Làm thế nào để thành đạt?

04:58 CH @ Thứ Tư - 11 Tháng Chín, 2013

Mới đến TP.HCM chiều thứ hai, sáng thứ ba đọc báo trong nước thấy một tin hay, sáng thứ tư Jack Canfield đã đưa tin đó vào bài diễn thuyết của mình, chiếu rõ to lên màn hình:

“Thủ tướng Việt Nam yêu cầu TP.HCM từ nay đến cuối năm tăng GDP lên 13%”.

Cử tọa vỗ tay reo ầm. Hầu hết họ là các nhà doanh nghiệp, trong đó giới trẻ chiếm khoảng 35%, có cả những người trẻ thật trẻ tự bỏ ra 300 USD để được nghe thuyết giảng về “các nguyên tắc để thành đạt”. Tưởng Jack sẽ phân tích, nhận xét gì mục tiêu đó, nào ngờ ông chiếu tiếp một slide lên màn hình:

“Jack Canfield muốn các bạn tăng 200% thu nhập trong hai năm tới”.

“Tổ sư làm giàu” này, tác giả của bộ sách gối đầu giường của thời đại tân thời Chicken Soup For The Soul, đã có một tài sản tàm tạm gồm 110 đầu sách với hơn 100 triệu bản phát hành trên thế giới bằng 46 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có hơn 60 quyển trong danh sách bán chạy nhất của New York Times... Không có những gì trừu tượng, trên trời dưới biển trong những nguyên tắc thành đạt. Jack Canfield nói rằng khả năng thành đạt này đang “có sẵn nơi mỗi người”: “Cuộc đời là một cái ổ khóa bằng mã số. Nếu biết mã đó, cho dù bạn là ai, khóa sẽ phải mở”.

Cách nhập đề tả chân theo kiểu “tăng đôi thu nhập” này quả là xa lạ đối với những ai thuộc thế hệ gối đầu với những “sách học làm người” mang tính “quốc văn giáo khoa thư” như Đắc nhân tâm hay Quẳng gánh lo đi của Dale Carnegie, Con người, niềm bí ẩn đó của Alexis Carrel hoặc Tâm hồn cao thượng của Edmond de Amicis...! Vài người sửng sốt khi nghe nhập đề mang màu sắc “kim tiền” như thế! Một nhà báo lớn từng có chức sắc nhận xét vui: “Khác hẳn với văn hóa mới 20 năm trước đây của chúng ta...!”.

Thật ra, Jack Canfield không khác gì Dale Carnegie. Chẳng qua mỗi thời mỗi khác, mỗi thế hệ guru (nhà tư tưởng dẫn đường) mỗi khác. Nếu Jack Canfield là guru của cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, thì Dale Carnegie là của nửa đầu thế kỷ 20. Ngày Dale Carnegie qua đời (1-11-1955) thì Jack Canfield mới bước vào đời, khác thời đại song cùng một hệ thống kinh tế - xã hội và con đường thăng tiến trong hệ thống đó.

Nếu Dale Carnegie xuất thân trong một gia đình nông dân, từ tấm bé đã biết vắt sữa bò phụ cha mẹ, lớn lên đi học, bán thịt mỡ hun khói và xà bông để kiếm sống..., thì Jack Canfield cũng xuất thân từ một gia đình bình dân, người cha làm công cho một hiệu bán hoa, chỉ dám chi 21 cents cho bữa tối...

Đó là những con người self-made man bằng sự tự lập mà thành đạt. Họ thuộc hàng ngũ những nhà thuyết giảng chuyên nghiệp, có đôi mắt biết “nhìn thấy” trong khi những người khác mắt mở thao láo mà chẳng thấy. Như nhận xét tuyệt vời của Simon & Garfunkel: “People talking without speaking; people hearing without listening” (Thiên hạ nói với nhau mà chẳng nói gì, thiên hạ nghe mà chẳng nghe thấy gì). Khả năng này cho phép họ nhìn thấy những “nguyên tắc của sự thành đạt” như Canfield dẫn giảng.

Thành đạt là gì?

Thành đạt mà Jack Canfield hứa với tất cả cử tọa trong hai năm tới là:

1/ Tăng đôi thu nhập.

Thoạt nghe có vẻ như “duy vật chất” quá, thực dụng quá.

- Cái gọi là “thực dụng của người Mỹ” có hay không, ông Jack Canfield?

- Ở đâu cũng có tinh thần thực dụng cả. Có thể ở Mỹ nhiều hơn song nhất định không phải trong ý nghĩa cực đoan. Vấn đề là làm sao tìm được sự tương đối và cũng tùy theo cách cảm nhận.

Thật vậy, khi mà các quốc gia đều đề ra những mục tiêu tăng GDP năm tới là bao nhiêu, thì việc mỗi cá nhân có mơ tăng thu nhập là bao nhiêu cũng là đích đáng. Song, không chỉ có mỗi tăng thu nhập. Những hứa hẹn khác mà Jack Canfield muốn “bán” cho cử tọa còn là:

2/ Tăng đôi thời gian rảnh rỗi để sống cho bản thân và gia đình, bè bạn, tha nhân.

Quả mới mẻ! Thật ra, theo Jack, phân chia thời gian như thế chính là để tăng hiệu suất công việc, do lẽ các nghiên cứu cho thấy 80% kết quả có được là đến từ chỉ 20% nỗ lực! Trong một tổ chức, điều này càng cần thiết và để làm được điều đó “các sếp hãy ủy nhiệm cho người khác” - Jack bảo.

3/ Tìm được thế quân bình vui vẻ trong công việc và khi về nhà.

Khi mà câu hỏi “Chọn gì giữa sự nghiệp và gia đình?” vẫn còn là một chọn lựa đối kháng “đau lòng” cho không ít người, thì những khuyến cáo về sự “quân bình vui vẻ” này là gì?

Jack Canfield trả lời: “Vấn đề là làm sao giáo dục người ta thiết lập tầm nhìn và mục tiêu của họ sao cho đảm bảo thế cân bằng giữa mọi lĩnh vực của cuộc đời. Làm được thế cá nhân sẽ hoàn thiện và tổ chức sẽ thành công”.

Nhận 100% trách nhiệm

Jack nhấn mạnh: “Một trong những quan niệm sai lầm đầy rẫy trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay là: bạn có quyền sống một cuộc đời tuyệt vời..., do có ai đó phải có trách nhiệm đem lại cho ta cuộc sống đầy hạnh phúc, nhiều cơ hội chọn lựa công việc thú vị... Sự thật là chỉ có một người có trách nhiệm cho chất lượng của cuộc sống mà bạn đang sống. Người đó chính là bạn”.

Jack Canfield đốc thúc: “Hãy từ bỏ mọi đổ thừa. Nếu việc không trơn tru như đã định, hãy tự hỏi: Làm thế nào mà tôi đã tạo ra cớ sự như thế này? Tôi đã phát biểu hoặc không phát biểu những gì, đã làm hoặc không làm gì để dẫn đến kết quả này? Lần tới tôi phải làm gì khác để có được kết quả tôi muốn”.

Jack kiên trì nhấn mạnh đến yêu cầu từ bỏ đổ thừa này: “Sau một kết cuộc không như ý, các bạn có thể có hai thái độ: đổ thừa cho nền kinh tế, cho nạn hành... chính, cho bầu không khí chính trị, cho thời tiết, cho thiếu vốn, cho thiếu trình độ...; đổ thừa cho cây gậy đánh gôn nếu bạn chơi gôn. Hoặc đơn giản nghĩ đến việc thay đổi cách đáp ứng các điều kiện khách quan đó, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách ăn nói diễn đạt, thay đổi cả những “ấn tượng” đã có trong đầu bạn, thay đổi thái độ... Tỉ như thay vì gãi đầu bảo “tại sáng nào cũng kẹt xe”, hãy ra khỏi nhà sớm hơn... Bạn sẽ chẳng bao giờ thành đạt nếu bạn cứ đổ thừa người khác hay cái gì đó. Ngày mà bạn thay đổi cách đáp ứng, ngày đó đời bạn bắt đầu sẽ khá hơn...”.

Jack Canfield có một “bài vè” khá ngộ nghĩnh: “Bạn chính là người đớp thức ăn béo ngậy, mặn chát, ngọt lừ hại thân - Bạn chính là kẻ đã từ chối - Bạn chính là người nhận công việc đó - Bạn chính là người khăng khăng đòi làm việc đó một mình - Bạn chính là người nghe lời họ dụ dỗ mà quên đi trực giác của mình và mua món hàng đó... Than gì nữa! Tất cả những gì bạn lãnh ngày hôm nay chính là hậu quả của những chọn lựa của bạn trong quá khứ...”.

Jack tỏ ra rất am hiểu tâm lý con người khi đào sâu thêm về cái bệnh đổ thừa: “Bạn có nhận thấy rằng thường thì người ta than vãn với những người “không phải việc”. Như về nhà than chuyện ở sở làm với bà (ông); vô sở làm lại than chuyện bà xã, ông xã, trong khi chẳng ai chịu nói trực tiếp với mình hay với vợ (chồng) mình để giải quyết”.

Chịu trách nhiệm 100%. Có lẽ đây là bài học thiết thực nhất của Jack Canfield. Đây không chỉ là lời khuyên cho từng cá nhân, mà là cả cho các tổ chức, như chính tựa đề của buổi diễn thuyết: “Cá nhân hoàn thiện, tổ chức thành công”.

Giao du vượt cấp và biết ơn người khác

Jack Canfield là một người đi và sống nhiều. Đi đến đâu ông cũng đều gặp một số người được xem là thành đạt để nghe họ chuyện trò. Đây cũng chính là một trong những nguyên tắc thành đạt: “Hãy giao thiệp với những người cao hơn bạn một cấp. Bạn là mẫu số chung của năm người mà bạn dành thời gian giao du nhiều nhất. Hãy tránh những kẻ chỉ nhìn đời bằng cặp mắt tiêu cực, hãy tìm đến những ai có tinh thần tích cực”.

Một lời khuyên khác của Jack rất thấm thía: mỗi ngày hãy biết cảm ơn người khác quanh mình vì những gì họ đang làm. Một tập thể, một xã hội chỉ hài hòa nếu biết ơn nhau. Bài tập mà Jack yêu cầu thực hành ngay là mỗi người hãy tìm một lý do để cảm ơn người khác quanh mình. Có người cảm ơn người tổ chức buổi diễn thuyết, có người cảm ơn những người phục vụ... Có lẽ cũng nên cảm ơn cả những người trẻ tự tin, có trình độ, xông xáo, đã bỏ tiền túi đến có mặt trong buổi gặp gỡ này.

Hãy hành động

“Bạn có biết sự khác biệt giữa kẻ thắng, người thua trong xã hội là gì không?”, Jack hỏi. Người bảo thế này, người bảo thế nọ. Cuối cùng Jack cầm một quyển sách của mình lên và bảo: “Có ai muốn có được quyển sách này không? Hãy đến lấy”.

Người này ngó người kia, như một cố tật xưa nay không hiếm của người Việt mình. Có hai người chạy vọt lên giành lấy quyển sách làm Jack té văng vì cú chen lấn này, song ông vẫn thản nhiên tiếp lời: “Họ có được quyển sách, khác biệt chính ở chỗ họ đã hành động. Hãy loại bỏ câu “Tôi không thể làm được”. Hãy lập ra một danh sách những gì mà bạn cho là không làm được để từ bỏ chúng đi... Ngược lại hãy làm nhiều hơn những gì bạn đã thành công, bớt những gì làm sai, nặn óc tìm sách lược mới. Hãy vạch kế hoạch mỗi ngày làm những gì và làm cho được...”.

Theo Jack Canfield, có đến 64 bí quyết để thành đạt. Nhưng sự thành đạt chỉ dành cho những người biết nghe, biết nhìn, biết thấy, biết nói và biết làm.

Bảy bước đến thành đạt

1. Bước đầu tiên là nên xác định xem mức độ giàu có và thành đạt mà bạn mong muốn. Não bộ của bạn sẽ không hành động để tạo ra nhiều của cải và thành công cho tới khi nó biết chính xác bạn muốn gì. Đó là lý do tại sao một mục đích, một tầm nhìn và những mục tiêu cụ thể là quan trọng.

2. Kế đến bạn phải tin tưởng rằng bạn sẽ có thể đạt được những mục tiêu đó. Đó cũng là lý do giải thích tại sao đọc tiểu sử của những người thành đạt là quan trọng. Họ làm cho bạn tin rằng bạn cũng có thể làm được như vậy.

3. Sau đó bạn cần viết một bản mô tả chi tiết chính xác cuộc sống của bạn khi mà bạn đạt đến một cuộc sống lý tưởng. Tôi đề nghị bạn nên bao quát 7 lĩnh vực sau: tài chính, công việc và nghề nghiệp, tình trạng sức khoẻ, giải trí, mối quan hệ, sự phát triển cá nhân và cuộc sống tinh thần và cuối cùng, bạn muốn đóng góp gì cho thế giới này. Chỉ khi chúng ta phục vụ người khác thì chúng ta mới đạt được thành công thực thụ.

4. Kế đến bạn nên dành một vài phút mỗi ngày nhắm mắt lại, hình dung mục tiêu như thể đã hoàn tất. Điều đó có 3 ý nghĩa sau. Thứ nhất điều này sẽ khơi mở tiềm thức của bạn để dẫn đến những ý tưởng sáng tạo mà bạn có thể vận dụng - ứng dụng vào mục tiêu của bạn. Thứ hai là nó sẽ gợi mở phạm vi nhận thức của bạn để bạn thấy rõ hơn tất cả những nguồn tài nguyên cần thiết để giúp bạn chạm tới mục tiêu. Và điều thứ ba là nó thật sự thúc đẩy bạn có những hành động cần thiết mà bạn cần có để đạt được mục tiêu.

5. Sau đó bạn chỉ phải làm những điều đó. Bạn phải bắt đầu hành động. Bạn phải làm những việc cần phải hoàn tất. Hầu hết mọi người để nỗi lo sợ len lỏi trên bước đường của họ - nỗi sợ phải hỏi và bị từ chối, sợ thất bại và sợ bị bẽ mặt trước gia đình, bạn bè, sợ thua lỗ.... Cách chính thức để chinh phục nỗi sợ là làm những điều bạn sợ.

6.Tiếptheo bạn nên có cách đáp lại những phản hồi từ xung quanh mà bạn gặp sau khi thực hiện hành động. Một trong những phương pháp quý giá mà tôi đã học được để thu hút được sự phản hồi là hỏi những người chung quanh câu hỏi sau: Theo thang điểm từ 1 đến 10, bạn sẽ cho tôi bao nhiêu điểm về thành qủa, sản phẩm, dịch vụ, về vai trò quản lý, vai trò làm chồng....

Nếu như điểm số thấp hơn 10 thì bạn nên hỏi tiếp những câu sau: “Phải làm như thế nào để đạt được điểm 10?” Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ hỏi những thông tin phản hồi như vậy vì họ sợ phải nghe những câu trả lời. Nhưng đây là vấn đề mà bạn sẽ tiếp cận - thông tin phản hồi sẽ chỉ có thể giúp bạn trở nên tốt hơn. Hãy can đảm để hỏi những thông tin phản hồi và sau đó ứng dụng chúng trong những hành động tiếp theo.

7. Bước kế đến là sự kiên trì, bền chí. Bạn không bao giờ được đầu hàng – không bao giờ ! Khi MarkVictorHansen và tôi xuất bản quyển sách đầu tiên, chúng tôi đã bị hơn 140 nhà xuất bản từ chối. Nếu chúng tôi đầu hàng sau 100 lần bị cự tuyệt tôi sẽ không thể ngồi nay hiện giờ để trả lời phỏng vấn của bạn. Sẽ không ai từng nghe tới câu chuyện về tôi và về công việc của tôi.

Nhưng vì chúng tôi không chịu thua, chúng tôi hiện giờ bán được trên 115 triệu cuốn sách với 41 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Mỗi người thành đạt mà tôi đã từng gặp đều có một câu chuyện riêng về cách làm thế nào họ không đầu hàng khi đương đầu với những trở ngại lớn và rất nhiều lần bị từ chối.

Nếu bạn bắt đầu với những điều này, bạn sẽ vượt xa trên hầu hết những người khác.

Nội dung liên quan

  • Tình yêu chân chính giúp bạn gái thành đạt trong cuộc sống

    17/08/2017Khôi NguyênThành đạt! Tuyệt đại đa số chúng ta đều muốn có nó. Tình yêu! Có mấy ai không khao khát có được tình yêu? Tuy vậy hai thứ này xem ra có vẻ khó đồng hành lâu dài trong đời người, đặc biệt là với các bạn gái.
  • Những bài học của một doanh nhân thành đạt

    15/09/2015Chương trình truyền hình 'The Apprentice' (Người học việc) được phát trên BBC tại Anh đã trở thành một trong những chương trình thành công nhất với số người xem mỗi buổi là 2,8 triệu. Trong chương trình, 14 người phải cạnh tranh để được nhà kinh doanh nổi tiếng Sir Alan Sugar nhận vào công ty với mức lương 100.000 bảng/năm...
  • Có rủi ro mới thành đạt

    12/11/2013Can đảm, biết chấp nhận rủi ro và mạo hiểm là những đức tính vô cùng cần thiết cho những người có tham vọng trở thành một doanh nhân thành đạt, trong một thế giới đầy thử thách và biến động như ngày nay...
  • Thành đạt hay thành tiền?

    19/08/2013Có một số ngành học hoàn toàn không có sinh viên Việt Nam như: tâm lý học, xã hội học, Phật học và các ngành nghệ thuật. Vậy du học sinh Việt Nam học ngành gì?
  • Mọt sách thành đạt

    27/06/2006Trông dáng dấp, cung cách làm việc của ông chủ công ty kinh doanh vàng bạc lớn nhất miền Bắc vẫn có bóng dáng của một anh bộ đội Trung đoàn 47 (Bộ Tư lệnh Thủ đô), hay ông chủ của một xưởng sản xuất xe lam ở Hà Nội những năm 80.
  • Để trở thành người đàn ông thành đạt

    06/04/2006Ngọc BíchNhiều đàn ông có hoài bão làm chủ một doanh nghiệp riêng. Tuy nhiên, chỉ một số ít với tới được cái đích đó. Đa số mọi người chỉ nghĩ đến những thuận lợi và kết quả tốt đẹp phía trước, ít ai hiểu rằng có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều điều phải biết, rất nhiều trở ngại sẽ gặp trong quá trình thiết lập sự nghiệp...
  • Đặc điểm của những con người thành đạt

    22/07/2005“Đánh mất mục tiêu chính là bạn đang mất đi hướng đi của mình”. Vì vậy bạn nên xác định rõ ràng mình là ai và cái đích mà bạn đang hướng tới là gì. ...
  • Bảy thói quen của người thành đạt

    11/11/2003Bùi Quang MinhĐây là cuốn sách kỳ diệu có thể biến đổi cuộc đời mỗi chúng ta, giúp mỗi người đi từ làm chủ bản thân vươn lên hợp tác thành công trong công việc và cuộc sống. Cuốn sách “7 thói quen của người thành đạt” của Stephen R. Covey là một cuốn sách đã nổi tiếng từ hàng chục năm nay trên khắp thế giới. Trong cuốn sách, Stephen Covey muốn giới thiệu một phương pháp, kết hợp toàn diện và thực tiễn để giải quyết các vấn đề về tính cách con người và sự nghiệp...
  • Một lầm lẫn về sự thành đạt

    15/06/2005Trong một bài trả lời phỏng vấn, người giàu có và thành công nhất thế giới Bill Gates đã nói quan niệm của mình: Cuộc sống là một cuốn sách to, dày. Kẻ dại thì lật quá nhanh.
  • Muốn thành đạt nhất định phải thực hành

    02/02/2004"Sự thành công khởi đầu từ những ý muốn", song nếu chỉ có ý muốn mà không thực hành thì vẫn không thể có sự thành công. Bạn hãy thử quan sát và nghiên cứu xem, những người thành đạt hàng ngày họ làm gì, họ đã làm gì khác với những động tác của bạn. Sau đó, nếu bạn cũng hành động theo phương pháp của họ thì chắc chắn bạn sẽ thành đạt. ..
  • xem toàn bộ