Những vấn đề từ “sở hữu toàn dân”
Tôi rất đồng ý với GS. Võ Tòng Xuân về việc đặt lại quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai, tài nguyên, và rừng biển (bài Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai – TBKTSG số ra ngày 9-2-2012). Đây là điều tôi cũng suy nghĩ từ lâu nay nhân dịp này xin trao đổi những suy nghĩ sơ lược dưới đây. Những điều này cần được nhiều người cùng phân tích sâu hơn.
Ở Việt Nam, khái niệm sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai đặt ra một số vấn đề:
1. Luật Đất đai Việt Nam chủ yếu hạn chế quyền tư hữu về ruộng đất đối với nông dân. Trừ đất ở, đất đai không thuộc về công dân. Trong khi mọi tài sản khác đều có chủ và quyền sở hữu được luật pháp bảo vệ. Như thế Luật Đất đai đã tước đoạt quyền sở hữu của cải của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Ở bất cứ nước nào, của cải lớn nhất của dân là đất nhưng ở Việt Nam thì không thể. Nông dân chỉ có thể là người nghèo hoặc thoát nghèo chứ không bao giờ vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình được.
2. “Nhà nước” có thể lấy lại đất bất cứ lúc nào và giá trị bồi thường là do “nhà nước” quyết định. Chúng tôi để “nhà nước” trong ngoặc kép là vì ở đây có thể là chính quyền cấp huyện hay thậm chí cấp xã.
3. Ở các nước, không có ý niệm sở hữu toàn dân. Như ở Mỹ, quyền công hữu đất đai và tài nguyên thuộc về các địa chỉ rõ ràng: chính phủ liên bang hoặc chính quyền tiểu bang, hay thành phố (60% thuộc tư hữu, 40% thuộc công hữu, trong đó 28% thuộc chính phủ liên bang, 9% thuộc chính phủ bang và chính phủ cấp tương đương tỉnh hay thành phố, 2% thuộc dân da đỏ). Không có đất đai, tài nguyên nào lại thuộc huyện, xã như ở Việt Nam. Quyền sở hữu và trách nhiệm được quy định rất rõ ràng. Để bảo đảm lợi ích chung của khu vực mà lợi ích có thể mâu thuẫn nhau, đất đai bờ biển có thể thuộc khu vực rộng lớn (vượt trên bang, tỉnh, thành phố) thì có cơ quan công quyền liên tiểu bang/liên tỉnh sở hữu để giải quyết nhu cầu chung về hạ tầng cơ sở. Thí dụ, có Port Authority of New York and New Jersey sở hữu đất đai và bờ biển thuộc hai bang New York và New Jersey để quản lý chung nhằm phát triển giao thông (phi cảng, hải cảng, cầu cống, đường sá nối liền hai bang) hoặc có Tennessee Valley Authority sở hữu đất đai và tài sản khác nhằm chống lũ lụt, xây dựng giao thông, quản lý đất đai, cung cấp điện, phát triển kinh tế chung ở khu vực sông Tennessee. Đây là các công ty công không vì mục đích lợi nhuận, do các bang khu vực cử người quản lý, điều hành, không dựa vào thuế của dân mà dựa vào phí dịch vụ. Đất đai và tài nguyên công thuộc công quyền được quy định rất rõ ràng. Cách quản lý theo khu vực như trên tránh cho việc cạnh tranh xây dựng cảng, khu công nghiệp theo kiểu phong trào như ở Việt Nam.
4. Quan điểm về kinh tế vùng, công quyền vùng, quy hoạch, trách nhiệm vùng gần như chưa có ở Việt Nam. Ngay cả đến cơ sở của ngân hàng trung ương hiện nay nằm ở tỉnh và thành phố có thể bị lợi ích cục bộ ảnh hưởng thay vì thực hiện chính sách vùng. Làm thống kê cũng thế, số liệu cũng bị lợi ích địa phương bóp méo. Đây là điều cần suy nghĩ.
5. “Nhà nước” được định nghĩa là các cơ quan công quyền tỉnh, thành phố và huyện. Cho nên sở hữu toàn dân biến thành sở hữu của các cơ quan công quyền các loại, chứ không còn là thuộc toàn dân thực sự. Chính nhà nước trung ương và tỉnh cũng không biết để quản lý các hoạt động sử dụng đất đai của địa phương (các cơ quan công quyền theo luật chỉ phải theo quy hoạch chung, nhưng địa phương lại có quyền đề nghị thay đổi quy hoạch và thực tế thì quy hoạch chung này chưa chắc đã có và nếu có thì biết ai sẽ kiểm soát việc thực thi và có khả năng kiểm soát đến đâu). Kết quả là đất đai và tài nguyên thiên nhiên không còn nằm trong quyền sử dụng vì lợi ích quốc gia mà vì lợi ích cục bộ, thậm chí để làm giàu cá nhân.
Tôi cũng xin nói thêm một ý về việc thu hồi đất. Hiện nay Luật Đất đai cho phép thu hồi đất với hai loại mục đích:
• Điều 39 – Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
• Điều 40 – Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế
1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.
Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại điều 39 của luật này.
2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Hai mục đích thu hồi đất trên hoàn toàn khác nhau. Điều 39 là vì lợi ích chung. Điều 40 lẫn lộn mục đích chung và mục đích tư. Ở các nước thường chỉ cho phép thu hồi vì lợi ích chung. Lấy đất của nông dân, của một tư nhân này để giao cho một tư nhân khác (làm sân golf chẳng hạn) không thể gọi là vì mục đích chung. Có những trường hợp hiếm hoi cần thu hồi thì cần có luật đặc biệt bảo vệ quyền lợi bình đẳng của tư nhân, không thể coi một tư nhân làm sân golf, làm công nghiệp hơn tư nhân là nông dân. Chỉ cần có sự đi đêm giữa quan chức và nhà đầu tư tư nhân thì nông dân không còn có quyền gì nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý