Tình yêu
Tôi rất ý thức rằng khi toan tính xem xét tình yêu tức là chúng ta đang bắt đầu đùa giỡn với điều bí ẩn. Đúng nghĩa là chúng ta đang toan tính khảo sát cái không thể khảo sát được, và hiểu biết điều không thể hiểu biết được.
Tình yêu mênh mông quá, sâu thẳm quá, ta không thể nào hiểu hết hay đo lường hết, cũng không thể giới hạn trong cái khung ngôn từ được. Tôi sẽ không viết ra điều này nếu không tin toan tính này có giá trị, dầu gì đi nữa thì cũng có giá trị. Tôi bắt đầu với hiểu biết chắc chắn rằng toan tính này dầu gì đi nữa thì cũng khiếm khuyết.
Định nghĩa tình yêu
Tôi rất ý thức rằng khi toan tính xem xét tình yêu tức là chúng ta đang bắt đầu đùa giỡn với điều bí ẩn. Đúng nghĩa là chúng ta đang toan tính khảo sát cái không thể khảo sát được, và hiểu biết điều không thể hiểu biết được. Tình yêu mênh mông quá, sâu thẳm quá, ta không thể nào hiểu hết hay đo lường hết, cũng không thể giới hạn trong cái khung ngôn từ được. Tôi sẽ không viết ra điều này nếu không tin toan tính này có giá trị, dầu gì đi nữa thì cũng có giá trị. Tôi bắt đầu với hiểu biết chắc chắn rằng toan tính này dầu gì đi nữa thì cũng khiếm khuyết.
Một kết quả của bản chất bí ẩn của tình yêu là chưa một ai, theo tôi biết, đạt được một định nghĩa thật thỏa đáng về tình yêu. Bởi đó, khi cố gắng giải thích tình yêu, người ta đã chia nó ra thành nhiều phạm trù: tình dục, sự ham thích, tình thương, tình yêu trọn vẹn và tình yêu không trọn vẹn, v. v.. Dù vậy tôi vẫn mạo muội đưa ra một định nghĩa đơn lẻ về tình yêu với ý thức rằng dù gì đi nữa thì vẫn là khiếm khuyết. Tôi định nghĩa tình yêu như thế này: ý chí mở rộng bản ngã nhằm mục đích nuôi dưỡng sự trưởng thành tinh thần của mình hoặc của người khác.
Trước tiên tôi muốn chú giải vắn tắt định nghĩa này trước khi khai triển sâu hơn. Thứ nhất, cần chú ý đây là một định nghĩa mục đích; hành vi được định nghĩa dưới hình thức mục tiêu hoặc mục đích nhắm đến - trong trường hợp này là sự trưởng thành tinh thần.
Các nhà khoa học có khuynh hướng nghi ngờ những định nghĩa mục đích, và có lẽ họ thích như vậy. Tuy nhiên tôi không đi đến định nghĩa đó thông qua một quá trình suy tư đậm nét mục đích. Thay vào đó, tôi đi đến đó thông qua quan sát trong khi thực hành lâm sàng tâm bệnh học (kể cả tự quan sát), ở đó định nghĩa tình yêu là một vấn đề vô cùng quan trọng. Là như thế bởi vì bệnh nhân thường rất mơ hồ về bản chất của tình yêu. Chẳng hạn, một cậu trai nhút nhát đã kể với tôi: "Mẹ cháu yêu cháu lắm, mẹ không cho cháu đi học bằng xe buýt của trường mãi cho đến năm cuối trung học. Thậm chí cháu phải van xin mới được. Cháu nghĩ mẹ sợ cháu cực, nên mẹ lái xe đưa đón cháu mỗi ngày, việc rất vất vả đối với mẹ. Mẹ yêu cháu thật." Trong khi chữa trị tính nhút nhát của cậu trai này, cũng như nhiều trường hợp khác, cần phải chỉ cho cậu ta thấy rằng mẹ cậu có thể được thúc đẩy bởi một cái gì khác hơn là tình yêu, và rằng điều trông có vẻ là tình yêu thì thường không phải là tình yêu gì cả. Chính từ kinh nghiệm như thế mà tôi đã tích luỹ phần lớn những ví dụ về những cái trông không phải là tình yêu. Một trong những đặc điểm phân biệt giữa hai điều phân biệt giữa hai điều này hình như là mục đích có ý thức hoặc vô thức trong tâm trí của người yêu và người không yêu.
Thứ nhì, có thể thấy rằng, như được định nghĩa,tình yêu là một tiến trình vòng tròn kỳ lạ. Vì tiến trình mở rộng bản ngã là một tiến trình thăng tiến. Khi người ta mở rộng thành công những giới hạn của mình thì người ta đã lớn lên trên bình diện hữu thể. Vì thế hành động yêu thương là một hành động tự thăng tiến ngay cả khi mục đích của hành động là sự trưởng thành của một người khác. Chính thông qua sự vươn tới thăng tiến mà chúng ta thăng tiến.
Thứ ba, định nghĩa duy nhất này về tình yêu bao hàm cả tình yêu chính mình lẫn tình yêu đối với người khác. Vì tôi là người và bạn là người nên tôi yêu người có nghĩa là yêu cả tôi lẫn bạn. Tận hiến cho sự phát triển tinh thần của con người tức là tận hiến cho dòng giống mà chúng ta là phần tử, và vì thế có nghĩa là tận hiến cho sự phát triển của mình lẫn người. Thật vậy, như đã thấy, chúng ta không thể yêu thương người khác nếu chúng ta không yêu chính mình, cũng giống như chúng ta không thể dạy con cái chúng ta tự kỷ nếu chính chúng ta không tự kỷ. Quả là không thể nào từ bỏ sự phát triển tinh thần của chúng ta vì sự phát triển tinh thần của một người khác. Chúng ta không thể từ bỏ sự tự kỷ mà đồng thời vẫn mực thước trong việc chăm sóc đến người khác. Chúng ta không thể là nguồn sức mạnh nếu chúng ta không nuôi dưỡng sức mạnh của chính chúng ta. Trên hành trình khám phá bản tính tình yêu, tôi tin rồi sẽ rõ ràng là yêu mình và yêu người không chỉ đồng hành tay trong tay mà rốt cuộc không thể nào phân biệt chúng được.
Thứ tư, hành động mở rộng giới hạn của mình đòi hỏi sự nỗ lực. Người ta chỉ mở rộng được cái giới hạn bằng cách đẩy chúng ra xa và sự đẩy giới hạn xa đòi hỏi nỗ lực. Khi chúng ta yêu ai thì tình yêu của chúng ta chỉ có thể chứng minh được hoặc thành hiện thực thông qua nỗ lực của chúng ta - thông qua sự việc vì người đó (hoặc vì chúng ta) mà chúng ta bước thêm một bước nữa hoặc đi bộ thêm một dặm nữa. Tình yêu không phải là không cố gắng. Trái lại tình yêu là đầy cố gắng.
Cuối cùng, khi dùng từ "ý chí" tôi muốn vượt qua sự phân biệt giữa ước muốn và hành động. Ước muốn không nhất thiết phải được chuyển thành hành động. Sự khác biệt giữa hai đàng cũng giống như sự khác biệt giữa nói rằng "tôi muốn đi bơi tối nay" và "tôi sẽ đi bơi tối nay". Mọi người chúng ta, ở một mức độ nào đó, đều muốn yêu thương. Vì thế tôi cho rằng ước muốn yêu thương tự nó không phải là tình yêu. Tình yêu vốn dĩ năng động. Tình yêu là một hành động của ý chí - nghĩa là, gồm cả ý định và hành động. ý chí cũng ngụ ý hành động. Không ai bắt chúng ta phải yêu. Chúng ta chọn lấy yêu thương. Thực tế chúng ta không yêu nhưng chúng ta đã chọn không yêu nên chúng ta không yêu dù chúng ta có những ý định tốt lành. Đàng khác, khi chúng ta cố gắng nhằm để trưởng thành về mặt tinh thần tức là chúng ta đã chọn làm như thế. Chúng ta đã chọn yêu thương.
Như tôi đã đề cập, các bệnh nhân đến với tâm lý liệu pháp đều ít nhiều lẫn lộn về bản chất của tình yêu. Sở dĩ thế vì trước sự bí ẩn của tình yêu có quá nhiều ngộ nhận về nó. Quyển sách này sẽ không lột bỏ đi sự bí ẩn khỏi tình yêu, nhưng tôi hy vọng nó sẽ làm sáng tỏ những vấn đề đủ để giúp làm biến mất những ngộ nhận kia, những quan niệm sai lầm gây đau khổ không chỉ cho các bệnh nhân mà còn cho tất cả mọi người khi toan tính vận dụng những kinh nghiệm bản thân. Những đau khổ này theo tôi sẽ không thành vấn đề, vì những quan niệm sai lầm phổ biến kia có thể trở nên ít phổ biến hơn bằng cách ta đưa ra một định nghĩa chính xác hơn về tình yêu. Vì thế tôi đã chọn bắt đầu khảo sát bản chất của tình yêu bằng cách xem xét cái không phải là tình yêu.
Phải lòng
Ngộ nhận có ảnh hưởng nhất và phổ biến nhất trong số các ngộ nhận về tình yêu là tin rằng "phải lòng" là tình yêu hoặc ít ra cũng là một trong những biểu lộ của tình yêu. Đó là một ngộ nhận quan trọng vì phải lòng nhìn một cách chủ quan thì thật là một thể nghiệm của tình yêu. Khi một người phải lòng thì điều mà người ấy cảm thấy chắc chắn là "tôi yêu chàng" hoặc "tôi yêu nàng". Nhưng ta thấy rõ ngay hai vấn đề. Thứ nhất là cái kinh nghiệm phải lòng là một kinh nghiệm đặc biệt thiên về mặt tình dục. Chúng ta không phải lòng với con cái mình dẫu rằng chúng ta có thể yêu thương chúng rất sâu đậm. Chúng ta không phải lòng với bạn bè cùng phái của mình - ngoại trừ chúng ta có khuynh hướng đồng tình luyến ái - cho dù chúng ta bị thúc đẩy một cách có ý thức hoặc vô ý thức về mặt tình dục. Vấn đề thứ hai là kinh nghiệm phải lòng bao giờ cũng nhất thời. Dù chúng ta có phải lòng ai đi nữa thì sớm muộn rồi chúng ta cũng hết yêu thương khi mối quan hệ đó kéo dài đủ một thời gian nào đó. Điều này không có nghĩa là chúng ta nhất định sẽ hết yêu thương người chúng ta đã phải lòng. Nhưng có nghĩa là cái tình cảm yêu thương ngây ngất vốn là đặc điểm của kinh nghiệm phải lòng bao giờ cũng sẽ đi qua. Tuần trăng mật bao giờ cũng có hồi kết thúc. Sự rực rỡ của tình thơ mộng bao giờ cũng có hồi tàn phai.
Để hiểu bản chất của hiện tượng phải lòng và sự kết thúc không thể tránh khỏi của nó, cần phải xem xét cái mà các nhà tâm bệnh học gọi là những đường biên bản ngã. Theo những gì chúng ta biết chắc được qua chứng cứ gián tiếp, xem ra đứa trẻ sơ sinh trong những tháng đầu cuộc đời không phân biệt giữa nó với thế giới còn lại. Khi nó động đậy tay chân thì thế giới cũng đang động đậy. Khi nó đòi thì thế giới cũng đói. Khi nó thấy mẹ nó cử động thì như thể nó đang cử động. Khi mẹ nó hát, đứa bé không biết rằng nó không phát ra một âm thanh nào. Nó không thể phân biệt chính nó với cái giường cũi, với căn phòng và với bố mẹ nó. Cái sống động và cái bất động là như nhau. Không có phân biệt giữa tôi và anh. Nó và thế giới là một. Không có những đường biên, không có những tách biệt. Không có bản thân.
Nhưng với kinh nghiệm, đứa trẻ bắt đầu cảm nghiệm được chính mình, như một thực thể phân biệt với thế giới còn lại. Khi nó đòi, mẹ nó không phải lúc nào cũng xuất hiện để cho nó ăn. Khi nó muốn chơi, mẹ nó không phải bao giờ cũng muốn chơi. Rồi đứa trẻ có cái kinh nghiệm về việc ước muốn của nó không phải là mệnh lệnh của mẹ nó. ý muốn của nó được cảm nghiệm như một cái gì đó tách biệt với hành vi của mẹ nó. Một cảm giác về "tôi" bắt đầu phát triển. Người ta tin rằng tác động hỗ tương này giữa đứa bé và bà mẹ là nền tảng từ đó cảm giác của đứa trẻ về bản thân bắt đầu phát triển. Người ta quan sát thấy rằng khi tác động hỗ tương giữa đứa trẻ và mẹ nó bị xáo trộn nhiều - chẳng hạn, khi không có mẹ, khi không có người thay thế người mẹ vừa ý hoặc khi do tâm bệnh người mẹ hoàn toàn không quan tâm hoặc không chăm sóc - thì đứa bé trở thành một đứa trẻ rồi một người lớn khiếm khuyết trầm trọng và cơ bản nhất cái cảm giác về bản thân.
Khi đứa bé nhận ra ý muốn của nó là của riêng nó không phải của thế giới chung quanh, nó bắt đầu có những phân biệt khác giữa nó và thế giới. Khi nó muốn cử động cánh tay nó vẫy trước mắt nó, nhưng cái giường cũi và cái trần nhà không cử động. Và như thế đứa trẻ học biết rằng cánh tay và ý muốn của nó có liên hệ với nhau, như vậy cánh tay là của nó chứ không phải của cái gì khác hoặc của ai khác. Bằng cách này, trong năm đầu tiên của cuộc đời, chúng ta học biết những điều căn bản về mình là ai và mình không là ai, mình là gì và mình không là gì. Đến khoảng tròn một tuổi chúng ta biết rằng đây là tay, chân, đầu, lưỡi, mắt của tôi và thậm chí quan điểm, giọng nói, suy nghĩ, cơn đau bụng, và cảm tưởng của tôi. Chúng ta biết kích thước và giới hạn thân thể của mình. Những giới hạn này là những đường biên của chúng ta. Kiến thức về những giới hạn này trong tâm trí chúng ta gọi là những đường biên bản ngã.
Sự phát triển những đường biên bản ngã là một tiến trình tiếp tục xuyên suốt thời thơ ấu qua tuổi thanh niên và thậm chí đến tuổi trưởng thành, nhưng những đường biên hình thành muộn hơn thì thuộc tâm lý nhiều hơn thể lý. Chẳng hạn, khoảng giữa hai và ba tuổi là một khoảng thời gian tiêu biểu mà đứa trẻ xác định được những giới hạn khả năng của nó. Trong khi trước đó đứa trẻ đã học biết được rằng ước muốn của nó không nhất thiết là mệnh lệnh của mẹ nó, nó vẫn còn bấm víu vào cái khả năng cho rằng ước muốn của nó có thể là mệnh lệnh của mẹ. Chính vì hy vọng và cảm nghĩ như thế mà đứa trẻ hai tuổi thường cố hành động như một nhà độc tài hay người chuyên quyền, nó ra lệnh cho bố mẹ, anh chị và các vật nuôi trong nhà như thể tất cả là lính lác của đội quân riêng của nó, và nó đáp trả bằng sự tức giận độc đoán khi họ không chấp hành mệnh lệnh. Vì vậy các bậc cha mẹ gọi lứa tuổi này là "tuổi lên hai khủng khiếp". Sang tuổi thứ lên ba đứa trẻ thường trở nên ngoan hiền hơn do biết chấp nhận thực tế bất lực tương đối của mình. Tuy vậy cái khả năng toàn năng vẫn là một giấc mơ ngọt ngào, ngọt ngào đến nỗi nó không thể nào dứt bỏ hoàn toàn ngay cả sau nhiều năm tháng chạm trán rất khổ sở với sực bất lực của mình. Mặc dù đứa trẻ ba tuổi đã biết chấp nhận sự thật của những đường biên khả năng của nó, nó sẽ tiếp tục trong một số năm sau đó thỉnh thoảng trốn vào trong một thế giới tưởng tượng ở đó cái khả năng toàn năng (đặc biệt của nó) vẫn còn tồn tại. Đây là thế giới của Siêu nhân và của thuyền trưởng Marvel. Tuy nhiên dần dần ngay cả những siêu anh hùng cũng bị bỏ đi, và vào giai đoạn giữa tuổi thanh niên, những người trẻ tuổi biết rằng họ là những cá nhân với những hạn chế của con người và những giới hạn của khả năng, mỗi người là một cơ chế yếu đuối và bất lực, chỉ tồn tại nhờ sự cộng tác với một nhóm những cơ chế thành viên gọi là xã hội. Bên trong nhóm này họ không đặc biệt nổi bật, nhưng họ tách biệt với những người khác bằng bản sắc, hạn chế và giới hạn cá nhân của họ.
Nhưng đa số chúng ta cảm thấy cô đơn là đau khổ và nóng lòng thoát ra khỏi bức tường của bản sắc cá nhân để có điều kiện có thể liên kết nhiều hơn với thế giới bên ngoài chúng ta. Kinh nghiệm phải lòng cho phép chúng ta làm cuộc vượt thoát này, một cách tạm thời. Thực chất của hiện tượng phải lòng là sự sụp đổ bất ngờ một phần của những đường biên bản ngã của đương sự cho phép đương sự kết hợp bản thể của mình với bản thể của một người khác. Sự nới rộng bất ngờ đến một người khác. Sự đổ tràn bản thân vào người mình yêu, và sự kết thúc đầy kịch tính của nỗi cô đơn kèm theo sự sụp đổ những đường biên bản ngã được đa số chúng ta cảm nghiệm như sự ngây ngất xuất thần. Chúng ta và người yêu dấu là một. Sự cô đơn không còn nữa!
Xét theo một số khía cạnh nào đó (tuy chắc chắn không phải là tất cả) thì phải lòng là một hành động thoái bộ. Kinh nghiệm kết hợp với người mình yêu tự thân là tiếng vọng từ thời kỳ chúng ta kết hợp với mẹ lúc ấu thơ. Trong cuộc kết hợp này chúng ta cũng tái trải nghiệm cái cảm giác toàn năng mà chúng ta đã phải giũ bỏ trên hành trình thoát ra khỏi tuổi ấu thơ. Tất cả mọi sự hình như đều có thế! Khi liên kết với người yêu dấu chúng ta cảm thấy có thể vượt thắng mọi trở ngại. Chúng ta tin sức mạnh tình yêu sẽ làm cho những thế lực chống đối cúi đầu khuất phục và tan biến trong đêm tối. Mọi vấn đề sẽ được vượt qua. Tương lai sẽ hoàn toàn sáng sủa. Sự phi thực tế của những cảm giác khi ta phải lòng chủ yếu giống với sự phi thực tế của đứa trẻ hai tuổi cảm thấy mình là vua của gia đình và thế giới với quyền lực vô hạn.
Thực tế xâm nhập vào sự tưởng tượng toàn năng của đứa trẻ hai tuổi như thế nào thì thực tế cũng xâm nhập vào sự hợp nhất không tưởng của hai người phải lòng nhau như vậy. Sớm muộn rồi khi đối mặt với những vấn đề của cuộc sống hàng ngày, cá nhân sẽ tái khẳng định mình. Chàng muốn ái ân, nàng không chịu. Nàng muốn đi xi nê; chàng không muốn. Chàng muốn bỏ tiền vào nhà băng; nàng muốn mua một máy rửa chén. Nàng muốn nói về công việc của nàng; chàng muốn nói về công việc của chàng. Nàng không thích các bạn của chàng; chàng không ưa các bạn của nàng. Thế là cả hai, mỗi người trong cõi riêng của lòng mình, bắt đầu nhận ra cái thực tế chán nản là họ không là một với người yêu, là người yêu đã và sẽ tiếp tục có những ao ước, thị hiếu, thành kiến riêng và những toan tính khác nhau. Thế rồi tuần tự từ từ hoặc bất thần, những đường biên bản ngã xuất hiện lại đúng vị trí; từ từ hoặc bất thần họ thôi không phải lòng nhau nữa. Một lần nữa họ lại là cá nhân riêng biệt. Chính tại điểm này họ bắt đầu tháo gỡ những ràng buộc quan hệ với nhau hoặc khởi đầu công việc của tình yêu thực sự.
Khi dùng từ "thực sự" tôi ngụ ý rằng nhận thức chúng ta đang yêu khi chúng ta phải lòng là một nhận thức sai lầm - rằng cảm giác chủ quan về tình yêu là một ảo tưởng. Sự khảo sát đầy đủ về tình yêu thực sự sẽ nằm ở đoạn sau của phần này. Tuy nhiên khi nói chính lúc hai người hết phải lòng nhau là lúc họ có thể bắt đầu yêu thực sự tôi cũng ngụ ý rằng tình yêu thực sự không có dây mơ rễ má với một cảm giác yêu thương. Trái lại tình yêu thực sự thường xảy ra trong một bối cảnh thiếu vắng cái cảm giác yêu thương kia, khi mà chúng ta hành động một cách yêu thương dù chúng ta không cảm thấy yêu thương. Dựa trên thực tế của định nghĩa về tình yêu mà chúng ta đã bắt đầu, kinh nghiệm "phải lòng" không phải là tình yêu thực sự vì nhiều lý do sau đây:
Phải lòng không phải là một hành động của ý chí. Nó không phải là một sự lựa chọn có ý thức. Dù chúng ta có cởi mở và hăm hở thế nào đi nữa, cái kinh nghiệm đó vẫn có thể tuột khỏi tay chúng ta. Trái lại, kinh nghiệm đó có thể nắm lấy chúng ta ở những thời điểm chúng ta dứt khoát không tìm kiếm nó, lúc chẳng hề thuận tiện và không hề mong ước. Xem ra chúng ta phải lòng một ai đó rõ ràng không xứng đôi cũng dễ bằng phải lòng một người nào đó xứng đôi vừa lứa. Thật vậy, chúng ta có thể không hề thích hay không hề ngưỡng mộ đối tượng mà mình say mê, nhưng có cố hết sức, chúng ta cũng không thể nào phải lòng một người mà mình kính trọng sâu sắc và là người mà bằng mọi cách mình mong muốn có mối quan hệ thâm sâu. Điều này không có nghĩa rằng kinh nghiệm phải lòng là miễn dịch với kỷ luật. Các nhà tâm bệnh học, chẳng hạn, thường phải lòng với các bệnh nhân của mình, cũng như các bệnh nhân phải lòng với họ, thế nhưng vì bổn phận và vai trò của họ đối với bệnh nhân, họ thường có thể loại bỏ sự sụp đổ những đường biên bản ngã và từ đó bỏ bệnh nhân như một đối tượng lãng mạn. Cuộc tranh đấu và sự đau khỏ vì kỷ luật có thể rất lớn lao. Nhưng kỷ luật và ý chí có thể kiềm chế kinh nghiệm; chúng không thể tạo ra nó được. Chúng ta có thể chọn cách đối phó kinh nghiệm phải lòng, nhưng chúng ta không thể chọn chính cái kinh nghiệm đó được.
Phải lòng không phải là sự mở rộng những giới hạn hay những đường biên; nó là sự sụp đổ một phần và tạm thời các đường biên ấy. Sự mở rộng những giới hạn của mình đòi hỏi nỗ lực; phải lòng chẳng cần nỗ lực gì. Những kẻ lười biếng và vô kỷ luật cũng dễ phải lòng như những người cần mẫn và giàu nghị lực. Một khi cái khoảnh khắc quí báu của sự phải lòng qua đi và các đường biên tái lập lại, người ta có thể hết ảo tưởng nhưng thường chẳng thêm được gì về kinh nghiệm. Tuy nhiên khi các giới hạn được nới rộng hay trải rộng ra thì chúng có khuynh hướng trải rộng ra mãi. Tình yêu thực sự là một kinh nghiệm tự mở rộng không ngừng. Phải lòng thì không như thế.
Phải lòng có ít cơ may nuôi dưỡng sự phát triển tinh thần. Nếu chúng ta có một mục đích gì đó trong tâm trí khi chúng ta phải lòng thì đó là chấm dứt nỗi cô đơn của mình và đạt được kết quả này thông qua hôn nhân. Chắc chắn chúng ta không nghĩ đến sự phát triển tinh thần. Thật vậy, sau khi chúng ta phải lòng và trước khi chúng ta không còn yêu đương nữa chúng ta cảm thấy rằng mình đã tới đích, rằng những đỉnh cao đã đạt được, rằng không cần mà cũng chẳng có thể tiến cao hơn được nữa. Tự chúng ta không còn cảm thấy cần phải phát triển, chúng ta hoàn toàn bằng lòng ở nơi chúng ta đang ở. Tinh thần chúng ta bằng an. Chúng ta cũng không cảm thấy người yêu cần phải phát triển tinh thần. Trái lại, chúng ta cho rằng chàng (hay nàng) như vậy là hoàn hảo. Nếu có thấy khuyết điểm nào ở nơi người yêu chúng ta cũng cho là chuyện nhỏ - những chuyện vặt vãnh lệch tâm đáng yêu ấy càng tôn thêm hương hoa và quyến rũ. Nếu phải lòng không phải là tình yêu thì nó là cái gì nếu không phải là sự sụp đổ một phần và tạm thời các đường biên bản ngã? Tôi không biết, nhưng đặc tính tình dục của hiện tượng đó khiến tôi ngờ rằng nó là một yếu tố bản năng có tính di truyền của hành vi giao hợp. Nói cách khác sự sụp đổ tạm thời những đường biên bản ngã làm nên sự phải lòng là sự trả lời rập khuôn của con người cho một hình thái của những xung năng tình dục bên trong và những kích động tình dục bên ngoài nhằm gia tăng khả năng kết đôi và giao phối tình dục để đẩy mạnh sự sinh tồn của giống loài. Hay nói cách khác nữa, bạo hơn, phải lòng là một mưu mẹo mà các gien của chúng ta đưa đẩy che mắt cảm thức, gài chúng ta vào hôn nhân. Thường thì trò bịp này bị lệch hướng bằng một cách nào đó, như khi những xung năng và kích động tính dục là đồng tính luyến ái hoặc khi những thế lực khác - như sự can thiệp của bố mẹ, sự suy nhược tâm thần, những trách nhiệm đối lập hoặc sự tự kỷ chín chắn - đến bất chợt ngăn cản sự quan hệ. Trái lại, nếu không có mưu mẹo này, tức sự quay trở lại, một cách ảo tưởng và tạm thời, sự hòa lẫn và sự toàn năng của trẻ con, thì nhiều người trong chúng ta, kẻ hạnh phúc hay không hạnh phúc trong hôn nhân, phải kinh hoàng sợ hãi, từ khước cái hiện thực của những lời thề hôn nhân.
Huyền thoại về tình yêu lãng mạn
Để phục vụ hiệu quả cho việc gài bẫy chúng ta vào hôn nhân, có lẽ một trong những đặc điểm của kinh nghiệm ấy sẽ kéo dài mãi mãi. Trong nền văn hóa của chúng ta, ảo tưởng này được nuôi dưỡng bằng huyền thoại phổ biến về tình yêu lãng mạn. Huyền thoại này xuất phát từ những truyện thần tiên thời thơ ấu rất được ưa thích, trong đó chàng hoàng tử và nàng công chúa sau khi nên vợ chồng đã sống hạnh phúc với nhau mãi mãi sau đó. Thật vậy, huyền thoại tình yêu lãng mạn bảo cho chúng ta hay rằng chỉ có một người đàn ông dành cho một người đàn ông và điều này đã được tiền định "ở các vì sao". Khi chúng ta gặp người mà chúng ta được định đoạt, sự nhận ra sẽ thông qua việc chúng ta phải lòng. Chúng ta gặp người mà trời đã định cho chúng ta, và vì sự việc ấy là hoàn hảo nên chúng ta có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của nhau mãi mãi, và đo đó sẽ sống hạnh phúc mãn đời trong kết hợp hài hòa. Thế nhưng có thể xảy ra chuyện chúng ta không thỏa mãn hoặc không biết được mọi nhu cầu của nhau thì sự bất hòa xuất hiện, và chúng ta không yêu thương nữa, rõ ràng chúng ta đã phạm sai lầm ghê gớm, chúng ta đã đọc sai thiên mệnh, chúng ta không có được cuộc hôn nhân duy nhất là tình yêu thật, tình yêu đích thực, và không thể làm được việc gì ngoài chuyện sống không hạnh phúc mãi mãi về sau hoặc li dị.
Trong khi tôi thường thấy rằng các huyền thoại lớn nhất thật là vĩ đại vì chúng trình bày và chứa đựng những chân lý phổ quát (và tôi sẽ thăm dò nhiều huyền thoại như thế về sau trong cuốn sách này), huyền thoại về tình yêu lãng mạn là một sự bịa đặt khủng khiếp. Có lẽ đó là một sự bịa đặt cần thiết bảo đảm sự sinh tồn của giống loài bằng sự khuyến khích và sự biện minh cho sự phải lòng vốn là thứ kinh nghiệm gài bẫy chúng ta vào hôn nhân. Nhưng với tư cách là một nhà tâm bệnh học tôi phải thổn thức trong lòng gần như hàng ngày về sự nhầm lẫn khủng khiếp và sự đau khổ mà huyền thoại này gây ra. Hàng triệu người phung phí biết bao năng lượng một cách vô vọng và vô ích nhằm cố gắng làm cho cái thực tế của cuộc đời hợp với cái phi thực tế của huyền thoại kia.
Nói thêm về những đường biên bản ngã
Đã tuyên bố rằng kinh nghiệm "phải lòng" là một thứ ảo tưởng không làm nên được tình yêu thực sự thì tôi cũng phải đi đến kết luận bằng cách nói ngược lại và chỉ cho thấy rằng phải lòng thật ra rất, rất gần với tình yêu thực sự. Thật vậy, sự ngộ nhận phải lòng là một dạng tình yêu có sức thuyết phục đến thế chính xác là vì nó có mầm mống sự thật.
Tình yêu thực sự cũng có liên hệ đến những đường biên bản ngã, vì nó bao gồm một sự mở rộng những giới hạn của mỗi người. Các giới hạn của một người chính là những đường biên bản ngã của người ấy. Khi chúng ta nới rộng những giới hạn của mình thông qua tình yêu, tức là chúng ta làm như thế để vươn tới người mình yêu; ta mong ước giúp người ấy lớn lên. Để ta có thể làm được điều này, đối tượng được yêu trước tiên phải được ta yêu; nói cách khác, chúng ta phải bị lôi cuốn, liên hệ và gắn bó với một đối tượng nằm bên ngoài ta, vượt ra khỏi những đường biên bản thân ta. Các nhà tâm bệnh học gọi tiến trình thu hút, liên hệ, gắn bó này là "đầu tư năng lượng tâm lý" (cathexis) và bảo rằng chúng ta "đầu tư" đối tượng được yêu. Nhưng khi chúng ta đầu tư một đối tượng bên ngoài chính mình thì, xét về mặt tâm lý, chúng ta cũng hội nhập đối tượng đó vào trong chúng ta. Ví dụ, hãy xem một người nọ làm vườn để tiêu khiển. Đó là một thú giải trí vừa thú vị vừa tốn công. Anh ta "yêu thích" làm vườn. Khu vườn của anh có ý nghĩa rất lớn đối với anh ta. Người này đã đầu tư khu vườn của mình. Anh thấy nó thu hút, anh đã đầu tư chính mình vào trong đó, anh gắn bó với nó đến nỗi anh có thể nhảy ra khỏi giường sáng sớm chủ nhật để ra vườn, anh có thể bỏ một chuyến đi xa vì nó, thậm chí anh có thể bỏ bê vợ anh vì nó. Trong quá trình đầu tư ấy và trong khi chăm chút cho những cánh hoa, cây cỏ anh học hỏi được rất nhiều. Anh hiểu biết về công việc làm vườn - về đất, về phân, về sự đâm rễ, về sự nảy chồi. Và anh biết về khu vườn đặc biệt của mình - lịch sử của nó, những loại cây, hoa hồng trong đó, cách bố trí, những vấn đề và thậm chí tương lai của nó. Mặc dù sự thật là khu vườn tồn tại bên ngoài anh, nhưng thông qua sự đầu tư của anh, một phần của tính cách anh, một phần của lịch sử đời anh, một phần của sự khôn ngoan của anh. Thông qua tình yêu và sự đầu tư cho khu vườn anh ta đã nhập nội khu vườn vào trong anh, và bằng sự nhập nội này bản thân anh đã được nới rộng và những đường biên bản ngã đã mở rộng ra.
Điều xảy ra trong vòng nhiều năm yêu thương nới rộng giới hạn để đầu tư là một sự mở rộng tuần tự, từng bước bản thân, một sự nội nhập thế giới bên ngoài vào bên trong, một sự lớn lên, một sự kéo giãn ra, một sự làm mỏng những đường biên bản ngã. Bằng cách này chúng ta càng mở rộng mình ra nhiều hơn và lâu hơn, chúng ta càng yêu nhiều hơn và sự phân biệt giữa bản thân và thế giới càng trở nên mờ nhạt hơn. Chúng ta trở thành đồng nhất với thế giới bên ngoài. Và khi các đường biên bản ngã trở nên mờ nhạt và mong manh, chúng ta bắt đầu cảm nghiệm càng lúc càng nhiều cùng loại cảm giác ngây ngất mà chúng ta có khi các đường biên bản ngã sụp đổ một phần, khi chúng ta "phải lòng". Chỉ khác một điều là thay vì hòa lẫn tạm thời và không thực với một đối tượng yêu thương nào đó, chúng ta hòa lẫn thực sự và lâu bền hơn với thế giới rộng lớn. Một "sự hiệp nhất nhiệm mầu" với toàn thế giới có thể được thiết lập. Một cảm giác ngất ngây, hạnh phúc, kết hợp với sự hiệp nhất này có lẽ êm dịu hơn và ít bi thảm hơn với niềm hoan lạc trong sự phải lòng và sẽ bền vững, lâu bền và thỏa mãn hơn. Đó là sự khác biệt giữa kinh nghiệm đỉnh cao trong việc phải lòng với điều mà Abraham Maslow gọi là kinh nghiệm cao nguyên (plateau experience). Người ta không bất thần vút lên đỉnh cao để rồi lại rơi xuống, nhưng người ta đạt được mãi mãi.
Người ta thấy rõ và hiểu rằng hoạt động tình dục và tình yêu, tuy có thể xảy ra đồng thời nhưng thường không liên kết với nhau vì tự căn bản đó là hai hiện tượng tách biệt. Tự thân, làm tình không phải là một động tác của tình yêu. Dù sao kinh nghiệm giao hợp, và đặc biệt kinh nghiệm cực khoái (ngay cả khi thủ dâm) là một kinh nghiệm cũng có gắn liền trong một mức độ ít nhiều nào đó với sự sụp đổ những đường biên bản ngã và sự ngây ngất kèm theo. Chính vì sự sụp đổ những đường biên bản ngã này mà chúng ta kêu lên trong khoảnh khắc tột đỉnh ấy "anh yêu em" hoặc "ôi, chúa ôi" với một cô gái điếm mà những giây phút sau đó, sau khi những đường bản ngã tái lập trở lại, chúng ta có thể không cảm thấy mảy may yêu thương, gắn bó, dính dáng gì với người đó. Nói thế không có nghĩa là sự ngây ngất của kinh nghiệm cực khoái không thể tăng thêm lên khi chia sẻ với một người mình yêu; có thể chứ. Nhưng dù đó không phải là người yêu hay nói cách khác với bất cứ bạn tình nào thì sự sụp đổ những đường biên bản ngã khi có cực khoái đều có thể là toàn diện; vì trong một giây chúng ta có thể hoàn toàn quên mình là ai, mất dấu bản thân, lạc mất không gian và thời gian, ra khỏi chính mình, bị đưa đi. Chúng ta có thể trở nên một với vũ trụ. Nhưng chỉ trong một giây.
Khi miêu tả sự hiệp nhất bền vững với vũ trụ trong tình yêu thực sự để so sánh với sự hiệp nhất tạm thời của cực khoái, tôi dùng từ ngữ "sự hiệp nhất nhiệm mầu". Chủ nghĩa thần bí cốt yếu tin rằng thực tại là độc nhất tính. Các nhà thần bí chính thống tin rằng cái nhận thức thông thường của chúng ta về vũ trụ như một số lượng bao gồm những vật rời rạc - ngôi sao, hành tinh, cây cỏ, chim chóc, nhà cửa, con người chúng ta - tất cả tách biệt nhau bằng những đường biên là một ngộ nhận, một ảo tưởng. Đối với ngộ nhận thống nhất này, thế giới của ảo tưởng mà đại đa số chúng ta tin cách sai lầm là thật, các tín đồ Ấn giáo và Phật giáo gọi là "maya". Họ và những nhà thần bí khác cho rằng thực tại đích thực chỉ có thể biết được bằng sự cảm nghiệm độc nhất tính thông qua việc bỏ đi những đường biên bản ngã. Không thể nào thấy thực sự tính đơn nhất của vũ trụ bao lâu mà người ta còn tiếp tục xem mình như một vạt thể riêng biệt, tách biệt và có thể phân biệt với phần còn lại của vũ trụ dưới một cách thức, hình thức hay dạng thức nào. Vì thế các tín đồ Ấn giáo và Phật giáo thường cho rằng đứa trẻ trước khi hình thành những đường biên bản ngã biết được thực tại, trong khi người lớn thì không. Thậm chí một số người còn cho rằng con đường đến giác ngộ hay tri thức về độc nhất tính của thực tại đòi hỏi chúng ta thoái lui hay làm cho mình nên như trẻ thơ. Đây có thể là một chủ trương cám dỗ một cách nguy hiểm đối với một số thanh niên và người trẻ không chuẩn bị để đảm nhận những trách nhiệm của người lớn, những trách nhiệm xem chừng làm hoảng sợ, quá đáng và đòi hỏi quá khả năng của họ. "Tôi không cần phải từng trải tất cả những chuyện này", có người đã từng nghĩ như thế. "Tôi có thể bỏ đi cái chuyện cố trở thành một người lớn và thoát khỏi những yêu cầu của người lớn để nên thánh". Nhưng hành động dựa trên giả thiết này sẽ bị bệnh phân liệt chứ không phải là nên thánh.
Phần lớn các nhà thần bí đều hiểu được sự thật đã được bàn tỉ mỉ ở cuối phần thảo luận về kỷ luật: nghĩa là, chúng ta phải có hoặc đạt được một cái gì đó trước khi chúng ta có thể bỏ nó đi mà vẫn duy trì được năng lực và đứng vững. Đứa trẻ không có những đường biên bản ngã có thể gần gũi với thực tại hơn bố mẹ nó, nhưng nó không thể sống còn mà không có sự chăm sóc của bố mẹ nó và không thể truyền đạt sự thông tuệ của nó được. Con đường nên thánh đi thông qua tuổi trưởng thành. Không có những con đường tắt nhanh chóng và dễ dãi. Các đường biên bản ngã phải được làm rắn chắc trước khi có thể được vượt qua. Người ta phải tìm được bản thân mình trước khi có thể đánh mất nó. Sự thoát ra tạm thời khỏi những đường biên bản ngã trong lúc p hải lòng, khi giao hợp hoặc khi sử dụng những dược chất gây phấn kích tâm lý nào đó có thể mang lại cho chúng một thoáng Niết bàn, nhưng không phải là chính Niết bàn. Luận đề của cuốn sách này là Niết bàn hoặc sự giác ngộ vĩnh cửu hoặc sự trưởng thành tinh thần đích thực chỉ có thể đạt đến thông qua sự tập tành dai dẳng về tình yêu thực sự.
Như vậy, nói tóm lại, sự mất tạm thời những đường biên bản ngã trong khi phải lòng và lúc giao hợp không những đưa ta đến chỗ ràng buộc với người khác từ đó tình yêu thực sự có thể bắt đầu mà còn cho ta nếm trước (và do đó kích thích hướng tới) sự ngất ngây huyền nhiệm vững bền hơn mà chúng ta có thể có được sau một cuộc đời yêu thương. Vậy thì, nếu phải lòng không phải đích thực là tình yêu, thì nó cũng là một phần của sơ đồ kì bí, lớn lao của tình yêu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn