Phiếm luận văn hóa giao tiếp online…
“Nếu bạn có một cái bánh mì, tôi có một cái bánh mì, ta đổi cho nhau, thì mỗi người vẫn chỉ có một cái. Nhưng nếu bạn có một luồng tư tưởng, tôi cũng có một luồng tư tưởng, ta đổi cho nhau thì mỗi người có đến hai luồng tư tưởng”...
Câu nói đó chẳng biết của ai, có người bảo nó của Shakespeare, lại có người bảo là không phải. Tôi không quan tâm đến việc nó được ai phát ngôn ra, nhưng quả thực, ý nghĩa của nó làm tôi ám ảnh, có thể nói, nó ghim chặt vào trí óc tôi mỗi khi định giao tiếp với ai.
Nếu như ngôn ngữ là công cụ để tư duy, thì giao tiếp lại là công cụ cho việc giao tiếp các luồng tư tưởng. Lý thuyết là thế, còn thực hành lại là một chuyện khác. Thực hành giao tiếp ngày nay thông qua nhiều phương tiện, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền thông đáp ứng đủ các loại máy hỗ trợ cho tiếng nói của con người bằng những tín hiệu số hóa, các giao tiếp cũng trở nên sang trọng hơn về mặt quy cách và hình thức. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc chỉ có “hạt sạn trong đống gạo", thì người viết cũng chẳng cần phải ngồi đây để viết ra những dòng này, quấy rầy mất thời gian bạn đọc. Sự thật, chẳng cần phải thống kê, chẳng cần phải mất nhiều thời gian để chúng ta cũng nhìn thấy nhan nhản những giao tiếp trên mạng: thiếu thốn đến trầm trọng từ phương thức, cách thức, kỹ năng, đến trình độ, nghệ thuật giao tiếp, hơn thế là những biểu hiện của sự xuống cấp về mặt đạo đức giao tiếp, thông qua việc biểu đạt giao tiếp trực tuyến.
Người viết có đọc được một số “câu chuyện buồn" của người xưa liên quan đến bài viết này, nhân tiện, cũng xin trích y nguyên để ai đó có nhu cầu tìm hiểu khỏi phải mất công tìm kiếm. Trong Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, năm 1922 , có viết: “Người mình không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối cũng ít người nói được. Khi Hội đồng thời chẳng khác gì như họp việc làng, tranh nhau nói, ồn ào lộn xộn mà ít ai nói được câu gì cho có nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt vặt chẳng đâu vào đâu. Khi yến tiệc thời đương câu chuyện vui gặp có tiếng gì buồn cười nhất là nói tiếng bẩn, ông nào to miệng cả tiếng thở ra một cái cười hà hà, cử tọa đều cười ầm cả lên đến vo đổ nhà, thế là câu chuyện tan. Chỗ công môn thời ông quan nói, muốn ra oai mặt sắt chỉ nói nhát gừng, cách một vài câu lại điểm những tiếng nghe chưa? Nghe chưa? thằng dân thưa thốt gãi tai gãi đầu, chỗ nghe những tiếng bẩm bẩm dạ dạ nói không ra lời. Mấy cậu thiểu niên thời toa toa moa moa ngậu xi cả đường phố câu chuyện không những vô vị mà thường bất thành ngôn nữa. Thời buổi nhố nhăng, ngữ ngôn bác tạp, anh bồi chủ bếp con bạc làng chơi ả giang hồ cậu công tử Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, ta không ra ta, có nhiều cái xã hội không biết họ nói thứ tiếng gì. Thử tìm khắp trong nước được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá”. Cái thời Của Cụ Phạm Quỳnh, mà cụ còn phải thốt lên là Thử tìm khắp trong nước được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá, thì hôm nay, giữa thời đại này, lấy ai ra mà thốt? Và biết thốt thế nào?
Cách đây vài năm, người viết bài này có tham gia sáng lập và quản trị box Nghệ Thuật Thư Pháp trên mạng Trái Tim Việt Nam (TTVNOL), nhưng cuối cùng, cũng xin "nghỉ hưu” không làm tiếp được. Không phải là không còn quý mến con chữ, mà chẳng chịu được những “reply” theo kiểu chợ búa, thô tục và đầy hách dịch của không ít thành viên. Cho đến khi tham gia vào các diễn đàn khác thì mới “ngộ" ra rằng, rốt cuộc, “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”!
Phải công nhận rằng "thời mở cửa cái gì cũng mở" (câu của Võ Trung Hiếu), mở đến mức khi khép lại soi mặt xuống ao, cả tôm cũng sợ, có người chẳng nhận ra mình là ai nữa. Từ kiểu dáng đến hình hài, từ ngôn ngữ đến tư duy, từ... nói chung đều “ba rọi”! Có những cậu học trò lớp 8, lớp 9 đi học về nói chuyện với ông bà toàn bằng ngôn ngữ mạng, các ông bà chả hiểu mô tê được gì, đành cười trừ với cháu cho qua chuyện. Mà cũng lạ, cái văn hóa cười trừ của Việt Nam cứ như ngấm vào xương tủy bao người từ thuở nào đến bây giờ vậy. Trong Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Dương Tạp chí, năm 1914 có ghi: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang...”. Bây giờ cũng vậy thôi, thử lướt qua các trang blog của một số "Nhà lớn" (bao gồm chữ Nhà thừa số cho thơ, văn, báo, nhạc...), các vị cũng thường... cười trừ cả. Có lẽ có nhiều lý do một trong những lý do thường thấy là các vị ngại cúi xuống nói chuyện với phường lòi tói" như cái phường mà bà Hồ Xuân Hương ngày xưa đã chửi, vì sợ mình chửi họ cũng chả khác gì mình như họ. Nhưng người viết bài này trộm nghĩ, đã dự mình vào cái bữa tiệc chia tên (tên miền miễn phí cho các địa chỉ blog) này, thì sang hay hèn cũng đều chung mâm"cả. Các vị có ngồi trên cái sập gụ kê ở giữa gian chính trong tòa biệt thự. sạch như ly như lau đi chăng nữa, mà bẽn ngoài trẻ con nó “đi bậy” ra khắp sân hè, thì chắc cũng chẳng thơm tho gì. Nên chăng... tất cả cùng tham gia “lễ hội môi trường mạng” trước khi quay về cái “sập gụ"của mình (?).
Có lần, tôi bị trách là không để lại comments khi vào thăm blog của một người bạn trong My Friends trên blog.360.yahoo rằng: “Ông cứ vào đọc chùa, không comments gì hết là sao”? Nhưng quả thật, tôi không biết nói gì, viết gì. Viết hoặc nói ra cái điều mình không muốn, thì tốt nhất là đừng nói, đừng viết. Viết hay nói ra không khéo thì tổn thương bạn, tránh cho bạn khỏi bị tổn thương thì lại bị tổn thương mình. Tôi quả là không dám dự với “nồi lẩu ngôn ngữ" của bạn, đành nghe bạn trách mà đọc một câu thơ của Bùi Giáng làm vui: “Rằng xin các hạ hãy vô ngôn”!
Có lẽ, trong số quý vị, những người đọc bài viết này, nhiều ít cũng đã phải có những lúc “vô ngôn". Nhưng, thưa quý vị, dù là mất cả đêm để ngồi viết những dòng, mà tôi biết có không ít các blogger cho rằng, đó là nhảm nhí, là lẩm cẩm, là hâm hấp, là lạc hậu... tôi vẫn có một niềm tin là: sớm muộn gì cũng sẽ có một sự sàng lọc tất yếu hoặc ngẫu nhiên cho hiện trạng văn hóa giao tiếp online này. Tôi cũng tin chính quý vị là những người sẽ lên tiếng để bênh vực chữ nghĩa, quan trọng hơn là bênh vực cho sự vô tội của tiếng Việt đang bị cưỡng bức bởi số ít những người dùng công nghệ làm sức mạnh xâm lược nó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015