Sự thành đạt
Trong Phật giáo Đại thừa, sự thành đạt về vật chất không tách lìa với sự thành đạt về tinh thần. Nói cụ thể thì sự thành đạt nơi thế gian không tách lìa với sự giải thoát; sự thành đạt về danh tướng không tách lìa sự thấu đạt tánh không. Chính do sự không tách lìa này trong tư tưởng Đại thừa mà sự thành đạt thế gian trở thành một phương tiện thiện xảo để lợi mình lợi người.
Sự thành đạt là một giá trị sống của con người, ở Tây Phương cũng như Đông phương. Đặc biệt, Tây phương rất chú trọng đến phát triển xã hội và sự thành đạt trong mặt xã hội của mỗi cá nhân nên về kinh tế xã hội, họ luôn luôn đi trước. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, các loại sách “học làm người” có một bước tiến mới. Những cuốn sách này được dịch ở Việt Nam khá nhiều, ở đây chỉ nêu vài cuốn tiêu biểu: Hãy nghĩ như người thành đạt của Walter Doyle Staples (Nguyễn Lan Hương biên dịch, NXB Trẻ, 2003); Sức mạnh tinh thần tiến vào thế kỷ 21 của John Kehoe (Lê Tôn Hiến dịch, NXB Trẻ, 2004); Dám suy nghĩ để thay đổi cuộc đờicủa Marilee Adams (Trí Việt, 2004); Bí mật của may mắn của A. Rovira và de Bes (Trí Việt, 2005)…
Điểm then chốt, nguyên lý then chốt trong những cuốn sách trên là sức mạnh của suy nghĩ, của tư tưởng, và chính điều đó sẽ làm thay đổi hoàn cảnh sống. Muốn có sự thành đạt, may mắn, cơ hội… thì phải có tư tưởng về thành đạt, may mắn, cơ hội ở trong tâm thức chúng ta. Wiliam James nói: “Sức mạnh lay chuyển thế giới nằm trong tâm thức bạn”. Còn Abraham Maslow thì cho rằng: “Con người có sẵn tương lai trong chính mình, một tương lai sống động ngay trong hiện tại”.
Sau đây chúng ta đọc một số ý kiến của John Kehoe: “Bằng nỗ lực của ý thức, bạn có thể tưởng tượng một cách sáng tạo một sự kiện trong óc mình thật chi tiết, nó sẽ tự động trở thành một phần lưu trữ trong bộ nhớ của bạn”. Như vậy, “bạn đã đặt lại chương trình cho trí óc để đạt được thành công”. Nói như tiến sĩ Staples: “Mỗi ngày hãy dành ra 15 đến 20 phút để nhắc đi nhắc lại, nói to điều bạn muốn trong trạng thái thư giãn của trí óc”.
“Chúng ta sống trong một mạng năng lượng khổng lồ. Khi bạn bắt đầu ghi khắc sự thành công vào tiềm thức bạn thì nó sẽ tạo ra một dao động năng lượng liên tục trên toàn hệ thống. Tiềm thức hoạt động ngày đêm với dao động thành công này sẽ kéo theo con người và hoàn cảnh mà bạn đang cần để thành công… Khi bạn hợp nhất tinh thần và cảm xúc với điều mà bạn muốn thể hiện thì các lực sáng tạo trong tiềm thức bạn sẽ đáp ứng theo. Sự suy tư và tưởng tượng về hình ảnh khi đã tạo nên thói quen có khả năng đúc khuôn thành thực tế và tạo ra định mệnh chung cục của bạn”.
John Lennon không giấu giếm sở thích của ông với khoa huyền bí và sức mạnh tinh thần. Lời nhạc của ông trong ca khúc Mind Games:
Chúng ta đang chơi trò nội tâm
Tạo dựng tương lai bằng chính phút giây này…
“Lennon đã biết sử dụng cả thuật tưởng tuợng và thuật xác quyết, ông nói: ‘Chính tâm trí tôi đã khiến điều ấy xảy ra’ và trong bài Beautyful Boys mà ông đã viết cho con trai, ông đã hát: ‘Trước khi đi ngủ, hãy đọc lời kinh ngắn này. Mỗi ngày và mọi ngày, đời càng tốt đẹp hơn’; ‘Bạn nghĩ bạn là ai? Một siêu sao ư? Vậy thì đúng rồi, bạn đang là siêu sao đấy’…”.
Chúng ta sẽ có những nhận xét về chủ đề này, những nhận xét sau đây sẽ đặt nguyên lý then chốt đó vào một bối cảnh toàn diện hơn, nghĩa là bổ túc cho nó bằng những định luật khác của cuộc sống.
Trước hếtchúng ta thấy rằng đây là một định luật thuộc về cuộc sống tâm thức đã được khám phá từ lâu. Chẳng hạn trong tông Duy Thức (thế kỷ thứ IV sau Tây lịch) có nói rằng: “Chủng tử (hạt giống) sinh hiện hành”, nghĩa là hạt giống đã gieo vào trong tâm thức sẽ sinh ra sự việc trong đời sống vật chất. Chúng ta có gieo hạt giống thành đạt (mỗi ngày nghĩ về nó 5 đến 10 phút), có in niềm tin thành đạt vào trong tâm thức thì khi hạt giống đó đủ sức mạnh và thuận duyên ở ngoài, nó sẽ hiện hành trên bình diện vật lý cụ thể. Sự quán tưởng (gieo hạt giống vào tâm thức) để làm phát sinh những đức tính tốt là một ứng dụng của định luật này để cho chủng tử sinh hiện hành một cách nhanh hơn, trọn vẹn hơn. Chúng ta có thể nghiên cứu điều này trong Duy Thức.
Nhận xét thứ hai, sự thành đạt được thể hiện rất rõ trong Phật giáo. Những vị Bồ tát được nói đến trong kinh điển đều thành đạt và dùng sự thành đạt đó như một phương tiện để giáo hóa. Những con người cụ thể trong lịch sử Phật giáo cũng thế: vua Asoka (Ấn Độ, thế kỷ III trước Tây lịch), thái tử Thánh Đức (người lập ra hiến pháp Nhật dưa trên kinh Pháp Hoa, thế kỷ IV), vua Trần Nhân Tông (Việt Nam, thế kỷ XIII)… họ đều là những người thành đạt.
Nhận xét thứ ba, chắc chúng ta cũng đồng ý với phát biểu của Stephan R. Covey: “Gieo một tư tưởng gặt một hành động, gieo một hành động gặt một tập quán, gieo một tập quán gặt một tính cách, gieo một tính cách gặt một số phận” (The seven habits of highly effective people). Trong bối cảnh Đông phương, nhất là Phật giáo, vấn đề không phải là gieo, là nhắc đi nhắc lại mà vấn đề là gieo gì và lập đi lập lại điều gì. Vì định luật chủng tử sinh hiện hành vẫn nằm trong một định luật khác bao quát hơn, đó là định luật nhân quả. Nói cụ thể, nếu không đặt nền trên định luật nhân quả thì việc gieo tư tưởng vào tâm thức có thể đưa chúng ta đến chiều hướng xấu hơn, làm hại mình, hại người hơn, nhất là khi tư tưởng đó, hạt giống đó không phải là một tư tưởng tốt, hạt giống tốt. Và chúng ta sẽ chịu hậu quả lâu dài về việc này.
Nhận xét thứ tư, nếu chúng ta gieo hạt giống lợi mình, lợi người (về vật chất lẫn tinh thần) theo chiều tốt đẹp, nâng cấp cho mình và cho người thì đây là điều mà Phật giáo gọi là Bồ đề tâm. Và khi gieo (phát) Bồ đề tâm như vậy, những tư tưởng và hành động tốt của chúng ta sẽ tương tác với những tư tưởng và hành động của những người khác trong cùng một chiều hướng, một trào lưu tiến bộ. Chính trào lưu ấy, cộng nghiệp ấy, những lực bên ngoài ấy sẽ tác động lên tư tưởng và hành động của chúng ta, thúc đẩy nhanh hơn và làm cho mạnh thêm sự thành đạt theo hướng thiện hạnh của riêng chúng ta. Ví dụ, nếu một giọt nước với khả năng của riêng nó thì khó vươn tới một độ cao, nhưng khi giọt nước ấy được thả vào một làn sóng, giọt nước ấy nhờ sức mạnh của làn sóng mà vươn tới đỉnh sóng. Như vậy, nếu có nhiều người cùng gieo tư tưởng và hành động tốt đẹp thì chúng ta không chỉ gặt một số phận tốt đẹp cho riêng mình mà còn gặt được cả một số phận đẹp cho cả một xã hội, một dân tộc.
Nhận xét thứ năm, trong Phật giáo Đại thừa, sự thành đạt về vật chất không tách lìa với sự thành đạt về tinh thần. Nói cụ thể thì sự thành đạt nơi thế gian không tách lìa với sự giải thoát; sự thành đạt về danh tướng không tách lìa sự thấu đạt tánh không. Chính do sự không tách lìa này trong tư tưởng Đại thừa mà sự thành đạt thế gian trở thành một phương tiện thiện xảo để lợi mình lợi người.
Suy nghĩ cặn kẽ và hành động theo những điều trên sẽ đưa mỗi người chúng ta đến với thành đạt, tức là tìm thấy ý nghĩa sự hiện hữu của mình trên đời này. Và sự thành đạt của mỗi người không chỉ cho riêng người ấy mà còn kéo theo sự thành đạt của cuộc sống người khác về vật chất lẫn tinh thần. Như thế, sự thành đạt trong cuộc sống một cá nhân là sự vinh danh ý nghĩa cho cuộc sống của nhiều người, cho toàn bộ xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005