Ôi, hội thảo !
Nếu có một cuộc thống kê chính thức thì văn hóa sẽ là một trong những lĩnh vực đứng đầu bảng về số lượng các hội thảo diễn ra mỗi năm. Nhưng có phải hội thảo nào cũng đạt được chất lượng như mong đợi?
Thâm niên gần 10 năm "lặn lội" cùng các hội thảo trong lĩnh vực văn hóa cho phép người viết bài đưa ra một kết luận mang tính chủ quan là: Nếu có những hội thảo thực sự nghiêm túc, hiệu quả cao thì cũng có những hội thảo chỉ làm được mỗi việc là... ngốn thời gian của các đại biểu! Nếu có những hội thảo căng thẳng đến tận phút chót thì cũng có những hội thảo... vui như hội! Khoan hãy nói đến các hội thảo mà "hội" nhiều hơn "thảo", ở đây, người viết chỉ điểm mặt một số hội thảo khá kỳ lạ, vì "chất lượng" đấy mà vẫn không "hiệu quả"! Hội thảo về ca khúc mới. Không hiểu do sơ suất của Ban tổ chức hay do giới sáng tác trẻ thờ ơ mà chẳng thấy bóng dáng một mái đầu xanh nào cả. Những góp ý thẳng thắn về ca từ, giai điệu... lẽ ra dành cho "bọn trẻ", thì rốt cuộc lại để chính các "bô lão"... hát cho nhau nghe! Hội thảo về tượng đài tại Hà Nội. Suốt một buổi sáng chen chúc trong phòng hội thảo chật chội, nóng bức, các nhà điêu khắc, các họa sĩ, giới phê bình mỹ thuật đã đưa ra hàng loạt ý kiến cực kỳ xác đáng và đầy tâm huyết về những hạn chế trong xây dựng tượng đài. Thế nhưng thật đáng tiếc, nhìn trước nhìn sau tuyệt không thấy ai trong giới lãnh đạo Hà Nội - những người cần nghe nhất có mặt. Vậy là cũng lại... hát cho nhau nghe! Độc đáo hơn nữa là một cuộc tọa đàm (kín) về vị trí xây dựng một tượng đài tại Hà Nội. Sau cả một buổi chiều toát mồ hôi tranh luận về địa điểm dựng tượng, nghe "phán quyết" của chủ tọa, các đại biểu mới... ngớ người vì hóa ra, vị trí đặt tượng đã được quyết định từ trước rồi, còn tọa đàm bày ra cho... phải phép mà thôi! Những chuyện... cười ra nước mắt về hội thảo không chỉ có thế. Xung quanh các đại biểu tham dự cũng lắm chuyện khôi hài. Thiếu kiên nhẫn là bệnh phổ biến của các đại biểu văn nghệ sĩ nhà ta. Cứ nghe hết báo cáo đề dẫn, cùng lắm một vài tham luận đầu tiên hoặc đọc xong tham luận của mình là nhấp nhổm... chuồn. Các cuộc hội thảo kéo dài một ngày, tới buổi chiều thế nào số đại biểu cũng giảm đi ít nhất một nửa. Các cuộc hội thảo diễn ra 2-3 ngày còn... xơ xác hơn. Vậy nên, có chuyện thật như đùa là trong một hội thảo quốc tế, đoán trước sự tình, Ban tổ chức đã công khai năn nỉ các đại biểu cố gắng tham dự phiên họp buổi chiều cho... đỡ ngượng với các chuyên gia quốc tế, dù vậy nhưng tới chiều cũng chỉ còn lác đác vài ba đại biểu. Thế là, rút kinh nghiệm, nhiều hội thảo đã "khóa chân" đại biểu bằng cách chỉ phát tài liệu và phong bì vào... cuối buổi! Có những đại biểu, thừa tính kiên nhẫn đấy nhưng lại mắc bệnh... chóng quên. Chẳng hạn, trong hội thảo của UNESCO về bảo tồn phố cổ, một nhà khoa học cỡ lớn của Hà Nội, vừa mới hùng hồn chỉ trích chủ trương này, chủ trương kia liên quan đến cầu Long Biên, sau đấy đã... quay ngoắt 180 độ, chối phắt tất cả những gì mình nói khiến báo giới một phen chưng hửng. Thế cũng chưa bằng một nhà nghiên cứu văn hóa cũng của Hà Nội, vừa trình bày xong nhận định về thực trạng của các làng nghề thủ công truyền thống, ra đến cửa đã hăm dọa cánh phóng viên: "Nếu đưa ý kiến của tôi lên báo, tôi kiện!" (?). Một số đại biểu khác, không mắc hai bệnh trên thì lại mắc bệnh... lỳ. Hội thảo về lý luận phê bình văn học, mặc kệ cử tọa sốt ruột vỗ tay hai ba lần... mời xuống, một đại biểu vẫn cứ say sưa về "thần tượng văn chương" của mình trong một tham luận chả ăn nhập gì với chủ đề hội thảo. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Đại hội Mỹ thuật (diễn ra năm vừa rồi) cũng vậy. Ở dưới, các họa sĩ đập bàn đập ghế rầm rầm vì tham luận lan man quá, ở trên, đại biểu vẫn cương quyết "Các anh cứ việc phản đối. Đọc hết tham luận của mình tôi... mới xuống!". Đến nước này thì cử tọa chỉ có nước kêu trời: Không hiểu ban tổ chức "làm ăn" thế nào mà để lọt sổ lắm tham luận... lãng nhách như thế! Cùng với xu thế hội nhập giao lưu quốc tế, gần đây, người ta chứng kiến sự nở rộ các hội thảo quốc tế ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Phải nói rằng, các chuyên gia quốc tế đã đem đến một không khí làm việc cực kỳ chuyên nghiệp. Bên cạnh phần tư liệu được chuẩn bị hết sức công phu là những bài phát biểu, diễn thuyết kèm theo thảo luận có khi kéo dài đến cả tiếng đồng hồ, hoàn toàn nói vo, trái ngược hẳn với thói quen đọc văn bản của các đại biểu Việt Nam. Thế nhưng, không phải hội thảo quốc tế được tổ chức tốn kém và hoành tráng nào cũng có hiệu quả thiết thực. Như hội thảo quốc tế về bảo tồn phố cổ. Không rõ các chuyên gia quốc tế đã tìm hiểu thế nào về thực trạng phố cổ Hà Nội mà sau hai ngày hội thảo cùng một chuyến du khảo, có vị đã tuyên bố thế này: Theo tôi, phố cổ của các bạn chẳng có vấn đề gì cả! Một chuyên gia khác cũng cho rằng: Phố cổ Hà Nội nên giữ nguyên nền kinh tế vỉa hè! Đương nhiên là sau đấy, Hà Nội vẫn tiếp tục thắt chặt quan điểm hè thông đường thoáng, cấm bán hàng rong, đặc biệt là trong khu phố cổ. Rồi hội thảo quốc tế về bản quyền. Đại biểu Việt Nam ngồi ngơ ngác nghe các chuyên gia quốc tế diễn thuyết về những vấn đề tận đâu đâu. Hóa ra, thế giới đã đi đến cấp độ bản quyền cho sách điện tử còn chúng ta vẫn đang ở những bước đầu tiên. Chỉ còn nước trách Ban tổ chức, ráo riết mời về cho bằng được những tên tuổi sáng giá, nhưng lại quên mất khâu "làm công tác tư tưởng" để hai bên ta và bạn có thể hiểu nhau hơn và hợp tác hiệu quả hơn. Tóm lại, sau khi đã liệt kê mỏi tay (tuy chưa đầy đủ) những điều "mắt thấy tai nghe" tại các hội thảo, người viết bài bỗng nảy sinh thắc mắc: Tại sao chưa ai nghĩ tới một hội thảo về cách thức tổ chức hội thảo và tác phong tham dự hội thảo thế nào cho nghiêm túc, hiệu quả nhỉ? Nên lắm chứ! Nếu hội thảo không có “phong bì”... PGS-TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh vấn đề tổ chức hội thảo. * Thưa ông, cơn sốt hội thảo bùng nổ những năm gần đây khiến người ta có cảm giác hội thảo đang là một thứ "mốt". Có nhất thiết phải cần đến nhiều hội thảo như vậy không? - Nói "hội thảo là một thứ mốt" vừa đúng, vừa chưa đúng. Tôi cho rằng, hội thảo luôn cần thiết vì nó thúc đẩy các quá trình nhận thức của xã hội. Nhưng mặt khác, chất lượng hội thảo như thế nào - đó mới là điều quan trọng! * Vấn đề ở chỗ không ít hội thảo thực ra là "hội" nhiều hơn "thảo"! - Muốn đánh giá chất lượng thì lại phải căn cứ vào mục đích mà những người tổ chức mong muốn và những người tham gia hội thảo chờ đợi. Các hội thảo có những mục đích rất khác nhau, có thể là nơi thông báo cho nhau những kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học hay dân tộc học mới nhất trong năm; có thể là nơi thảo luận, đánh giá những kết quả nghiên cứu mới nhất - hết sức hữu ích với các nhà nghiên cứu và cũng có hội thảo thực ra chỉ là... dịp gặp gỡ, làm quen, tiếp xúc, kết nối mạng lưới giữa những nhà khoa học, hoạt động văn hóa, quản lý kinh tế, xã hội hay doanh nghiệp... * Người ta nói rằng, một trong những cái đáng ngán nhất ở các hội thảo là... tham luận. Không ít tham luận quá sơ sài, cẩu thả về nội dung nhưng bộ phận "kiểm duyệt" vẫn cứ... OK! - Hai yếu tố quan trọng nhất đối với một cuộc hội thảo là tham luận khoa học của các đại biểu và sự thảo luận, phát biểu của những người tham dự. Muốn có được tham luận hay, có giá trị phụ thuộc rất nhiều vào cách tổ chức hội thảo. Lẽ ra, phải thông báo trước cả năm để người viết tham luận chuẩn bị, nhưng nhiều cuộc hội thảo của ta chỉ liên hệ với đại biểu trước 1-2 tháng, thậm chí chưa đầy 20 ngày thì làm sao có được những tham luận chất lượng! Lẽ ra, các bài gửi đến hội thảo phải được đọc, đánh giá rất cẩn thận, không đạt yêu cầu nhất thiết không sử dụng. * Có một "câu hỏi lớn" là, sau khi hội thảo khép lại, liệu các tham luận, các kiến giải xác đáng có "ngấm" được lên "trên" không hay chỉ tồn tại trong phạm vi kỷ yếu - vốn dĩ cũng ít khi được thực hiện một cách cẩn thận. Phải chăng, trong khi mải mê tổ chức hội thảo, chúng ta đã quên mất một khâu quan trọng: sau hội thảo? - Có một sai lầm trong việc tổ chức nhiều hội thảo ở ta là kỷ yếu thường in trước hội thảo. Có kỷ yếu coi như xong việc, người có bài trong kỷ yếu coi như đã công bố được bài viết, việc dự hội thảo chỉ còn là hình thức. Có khi kỷ yếu in sau hội thảo nhưng vẫn là những bài đã đưa đến đọc ở hội thảo, không sửa chữa gì cả. Thông lệ quốc tế như tôi được biết, tham luận tại hội thảo chỉ như một lần "tung" ra để thảo luận, lấy ý kiến đồng nghiệp. Khâu sau hội thảo mới quan trọng, có tính chất quyết định nâng cao chất lượng bài viết. Sau hội thảo, một ban biên tập với những chuyên gia giỏi còn phải đi sâu nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, biên tập và làm việc một vài năm với các tác giả mới in được thành sách từ những bài tham luận hội thảo. Những cuốn kỷ yếu như vậy mới có giá trị và giá trị lâu dài của hội thảo chính là ở chỗ đó. Theo tôi, không phải hội thảo khoa học nào cũng cần đề xuất, kiến nghị lên "trên". Giá trị của hội thảo, của các tham luận là ở chỗ lý giải các sự kiện văn hóa, xã hội một cách khoa học để hiểu được đúng bản chất sự việc được nghiên cứu. Được như thế đã là tốt lắm rồi! * Nói vậy thì, để có những hội thảo được tổ chức một cách chuyên nghiệp, có lẽ, chúng ta còn phải... học rất nhiều! - Đúng, chúng ta cần phải học tổ chức hội thảo khoa học một cách cẩn thận hơn nữa, thậm chí học cho ngang tầm thế giới. Nhiều cuộc hội thảo có uy tín trên thế giới, người ta phải trả tiền để được tham gia hội thảo vì người ta biết đến đó sẽ được lợi gì. Còn ở ta, đại biểu tham dự hội thảo lại... được tiền. Nếu không có phong bì, chắc quan khách sẽ... vắng vẻ lắm! Mà ngay cả khi có chế độ bồi dưỡng đi nữa, tôi vẫn thấy những hội thảo diễn ra cả ngày, tới buổi chiều bao giờ cũng thưa thớt đại biểu. Đó là vì hội thảo không thật thiết thân với người ta. Tóm lại, nhiều hội thảo của ta đang làm ngược với thông lệ của đời sống khoa học. Phải khắc phục điều đó như thế nào? Đó là câu hỏi mà mỗi người tổ chức hội thảo phải tự tìm kiếm câu trả lời phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt