cho chúng ta những tấm gương sáng không phai mờ về chủ nghĩa yêu nước đích thực.
Cả hai người đều yêu đất nước mình, dân tộc mình bằng một tình yêu nồng cháy, thuỷ chung, song lại nghiêm khắc, tỉnh táo và sáng suốt lạ lùng. Cả hai nhà tư tưởng đều phê phán không khoan nhượng, vạch trần không thương xót những khuyết tật tinh thần của dân tộc mình, những mặt thấp kém trong tâm thức, đời sống, ứng xử của đồng bào mình; xem đó là vết nhơ trên gương mặt quốc gia, những ung nhọt đe doạ vận mệnh dân tộc…
Mũi nhọn của sự phê bình ấy chĩa vào không chỉ những gì cản trở trực tiếp công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc, mà còn và chủ yếu nhắm vào những gì kìm hãm sự tiến bộ lâu dài của nòi giống, sự mở mày mở mặt với thế giới không thể đạt được chốc lát, hay là, dùng ngôn ngữ của Soloviev, sự trường tồn xứng đáng của dân tộc mình trong cộng đồng nhân loại…
>> Tham khảo: Diễn từ tại lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh của ông Phạm Vĩnh Cư.
Ông cho rằng, V.Soloviev đã trả lời cho ông rất nhiều câu hỏi, thắc mắc mà những giải đáp ấy ông không tìm ra được trong trước tác của các nhà tư tưởng khác mà ông đã từng đọc trước đó. Vậy cụ thể triết lý của V.Soloviev có gì khác biệt, thưa ông?
- Mãi đến năm 1990, cuộc cải tổ ở Liên Xô đã đi quá đà thì nhiều người mới được tiếp cận với V.Soloviev, trong đó có tôi. Là người yêu triết học, tôi cũng tìm đọc rất nhiều triết gia trước đó, nhưng nhận thấy chưa thoả mãn với những câu hỏi về nhân sinh. Vấn đề có Thượng đế hay không có Thượng đế? Có sự bất tử của linh hồn hay không?...
Nhiều triết gia từ Kant trở đi, người ta bảo đó không phải là lĩnh vực triết học. Từ thế kỷ 20 triết học chỉ nghiên cứu những cái hiện hữu và gọi là triết học biện chứng và triết học lịch sử. Còn cái gì còn hồ nghi, là câu hỏi lớn thì triết học lại dành cho tôn giáo hoặc thần học. Soloviev là nguời Nga đầu tiên cho rằng triết học đã không làm những việc chính yếu của mình: Giải đáp cho con người những câu hỏi cơ bản nhất về chính nó, mà lại nhường cho các ngành khoa học khác.
Ông cho rằng triết học phương Tây đã đi lệch đường, sa vào “trí xảo”, phụ thuộc vào các khoa học thực nghiệm. Vay mượn những phương pháp khoa học thực nghiệm mà từ bỏ phương pháp tư duy. Học thuyết nhân sinh của ông có 3 trục: Hướng thượng: Tín ngưỡng, tôn giáo, đạo đức; Chiều ngang: Là quan hệ của con người với đồng loại, với chúng sinh; Hướng hạ: Quan hệ của con người với thế giới tự nhiên.
Con người phải ở giữa 3 trục ấy thì mới có sự cân bằng trong tâm thức mỗi cá nhân cũng như trong xã hội. Câu châm ngôn làm nền cho triết học đạo đức của Soloviev: “Tôi xấu hổ tức là tôi tồn tại” đã khải thị cho bất cứ ai đọc ông.
Học ngữ văn ở ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga); đã từng dạy ở trường viết văn Nguyễn Du và nghiên cứu rất nhiều văn học Nga, nhưng những tác phẩm ông chọn dịch lại phần lớn là triết học chứ không phải là văn học…
- Công việc của tôi cũng nhiều trắc trở, khi học năm thứ 4 đại học, chúng tôi, những sinh viên ngành khoa học xã hội đều bị nghỉ dở dang vì chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô lúc đó. Sau này, Bộ GD-ĐT cũng công nhận số này như những người đã tốt nghiệp đại học. Tôi chịu sự phân công công tác lần lượt ở Cty Xuất nhập khẩu sách báo, sau đó là NXB Ngoại văn, trong thời gian 16 năm này, công việc chủ yếu của tôi là dịch ngược và làm “thông ngôn” trong các công việc ngoại giao.
Năm 1980 khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học trường viết văn Nguyễn Du mời tôi về giảng dạy và làm quản lý - sau này là trường ĐH Văn hóa. Mãi đến tận năm 2000, khi đã hơn 50 tuổi tôi mới được về đúng nơi tôi từng mong muốn: Viện Văn học. Lúc này, tôi nhận thấy lực lượng dịch văn học đã rất dày dặn như các anh Cao Xuân Hạo, Phan Hồng Giang, Đoàn Tử Huyến, Phạm Mạnh Hùng… và họ làm rất tốt. Do vậy, tôi chọn con đường riêng và cũng là sở trường yêu thích của mình: Triết học.
Hơn nữa, tôi cũng nhận thấy việc dịch những tác phẩm triết học thế giới sang tiếng VN là xúc tác cho ra đời triết học VN để người VN có tư duy triết học, biết diễn ngôn triết học. Ví dụ, nói về Thượng đế thì nói như thế nào? Quan hệ của con người với đấng tối cao, với thiên nhiên, với đồng loại thì phải dùng ngôn ngữ thế nào để diễn đạt. Nếu không biết diễn ngôn triết học thì chỉ biết nói như những điều Thánh kinh đã nói… “Siêu lý tình yêu” là một triết luận về tình yêu chứ không phải là một tác phẩm văn học hay thi ca về tình yêu.
Tuy vậy, trong cuốn “Sáng tạo và Giao lưu”của ông do NXB Giáo dục phát hành năm 2007 (dày 1.000 trang, khổ 16x24cm), người đọc có thể thấy một Phạm Vĩnh Cư tinh tế và sắc bén trong các bài tiểu luận về những vấn đề của văn học VN, về một số gương mặt văn chương thế giới và về văn học với văn hoá (trong nước và mối quan hệ với quốc tế). Trong số này, có bài “Mấy suy nghĩ về vấn đề giao lưu văn hoá VN - Nga” đã được rất nhiều học giả yêu thích. Ông viết bài này với tất cả sự hiểu biết về nước Nga, tình yêu với nước Nga và cả sự nuối tiếc cho những sai lầm của những người lãnh đạo, quản lý văn hoá dẫn đến sự đồng hoá, mất bản sắc cũng như đời sống ngắn ngủi vì giáo điều của không ít tác phẩm văn học Nga Xôviết. VN và Nga có cả một quá trình giao lưu văn hoá rực rỡ hơn 50 năm, và vì vậy liệu những sai lầm của nước Nga Xôviết trong lĩnh vực văn hoá có bị ảnh hưởng đến tư duy của người VN hay không? Có lẽ những người làm công tác quản lý văn hoá sẽ tìm được câu trả lời qua bài viết này.
Thưa, là người từng dạy người trẻ viết văn, ông thấy thế nào về những điều ông dạy với tình hình sáng tác hiện nay?
- Cũng có học trò cũ gặp và nói: Thầy dạy những điều rất hay, nhưng không làm theo lời thầy khuyên được. Suy cho cùng, cuộc sống vật chất ở ta nó nghiệt ngã quá, nhiều người bỏ viết văn đi viết báo với quan niệm lấy ngắn nuôi dài, nhưng rồi cái thời gian “nuôi” ấy nó kéo dài quá khiến cho người cầm bút dần dần đánh mất những thiên hướng của bản thân. Muốn xuất hiện trên văn đàn, muốn có tác phẩm in thì phải chịu áp lực của thị trường và chính trị. Đó cũng là lý do để rất ít tác phẩm vượt lên được tới sự hoàn mỹ.
Còn ông, ông có bị áp lực nào không trong sự nghiệp của mình?
- Bây giờ tôi là người dễ nói vì tôi chưa từng nói cái gì khác bản thân mình. Tôi trung thành với thiên hướng của mình và cố gắng làm tốt nhất những gì mình cho là đúng.
Nghe nói, sắp tới ông sẽ cho ra mắt bạn đọc tuyển tập Lev Tolstoi?
- Năm nay thế giới kỷ niệm 100 năm ngày mất của L.Tolstoi. Ông không chỉ là một đại văn hào, ông còn là một nhà giáo dục, một nhà tư tưởng lớn. Ở Mỹ, Anh hay Đức người ta đều có những tranh luận về phương pháp giáo dục của L.Tolstoi. Tư tưởng của ông trong giáo dục rất tiến bộ và dân chủ. Ông chống đến cùng việc biến bộ óc của học sinh thành bộ nhớ để nhồi nhét mọi thứ vào đó.
Ông chủ trương một nền học vấn tự do. Bản thân ông vừa là một nhà lý thuyết, vừa là một nhà thực hành, ông mở một trường ở ngay quê hương để dạy cho con em nông dân bằng sách do ông soạn. Bản thân ông về cuối đời tâm đắc với những tư tưởng về giáo dục hơn với văn chương. Hệ tư tưởng của ông bao trùm rất nhiều lĩnh vực đời sống: Chính trị - xã hội, kinh tế, đạo đức.
Ông cố gắng giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của con người. Những tư tưởng về đạo đức, tôn giáo, xã hội của L.Tolstoi có tiếng vang rất lớn.
Phong trào đấu tranh phi bạo lực của người da đen ở Mỹ dẫn đến việc ngày nay một người người da màu được bầu làm tổng thống cũng là sự ứng dụng học thuyết của L.Tolstoi. Tôi làm chủ biên (đồng thời tuyển chọn và dịch khoảng ¾ số trang), cố gắng hoàn thành bản thảo vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 để kịp vào dịp kỷ niệm (tháng 11).
Thưa, sau L.Tolstoi, ông đã có kế hoạch gì cho mình chưa?
- Tôi tự hứa với mình: Thôi, không dịch nữa. Từ giờ đến cuối đời sẽ viết ra những điều mình đã nhận thức được. Nhưng cũng chưa biết được, còn rất nhiều học giả mà tôi coi như mình đã chịu món nợ tinh thần với họ. Như với Lev Tolstoi mà tôi đang làm đây chẳng hạn. Những gì tôi học hỏi được từ họ, tôi muốn chuyển đến cho nhiều người cùng biết, cùng học.
Nhưng, chẳng phải những gì ông chọn lựa, dịch một cách cẩn trọng với nỗ lực đưa những tinh hoa văn hóa của thế giới đến với độc giả VN cũng là một cách “viết” ra những điều mình đã “ngộ” đó sao. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tác phẩm:
- “Sáng tạo và giao lưu” (tiểu luận, nghiên cứu và phê bình văn học)
Các công trình dịch thuật chính:
- “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”: Tập hợp, giới thiệu phân tích và chú giải những bài viết quan trọng nhất về lý luận và thi pháp tiểu thuyết của một trong những nhà khoa học nhân văn lỗi lạc nhất của Nga thế kỷ 20, Mikhail Bakhtin (1895- 1975).
- “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” (của hai học giả người Pháp Jean Chevalier và Alain Gheerbrant). Đây là một công trình tra cứu rất cơ bản và có uy tín cao, được tái bản nhiều lần ở Pháp. Nhóm dịch giả do Phạm Vĩnh Cư làm chủ biên đã chuyển ngữ và chú giải công phu cuốn sách thành phụ lục riêng.
- “Triết học đạo đức”: Sách tập hợp ba tác phẩm đạo đức học của ba triết gia lớn thế kỷ 20: Vladimir Soloviev (người Nga), Karol Vojtyla (Ba Lan) và Albert Schweitzer (Đức- Pháp).
- “Siêu lý tình yêu” (triết gia V.Soloviev).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn