Sự thuận lý của hệ thống
Hội nhập không đồng nghĩa với việc nâng cấp tính cạnh tranh của mình. Hội nhập sẽ không bảo đảm được sự đổi đời. Để Việt Nam tiếp tục là một thị trường cung ứng nhân lực với giá rẻ mãi mãi là một nền kinh tế tiềm năng hay sẽ tăng tốc năng lực cạnh tranh của người dân Việt đầy năng khiếu kinh doanh? Đó sẽ là quyết định của người Việt và chỉ người Việt mà thôi...
Hội nhập toàn cầu là một thế tất yếu để mở rộng thị trường và để được (hy vọng) đối xử bình đẳng với một luật chơi chung minh bạch hơn và đồng nhất Không hội nhập thì sẽ mất sân chơi, chịu một luật chơi khắp khe hơn, trọng tài cũng không thân thiện khi có xung đột quyền lợi, như vậy chắc chắn sẽ mất dần tính cạnh tranh. Nhưng, hội nhập không đồng nghĩa với nâng cấp tính cạnh tranh của mình. Hội nhập sẽ không bảo đảm được sự đổi đời. Nhiều nước vào WTO hàng chục năm nay và có nhiều lợi thế địa lý, tài nguyên, thị trường (như Mexico) mà vẫn èo uột, mặc dù kim ngạch xuất khẩu đã tăng bốn, năm lần trong mười năm qua. Điều kiện đủ để đổi đời là nghiêm khắc nhìn lại những điều kiện nội tại và cương quyết có biện pháp điều chỉnh tức thời.
Các yếu tố hội nhập toàn cầu và công nghệ thông tin chỉ là những hằng số trong phương trình cạnh tranh. Ai cũng có cơ hội tiếp cận thông tin và thị trường tương đối như nhau. Nhưng mỗi quốc gia vì hoàn cảnh đặc thù lại có những điều kịên nội tại khác biệt. Những nước gia nào biết tự mình cởi trói cho mình thì sẽ có cơ hội "tập huẩn” trên một mặt phẳng, phát lên thể lực tốt để có cơ hội thành công trên đấu trường. Những quốc gia nào không chịu tự cởi trói, lại còn bắt vận động viên (doanh nghiệp) của mình “tập huấn" trên một sân vừa nghiêng vừa lắc thì sẽ không có đủ điều kiện thể lực để cạnh tranh.
Với một sân chơi toàn cầu ngày càng thu nhỏ, cường độ của cuộc chơi sẽ nhanh hơn, có va chạm nhiều hơn. Chỉ có những ai có thể lực tốt nhờ được lớn lên, chăm chút trong một môi trường tốt mới có khả năng thi đấu tốt.
Trong tương lai, bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu sẽ vẫn có một số nền kinh tế đó. Tất cả đều chịu ảnh hưởng những điều kiện ngoại tại giống nhau (ngoại trừ một vài nước có hoàn cảnh đặc biệt). Nhưng sẽ có một số nước bị hoặc được đổi ngôi. Yếu tố quyết định cho sự đổi ngôi sẽ tùy vào khả năng cải thiện điều kiện nội tại của từng nước.
Việt Nam thường được đánh giá là có nhiều "tiềm năng”. Trong thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả những “đại gia" của Wall Street Mỹ, bắt đầu tích cực ngắm nghía thị trường Việt Nam, vì họ hi vọng khi Việt Nam trở thành một thành viên của WTO thì môi trường chính sách trong nước sẽ có yếu tố "ổn định", nghĩa là hiếm có những thay đổi lớn và bất ngờ. Nhưng các “đại gia" này sẽ không làm được cái việc "đổi đời” cho người dân Việt. Khẳng định giá trị của Việt Nam sẽ chỉ là việc của người Việt của ý chí và tiềm năng Việt.
Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam được vào trong một sân chơi mới, lớn hơn, với nhiều luật chơi phức tạp hơn. Tuy nhiên đây là một sân chơi bằng phẳng, luật chơi có phức tạp nhưng, minh bạch. Luật chơi của WTO như vậy sẽ cho phép doanh nhân trong nước khả năng dự đoán tình huống của cuộc chơi. Doanh nhân trong nước sẽ có cùng những thách thức về thông tin không khác gì những đồng nghiệp của họ ở bất cứ đâu. Không một nhà sản xuất ở bất cứ nước nào có thể biết rành luật lệ WTO hay có sẵn thông tin của bất cứ thị trường nào họ muốn xâm nhập. Khi cần thì họ sẽ sử dụng những dịch vụ tư vấn về pháp lý, thị trường. Việt Nam đã có sẵn những dịch vụ chuyên nghiệp này trong nước. Trong vài năm qua. những dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đã phát triển đáng kế, từ tư vấn quản lý, tổ chức doanh nghiệp, đến nghiên cứu thị trường, thủ tục xuất nhập khẩu, pháp lý... Các dịch vụ này đã có thừa khả năng và sẵn sàng hỗ trợ thông tin để giúp doanh nghiệp chuẩn bị đối đầu với những thử thách mới. Như vậy điều kiện từ bên ngoài không phải là một ẩn số phức tạp mà là một hằng số trong bài toán hội nhập. Ẩn số còn lại và là yếu tố quyết định cho sự thành công trong hội nhập quốc tế là môi trường kinh doanh trong nước và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước. Đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Giá trị quan trọng nhất cho một môi trường kinh doanh tôi là sự “thuận lý” của hệ thống pháp lý và hành chính. Sự thuận lý chỉ có hai điều kiện chính là “sự dễ hiểu” và “sự dễ dàng tuân thủ”. Không một doanh nhân nào, ở bất cứ một xã hội nào, muốn vi phạm pháp luật để bị phạt tiền, tù tội. Nhưng khi pháp luật mập mờ, thủ tục hành chính chồng chéo thì doanh nhân dễ bị nhũng nhiễu, làm họ giảm tính cạnh tranh hoặc ngay doanh nhân cũng có cơ hội lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thu lợi bất chính. Nói chung, doanh nhân bất cứ ở đâu cũng là người tính toán. Khi họ không có lòng tin vào môi trường kinh doanh thì họ chỉ làm ăn “manh mún”. Khi sự tuân thủ pháp luật quá khó khăn, đòi hỏi họ phải trả một giá cao hơn cái giá chấp nhận rủi ro phá luật thì họ sẽ phá luật. Một môi trường kinh doanh tốt phải song song với một xã hội có tính pháp trị cao. Tính pháp trị cao không phải từ sự áp đặt và hình phạt mà phải từ sự đồng thuận của xã hội xuất phát từ sự thuận lý của hệ thống.
Sự thuận lý của hệ thống làm tăng tính dự đoán được của môi trường kinh doanh và từ đó giúp doanh nghiệp phát triển tính cạnh tranh của họ. Việt Nam đã có cái đáng quý nhất và cần nhất là yếu tố con người. Phải nói rằng Việt Nam may mắn có một thế hệ doanh nhân rất đặc biệt. Họ là sản phẩm của một truyền thống kinh doanh năng nổ. Họ có một khả năng sinh tồn rất cao nhờ đã trưởng thành trong một hoàn cảnh kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn. Và hơn nữa một điều chung nhất có thể khẳng định được là chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam mà người dân có được những cơ hội kinh tế như ngày hôm nay. Đây chính là yếu tố thúc đẩy quan trọng và là một cơ hội lịch sử để Việt Nam tận dụng tiềm năng nhân lực của doanh nhân trong nước. Sự thành công của Việt Nam trong vận hội mới tùy thuộc vào can đảm và quyết tâm của giới lãnh đạo để kịp thời điều chỉnh hệ thống vào vòng thuận lý.
Tất cả mọi sự thay đổi đều có cái giá của nó. Nhưng cái giá phải trả cho sự thay đổi sẽ rất nhỏ so với cái lợi chung to lớn cho toàn xã hội, chưa kể đây cũng chỉ là cái giá phải trả nhất thời. Hơn nữa với điều kiện địa lý chính trị của mình, Việt Nam không thể bỏ phí cơ hội phát triển nhanh chóng và bền vững để có thể đối đầu hữu hiệu với những thách thức chính trị, chiến lược để khẳng định chỗ đứng của mình trong chính trường khu vực và toàn cầu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005