Tại sao lại cười?
Đôi khi chúng ta cười vì một cái gì đó buồn cười, nhưng phần lớn các nụ cười lại chẳng có liên quan gì lắm đến sự hài hước. Nụ cười phải chăng là một công cụ sinh tồn bản năng của những động vật sống thành bầy đàn, và nó không phải là một lời đáp về mặt tinh thần cho một câu đùa dí dỏm?
Tiếng cười cũng tiến hóa
Rober R. Provine đã thử áp dụng những gì học được về khoa học thần kinh để nghiên cứu nụ cười. Ông đã bắt đầu bằng cách dẫn mọi người đến phòng thí nghiệm của mình tại Đại học Maryland, và chiếu cho mọi người xem băng Saturday Night Live và một số băng của George Carlin. Những con “chuột bạch” của ông không cười nhiều. Họ tạo thành cái mà một tác giả hài kịch sẽ gọi là công chúng tồi. Vì vậy Provine đã tiến hành nghiên cứu về con người trong môi trường xã hội, ví dụ như trên các vỉa hè ở thành phố và tại các trung tâm thương mại ở vùng ngoại ô. Provine phát hiện ra rằng 80 – 90% số người được nghiên cứu cười sau một câu nhạt nhẽo. Những câu chọc cười thường hiếm khi vượt quá được một câu kiểu như: “Cậu bốc mùi như một gã vừa ra khỏi phòng tập thể dục”. Trong cuốn Nụ cười, cuộc sống, tác phẩm (NXB Robert Laffont, 2003), giáo sư Provine giải thích rằng phần lớn những đối thoại diễn ra trước trận cười đều có vẻ như được lôi ra từ một cảnh buồn chán trong một chương trình truyền hình do một nhà viết kịch bản tồi viết ra. Nhìn chung, người nói, đặc biệt là phụ nữ, thường cười nhiều hơn người nghe, và dùng nụ cười của mình để thay dấu ngắt câu. Đây là một cơ chế phần nhiều là tự nhiên. Người ta có thể nhịn cười, nhưng hiếm người có thể ép mình cười mà giấu được vẻ gượng gạo. Giáo sư Provine cho biết: “Nụ cười là một dấu hiệu xã hội trung thực bởi rất khó giả vờ cười. Đó là một cái gì đó đã có từ xa xưa, mạnh mẽ và thô mộc. Đó là một dạng hành vi hóa thạch chỉ ra nguồn gốc mà cả loài ngoài, và có thể là tất cả những loài động vật có vú, đều có chung”. Tiếng “ha, ha” của con người tiến hóa từ tiếng thở phì phò nhịp nhàng của động vật linh trưởng, như tinh tinh, khi chúng đuổi nhau hay cù nhau.
Jaak Panksepp, nhà thần kinh sinh học và tâm lý học thuộc trường đại học bang Washington, đã phát hiện ra rằng khi bị cù, ở loài chuột phát ra một thứ âm thanh mà con người chỉ nghe thấy được khi có các thiết bị đặc biệt, và chúng thích âm thanh này đến mức muốn nghe lại Theo Panksepp, nụ cười sinh ra nhờ những kết nối thần kinh sơ khai, mà chức năng là thúc đẩy những con chuột nhỏ học cách chơi cùng nhau. Nụ cười kích hoạt quá trình vui đùa và cho những con khác thấy rằng không phải chúng đang đánh nhau mà là đang chơi. Panksepp chỉ rõ: “Nụ cười bắt quen đã trở thành công cụ để báo hiệu cho cá thể khác biết rằng mình chỉ có ý định hành động một cách thân thiện. Những động vật sống thành bầy đàn phức tạp như động vật có vú cần một cơ chế khơi gợi những cảm xúc tích cực để tạo ra một “bộ óc xã hội” và giúp các cá thể dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng”.
Cười cho thấy thứ bậc xã hội
Nụ cười là một “chất bôi trơn xã hội”. Đó là một cách kết bạn, và cũng là một cách cho thấy rõ vị trí của mỗi người trong hệ thống thứ bậc. Các nhà tâm lý học xã hội đã dùng một câu chuyện đùa nhạt nhẽo để thực hiện một nghiên cứu với các sinh viên nữ thuộc Đại học Florida.
Người ta đã nói với một số sinh viên này rằng bên điều tra sẽ đưa cho một vài người trong số họ một số tiền khá lớn, giống như việc sếp thưởng cho một cấp dưới có công. Kết quả: trước câu chuyện đùa vô vị này, những sinh viên trong nhóm được coi là cấp dưới cười nhiều hơn so với nhóm sinh viên quan sát. Và điều này không phải chỉ bởi nhóm cấp dưới cố gắng “gây thiện cảm với sếp”. Trong một thí nghiệm khác, một số nữ sinh viên được chỉ định làm sếp, số khác làm nhân viên và số khác nữa là đồng nghiệp của người kể câu chuyện cười nhạt nhẽo trong băng video. Khi người xem cuốn băng là sếp, cô ta không cười nhiều. Nhưng khi người xem cuốn băng là nhân viên hay đồng nghiệp của người kể, cô ta cười nhiều hơn. Khi ở vị trí thấp trong hệ thống thứ bậc, người ta cần tất cả những đồng minh có thể, và người ta sẵn sàng cười trước bất kể mọi chuyện ngay cả khi điều này không mang lại lợi ích ngay lập tức. Tyler F. Stillman, người đã thực hiện thí nghiệm này cùng Roy Baumeister Và Natham DeWall, cho biết: “Khi tôi kể một câu chuyện đùa nhạt nhẽo trong thí nghiệm nói trên với sinh viên của mình, tất cả họ đều cười ngất”. Nhưng Stillman lại kể một “trải nghiệm” khác của mình trong một hội thảo vào tháng 1/2007: “Đó là một hội thảo nhỏ, với sự tham gia của một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này. Khi được phát biểu, tôi, một nghiên cứu sinh trước mặt các chuyên gia hàng đầu, kể câu chuyện đùa trên, bầu không khí hoàn toàn im lặng. Người ta có thể nghe tiếng một con ruồi bay qua”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015