Tình yêu và dâm dục

10:46 SA @ Thứ Ba - 30 Tháng Chín, 2014

Thưa tiến sĩ Adler,

Sự khác nhau giữa tình yêu và dâm dục là gì? Tôi nghĩ rằng điều phân biệt nằm ở chỗ nhấn mạnh đến sự cho đi hay lấy lại. Nhưng phải chăng không có một yếu tố quan trọng của thèm muốn và khoái lạc trong việc thỏa mãn dục vọng trong hầu hết các quan hệ mà chúng ta thường tính đến trong “tình yêu”? Điều này hẳn là đúng trong quan hệ tình yêu giữa người nam và người nữ. Sự giao cấu có phải là biểu hiện của “tình yêu” hay của “dâm dục” hay của cả hai?

D.J.

D.J. thân mến,

Khi Thánh Augustine được hỏi, “Thời gian là gì?” ngài trả lời: “Nếu không ai hỏi tôi, thì tôi biết; còn nếu tôi muốn giải thích điều đó cho ai hỏi tôi, thì tôi không biết.” Định nghĩa tình yêu cũng khó khăn như vậy. Freud, đến gần cuối cuộc đời trường thọ của mình cũng thú nhận: “Cho đến giờ này tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để đưa ra những tuyên bố rõ ràng về yếu tính của tình yêu và tôi nghĩ rằng hiểu biết của chúng ta không đủ để làm việc đó... Chúng ta thực sự biết rất ít về tình yêu.” Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm được chút ít sáng suốt bằng cách xem xét những quan điểm của các triết gia, các nhà thơ và các bác sĩ tâm thần, tất cả đều có đóng góp vào sự hiểu biết, nếu không phải là giải pháp, của vấn đề đó – tình yêu là gì?

Khi một người nam và một người nữ yêu nhau, họ khao khát nhau, nhưng không như cách họ thèm ăn hay khát nước. Bản năng giới tính của con người diễn ra theo hai hướng: có dục tính phục vụ cho tình yêu, và có dục tính tách rời khỏi tình yêu (tức là dâm dục). Thèm muốn một con người như thèm muốn thức ăn hay thức uống là dâm dục – một sự thèm muốn hoàn toàn ích kỷ.

Nhưng tình yêu nhục thể bao hàm sự hòa quyện của tâm hồn và thể xác. Nó cố hiện thực hóa trong một sự hợp nhất vốn đòi hỏi hiểu biết, cảm thông, tình thương và hy sinh.

Chúng ta có thể không bao giờ biết rõ cái nào đến trước – “thích” hay “thèm muốn”. Tình yêu bắt nguồn từ dục vọng, hay dục vọng bắt nguồn từ tình yêu? Aristotle nghĩ rằng lòng nhân ái đến trước; Freud cho rằng tình yêu dục tính phát sinh từ sự thèm muốn. Trong khi vấn đề có vẻ như không thể giải quyết được, nó dường như cho thấy sự khác biệt trên thực tế rằng tình yêu diễn ra theo hướng nào. Nếu dục tính đến trước, sự hợp nhất có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn; nếu tình yêu đến trước, một sự hợp nhất vững bền, thành công hơn có vẻ như sẽ xảy ra bởi vì, giữa bao nhiêu thứ khác, một sự lựa chọn thông minh hơn đã được thực hiện.

Những quan sát của các nhà thơ và kinh nghiệm lâm sàng của các nhà phân tâm học và các bác sĩ tâm thần dường như xác nhận quan điểm này. “Tình yêu và dục tính thường xảy ra đồng thời,” bác sĩ tâm thần nổi tiếng Theodore Reik(1) viết, nhưng “sự trùng hợp không phải là bằng chứng của sự đồng nhất... Không có nghi ngờ gì giữa các nhà phân tâm học rằng có thứ dục tính không tình yêu, dục tính ‘sòng phẳng’. [Nhưng] họ phủ nhận mạnh mẽ rằng có thể có tình yêu không dục tính.” Một bác sĩ tâm thần khác, Erich Fromm(2), tác giả của The Art of Loving,cảnh cáo chúng ta: “Bởi vì tình yêu nhục dục là hình thức dối trá nhất của tình yêu mà nó có... nên việc phân biệt sự khao khát tình dục tự nó (per se)với tình yêu trở nên rất quan trọng. Nếu tình yêu nhục dục cũng không phải là tình yêu anh em, sự hợp nhất chắc chắn chỉ là trác táng, phù du.”

Các nhà thơ lớn ủng hộ những quan điểm này. Thật vậy, bị quyến rũ bởi chủ đề này, từ lâu họ đã thấy trước những khám phá của các nhà tâm lý học. Nếu họ không tìm ra được một định nghĩa chính xác, ít nhất họ cũng nhận thấy một số thuộc tính của tình yêu con người.

Tình yêu bao hàm đam mê, hay như Milton diễn đạt trong Paradise Lost:

... Với Rượu mới làm hai người chếnh choáng
Họ quay cuồng đùa vui, và tưởng như mình cảm thấy
Thần thánh bên trong họ mọc thành đôi cánh
Với nó họ coi khinh Mặt Đất

Tình yêu bao hàm sự trung thành, hay như Shakespeare tuyên bố:

Tình yêu không phải là tình yêu
Thay đổi khi nó tìm thấy sự thay đổi

Trên hết, tình yêu bao hàm sự hợp nhất, một hợp nhất của thân xác và tâm hồn, hay như John Donne(3) diễn tả:

Bí mật của tình yêu trong những tâm hồn lớn lên
Nhưng dù vậy thân xác là cuốn sách của nó

Theo một thần thoại cổ Hy Lạp, con người nguyên thủy là một thực thể ghép, nửa đàn ông và nửa đàn bà. Một vị thần đồng bóng tách nó ra làm hai, hậu quả là người đàn ông và người đàn bà bị phân đôi từ đó tìm cách trở về tái hợp nhất với “nửa kia”. Các nhà tâm lý học hiện đại nêu lên cùng vấn đề theo một cách khác khi họ nói rằng “nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu vượt qua tình trạng riêng rẽ, rời khỏi nhà tù của sự cô độc của hắn.”

(1) Theodore Reik(1888 – 1969): nhà Phân tâm học Mỹ, sinh tại áo.
(2) Erich Fromm(1900 – 1980): nhà Phân tâm học Mỹ, sinh tại Đức. Ông nhấn mạnh sự liên kết của những cá tính của con người và những khuôn mẫu kinh tế – xã hội. Các tác phẩm của ông có Escape from Freedom(“Trốn thoát khỏi tự do”; 1941) và The Sane Society(“Xã hội lành mạnh”; 1955).
(3) John Donne(1572 – 1631): nhà thơ, nhà văn, mục sư người Anh.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: