Thử bàn chuyện sướng, khổ
Người ta, ai chẳng mong cuộc sống bớt nghèo khổ, mong được sung sướng hơn. Có gì mà phải bàn với luận. Vậy mà có người không muốn sướng, chỉ muốn khổ, có lạ không? Có thể bạn không tin, nhưng xin hãy nghe: người ấy chính là tôi!
Mới đây thôi, một buổi sáng, sau khi vừa lĩnh lương, vợ tôi "bí mật" đi mua về một cặp lồng bún giò heo đầy tú hụ, nghĩ là tôi hẳn sẽ ngạc nhiên và sung sướng vì nhà tôi ít khi đi ăn sáng ở quán. Nhưng tôi bảo:
- Lâu nay có viết được bài nào đâu, nhuận bút không có, tiền đâu mà ăn sáng thế? Mình ăn cơm nguội với vừng thôi!
Tôi viện cớ ấy, chứ thực ra chủ yếu vì tôi "phát hiện" ra mình dạo này bụng đã bắt đầu phệ mà các nhà khoa học khuyên là tuổi già cần bớt ăn thịt mỡ. Đương nhiên là bà xã bất mãn, giọng gắt gỏng:
- Không có ai như anh! Sướng không muốn, lại muốn khổ!
Chưa hết. Vợ may cho bộ quần áo mới, không mấy khi mặc, chỉ thích mang đồ cũ. Vì đóng bộ đồ mới cứng, con người như bị nhốt trong cái khung, mất tự nhiên, làm việc gì cũng đắn đo xem quần áo có bị bẩn, bị nhàu nát không, định ngồi chỗ nào cũng phải cận trọng xem có bụi bặm không. Vậy là khổ. Còn mang đồ cũ, vải sợi mềm mại, da không bị cọ xát, gặp bạn bè - dù bụi bặm đường trường bám đầy cũng thoải mái bá vai bá cổ, không sợ dây bẩn quần áo mình, đi làm về, nếu mệt, chẳng cần thay đồ mặc ở nhà, có thể tức khắc buông mình nằm nghỉ... Vậy là sướng!
Không phải chỉ tôi lập dị. Một hôm, có bạn viết ghé thăm, tôi vội ra nhắc nhủ:
- Dắt xe vào trong này chút nữa và chịu khó khóa lại bạn ơi? Hôm kia mới có xe bị "mượn" mất đèn đấy?
- Yên chí đi. Xe của tôi không ai sờ đến đâu!
Tôi nhìn chiếc xe đạp cũ kỹ không phanh, không chuông của bạn, đang nghĩ thầm: "Quả là xe này để ngoài đường có khi vẫn an toàn" thì bạn tôi đã vui vẻ cười nói:
- Ông xem tôi thế có sướng không? Xe không cần khóa, nhà cũng không có gì đáng giá, đêm nóng cứ mở toang cửa mà ngủ, chứ đâu như ông, từ ngày bị mất ti vi, cát xét, nghe nói chẳng dám đi chơi bạn bè vì không có người coi nhà!
Tôi lí nhí chống chế. "Cậu cứ nói vậy... " nhưng trong bụng công nhận là ông bạn có lý. ấy là anh bạn chưa biết rằng vì lo kẻ trộm đột kích, đầu hôm ra vườn đi tiểu tôi cũng phải quay mặt nhìn vào khung cửa, dù như thế dễ bị vợ con "chiếu tướng", và mới đây, khi làm thêm lớp cửa xếp, sử dụng chưa quen, có lần đẩy cửa bị kẹt tay đau điếng người!
Không kể cách nói ngụy biện hoặc bắt chước "phép thắng lợi tinh thần" của A.Q, chuyện sướng khổ hóa ra không "đơn giản", có dịp bàn luận cũng... vui? Trước hết nó tuỳ thuộc quan niệm từng người : như thế nào là sướng, thế nào là khổ? Có việc, tưởng là điều hiển nhiên, ví như thiên hạ vẫn cho rằng, người có vợ đẹp con khôn là sướng, nhưng đã chắc gì. Chẳng đã có câu ca: "Vợ đẹp là của người ta ... " đó là gì? Mà cho dù là "của mình" một trăm phần trăm thì cũng đèo theo không ít nỗi khổ: lúc nào cũng phải lo ăn mặc, chải chuốt cho xứng đôi với người đẹp này, rồi những công việc vất vả, không được sạch sẽ trong nhà hẳn phải đưa vai gánh vác đỡ cho nàng, và khi gặp những anh chàng lẳng lơ liếc ngang liếc dọc vợ mình thì trong bụng hẳn cũng khó chịu, không chừng đêm còn mất ngủ? ấy là chưa nhắc đến bài học người xưa kể lại: “tốt mái, hại trống”. "Vợ đẹp chỉ tổ đau lưng ... ". Hoặc những người có chức có quyền ai cũng tưởng sung sướng, thật ra đâu phải vậy. Lại nói chuyện của tôi để các bạn khỏi cho là bịa. Lần Đại hội Văn nghệ tỉnh mấy năm trước, tôi rút lui khỏi danh sách đề cử vào mọi chức vụ vì đã hơn mười năm qua, dù sao tôi cũng đã ngồi "ghế” này "ghế” nọ, tuổi tác cũng đã cao. Vậy mà một số hội viên có lẽ quá ưu ái nghĩ rằng tôi không được "cơ cấu” phải rút lui chắc là khổ tâm lắm nên nhỏ to bày tỏ những lời an ủi, thông cảm... Nhưng tôi thì vui như "Tết" vì được rảnh rang để viết.
Như thế, chuyện sướng khổ, rõ là tuỳ thuộc quan niệm từng người. Đã vậy thì có lẽ chẳng nên đua đòi, ham hố chỉ chuốc thêm khổ vào thân, nhất là khi thực lực mình có hạn. Đây không phải là sự thủ tiêu ý chí tiến thủ. Người có ý chí tiến thủ trước hết là người có bản lĩnh, biết rõ mặt mạnh của mình và biết điều kiện, tình thế xung quanh. Nhưng mặt khác mọi sự ở đời đều có hai mặt. Có việc sướng đó mà ẩn chứa nỗi khổ bên trong, và ngược lại... Chẳng phải nói vậy để thanh minh cho ai hoặc là an ủi ai. (Dù rằng, "thanh minh" hay "an ủi" được cho con người cũng là tốt chứ sao!). Có điều ở đời biết nhìn sự vật đầy đủ cả mặt trái, mặt phải thì chắc sẽ có quyết định đúng đắn và cảnh đua chen, giành giật gay gắt hoặc đố kỵ, cay cú về chuyện sướng khổ sẽ bớt đi. Lại còn phúc phận nữa, trên đời, có ai định được mình sẽ sinh ra trong nhung lụa hay ổ rơm? Hãy cứ lao động hết mình như xã hội yêu cầu là sẽ có cuộc sống thanh thản. Phải, sống thanh thản mới là điều đáng mơ ước.
Tôi viết những dòng này khi đêm đã khuya. Ngoài đường, như nhiều đêm trước, bác xích lô già sau một ngày lao động vất vả (và chắc đã tự thưởng cho mình một cốc rượu), thong thả đạp xe về với vợ con, miệng nghêu ngao hát những câu ca cổ Tôi chợt nghĩ, bác xích lô ấy so với một sếp tham nhũng ngồi trong ô tô kín bưng trước những cặp mắt ghẻ lạnh của dân chúng, bụng căng đầy bia thịt và cũng đầy những âm mưu ấy hòng che giấu tội lỗi thì chắc gì đã ai sướng hơn ai! Ờ, mà không biết các "sếp" có đọc báo "Văn nghệ" không nhỉ? Giá như các vị đọc bài này mà chịu từ bỏ cuộc đua giành giật đời sống vương giả thì sẽ đỡ khổ cho bao người?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005