Ông nghè Đông Tác: Một kẻ sĩ Bắc Hà

10:41 CH @ Thứ Tư - 14 Tháng Mười Một, 2018

Có một kẻ sĩ Bắc Hà, bạn của Thần Siêu, Thánh Quát, gia thế khoa bảng, từng soạn bia Văn hội Thọ Xương nhằm tập hợp đông đảo trí thức Bắc Hà. Là người thầy đào tạo nên những học trò xuất sắc, những trụ cột lớn của triều đình nhà Nguyễn. Là cha của những nhà yêu nước, là ông của những nhà khoa học lớn… Kẻ sĩ đó là ông nghè Đông Tác – Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868).


Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý.

.

Gia thế phương danh

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý tự Tuần Phủ, hiệu Chí Đình, Chí Am, Chí Hiên, biệt hiệu Đông Khê. Ông người làng Đông Tác huyện Vĩnh Thuận (nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Ông sinh trưởng trong một dòng họ được coi là định cư lâu đời nhất ở đất Thăng Long. Tương truyền, thủy tổ ông họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Vào đời vua Lê Thánh Tông, thủy tổ ông là Chính Thiện từ Gia Miêu dời ra làng Đông Tác. Đến đời thứ 7 của tổ Chính Thiện sinh ra cụ Nguyễn Hy Quang (1634-1692) gia cảnh nghèo khó nhưng đã vượt lên trở thành vị thầy dạy các Thế tử. Cụ viết “Quân thần luận” nhắc chúa Trịnh Tạc giữ gìn đạo tôi. Khi mất, cụ được thờ ở đình Trung Tự - nơi thờ Cao Sơn đại vương, cùng trong quần thể với đình Kim Liên (cũng thờ Cao Sơn đại vương) – Một trong Thăng Long tứ trấn.

Cháu của cụ Nguyễn Hy Quang là Nguyễn Trù (1668-1736) đỗ Hoàng giáp năm 1697, làm đến Tế tửu Quốc Tử Giám và Hình bộ Hữu Thị lang. Con của Nguyễn Trù là Nguyễn Hữu Dụng đỗ Tạo Sĩ làm tới Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, tước Tào Quận Công. Khi mất được phối thờ ở hậu cung đình Trung Tự.

Cháu nội của Nguyễn Trù là Nguyễn Hữu Vọng (1762 - 1818), đỗ sinh đồ thời Lê, được phong tước Lương Vũ Bá. Khi Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Hữu Vọng không ra làm quan với nhà Tây Sơn.

Nguyễn Hữu Vọng đã sinh ra Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý.

Khi Nguyễn Văn Lý sinh ra, Thăng Long không còn là đất đế đô. Đời sống dân cư về mọi mặt không còn hưng vượng như trước nữa. Ông thừa nhận: “Họ ta nghèo, thôn ta ở giữa thành thị, không có đất để cày cấy lại không có nghề nghiệp ổn định, rất đáng phải lo nghĩ”.


Ông Nguyễn Trà đích huyền tôn của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý tại từ đường họ Nguyễn Đông Tác.

.

Cơ duyên gặp thầy, gặp bạn

Sách “Đại Nam Liệt truyện” viết Nguyễn Văn Lý “từ nhỏ đã để chí vào việc học hành”. Năm 1808, khi 14 tuổi, ông theo học cụ Bùi Chỉ Trai là em ruột Tham tụng triều Lê Bùi Huy Bích. Đến năm 18 tuổi, ông theo học Bạch Trai Lê Hoàng Đạo, Tiến sĩ, Đốc học Hà Nội. Việc học hành đang thuận lợi thì vào năm 1817, thân mẫu Nguyễn Văn Lý bị bệnh nặng. Ông cùng em trai đêm đêm phải kê chiếc giường nhỏ bên cạnh để cùng chăm sóc, nghe ngóng bệnh tình của mẹ. Tháng 2 năm sau (Mậu Dần 1818) thì thân mẫu mất. Chôn cất mẹ xong, mới được vài tháng thì cha đổ bệnh, đến tháng 6 cũng qua đời. Trong “Tự truyện”, Nguyễn Văn Lý viết: “Chỉ trong vòng có một năm mà gia đình có đến hai biến cố lớn, gia sản tổ tiên để lại có 4 mẫu ruộng bạc điền đã bán hết để lo việc tang”. Để có tiền trang trải, Nguyễn Văn Lý phải đi dạy học và việc học hành thi cử của ông cũng bị chậm lại.

Năm 1822, Nguyễn Văn Lý thi Hương đỗ Nhị trường. Sau đó, ông tìm theo học Tiến sĩ Lập Trai Phạm Quý Thích, Đốc học Cao Huy Diệu, Tri huyện Tiên Minh Nguyễn Trừng.

Nhưng trong các vị thầy, người có ảnh hưởng tới ông nhất là Phạm Quý Thích.

Được sự khuyến khích, dắt dẫn của thầy Phạm Lập Trai, tại khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825), khi đã 31 tuổi, Nguyễn Văn Lý đã đỗ cử nhân hạng ưu.

Nhưng thầy Phạm Quý Thích đã qua đời mà không kịp chứng kiến sự đỗ đạt, trưởng thành của học trò xuất sắc Nguyễn Văn Lý. Thầy mất ngay trong năm 1825. Nguyễn Văn Lý khóc viếng thầy: “Hành tàng để ý y thùy hội; Sơ văn đương niên thượng hướng luân” (ý sâu xa của lẽ hành tàng mấy ai đã hiểu phận con là trò, tới muộn, ít được gần, nay vẫn hướng tới thầy mong được luận cho rõ).

Con đường khoa cử của Nguyễn Văn Lý sau đó khá lận đận. Ông thi hỏng liền hai khóa thi Hội vào các năm Bính Tuất (1826) và Kỷ Sửu (1829). Phải tới khoa thi khoa Nhâm Thìn (1832) ông mới đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (ông nghè).

Sáng lập văn hội Thọ Xương

Đỗ đạt, năm 1833, Nguyễn Văn Lý được bổ nhiệm Tri phủ Thuận An (vùng Thuận Thành, Bắc Ninh). Không may, tháng 10 năm đó, phủ Thuận An xảy ra việc tù phạm phá ngục, dù ông đi việc quan vắng vẫn bị triều đình giáng 1 cấp. Rồi 8 tháng sau, ông được triệu về kinh làm Viên Ngoại lang, rồi Lang trung bộ Lại.

Mùa hè năm 1838, nhân khi bị ốm, Nguyễn Văn Lý xin nghỉ về quê. Tại Hà Nội, ông cùng thân hữu như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu lập ra Văn chỉ Thọ Xương. Chính Nguyễn Văn Lý là người soạn văn bia “Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký” (bài ký ghi trên bia đền thờ các tiên hiền huyện Thọ Xương). Về mục đích xây dựng văn chỉ, ông khẳng định: “Trên thì noi theo phong độ và ý chí của tiên hiền, dưới thì khuyến khích thế hệ mai sau trau dồi tiến tới. Trong phạm vi hẹp thì trở thành các vị quân tử trong làng, các vị thầy trong xã. Mở rộng ra sẽ là tôn chúa giúp dân”. Tấm bia “Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký” hiện nay ở tại ngõ 222 phố Bạch Mai - Hà Nội.

Oan ức

Làm Đốc học Bắc Ninh được 7 tháng thì đầu năm 1841, Nguyễn Văn Lý được cử làm Án sát tỉnh Phú Yên kiêm Hộ lý tuần phủ quan phòng. Tháng 8, ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Gia Định.

Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Văn Lý bị oan ức mấy lần. Trong thời gian ở Phú Yên, có 2 lần ông bị giáng chức. Lần thứ nhất vì việc dâng xoài chậm, bộ Lễ tham hạch, bộ Lại nghị tội là trái với quy định “phạt nhẹ giáng lưu”. Năm 1844, một lái buôn ở Phú Yên ăn trộm, vu khống ông nhận hối lộ. Dù Học sĩ Vũ Phạm Khải được cử tra xét đã điều tra kỹ và kết luận không có việc nhận hối lộ nhưng ông vẫn bị cách chức lưu lại làm các việc phụ dịch.

Sau 2 năm bị phụ dịch, ông được giao làm Hàn lâm Viện Điển bạ, rồi năm 1846 làm Hành tẩu ở Nội các.

Nguyễn Văn Lý là vị quan nhân nghĩa. Khi làm quan ở Phú Yên, ông dâng sớ xin miễn lính cho 7 người con cháu triều Lê trước; xin tha tội chết cho 10 tù nhân chịu tội tử hình, và mở cho con đường sống là cho khẩn hoang ruộng bỏ hóa, hoãn thuế 3 năm, xin thả các tù phạm người Man cho về quê quán. Người dân đem vàng, bạc hàng trăm lạng tới tạ, nhưng ông không nhận.

Sự nghiệp đào tạo nhân tài

Cáo quan mấy bận nhưng đến năm 54 tuổi (1848), Nguyễn Văn Lý mới được chấp thuận cho nghỉ một thời gian. Ông về Hà Nội mở trường Chí Đình ven Hồ Hoàn Kiếm.

Quan điểm mở trường Chí Đình của ông nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý là đào tạo ra những nhân tài xây dựng đất nước, chứ không chỉ là đỗ đạt làm quan. Những học trò xuất thân từ trường lớp Chí Đình đã làm rạng danh thầy và ngôi trường mang hoài bão chí hướng của kẻ sĩ Bắc Hà. Có thể kể những nhân tài xuất thân từ trường Chí Đình như: Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp người Kim Lũ làm đến Thượng thư Bộ Lại, Tổng tài Quốc sử quán, Đại thần Cơ Mật viện, Văn Minh Đại học sĩ, Phụ chính vua Thành Thái...

Cùng với lập trường quanh khu vực Hoàn Kiếm, Nguyễn Văn Lý còn cùng các bạn đồng môn, đồng chí hướng Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Ngô Thế Vinh, Phạm Sĩ Ái, Lê Duy Trung, Trần Văn Vi… xây dựng trung tâm văn hóa Hà Nội. Ông đã góp công sức vào việc xây dựng Hội Hướng thiện ở đền Ngọc Sơn. Nhưng khi địa hội thành lập, ông đã phải trở lại kinh thành Huế nhậm chức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Hội trưởng Vũ Tông Phan, rồi Nguyễn Văn Siêu, hội đã có tác động rộng hơn trong việc khuyến khích giữ vững truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, hội đã tổ chức tôn tạo vùng phía Bắc của Hồ Gươm thành quần thể văn hóa giữa lòng Thăng Long – Hà Nội.

Những năm làm quan sau khi mở trường Chí Đình của Nguyễn Văn Lý chủ yếu vẫn là giáo dục. Khi thì làm Giáo thụ phủ Thường Tín, phúc khảo trường thi Nam Định, Đốc học Hưng Yên… Khi Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858), ông dâng “Mật trần kế sách đánh Tây” rồi khi triều đình nghị hòa với Pháp ông lại dâng kế sách can ngăn. Trước khi Pháp tấn công, ông còn tập trung nghiên cứu cả kinh tế và quốc phòng. Ông xin đặt viên Điền sứ để khai khẩn 3 vạn mẫu đất mới bồi ở tỉnh Nam Định và đặt 3 đồn binh để ngăn giặc từ biển vào tỉnh Hải Dương. Vua Tự Đức đã giao cho bộ Hộ và Quân thứ Hải Dương xem xét thi hành.

Nguyễn Văn Lý chú trọng giáo dục con cháu. Ông kiên trì hơn 20 năm để sưu tầm và biên soạn bộ Thế phả dày 418 trang, viết Tự gia yếu ngữ, Đông Tác Nguyễn thị Gia huấn để dạy con cháu. Ngoài ra ông còn để lại rất nhiều tác phẩm văn thơ.

Ông nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý mất năm 1868 khi 74 tuổi. Tiếp nối truyền thống chí hướng của cha có con trai là cử nhân Nguyễn Hữu Quý, cháu nội cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục) chắt nội cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, chắt nội GS Nguyễn Hữu Tảo…

Ngày nay, từ đường họ Nguyễn Đông Tác do đích huyền tôn Nguyễn Trà trông nom.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kẻ sĩ xưa và nay

    09/04/2019Hà Thúc MinhQuá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.
  • Về sức mạnh của kẻ sĩ

    12/06/2018Nhà văn Hoàng Quốc HảiTôi đã nghĩ kỹ rồi bà ạ. Nhân cách kẻ sĩ thời nay, đúng như bà nói...
  • Kẻ sĩ ngày xưa và người trí thức ngày nay

    18/01/2018Phạm Đạt NhânKẻ sĩ xưa và trí thức nay theo nghĩa hẹp là tên gọi khác chỉ người học, người có chữ nghĩa, học cao hiểu rộng và có lương tâm, lương thức. Kẻ sĩ và trí thức khác nhau về cái học nhưng về vai tuồng, sứ mệnh đối với xã hội, với nhân tâm, thế đạo thì không khác. Kẻ sĩ hay trí thức mãi mãi là hình thái văn hóa. Văn hóa là phần hồn của đất nước. Cái học ngày xưa có gì khác với cái học ngày nay? Và kẻ sĩ ngày xưa nắm giữ vai tuồng gì đối với quốc gia, xã tắc?
  • Cách học, cách lập thân, lập nghiệp của kẻ sĩ

    22/02/2016Vũ Quần PhươngĐiều ông nhắc đi nhắc lại trong các bài thơ dạy con chỉ là phải có đóng góp thiết thực cho cuộc đời. Muốn thế phải học kiểu nào, sống thế nào, cách xử trí thế nào để hài hòa danh, tiết, lợi, chí. Nguyễn Khuyến không sách vở, ông tự đúc kết từ đời mình mà khuyên nhủ các con...
  • Kẻ sĩ xưa và nay: nỗi cô đơn triền miên

    23/05/2014Nguyễn Quang ThânVăn hóa bao giờ cũng chuyển mình rất chậm, qua chọn lọc lâu dài của thời gian, không như giá trị vật chất hay kỹ thuật. Văn hóa là những gì còn được ghi nhớ sau bao thứ bị con người quên đi, nó giống như hạt ngọc còn lại trong con lòng con trai ngọc sau khi cái xác trai thối rữa tan biến thành cát bụi trooi theo dòng nước...
  • ’Cái liêm sỉ của kẻ sĩ hiện đại không còn’

    18/08/2013Dương Trung QuốcNếu thu nhập của bộ máy công chức chỉ là lương và một số bổng hợp lý nào đó bảo đảm tốt đời sống ổn định của họ thì chắc người muốn đi làm Nhà nước cũng có nhưng chẳng nhất thiết phải đi mua giá cao; đồng thời quan chức cũng không thấy cần thiết phải bán chức thì mới đủ cho thu nhập.
  • Bản lĩnh kẻ sĩ

    19/12/2008Mai LanKarl Marx đã coi trí thức là những người có đủ trí thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề xã hội. Và “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì họ đang hiện hữu”.
  • xem toàn bộ