Những mạch sống tinh thần của đại học

06:21 CH @ Thứ Tư - 13 Tháng Tư, 2016

Ý Niệm Đại Học

Tác giả: Karl Jaspers
Dịch giả: Hà Vũ Trọng - Mai Sơn
Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức
Số trang: 164

Tác phẩm đã đoạt giải Sách Hay 2015, mục Giáo dục do Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức.

"Đi tìm chân lý bằng khoa học, cho nên nghiên cứu là nền tảng và là nhiệm vụ cốt lõi của đại học. Và vì sự hiếu tri luôn mong muốn thông báo đến người khác, nên việc giảng dạy là bộ phận thiết yếu gắn liền với nghiên cứu. Việc nghiên cứu khoa học - như là nỗ lực không mệt mỏi hướng đến chân lý - sẽ hình thành một mẫu người đặc biệt: mẫu người được đào luyện trong “tinh thần khoa học” hay trong “thái độ khoa học” theo cách nói của ông: “giáo dục đại học là năng lực dẹp bỏ những đánh giá riêng tư, tùy tiện, dành chỗ cho tri thức khách quan, dẹp bỏ ý muốn nhất thời, nhường chỗ cho sự phân tích vô tư những sự kiện”. Hướng đến tính “nhân văn” (Humanitas) trong sự thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy, nền giáo dục đúng nghĩa chỉ có thể hình thành trong sự trao đổi ý kiến “của mọi người với mọi người”, trong sự giao tiếp và truyền thông giữa người dạy và người học, và luôn trong mối quan hệ với cái toàn bộ, tức với tính “phổ quát” (Universalität) của các ngành khoa học. Như thế, theo Jaspers, đại học là sự hợp nhất giữa: “cơ sở nghiên cứu và giảng dạy, thế giới đào luyện, đời sống truyền thông, vũ trụ của các ngành khoa học”. Không một lĩnh vực hay khía cạnh nào được tách rời với các lĩnh vực hay khía cạnh khác, nếu không muốn phá hủy tính toàn bộ của đại học."

- trích Lời giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn

“Ý NIỆM ĐẠI HỌC” của Karl Jaspers tuy đã được biên soạn và biên dịch từ lâu nhưng thiết tưởng nó vẫn còn giá trị và thời sự tính của nó.

Nội dung gồm 3 phần không đều nhau: Phần I bàn về đời sống tinh thần nói chung; phần II về những mục tiêu của Đại học; phần III về những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của Đại học, trong đó phần II là quan trọng nhất nên được trình bày một cách dài rộng hơn hai phần kia.

Với phần I, qua những chương về bản chất của khoa học và bác học; rồi về tinh thần, hiện sinh con người và lý tính, sau cùng về văn hóa, chúng ta đọc thấy tinh thần triết học hiện sinh của tác giả, theo đó, ý nghĩa của mỗi cuộc đời con người là phải trực nhìn và thông hiểu được nguồn gốc và yếu tính thực tại với tư cách một con người biết suy tư và hành động một cách tự do không để mình bị nô lệ một cái gì ngoại tại. Trong tinh thần đó, Đại học mới được coi như nơi con người có quyền gặp gỡ lại chính mình qua hiện hữu và suy tư đích thực của mình. Do đó, phải từ bỏ mọi cách thức tư tưởng quen thuộc, mọi ước lệ xã hội và mọi tham dự nửa vời, phải từ bỏ mọi thái độ bề ngoài và phiến diện. Có thế Đại học mới trở thành một nơi con người có được tự do để tìm kiếm chân lý và giảng dạy chân lý, bất kể những ai muốn ngáng trở tự do ấy.

Theo đường hướng ấy, tác giả phân định một bên là khoa học, theo nghĩa hẹp, một bên là khoa học theo nghĩa rộng, nghĩa là bác học. Nói khác, trong khuôn khổ thông thường và cố hữu của khoa học thực nghiệm theo tinh thần Duy nghiệm xưa nay thì “chúng ta chỉ có thể thực hiện được một tri thức có giá trị phổ biến và chính xác về thực tại với điều kiện phải đứng trong một khuôn khổ những định lý mà ta biết thực rằng chúng chỉ có giá trị tương đối”. “Khoa học theo nghĩa hạn hẹp ấy thiết yếu bị giới hạn trong những cách thức sau đây: kiến thức khoa học về sự vật không phải kiến thức về Hữu thể. Kiến thức khoa học chỉ là kiến thức về cái đặc thù. Nó chỉ được quy hướng về những đối tượng được chỉ định một cách minh bạch chứ không quy hướng về Hữu thể”. Do đó khoa học ấy chỉ có tính cách vụ lợi.

Đối lập lại, “khoa học theo nghĩa rộng hay bác học còn phải được hiểu như một sự hiểu biết minh bạch nhờ vào những phương tiện lý trí và khái niệm. Hiểu theo nghĩa đó, sự suy tư không cống hiến ta những cái nhìn vào những vấn đề từ trước tới giờ xa lạ với ta, nhưng là soi sáng những gì thực sự ta muốn nói ra, ước muốn và tin tưởng. Theo nghĩa rộng ấy, khoa học được đồng hóa với lãnh vực của một sự tự thức sáng suốt”. Nói khác, kiến thức này đòi hỏi mỗi chúng ta phải hoàn toàn dấn thân vào đó nghĩa là phải sống những chân lý mình khám phá ra, vì khoa học đích thực còn phải là mục đích cho chính nó. Khoa học theo nghĩa rộng đó là triết học, “triết học chỉ có thể thực hiện được hoàn toàn những khả tính của nó với điều kiện nó phải sát cánh với khoa học, nhưng trong sự khác biệt với khoa học, và nhắm tới mục tiêu bên ngoài khoa học”.

Nói tóm, tuy thiết yếu khác về nguồn gốc, phương pháp và ý nghĩa nhưng khoa học và triết học lại liên hệ với nhau mật thiết, một bên khoa học dạy cho con người hiểu biết sự vật, một bên triết học dạy cho con người biết sống cuộc sống đời họ cho có ý nghĩa, với những kiến thức về sự vật.

Chỉ trong tinh thần đó, những gì thuộc Tinh thần, Hiện sinh của con người và lý tính mới trở thành cần thiết cho cuộc đời, tuy rằng xem ra không cần thiết nhiều cho khoa học theo nghĩa hạn hẹp, vì tinh thần là tiềm năng và sức mạnh cấu tạo những ý tưởng. Hiện sinh con người theo nghĩa đầy đủ nhất có nghĩa là mỗi con người phải nghiêm nghị và vô điều kiện dấn thân vào việc đi tìm cái siêu việt. Lý tính ngoan ngùy phải là một trí óc sẵn sàng cởi mở ra với ý nghĩa nội tại của vạn vật. Cả 3 yếu tố ấy hợp lại mới có khả năng huấn luyện con người tri thức thành một con người có văn hóa, tức là một lối sống nhân bản xây dựng trên những cổ học tinh hoa, những khoa học văn học và nhân văn, cộng thêm vào tinh thần thực tiễn của khoa học thực nghiệm theo nghĩa hạn hẹp. “Một lý tưởng giáo dục trong đó Nhân bảnThực tiễn của khoa học thực nghiệm nhập lại với nhau để soi sáng lẫn cho nhau.”

Với phần II, ba chức vụ thiết yếu của Đại học được đề nghị và phân tích một cách rất giáo khoa: một là Nghiên cứu, hai là Giáo dục, ba là Học hỏi. Trước hết, nếu mục tiêu của Đại học là theo đuổi khoa học và bác học thì công trình nghiên cứu và giảng dạy là con đường cộng tác vào sự tiến triển tinh thần nhờ đó chân lý mới có được ý nghĩa và trở nên hiển hiện được. Nên “một công trình giảng dạy ở Đại học chỉ có thể trở nên sống động được và thực sự hữu hiệu là nhờ ở bản chất của nó và bản chất ấy chỉ công trình nghiên cứu mới mang lại được”; “một cách lý tưởng chỉ có con người nghiên cứu lý tưởng mới là một giáo sư giảng dạy lý tưởng…”; “con người thanh niên phải nỗ lực nêu lên những thắc mắc. Họ phải học hỏi một cái gì cho có hệ thống và đi tận xuống căn rễ của nó”.

Thứ đến, không chỉ là môi trường để học hỏi và nghiên cứu, Đại học trên hết còn phải là trường huấn luyện những con người có nhân cách về nhiều phương diện. “Đại học là trung tâm văn hóa; do đó, giáo dục toàn diện con người là một điều cần thiết. Nhưng Giáo dục không phải là truyền đạt kiến thức đã thâu lượm được từ người khác sang cho những người thụ giáo một cách máy móc. “Một giáo sư chỉ lập lại máy móc nếu chính họ đã không tích cực tham gia một công trình nghiên cứu độc đáo nào đó”. Giáo dục cũng không phải chỉ là “Huấn nghệ” vì dạy nghề chỉ đòi hỏi một số lượng kiến thức nhiều hơn đối với người được huấn nghệ.

Trái lại, Giáo dục đòi hỏi một khác biệt về phẩm. Do đó “nhân cách (của giáo sư) phải được coi là một giá trị vô song, sự kính nể và lòng mến phục đối với giáo sư đòi hỏi một cái gì tương tự như “tôn thờ”. Vì vậy, sau cùng Giáo dục phải được hiểu và thực hiện theo phương pháp của Socrates, nghĩa là giáo sư và sinh viên phải cùng đứng trên một bình diện, nghĩa là cả hai đều phải được tự do. Ở đây Giáo dục không phải thụ động chấp nhận những lời giảng dạy như những hệ thống giáo điều mà phải là liên lỉ thắc mắc, nhưng cũng vẫn luôn luôn còn cảm thấy mình ngu dốt trước những huyền bí của thực tại và của cuộc đời. Như thế, vai trò của giáo sư không phải chỉ giảng dạy những gì tổng quát đã học lại được của người khác cũng không phải chỉ ban bố những mệnh lệnh, những cấm đoán tiêu cực, mà là “hộ sinh”, nơi đây người sinh viên chỉ thực sự được tận tình và tế nhị giúp đỡ mà không thay thế, để tự họ khai sinh những tài năng và những khả tính tiềm tàng nơi họ.

Sau cùng, công việc Học hỏi để mở rộng kiến thức ở Đại học còn đòi hỏi một kỹ thuật, một phương pháp và một bầu không khí đặc biệt hơn ở mọi nơi khác. Công việc ấy đòi hỏi những bài giảng, những cuộc hội thảo và những thực tập trong phòng thí nghiệm bằng những nhóm nhỏ ít người, rồi những thảo luận và tranh biện hoặc giữa giáo sư và sinh viên, hoặc giữa sinh viên với sinh viên. Những điều kiện ấy dần dà tạo được bầu không khí thân thiện giữa giáo sư và giáo sư, giữa giáo sư và sinh viên, rồi giữa sinh viên và sinh viên, nhờ đó việc học hỏi và nghiên cứu càng thêm hào hứng. Chỉ từ đó một trình độ tiến triển cao hơn và lý tưởng hơn ở Đại học mới thực hiện được. “Trong bầu không khí bác học ấy, sự thân thiện có thể bảo trì được qua sự tranh luận. Mỗi người chúng ta phổ biến cho nhau những gì đã khám phá được” vì ở đây, tranh luận không phải hoàn toàn để dành phần chiến thắng tối hậu về cho mình và do đó, tự đại. Một thái độ hiếu thắng như thế luôn luôn dẫn đến sự đổ vỡ trong tình thân thiện”. Vậy tinh thần tranh luận thực sự đại học đòi hỏi rằng “Hai phe chỉ tìm cách làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của những gì được đem ra bàn cãi.”

Chỉ với tinh thần tranh luận và học hỏi vô tư như vậy, dần dà giữa lòng mỗi đại học mới mọc lên được những “trường phái tư tưởng” ganh đua nhau mà không hiềm khích, thù ghét nhau. Những ý tưởng mới mẻ thường chỉ bắt nguồn từ những tập thể nhỏ bé. Một nhóm, hai, ba hoặc bốn người có được cảm hứng là nhờ sự trao đổi với nhau một số ý tưởng chung, rồi chính những ý tưởng này mới mở đường cho những trực giác và thực hiện mới khác.

Từ những “trường phái tư tưởng” đó, Đại học mới trở thành nơi quy tụ của nhiều môn học mới mẻ khác nhau và những vũ trụ quan khác nhau.

Chúng ta phải tâm niệm rằng ý niệm Đại học là một thành phần của con đường sống. Nó là lòng ham muốn nghiên cứu tìm kiếm không giới hạn, để trí óc được mở mang mà không bị hạn chế, để trí khôn được cởi mở, để không điều gì không bị tra vấn, để bảo trì chân lý một cách vô điều kiện, nhưng còn phải duy trì được tinh thần can trường của “sự dám làm” (sapere aude)”.

“Sự dám làm” ấy đòi hỏi rằng: tinh thần ham biết không thể bị chi phối bởi những giáo điều nào do tin tưởng mù quáng cả. “Đại học tự tách biệt mình với những bè phái, những giáo hội, và những nhóm người cuồng tín, là những gì thường hay muốn đem những nhãn quan của mình áp đặt trên kẻ khác”.

Trên đây là những gì thực sự thiết yếu cho mạch sống tinh thần của Đại học đã được tác giả phân tích và trình bày một cách chi tiết và sâu xa.

Từ chương 6 của phần II này trở đi, tác giả bàn tới tổ chức hành chánh và học vụ của đại học, tuy nhiên những phân tích và ý nghĩ của ông vẫn thấm nhuần tinh thần hiện sinh và nhân bản.

Sau cùng, với phần III, ông bàn về yếu tố nhân sự, theo đó những nhà chức trách của các Đại học phải biết phân biệt những loại năng khiếu của các nhân viên giảng huấn và tuyển chọn họ theo kế hoạch và phương thức nào đó. Với chương chót về những mối liên hệ giữa Đại học và nhà nước, tác giả còn tỏ ra rất độc đáo ở chỗ đã nhấn mạnh quyền thiêng liêng của Đại học vì sứ mệnh cao cả của nó. Trong đoạn về “Công việc tìm kiếm chân lý và những tương quan của nó với chính trị” ông viết: “Chính trị cũng có một chỗ đứng trong Đại học; nhưng không phải như một sức mạnh hiện hành, mà chỉ như một đối tượng để nghiên cứu. Nên một khi những lực lượng chính trị xâm nhập Đại học, thì ý niệm Đại học bị tổn thương.”

Điều đó có nghĩa rằng: đại học đòi hỏi một quyền tự do giảng dạy. Nhà nước bảo đảm cho Đại học quyền được theo đuổi những công trình nghiên cứu và giảng dạy mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào của những phe phái chính trị hoặc của một áp bức nào từ những ý hệ chính trị, triết lý, hay tôn giáo.”

Dưới những chế độ xã hội độc tài hà khắc, nguyên tắc tự trị ngàn đời ấy của Đại học còn cần được nhắc nhở hơn nữa; chính quyển “Ý niệm Đại học” này cũng đã được viết ra cuối triều đại độc tài của Hitler và vào lúc thất trận của Đức quốc vào thế chiến thứ 2, sau những tai họa cực kỳ trầm trọng bên ngoài cũng như bên trong đang đè nặng trên các Đại học Đức: sự tàn phá bên ngoài quá hiển hiện trên những đống đổ nát của các đô thị, sự tàn phá bên trong tuy ít lộ rõ hơn, nhưng lại trầm trọng hơn, vì trong ký ức của hàng ngàn sinh viên vẫn còn phảng phất những cảnh quăng ném sách vở để chạy theo tiếng loa phát thanh của Goebblels. Rồi chính những giáo sư cũng đánh mất tinh thần kiểm thảo vô tư, chỉ vì đã quá mù quáng tin tưởng vào những lý thuyết hấp dẫn của Đức quốc xã.

Tuy nhiên, giữa lòng sự tàn phá ấy, vẫn còn lại một thiểu số sinh viên cũng như giáo sư Đức can trường đứng vững trong lối sống có nhân cách và tự do tư tưởng, đến nỗi nhiều người đã phải trả giá đắt bằng chính sinh mạng của họ hay đã bị tù đày hoặc phát lưu. Nhiều người khác, như Karl Jaspers, tuy vẫn còn được tự do nhưng đã bị chế độ độc tài cấm đoán không cho phép giảng dạy và luôn luôn bị đe dọa. Chính những con người ấy duy trì và cứu vãn được danh dự cho các Đại học Đức. Nhưng còn hơn hẳn họ, Jaspers là người thứ nhất đã dám lên tiếng hô hào xây dựng lại những Đại học Đức tự nền tảng, ngay sau triều đại độc tài như ác mộng của Đức quốc xã.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Câu chuyện nhân quả tại đại học Stanford

    15/08/2016Đây là một câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1892 tại trường Đại Học Stanford. Một sinh viên 18 tuổi đang cố xoay sở để trả học phí. Cậu mồ côi và không biết nhờ cậy vào ai để xin tiền. Rồi cậu nghĩ ra một cách thật hay ho.
  • Đại học Chicago: 100 năm và độc lập như cổ tích

    28/05/2015Phó Đức TùngNghe danh đại học Chicago đã lâu, với những trường phái kinh tế, xã hội học, nhân học, tâm lý học v.v. hàng đầu thế giới. Hôm nay mới được qua xem tận nơi. Rất tiếc là trời hơi mưa, không đi bộ được, nên chỉ ngồi trên xe lượn quanh một vòng...
  • Đại học: Ao tù hay bệ phóng tri thức?

    24/02/2014Quan niệm chung trên thế giới (và có lẽ cả ở Việt Nam) cho rằng trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo, truyền thụ tri thức mà còn là nơi sản sinh ra tri thức.
  • Tinh thần Đại học

    28/06/2011Nguyễn Thị Từ HuyNhững suy nghĩ trong bài viết này tập trung xung quanh một vấn đề: thế nào là tinh thần đại học. Những gì được nói ra ở đây cũng không phải là mới mẻ, tuy thế dường như đã bị lãng quên hay chưa được ý thức đầy đủ. Những suy nghĩ này cũng không có tham vọng bao quát hết mọi phương diện, mà chỉ dừng lại ở những phương diện đã không còn gây tranh cãi khi các nhà giáo dục thế giới đề cập đến giáo dục đại học...
  • Cần một phương pháp học ở đại học

    31/08/2005Nguyễn PhanĐã nộp xong luận văn và chỉ hơn một tuần sau sẽ bảo vệ tốt nghiệp tại khoa xây dựng (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM), nhưng SV Đ.H.T. (khóa 99) đã đột ngột ra đi. Kết luận sau khi giám định pháp y cho thấy SV T. đã chết vì nhồi máu cơ tim. Hậu quả tất yếu của việc học căng thẳng và không khoa học. “Bình thường T. học đến 3g30 sáng và hôm sau ngủ bù đến khi ăn cơm trưa.
  • Vinh quang đại học hay áp lực tù đày: Những khác biệt từ quan niệm

    20/08/2003Có một sự khác biệt rất lớn trong giáo dục phổ thông giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Vì nhiều lý do, mục tiêu tối hậu của đại đa số các gia đình ở Việt Nam là làm sao để con em có thể vào được đại học. Chính vì thế, áp lực "đậu đại học" năm này qua năm khác cứ liên tục đè nặng lên vai những cô cậu học trò trẻ tuổi.
  • Cần đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học

    23/07/2003Trong cải cách giáo dục (CCGD), có lẽ do quan niệm phải cải cách tuần tự từ lớp 1 trở đi đến lớp 12 nên trong những năm qua ta đã chú trọng quá nhiều đến bậc PT, còn việc CCGD đại học (ĐH) cho đến hiện nay vẫn chưa được chú trọng ngang bằng...
  • Minh triết đại học đến từ đâu?

    28/05/2003Đã từ lâu, bất cứ ai quan tâm đến nền giáo dục đại học đều nhận thấy rằng lối giảng dạy như hiện nay không thể nào kích thích được năng lực tư duy độc lập, phát triển óc phê phán, biết hoài nghi khoa học, biết và dám không phục tùng ngụy lý, biết và dám phê phán cái lạc hậu, cái sai lầm nơi người học Tức là lối giảng dạy đó không thể mang lại sự "minh triết” cần phải có của một nền giáo dục đại học "chính danh". Tại sao lại như thế vậy, cái gốc của tình trạng này hệ tại ở đâu?
  • xem toàn bộ