Thêm chất trí tuệ cho tiếng cười
Khi nói nhiều phen mình và bạn bè đã cười quá tùy tiện, quá dễ dãi cũng là lúc chúng ta cùng thành thật mong ước với nhau rằng trong những ngày vui mỗi người có thể ít cười hơn nhưng đó thật sự là những tiếng cười... có chất lượng cao (tương tự như các loại hàng xịn, hàng xuất khẩu, hoặc xe khách chất lượng cao đang được ưa chuộng).
Gì cũng cười
Trong đời sống, những cuộc giao tiếp giữa người với người được liên tục hình thành và điều bắt buộc ở đây là mỗi người phải có ý kiến rõ ràng. Nói như Nguyễn Văn Vĩnh, "Ta phải biết rằng khi người ta nói với ta là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp". Nhưng, vẫn theo Nguyễn Văn Vĩnh (trong bài Gì cũng cười in trong mục "Xét tật mình", Đông dương tạp chí số 22 năm 1913): "An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì".Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử ở ta có một người đưa ra cách đánh giá nghiêm túc đối với cách biểu hiện tình cảm nói chung của đồng bào mình. Sau khi in ra, bài viết đã được nhiều người đương thời đồng tình. Một nhà nho nổi tiếng là có tư tưởng độc lập như Phan Khôi vào năm 1931, nhân đọc cuốn tiểu thuyết Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh cũng đã viết trên Phụ nữ tân văn một bài báo, phân tích về cái lối rất kỳ cục "cười ngay ở chỗ không nên cười tí nào". Về sau, Gì cũng cười còn được Dương Quảng Hàm trích lại trong cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển để học trò trung học cả nước cùng học (có in lại trong tập sách Dương Quảng Hàm con người và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2002).
Cái lối Gì cũng cười này ngày nay vẫn đang được xem như cả một mối di lụy, tức là khi bước sang đời sống hiện đại chẳng những vẫn còn mà lại có những biến tướng rất tinh quái. Vượt đường liều lĩnh, tí nữa gây ra tai nạn cũng cười. Bán hàng giả không xong, bị người ta vạch mặt cũng cười. Cười bông lơn khi nói được mấy câu xỏ xiên xoa đầu thiên hạ. Cười trừ khi lấy bài của người ta in vào sách mình rồi không trả tiền. Cười tiểu nhân đắc ý khi dám làm những việc liều lĩnh người bình thường không dám làm. Cười mãn nguyện khi lừa được người ngay thẳng. Một ví dụ gần đây mọi người kêu nhiều là tiếng cười nhạt nhẽo của một số diễn viên sân khấu hoặc trên màn ảnh nhỏ. Trước khi nói, cười dọn giọng; nói xong lại chấm câu bằng một tiếng cười bất thành nhân dạng. Có thể đoán là chính họ cũng không còn tin vào hiệu quả tiếng cười của mình nhưng không biết làm gì cho đỡ trơ, đành cười gượng như vậy, từ đó làm nên một "phong cách biểu diễn của thời đại".
Từ cười chạy tội đến cười xí xóa
Lối cười vô tội vạ ở trên vừa nhắc cố nhiên là một cách cư xử không được đẹp lắm. Trước khi bình luận "...Gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng mỏi lưỡi tê môi để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng hì". Nguyễn Văn Vĩnh trong bài viết trên đã gọi đúng bệnh khi bảo trong cái lối gì cũng cười này "có cái vô tình độc ác; có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên chí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta". Khách quan mà xét, thì nói như thế không sai, song phải nhận nhiều người khi cười cũng không nghĩ sâu xa đến vậy. Mà ban đầu cười chẳng qua là không biết nói gì, hoặc đã trót sai lầm rồi cười trừ cho xong (tạm gọi là một thứ tiếng cười chạy tội), song lâu dần thành phản ứng tự nhiên, và một nụ cười nhạt thếch thường trực trên mặt chúng ta, giống như một thứ mặt nạ không gỡ ra nổi.
Cao ngạo, vô lối
Có những người chưa nói đã cười. Cặp mắt lim dim theo đuổi những ý nghĩ đâu đâu hoặc ngước mắt lên nhìn trời, họ đãi thiên hạ bằng một thứ tiếng cười sảng khoái tự tin tới mức cao ngạo. Cái lối cười ngất này, tưởng là cười cợt vui vẻ đấy mà khiến người nghe nghẹt thở. Khi mệnh danh đó là tiếng cười kẻ cả, người xưa đã gọi đúng bệnh kẻ thích lối cười khoe khoang này: anh ta tự thấy mình thông minh hơn đời; gặp phải quá nhiều kẻ ngớ ngẩn anh ta không nín được phải cười vào mũi những kẻ chung quanh đáng coi thường đáng khinh bỉ ấy. Và bởi anh ta đã cười lên, ấy cũng tức là cái điều anh ta nghĩ đã chắc chắn không thể khác, anh ta không còn ý định thảo luận với chúng ta bất cứ điều gì nữa. Một khi sự kiêu căng đã biến thành tiếng cười như thế này tức là bệnh đã nhập vào lục phủ ngũ tạng và khó lòng tìm được thuốc cứu giải. Loại người này càng cười, chung quanh càng thấy xa lạ.
Đám đông vô ý
So với tiếng khóc, tiếng cười có một ưu thế đặc biệt là dễ lây lan. Thấy một người khóc, ta có thể cảm động thương xót nhưng không dễ gì khóc theo. Trong khi đó chỉ cần thấy một người cười, thì mặc dầu chưa hiểu cơn cớ gì ta cũng cười theo ngay được. Những đám đông nhiều người cùng cười thường được hình thành một cách tự nhiên nhưng chính vì vậy, nếu bị châm ngòi bởi những tiếng cười tầm thường, cái khối người hỗn độn kia cũng sẽ mất hết những sự khôn ngoan sáng suốt để chỉ còn lấy sự cười xằng làm vui, người nhạy cảm dễ cảm thấy một sự đè nén nặng nề thô bạo.
Ảo tưởng
Bằng lương tri thông thường, hầu như ai cũng biết rằng nếu đến phúng viếng một đám ma mà lại bả lả nói cười thì thật có lỗi. Song biết đấy rồi để đấy, ai mà nhớ hết hàng ngày bao nhiêu lần mình tham gia vào những đám cười vô duyên.
Điều đáng nói là sở dĩ đời sống còn đang đầy rẫy những tiếng cười tầm thường tiếng cười vô nghĩa, tiếng cười giả tạo cùng là các loại tiếng cười lạc lõng khác, bởi trong tâm trí nhiều người, theo tôi hiểu, còn đang ngự trị một quan niệm rất lạ: Tiếng cười được tuyệt đối hóa coi như một thứ phản ứng tâm lý lành mạnh. Người ta dùng đủ mọi chữ để tôn vinh một cách hàm hồ cho cái hành động nhiều khi còn mang nặng tính chất bản năng đó. Nào cười là biết lui biết tới. Là lạc quan. Là bao quát sự đời. Là bằng chứng tuyệt vời của sự độ lượng và lòng nhân ái. Còn như tối thiểu thì cười cũng là liều thuốc bổ không mất tiền. Cười được xem như là đồng nghĩa với sự thông minh, sự khôn khéo. Một nhà thơ đã khái quát Khi chúng ta cười, thì mặt chúng ta bỗng đầy ánh sáng. Ôi tiếng cười cao đẹp quá, ai mà chả muốn cười nhỉ?! Có biết đâu cười cho ra cười thật là khó, phải có đời sống tinh thần giàu có lắm người ta mới có được thứ tiếng cười đầy ánh sáng như nhà thơ ca ngợi. Trước những hoàn cảnh ngang trái, một tiếng khóc bi tráng hoặc một tiếng thở dài đúng chỗ, là có trách nhiệm, là cao đẹp và giàu chất nhân bản, chứ không phải những tiếng cười làm dáng, cười vô cảm, cười như một thói quen khó chữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn