Danh và Thực
Quan sát cuộc sống quanh ta, quả không khó thấy có những người suốt đời không thể sống mà không có danh. Bởi chỉ với cái danh mới phát ra được các tín hiệu của quyền lửa và với cái danh, họ thu được rất lắm quyền lợi; Cả một đời sống với danh và vì danh, cho đến khi có cơ hết; và hết đối với họ là mất quyền lợi, nên họ phải bằng mọi cách níu giữ cho được cái danh, ở bất cứ dạng thái nào. Thôi cấp trưởng họ đành xin một cấp phó. Thôi cấp trên, họ chạy vạy cho có được một cấp dưới, nào kể to nhỏ, sang hèn. Thôi chức trách chính quyền họ sớm lo một tổ chức đoàn thể hoặc nghề nghiệp để có thể tiếp một chức danh ...
Kể cũng dễ hiểu theo lương tri thông thường. Một cái danh to đem lại nhiều quyền lợi lắm: tiện nghi sử dụng, sự phục dịch, thiên hạ chào mời, săn đón. Nói khát quát: đó là quyền và lợi. Thì làm sao mà quen được, mà chịu được nổi cảnh quạnh hiu sau đó khi hết cái danh. Bởi, đối với họ, những người sống với danh, bám theo danh, hết danh là hết tất cả. Hết danh, họ bỗng già xọm đi trong một trống trải không gì bù đắp được.
Trong số những người chịu cảnh bi kịch trên, có người bởi cái danh quá to, lại bị bệnh quan liêu nên suốt đời họ chưa một ngày làm . . . dân. Thiếu hẳn đi vế sống với dân nên họ khó lòng hiểu được thế nào là tâm lý, là nguyện vọng đích thực của dân. Họ chẳng có được cái hạnh phúc của biết bao kẻ sỹ như trong xã hội cũ, và cũng không hiếm trong xã hội ngày nay - hạnh phúc được sống gần dân và biết sớm trở về với dân.
Cái tâm lý ráo riết hướng về danh và khai thác cùng kiệt công suất của cái danh này, theo tôi đã bớt được nhiều khi đất nước chuyển vào cơ chế thị trường khi sự đua tranh đã vượt ra ngoài chốn công môn. Bây giờ không còn là sự đua tranh chức vị, mà là đua tranh về năng lực, về thực chất, thực tài, bởi phải có thực tài mới tạo được một năng suất, một hiệu quả cao trong mọi lĩnh vực của sản xuất xã hội, của khoa học - công nghệ. Bởi đến lúc này cái danh không được phép so le với cái thực; và nếu so le thì sẽ có nguy cơ sớm muộn bị thực tiễn loại bỏ.
Lương tri nói chung là thế. Nhưng cố nhiên, đó chưa thể là hiện thực chi phối bao trùm. Do tính chất giao thời của cuộc sống nên chung quanh câu chuyện danh và thực này, xã hội vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề căng thẳng, các tiêu chuẩn đánh giá con người vẫn còn bị chi phối bởi nhiều quan niệm cũ. Nhìn vào xã hội, từ bộ máy hành chính Nhà nước đến các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp vẫn còn bao bất ổn, khiến cho việc định ra các chế độ, đặt ra các chức danh, xác định các tiêu chí luôn luôn là một mối bận tâm chung. Và cảm hứng bi-hài vẫn tiếp tục diễn ra trên việc chạy đuổi (và mua bán), bằng cấp, trên những căng thẳng (mất đoàn kết hoặc loại bỏ nhau, vô hiệu hóa nhau) để giành và giữ một chức quyền, trên sự lạnh lùng (hoặc băng giá) của các mối quan hệ.
Tới đây lại cần bàn tiếp một khía cạnh mới trong câu chuyện danh và thực được xây dựng trên sự phân công xã hội. Mỗi người sinh ra trên đời đều phải có một nghề. Xã hội cũ trong sự phân công đơn giản của xã hội nghề nghiệp đã có câu: "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh". ấy là một kinh nghiệm thực tiễn để chống tâm lý sùng chuộng hư danh. Xã hội mới ở trình độ cao của phân công xã hội và phát triển khoa học - công nghệ đòi hỏi một sự chuyên môn hóa thật sâu, thật cao trên tất cả mọi nghề, từ người hoạt động chính trị đến nghề lao công, từ nhà bác học đến nhân viên thí nghiệm, từ người viết văn làm
báo đến người chữa bông in . . . Tất cả không trừ ai, đều cần được đào tạo chu đáo, quy củ để có một chuẩn bị vững vàng cho nghề. Và nếu khả năng hành nghề là tinh thông, là theo kịp các đòi hỏi của nghề nghiệp, nếu danh là khớp với thực, là đi đôi với thực, thì đó chính là cái bảo đảm cho xã hội một sự phát triển hài hòa và cho mỗi con người sự yên tâm trong cống hiến và hưởng thụ.
Cố nhiên, xã hội công được phát triển trên cái nguyên tắc: ai có khả năng, tài năng cần được tự do phát triển. Và đó là mục tiêu cao nhất của xã hội dựa trên những nền tảng công bằng và nhân đạo. Tài năng của con người và con người tài năng - đó là vốn quý của nhân loại lúc nào cũng cần. Đó là lực lượng đem lại khả năng chinh phục tự nhiên và cải tạo xã hội, làm nên bộ mặt mới của thế giới. Những tài năng như vậy xứng đáng hưởng một cái danh to; mặc dầu trong đời có người chịu một cái phận không xứng; thế nhưng sớm muộn họ vẫn là danh nhân,được cuộc đời nhớ ơn.
Trở lại với cuộc đời thường nhật. Quả còn nhiều điều đáng suy nghĩ, nhiều vướng ngại còn đặt ra trên con đường hướng tới một quan niệm và cách xử lý thật phù hợp, đáp ứng cho nhu cầu phát triển đất nước, trên mối quan hệ danh và thực. Quả là còn nhiều khó khăn, và còn lâu dài mới hết được những quán tính của tâm lý cũ. Đó là tâm lý chưa thực sự coi trọng người tài, chưa thấy sự phát triển tinh thông mọi nghề nghiệp mới chính là nền tảng của sự phát triển xã hội. Nhìn vào các lực lượng đích thực là chuyên gia trên nhiều loại ngành nghề, thấy không ít người trong họ phải vất vả với sự mưu sinh, họ còn phải làm nhiều nghề, "sinh ư nghệ, tử ư nghệ". Ngay chuyên gia cũng phải gắn với một chức danh nào đó, một chức quyền nào đó mới mong tồn tại Con đường tiến thân của số đông, kể cả chuyên gia thật ra chưa phải là người giỏi nghề, giỏi chuyên môn. Mà là giỏi ứng xử, giỏi tìm sự chở che . . . Sự cập kênh danh và thực, sự truy cầu danh và khó khăn với phận, vẫn cứ còn là câu chuyện làm hao tổn năng lượng sống và gây nên nhiều khúc mắc trong đời.
Mong sao chúng ta sớm và vững vàng tạo được một nền tảng xã hội và tâm lý cho con người lúc nào cũng thực sự được yên tâm chuyên sâu vào nghề và nghiệp, vào tư cách chuyên gia cả Thầy và Thợ, chứ không phải vì một cái danh suông danh hão.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường