Sống thật - Nghĩ về lớp người có nhiều trong xã hội
Thời nào cũng vậy, lớp người đó lúc nào cũng nhiều, cũng đông đảo. Đông đảo nhưng không làm được nổi chuyện gì to tát. Mặc dù, trong đó cũng rất nhiều người thuộc thành phần có học và luôn tự hào lại hay vỗ ngực với danh nghĩa “trí thức” của mình, dẫu rằng trong đó có những cái danh tự phong, cái danh mua được hay là cái danh nhờ sống lâu mà có.
Đa số người được sinh ra, cha mẹ họ và sau này là bản thân họ luôn mong muốn được sống cuộc đời bình lặng, êm đềm, hòa vào đám đông. Thậm chí còn có người luôn muốn bị nhòe, bị chìm đi trong đám đông, nghĩa là muốn thuộc về lớp người có nhiều trong xã hội. Và thực vậy, ông giời không cho cái đa số đó bất cứ một cái gì mà người đời gọi là “tài” để được phô lộ ra trước bàn dân thiên hạ. Có lúc cũng lẩn thẩn tự hỏi, vậy thì mình cũng phải cố là cái gì trong số đông nhiều người đó? Hoặc đôi khi cũng “kiên cường” cố gắng vươn lên thoát ra khỏi đám đông chỉ quen thừa hành đó, bởi vì đôi chỗ gặp phải cái “nhiễu sự” mà người đời gọi là “bức xúc”. Nghĩa là cảm thấy cũng trạnh lòng trước một sự bất công. Rồi tự hỏi mình, nếu thế mình liệu còn có thuộc cái số đông không làm nên trò trống gì đó không?
Lại một điều nữa, có lẽ cái điều này cũng vốn sẵn có ở cái lớp người có nhiều trong xã hội. Cái điều thường có khởi điểm từ khi mà tuổi đời đã qua bên dốc, khi mà con người luôn chỉ biết những điều hay về mình, còn điều dở thường là ít và đôi khi họ không hề nghĩ tới. Nếu tập hợp những điều hay của họ, thì sẽ thấy họ là tập hợp của những điều tốt vốn có ở trên đời, luôn cho rằng mình hiểu đời, hiểu hơn cái người đang đối thoại với mình và ít khi hoặc là không bao giờ cho rằng mình lại sai. Điều đó càng dễ xảy ra với những người đã từng có một vị trí, một loại vai vế tầm tầm nào đó trong xã hội. Đó là “cái lý” luôn cho mình đúng, mình biết và mình hiểu. Cái lý của thói quen ra lệnh và quen thấy người phục tùng. Lớp này cũng đông đấy. Mà nếu thoát ra khỏi được cái lớp đó, họ tất sẽ trở thành người có khả năng khác người, sẽ thuộc về số ít.
Bản tính con người vốn có những điều hay, điều dở như thế!
Với những người có ít nhiều suy nghĩ và cảm nhận cái đẹp của cuộc sống theo cái nghĩa nguyên thủy của cái đẹp-cái đẹp là sự tinh khôi-khi cuộc đời đã ở bên kia dốc, người ta hay níu kéo. Níu kéo để vớt vát lấy một điều gì đó của cuộc đời. Đó là cái lẽ thường tình. Càng sống càng cảm thấy cuộc đời quá ngắn ngủi và quý giá nhưng con người mình mới chỉ làm được rất ít, rất nhỏ nhoi cho cuộc sống. Rồi sẽ một lúc nào đó, con người ta ân hận. Ân hận vì nhiều lẽ và có thể cái lẽ đầu tiên mà ta nghĩ đến là ta đã sống một cuộc sống không thật với mình.
Con người ta vẫn luôn có sự dằn vặt như vậy. Đó là sự dằn vặt đáng quý, đáng trân trọng. Dẫu rằng khi biết cuộc đời chẳng còn là mấy, thì đã là quá muộn. Muộn nhưng vẫn quý vì biết đâu đấy, nỗi niềm dằn vặt đó sẽ nhen nhóm thức tỉnh được đôi người ở cái đám người đông đảo trong xã hội kia.
Con người vì nhiều lẽ luôn phải sống một cuộc sống không thật với mình lắm. Bình thường ta không hay nghĩ đến. Cũng có thể nói ta lười nhác xen lẫn sợ hãi khi nghĩ đến nó. Đó là một số không đông trong cái gọi là đám đông có nhiều trong xã hội. Cũng có một số người ngượng ngùng, xấu hổ khi nghĩ đến nó. Nhưng thực ra, họ đang ngại đối diện với chính mình, bởi vượt qua được mình, đời đã nói rồi, là vượt được một cửa ải khó khăn nhất. Đó là những con người tự cho mình thuộc loại có “trí thức” và còn biết tự trọng. Chỉ một số không lớn trong cái số “trí thức” bên trên đã kể, có được cái ý nghĩ đó. Ở một góc nào đó, với lòng vị tha vốn có của con người, đời vẫn có thể thông cảm và tha thứ.
Bàn về cái sự không dám sống thật với mình là cả một đề tài lớn và tôi nghĩ, trong bất kỳ một xã hội nào, vẫn luôn tồn tại một lớp người không dám sống thật với mình. Tùy sự cởi mở của xã hội đó, lớp người sống không thật với mình đó sẽ nhiều hoặc ít. Trong xã hội ta, tôi nghĩ, số người sống không thật thuộc loại nhiều. Cũng đồng nghĩa với sự ít cởi mở của xã hội. Đó là điều đáng buồn!
Từ cái sự buồn vì không dám sống thật với mình bởi nhiều lẽ, lâu dần, dẫn đến một hệ lụy khác đáng buồn hơn là thái độ vô cảm trong cuộc sống. Nghĩa là con người trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, chỉ bo bo bám lấy cái lợi cho cuộc sống của cá nhân mình.
Tôi luôn tự hỏi, có phải cuộc sống hiện nay của chúng ta có quá nhiều sự hời hợt và có quá ít sự đồng cảm. Dẫu rằng qua mỗi đợt thiên tai tàn phá hay một cá nhân nào đó gặp phải bất hạnh trong cuộc đời, ta vẫn thấy có những phong trào, những lời kêu gọi hô hào, những tấm lòng chân thật thể hiện cái tình đồng bào: “lá lành đùm lá rách”. Những điều đó vẫn đều đều hàng năm thường xuyên diễn ra và cái ngày “tình thương” cũng vẫn cứ đều đều lặp lại. Sự lặp lại gây cho người ta một cảm giác nhạt nhẽo. Sự vô cảm sẽ dần dần xâm lấn.
Có nhàm quá không khi tình thương không xuất phát từ sự rung động của con tim và khối óc dẫn đến suy nghĩ về một sự thôi thúc tự giác. Tôi muốn nói đến những ngày lễ kỷ niệm, những cuộc gặp gỡ thể hiện cái sự nổi nênh, bề mặt của phong trào luôn đầy rãy trên truyền hình trực tiếp. Nó được phô diễn bằng sự ồn ào nhưng lại cảm thấy ngày càng ít cái sự sẻ chia. Rất nhiều cuộc biểu dương, vinh danh mang tính hình thức lẫn trong đó có cả sự háo danh.
Từ đó tôi lại liên hệ đến sự giả dối của con người thời nay. Hàng ngày chúng ta gặp quá nhiều sự giả dối: Báo đài đưa tin không thật, nặng về tô vẽ theo một chiều có chủ định trước, những lời hứa hẹn không được thực hiện, những công trình mang dấu ấn đất nước như những dấu hỏi đập vào mắt nhân gian, những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động bị tiêu xài vô lối, những cánh đồng bờ xôi ruộng mật biến thành những sân gôn phục vụ cho một số người… Tất cả những điều đó đều liên quan đến sự giả dối của một số người có quyền chức. Sự giả dối đã đến với trường học, nơi đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước mà ta chưa có biện pháp ngăn chặn. Vâng, tôi không muốn nghĩ đến một bức tranh u ám, cũng không hề muốn mang nghĩa cảnh tỉnh, tôi nói những điều đó ra chỉ là để chứng minh sự giả dối đang ở quanh chúng ta, bao bọc chúng ta bằng một sức mạnh vô hình.
Con người cứ như vậy tất dần trở thành lạnh lùng vô cảm trước những sự việc xảy ra trong đời sống. Sự quan tâm đến nhau trở thành hàng xa xỉ. Thói ích kỷ, thói quen xấu được hình thành và được tiếp nhận nhanh chóng đến kỳ lạ. Điều chưa xa ta từng học “sống vì mọi người” được coi như một nguyên tắc sống bỗng dưng trở thành xa lạ. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa, cái xã hội mà con người đang mơ ước tiến tới sự hoàn thiện và nhân văn đó tiêu tan nhanh chóng. Sự thỏa mãn cho cá nhân, cho gia đình, cho một nhóm người được coi là “sự thay đổi tất yếu theo thời đại”. Thời đại “cái tôi” vị kỷ lên ngôi.
Nhưng ít người đặt lại vấn đề, vì sao trong xã hội, trong cuộc sống lại có con số đông không sống thật đó. Cùng với những biến đổi của thời cuộc, tôi cho rằng đó là hậu quả được tích tụ của lối tư duy mang nặng tính bao cấp đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ và đến nay vẫn chưa được cởi bỏ, chưa có điều kiện cho sự cởi bỏ. Từ cái lười suy nghĩ (bởi bị bao cấp) đến nỗi sợ hãi vô hình mà lại rất hữu hình, nếp sống an phận thủ thường, đèn nhà ai nhà nấy rạng lấn át, đó là tiền đề của sự vô cảm…và thêm nữa, sâu hơn, sự hiểu biết về các quyền làm người còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là thiếu hiểu biết. Đó chính là bao cấp trong tư duy, con người chỉ đi nói lại những điều mà có người đã nói.
Nói về sự “suy nghĩ”, có thể hiểu là cái điều mà đa phần nó vẫn còn nằm ở trong đầu mỗi con người. (Đương nhiên là cũng có nhiều suy nghĩ (tư duy) được thể hiện ra ngoài bằng những công việc cụ thể). Nó là một sự riêng rất thiêng liêng của mỗi cá nhân. Bởi sự suy nghĩ trong xã hội ta đến nay vẫn là một lối suy nghĩ mang nặng sự bao cấp cho nên lòng yêu nước, một tình cảm rất thiêng liêng của mỗi con người trước các sự kiện đang diễn ra ngày hôm nay vẫn mang tính bao cấp là một điển hình. Tôi nghĩ về sự phản biện cần phải có để đẩy mạnh sự phát triển của xã hội và lại ngậm ngùi, ngay trong tư duy cũng bị bao cấp thì tìm đâu ra, hi vọng sao có được sự phản biện để thúc đẩy xã hội tiến lên.
Là một công dân Việt, hơn nữa lại là Đảng viên-những người luôn phải đi tiên phong (con số là ba triệu), có bao giờ chúng ta tự đặt lại một câu hỏi: Phải làm gì trước những hành động gây hấn của Trung Quốc. Tôi đã có một câu trả lời, đã có Đảng và Nhà Nước lo! Đó có phải là sự bao cấp trong tư duy? Nhưng tôi biết đó là câu trả lời chưa thật với những người có suy nghĩ. Vậy còn chờ gì nữa, chúng ta hãy sống thật với mình đi!
Ảnh gia đình tác giả
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015