Triết học và năng lực tư duy của con người trong kỷ nguyên toàn cầu
Đã có nhiều quan niệm khác nhau về triết học và do vậy, cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về vai trò của triết học. Có thể xem xét vai trò của triết học từ nhiều phương diện khác nhau, bởi trong thực tế, triết học có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và con người. Một trong những tác động lớn của triết học đến con người và xã hội là tác động lên năng lực tư duy của con người.
Trong thực tiễn, đã có nhiều loại hệ thống triết học khác nhau. Mỗi hệ thống triết học ấy luôn nhìn nhận, suy tư về thế giới và những vấn đề cụ thể của thế giới theo cách riêng của mình. Mỗi hệ thống này lại bao gồm những tri thức khác nhau về những vấn đề khác nhau. Các hệ thống xuất hiện sau, dù có ý thức hoặc không, bao giờ cũng bao hàm những tri thức của một hoặc một số hệ thống trước đó. Các hệ thống triết học nói chung, các tri thức triết học nói riêng, luôn có cái đúng, có cái không đúng; có cái là chân lý, có cái sai lầm.
Trong đời sống xã hội cũng như trong cuộc đời của mỗi con người, tri thức triết học luôn tồn tại. Mỗi con người có thể họ tiếp nhận cả một hệ thống triết học nào đó, có thể họ sử dụng các kiến thức triết học lấy từ các hệ thống triết học khác nhau. Nhưng, thông thường thì đó là những kiến thức mà họ tin là đúng, hoặc đã được họ kiểm nghiệm bằng chính hoạt động và kinh nghiệm sống của mình. Các tri thức triết học cùng các tri thức khác cũng được họ tiếp nhận như vậy đã tạo thành hệ thống tri thức chỉ đạo tư duy và hành động của mình trong cuộc sống. Hệ thống tri thức ấy luôn được bồi đắp, tích luỹ, đổi mới và kiểm nghiệm trong suốt cuộc đời, là nền tảng cho toàn bộ suy nghĩ, hoạt động, ứng xử của họ.
Cũng tương tự như vậy, trên bình diện xã hội, trong mỗi thời kỳ lịch sử xác định, ý thức xã hội của mỗi cộng đồng cũng là sự tổng hợp các hệ thống tri thức khác nhau, tạo thành ý thức cộng đồng, chỉ đạo mọi suy nghĩ, hoạt động và ứng xử của cộng đồng đó. Nhưng, khác với ý thức cá nhân, ý thức cộng đồng, một mặt, được thể hiện thông qua ý thức cá nhân; mặt khác, lại được hình thành trên cơ sở các ý thức cá nhân của cộng đồng. Trong ý thức cộng đồng cũng như ý thức cá nhân, hệ thống các tri thức triết học là cốt lõi căn bản, là chất keo dính kết toàn bộ các loại tri thức khác, có trong cộng đồng hoặc cá nhân cụ thể. Bởi vậy, các tri thức triết học với tư cách bộ khung cốt trong thế giới quan của mỗi con người và mỗi cộng đồng luôn đóng vai trò là nền tảng cho tư duy của con người.
Thực tế lịch sử từ thời cổ đại cho đến nay, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, đều cho thấy, khi hệ thống tri thức có những thay đổi thì sớm hoặc muộn, nhanh hoặc chậm, năng lực tư duy và hoạt động của con người cũng phải thay đổi. Đời sống hiện thực biến đổi luôn đặt ra những vấn đề mới, buộc con người phải suy nghĩ, tìm kiếm những lời giải đáp và những phương tiện để giải quyết vấn đề. Những tri thức mới ra đời bổ sung và bồi đắp cho hệ thống tri thức đã có, làm thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi từng phần thế giới quan, dẫn đến thay đổi cả phương thức hoạt động của con người và cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những tri thức mới đã làm thay đổi tư duy của con người.
Những phát minh lớn trong khoa học, những lí thuyết và kiến thức triết học với tư cách những tri thức khái quát thường xuất hiện như là những đột phá điểm của sự thay đổi tư duy. Không có được những phát minh hoặc những lí luận triết học như vậy, không thể có sự thay đổi của tư duy. Khi các tri thức khoa học cụ thể cùng những trải nghiệm thực tiễn được tích luỹ, rồi được khái quát thành tri thức triết học, hay nói cách khác, các tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn khi đã đạt đến tầm triết học, có khả năng làm thay đổi năng lực tư duy của con người và xã hội.
Trong bối cảnh chung và bên ngoài như vậy, Việt Nam còn có những nguyên do khác cho việc đổi mới tư duy. Việt Nam đã đổi mới tư duy và điều đó đã mang lại những hiệu quả lớn cho mỗi con người và cả cộng đồng. Nhưng, thực tiễn những năm gần đây đã cho thấy, Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa năng lực tư duy của mình thì mới có thể đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển. Đặc biệt, để phát triển nhanh, mạnh và bền vững, việc nâng cao năng lực tư duy và đổi mới tư duy còn phải nhanh hơn, mạnh hơn, cấp thiết hơn. Nhiều quan niệm, kiến thức trong cộng đồng, trong ý thức xã hội hiện đã tỏ ra lạc hậu với thực tế cuộc sống, cần nhanh chóng được loại bỏ và bổ sung bằng những kiến thức mới. Khuôn mẫu tư duy cũ của người Việt hiện đã bộc lộ nhiều bất cập với hiện thực của đất nước, nhưng việc đổi mới những năm qua mới chỉ là sự bắt đầu.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc đổi mới tư duy đòi hỏi không chỉ dừng lại ở cấp độ cộng đồng, quốc gia, mà phải đạt tới tư duy toàn cầu. Nếu nói đến một tư duy mới chưa hẳn nhiều người đã nhất trí. Nhưng, việc phải thay đổi tư duy cũ về những vấn đề mà quốc gia, dân tộc và con người đang phải đối mặt thì mọi người không thể chối cãi. Nghiêng về xu hướng hình thành một tư duy mới, chúng tôi cho rằng, chúng ta phải nhanh chóng gạt bỏ những kiến thức cũ, kể cả những kiến thức triết học, khuôn mẫu tư duy cũ, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chúng, chỉ có như thế, chúng ta mới có thể khắc phục được những khó khăn và thách thức, hội nhập và tiến cùng thời đại.