Tại sao triết học khó đọc và tại sao chúng ta nên đọc triết học?
1. Một người đã hay đang nghiên cứu, hoặc có sở thích, hứng thú với triết học, chắc hẳn sẽ có một giai đoạn mà bản thân sẽ bị choáng ngợp, thậm chí gục ngã trước một tác phẩm triết học: Thuật ngữ kì dị, cách viết lằng nhằng, khó đọc, nội dung trừu tượng, khó hiểu, một đoạn viết có thể trích dẫn từ mấy chục tác phẩm khác nhau… Nhưng tất cả những yếu tố này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vậy sự thực, tại sao tác phẩm triết học lại khó đọc đến như vậy?
2. Để hình dung đơn giản về sự khó đọc của sách triết, hãy thử ví dụ nó với một môn thể thao cũng thật khó khăn, đó là nhào lộn: Nếu triết học là một môn học mà đối tượng của nó là những vấn đề cốt lõi, vấn đề sâu xa nhất con người mong muốn được biết và được thể hiện ở hai mặt: bản chất của thế giới là gì hoặc thế giới vận hành như thế nào và vị trí của con người, năng lực của con người trong việc nhận thức đến bản chất hay cách thức vận hành của thế giới, thì nhào lộn, đối tượng của nó là những động tác sử dụng từ các bộ phận khác nhau của cơ thể, để vừa treo mình trên không, vừa sử dụng thời gian trên không mà tạo các tư thế nghệ thuật.
Một người cảm thấy sách triết khó đọc thì trải nghiệm đó cũng tương tự với một người thấy những người tập nhào lộn đang làm những điều ít ai làm được; tất nhiên, một người không học triết, hay một người không tập nhào lộn, thì họ vẫn sống thôi, họ vẫn trải nghiệm những điều mà họ được trải nghiệm, ví dụ người không biết đi xe đạp thì họ vẫn sống, chỉ là họ phải phụ thuộc vào người khác hoặc phải tự mình đi bộ, hoặc một người xấu số bị mù lòa, họ vẫn nghe, vẫn chạm được, chỉ là họ phải phụ thuộc nhiều vào những giác quan còn lại hơn. Nghe những ví dụ đó có vẻ khập khiễng, nhưng đó là cuộc sống mà các hiện tượng và thế giới luôn khách quan, còn trải nghiệm về hiện tượng và thế giới khách quan đó thì mang tính chủ quan và khác nhau đến mức thậm chí ở mỗi cá nhân, trải nghiệm về hiện tượng và thế giới của riêng bản thân họ cũng có thể là một thế giới riêng.
3. Quay lại về sự khó đọc của sách triết, nếu như một vận động viên nhào lộn phải tập những bài tập, những hoạt động mà người thường chẳng bao giờ tập, hoặc sẽ rất khó khăn cho người thường tập, thì sách triết cũng vậy.
Để đọc được sách triết, chúng ta cũng phải luyện tập như một vận động viên tập luyện, phải có quá trình xây dựng nền tảng, ở thể thao thì là thể lực, rồi sau đó là xây dựng phương pháp, phương hướng nghiên cứu, và quan trọng nhất chính là đọc tác phẩm đó nhiều lần cho đến khi không còn bị choáng ngợp bởi nó, và ít nhiều ta sẽ trải nghiệm được “à, hóa ra là như vậy”, giống như một vận động viên nhào lộn thực hiện được động tác đầu tiên. Sau đó, chắc chắn từ những kinh nghiệm mà chúng ta tự tổng hợp, việc đọc sách triết sẽ ít nhiều dễ dàng hơn và chúng ta có thể nắm bắt được nội dung rõ hơn. Khi đó, việc đọc những tác phẩm khó hơn nữa, như một vận động viên đã làm được một động tác đầu tiên, họ sẽ có năng lực để tập và hoàn thiện những động tác mình đã tập và tập những động tác khó hơn.
Chúng ta phải thấy rằng, hầu hết con người đều không học triết, cũng không là vận động viên nhào lộn, và nhiều người cho rằng: “học triết làm gì, tập nhào lộn làm gì, một cái thì khó hiểu mà chẳng giúp ích cho cuộc sống, còn cái kia thì nguy hiểm mà cũng chẳng giúp ích gì cho cuộc sống, thế có ra tiền không?”. Rõ ràng, đối với những người đọc sách triết, họ sẽ có những trải nghiệm, hay sự hiểu biết về những trải nghiệm về vô vàn hiện tượng, thế giới xung quanh họ, và nếu một người thực sự nghiêm túc nghiên cứu triết học, chắc chắn việc hiểu chính bản thân và hiểu được thế giới mình đang sống cũng như có một tinh thần sống đúng đắn là một lợi thế của người đọc sách triết nói riêng và người đam mê học hỏi, nghiên cứu triết học nói chung.
4. Như Slavoj Zizek nói, hệ tư tưởng của con người hiện nay là sự tiêu thụ, hay “chúng ta buộc phải tiêu thụ”. Con người hiện nay thường gắn liền trải nghiệm của bản thân đến với sự hưởng thụ, ăn uống phải ngon, chơi phải vui mà không nguy hiểm, không quá mạo hiểm, giải trí phải li kì, thú vị mà không quá khó hiểu, đau đầu và nhạt nhẽo, thể thao phải hiệu quả mà không quá khó và nặng nề, làm không quá nhiều nhưng thú vị và đem lại nhiều tiền. Phim ảnh, sách self-help, đồ ăn nhanh, dụng cụ tập thể dụng tiện lợi… đều là những phương tiện giúp cho cuộc sống chúng ta dễ dàng và tiện lợi hơn rất nhiều, và hầu hết người bình thường, ai mà chẳng muốn mọi thứ thật tiện lợi, dễ dàng. Một điều chắc chắn, là nếu muốn đọc sách triết, cũng như nếu muốn tập nhào lộn, thì một người hãy quên đi sự tiện lợi, nhanh chóng hay dễ dàng, thay vào đó, một người sẽ phải dấn thân, sẽ phải hy sinh, thời gian, công sức, chất xám, nếu như là môn thể chất thì còn phải chịu chấn thương, nguy hiểm đến cơ thể.
Nhưng tại sao vẫn có người tập luyện những môn nguy hiểm này, tại sao vẫn có nhiều người học tập và nghiên cứu triết học, cuối cùng là tại sao nên đọc sách triết học? Để có nhiều tri thức hơn chăng, đều khoe với bạn bè chăng, để giác ngộ chăng? Tất cả những điều đó đều chỉ là yếu tố, là bề nổi của tảng băng chìm, quan trọng nhất, đó chính là mở rộng trải nghiệm, trải nghiệm của chính một cá nhân: Cảm giác một người sau nhiều lần ngã, cuối cùng cũng đi được xe đạp, cảm giác được điểm cao, cha mẹ khen sau một đêm trắng để ôn bài…, dù thật khác nhau, nhưng nó cũng giống như việc đọc được tác phẩm triết học đầu tiên mà hiểu, người vận động viên thực hiện thành công động tác đầu tiên. Marx nói bản chất con người là lao động sáng tạo, và đọc sách triết, như là một sự lao động mà trước hết, cải tiến và xây dựng cho bản thân mình một con mắt nhìn thế giới, và rồi sau đó, nếu một người thực sự có năng lực, đủ sự cống hiến và tự tin về con mắt nhìn thế giới của họ, thì cũng sẽ có người đồng tình và hướng theo, đây chẳng phải là con đường của các nhà triết học sao?
Tóm lại, Kierkegaard nói: “tự do là sự chịu khổ”, hay Slavoj Zizek nói để thoát khỏi hệ tư tưởng, chúng ta phải: “phản ứng một cách bạo lực lên chính bản thân”, thực ra hai quan niệm này chỉ đơn giản là: thành quả, không phải là cái gì đó dễ dàng, không phải là cái gì đó tiện lợi, để một người có được một con mắt nhìn thế giới mang tính triết học, rõ ràng hơn, có tinh thần hơn, hay để một người trở thành vận động viên nhào lộn, thì con đường thực sự gian truân, khổ sở, đau đớn, nhưng thành quả đem lại cho chúng ta, chắc chắn, ta sẽ có trải nghiệm về cuộc sống độc đáo hơn, có ý nghĩa hơn, thú vị hơn những người bình thường, những người chưa dám, hoặc sợ hãi, chưa dám thoát ra khỏi sự tiện lợi, sự dễ dàng mà dường như xã hội, nền kinh tế thị trường đem lại cho mỗi người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)