Có rủi ro mới thành đạt
Can đảm, biết chấp nhận rủi ro và mạo hiểm là những đức tính vô cùng cần thiết cho những người có tham vọng trở thành một doanh nhân thành đạt, trong một thế giới đầy thử thách và biến động như ngày nay.
Nếu bạn còn cảm thấy chùn bước trước sự mạo hiểm, hãy thử làm theo 5 lời mách nhỏ dưới đây. Có thể chúng sẽ giúp bạn khơi dậy trong mình ý chí dám xông lên và giành thắng lợi.
1. Biết ước mơ và theo đuổi đến cùng
Biết ước mơ là một điều đáng quý, nhưng biết theo đuổi ước mơ đó mới thực sự đem lại cho ta thành công trong đường đời. Hãy đừng để ai cướp đi ước mơ của mình một cách phi lý và đáng tiếc. Chắc hẳn bạn đã từng gặp những bậc "lão làng" từng trải trong nghề, kinh nghiệm đầy mình. Lúc nào họ cũng có thể đưa ra hàng trăm ngàn lý do khuyên bạn không nên làm một công việc mà bạn đang định thực hiện. Những dự định tốt đẹp trở nên tiêu tan khi những bậc "tiền bối" đưa ra những lời khuyên chân tình: đã từng có những người thực hiện công việc đó và gặp thất bại thảm hại; tiến hành dự định đó chỉ tốn thời gian và công sức một cách vô ích.
Giám đốc một công ty in ấn lớn ở Mỹ nhớ lại lần trò chuyện với một cô kế toán trong công ty. Ước mơ của cô ta là trở thành kế toán trưởng hoặc có thể mở công ty riêng. Mặc dù chưa tốt nghiệp trung học, tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng cô ta vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Ông giám đốc đã cảnh tỉnh cô: "Đúng là cô có kĩ năng làm kế toán rất tốt, nhưng với trình độ học vấn của cô, theo tôi nên có cái nhìn thực tế hơn". Tức trí vì câu nói này, cô kế toán lập tức xin bỏ việc và theo đuổi ước mơ của mình. Cô thành lập một dịch vụ kế toán mà đối tác là chủ của những công ty nhỏ, họ sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Giờ đây, cô đã là chủ của 5 văn phòng kế toán có uy tín ở Mỹ.
Thực ra, không ai có thể biết được hết khả năng của người khác. Đặc biệt khi những khả năng đó được chắp cánh bởi niềm đam mê và những ước mơ cháy bỏng, nó giúp họ không chùn bước trước những khó khăn, trở ngại.
Balbala Glogan, Chủ tịch một công ty xây dựng và tư vấn, khuyến cáo: "Điều quan trọng nhất đối với bạn khi khởi đầu một công việc là đừng để những người khác đánh cắp mất ước mơ của mình. Thế giới đầy rẫy những kẻ bi quan và nhụt chí. Họ có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ, nhưng những kinh nghiệm đó chỉ làm cho ta trở nên giống họ. Bạn hãy chỉ nên tin tưởng vào khả năng của mình và biến những ước mơ thành hiện thực".
2. Chớ nóng vội, hãy làm từng bước!
Ông Robent J.Rriegel, huấn luyện viên trượt tuyết đã nhận ra những giá trị quý báu từ kinh nghiệm dạy mọi người tập trượt trên những đoạn dốc khó. Khi đến bên dốc, học viên thường nhìn xuống, dán mắt nhìn theo các hố tuyết nối dài tới cuối chân núi. Vì thế họ cảm thấy sợ, không dám lao xuống. Để giúp học viên, Robent khuyên họ chỉ nên nhìn hố tuyết trong tầm mắt, không nên nhìn xuống tới chân núi. Vượt qua hết hố tuyết này rồi đến hố khác. Cứ như vậy mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng. Và lời chỉ dẫn tỏ ra hiệu quả. Học viên đã chỉ tập trung vào cái mà họ có thể làm được trước mắt: vượt qua những hố tuyết nhỏ để rồi chinh phục cả một đoạn dốc núi cheo leo. Tương tự như vậy, khi bắt tay vào việc, bạn đừng nên tập trung vào toàn bộ công việc. Hãy chia nó thành những công đoạn nhỏ, rồi thực hiện từng bước một. Sau khi hoàn thành một công đoạn, bạn sẽ có thêm say mê trong công việc và vững tin vào thành công.
3. Đừng bao giờ nói "không"
Đôi lúc, khi đối mặt với một tình huống mới người ta thường bỏ quá nhiều thời gian và công sức để đề phòng tình huống xấu xảy ra. Có lần, một nữ luật sư trẻ tuổi tỏ ra lo lắng và hồi hộp. Cô ta không biết nên hành động ra sao trong phiên tòa đầu tiên của mình. Một người hỏi cô đã tạo ấn tượng gì với các thành viên bồi thẩm. Cô ta trả lời: "Tôi không muốn tỏ ra thiếu kinh nghiệm, quá trẻ hoặc còn ít từng trải. Tôi không muốn họ nghi ngờ rằng đây là phiên tòa đầu tiên của tôi".
Cô luật sư đã rơi vào cái bẫy của những ý nghĩ bi quan. Điệp khúc "không" lặp đi lặp lại là một dạng của việc đặt mục tiêu sai lầm. Những từ "không" sẽ làm bạn cảm thấy tự bằng lòng và chệch hướng. Khoa học đã chứng minh rằng hình ảnh hiện lên trong não sẽ tác động lên hệ thống thần kinh, khiến ta sẽ hành động đúng như trong suy nghĩ. Ví dụ như khi một người chơi golf tự nhủ: "Đừng đánh bóng xuống nước''. Hình ảnh quả bóng rơi xuống nước sẽ hiện lên trong đầu anh ta. Khi anh ta thực hiện cú đánh, quả bóng sẽ lăn xuống nước thật.
Vì thế, trước khi đối mặt với một tình huống căng thẳng, bạn hãy tập trung suy nghĩ tới những điều bạn muốn, chứ không phải là những điều bạn không muốn. Sau đó, cô luật sư nói: "Tôi muốn mình tỏ ra lành nghề và tự tin". Cô ta suy nghĩ về diễn biến của phiên tòa sắp tới. Cô nói: "Tôi sẽ đi lại một cách tự tin trong phòng xét xử. Tự tin trong ánh mắt khi nhìn nhân chứng và bồi thẩm đoàn; tự tin trong lời nói và cử chỉ khi diễn thuyết". Cô ta cũng liên tưởng tới hình ảnh chiến thắng trong phiên tòa. Kết quả thật đúng như mong muốn. Vài tuần sau, cô đã thắng trong phiên tòa đầu tiên của mình.
4. Đặt những nguyên tắc cho riêng mình
Phần lớn những người thành đạt thường có cách suy nghĩ vượt ra khỏi những quy phạm thông thường. Thay vì "xào nấu" lại những công thức cũ kỹ, họ sáng tạo nên những điều mới lạ. Khi được tham gia đội tuyển trượt tuyết quốc gia Pháp vào đầu những năm 60, Jean - Claude Killy đã hạ quyết tâm phải luyện tập hết sức mình để trở thành người giỏi nhất. Sáng tinh mơ, anh đã thức dậy và chạy lên những dốc núi với đôi bàn trượt. Tối đến, anh tập cử tạ, chạy, làm mọi việc để có thể đạt phong độ tốt nhất. Nhưng rồi Killy chợt nhận ra rằng luyện tập không thôi vẫn là chưa đủ. Anh bắt đầu nghĩ tới việc thay đổi kỹ thuật trượt để rút ngắn thành tích.
Sau hàng tuần thử nghiệm, anh đã thành công với kỹ thuật trượt mới. Nó dường như đối ngược hoàn toàn với kỹ thuật truyền thống. Lối sử dụng que trượt của Killy cũng khác lạ. Nhờ có những kĩ thuật mới này, thành tích của anh được rút ngắn đáng kể. Vào hai năm 1996 - 1997, Killy đã giành được dường như trọn vẹn các danh hiệu cao quý nhất trong làng trượt tuyết tốc độ. Năm 1998, anh giành 3 huy chương vàng tại Đại hội Olympic mùa đông, một kỷ lục vẫn chưa ai phá nổi. Điều mà Killy đúc rút cũng chính là bí quyết của những người thành đạt: sự sáng tạo không đòi hỏi tố chất thiên tài.
5. Biết rút ra bài học từ sai lầm bản thân
Dù bạn có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, một điều chắc chắn là khi bắt tay vào công việc mới, bạn sẽ phạm sai lầm. Vấn đề không phải ở đó, mà là bạn có đúc rút được gì sau những sai sót đó không. Valter Wriston, cựu Chủ tịch Hãng Citicorp danh tiếng, đã nói: "Mắc lỗi không phải là điều đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là không rút ra được bài học từ những sai lầm đó".
Khi Jim Burke trở thành trưởng phòng quản lý sản phẩm mới của hãng Johnson & Johnson, một trong những dự án của anh ta là phát triển sản phẩm phấn xoa ngực cho trẻ em. Sản phẩm bán không chạy, dự án bị sụp đổ hoàn toàn. Jim Burke chờ đợi điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với anh. Nhưng khi gặp Chủ tịch Hãng, Jim đã ngạc nhiên trước sự đón tiếp nồng hậu. "Có phải anh chính là người vừa tiêu tốn của công ty một lượng tiền lớn đó không?'' - Chủ tịch Robert Wood Johnson hỏi và nói tiếp: "Tôi lại muốn chúc mừng anh . Việc anh phạm sai lầm chứng tỏ anh dám mạo hiểm. Chúng ta không thể phát triển nếu không mạo hiểm". Vài năm sau, Jim Burke trở thành người kế vị xứng đáng của Robert. Anh ta vẫn thường nhắc lại câu nói đó với nhân viên của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý