Bài học Đất đai
Từ vụ Đoàn Văn Vươn chúng ta học được những gì sâu sắc hơn là kỷ luật vài viên chức liên hệ, chỉnh sửa giấy tờ giao đất, hủy bỏ lệnh cưỡng chế, đồng thời sửa đổi luật để đất giao cho nông dân được gia hạn tự động? Sửa sai các điều này như thế là tốt, nhưng nếu ta không học được bài học sâu sắc hơn thì thật là đáng tiếc, vì sẽ có những vụ Đoàn Văn Vươn khác trong tương lai.
Nhưng trước khi xem xét bài học sâu sắc, việc đầu tiên mỗi chúng ta nên làm là gọi anh Vươn là anh hùng: “Anh hùng Đoàn Văn Vươn”. Hành động dũng cảm, đặt mình và gia đình của mình ra khỏi vòng pháp luật và sẵn sàng với cái chết, chống lại bất công và áp bức, đánh thức toàn chính phủ và toàn dân đối diện gốc rễ của bất công đã nằm đó bao năm trong hệ thống luật đất đai, là một hành động anh hùng. Vậy chúng ta hãy gọi người anh hùng là anh hùng, dù anh hùng sẽ phải vướng vòng lao lý thế nào.
Bây giờ ta đi đến bài học sâu sắc: “Lấy quyền sở hữu đất đai giao cho nhà nước, và để lại cho người dân chỉ quyền sử dụng đất, là một hành vi vừa bất công, vừa tạo bất cập cho hệ thống hành chánh và bất công cho nhân dân, vừa tạo cơ hội áp bức cho quan chức địa phương.”
I.Bất công ngay từ đầu
Nhiều người đã có mảnh ruộng mảnh vườn bao nhiêu năm, từ đời cha ông truyền lại, có thể là cả trăm năm trước. Nay, chỉ vì nhà nước ký một đạo luật đất đai mà không hỏi ý kiến một người dân nào, mình tự nhiên mất quyền sở hữu đất của mình mà chẳng ai đoái hoài đền bù một đồng xu.
Nếu tính ra tiền, quyền sở hữu có giá trị lớn hơn quyền sử dụng đất rất nhiều. Nhà nước tự nhiên lấy mất quyền sở hữu đất đai của người dân mà không bồi thường, đó là bất công.
II.Bất cập cho hệ thống hành chánh, và bất công cho nhân dân
1.Trong nhiều trường hợp cưỡng chế, người dân bị lấy đất mà không được bồi thường đồng nào vì chẳng có giấy tờ đất đai gì cả.
Nhiều đồng bào thiểu số, và một số ít người Kinh nằm trong dạng này, và dù là van trời van đất, các quan chức địa phương thẳng tay cưỡng chế vì “những người này đang lấn đất bất hợp pháp.” Không cần biết người dân sống chết thế nào.
Trong các hệ thống luật đất đai trên thế giới, thường là nếu một người đã “nắm giữ đất” (possession) – tức là sinh sống hay trồng trọt công khai trên mảnh đất, ai cũng biết – khoảng 10 năm là có thể trở thành sở hữu chủ.
2. Nhiều khi được bồi thường với “giá thị trường” thấp hơn giá trị thật của mảnh đất rất nhiều.
Một công ty muốn có vài nghìn mẫu đất ruộng để thành lập một trung tâm kỹ nghệ lớn. Quan chức địa phương đền bù cho nông dân “giá thị trường” bèo của đất ruộng, trong khi giá trị đất kỹ nghệ tại đó cao hơn đến 10 lần. Nông dân không điều đình trực tiếp được với chủ đầu tư và không bằng lòng giá bồi thường bèo, thì có căng thẳng với quan chức nhà nước.
3. Tài sản cá nhân (personal properties) trên mặt đất không được công nhận.
Đây là trường hợp ta thấy thông thường nhất mỗi khi chính quyền địa phương lập chợ mới. Thông thường là tại chợ cũ, các tiểu thương mua qua bán lại các “sạp”, tức là một chỗ buôn bán, có khi lên đến cả trăm lượng vàng một sạp. Tiểu thương A, có thể bỏ ra 120 cây vàng để mua một sạp hồi tháng 12 năm 2011. Đùng một cái, ngày 1 tháng 5 năm 2012, chính quyền địa phương tuyên bố phá chợ cũ, xây chợ mới khang trang hơn, và định giá mỗi sạp tại chợ mới là 150 lượng vàng. Những người ở chợ cũ chỉ được bồi thường tổn phí di chuyển, còn tiền họ đã bỏ ra như tiểu thương A bỏ ra 120 cây vàng để mua sạp, coi như mất chẳng được đền bù gì cả, vì “đất chợ thuộc về nhà nước, các tiểu thương chẳng có quyền gì trên đất chợ cả.” Đây là bất công thấu trời, nhưng thưa kiện thì cũng như không, vì tòa án cũng dùng một luận lý.
Đó là vì hệ thống hành chánh và pháp lý (1) không hiểu các ý niệm về tài sản cá nhân (personal property) và (2) vô cảm với bất công rành rành trước mắt.
Quyền được buôn bán tại một sạp trong chợ là một tài sản cá nhân mà các tiểu thương buôn đi bán lại bằng hợp đồng giấy tờ hẳn hoi và có trị giá rất cao. Khi nhà nước phá chợ cũ và lập chợ mới, thì phải công nhận tài sản này của người dân và đền bù cho họ bằng (1) giá chuyển nhượng sạp trước khi có quyết định phá chợ cũ của nhà nước, hoặc (2) cho các tiểu thương của chợ cũ một chỗ ở chợ mới, không tốn tiền hoặc chỉ phải trả một số tiền rất thấp.
Nhưng các chính quyền địa phương không làm thế. Họ đương nhiên phá chợ cũ và yêu cầu mọi người, kể cả các tiểu thương đã sinh sống mấy đời ở chợ cũ, trả một giá rất cao để có nơi mua bán ở chợ mới. Xóa chỗ buôn bán của người dân mà chẳng đền bù chút nào. Bất công thấu trời.
4.Quản lý đất đai thiếu hiệu năng.
Thông thường là nếu ta sở hữu một mảnh đất ở bờ biển nhiều phù sa, ta có thể tìm cách khai phá đất phù sa bồi thành đất có thể sử dụng được, và đất bồi như thế trở thành đất của mình.
Nhưng nếu nhà nước làm chủ mảnh đất và chỉ giao đất cho mình quản lý, thì đất bồi là đất nhà nước; nếu bạn bỏ công sức để khai thác đất đó bạn có thể bị xem là chiếm đất của nhà nước bất hợp pháp. Vậy thì, nếu bạn muốn yên thân, thì hãy để đất bồi đó vô dụng muôn năm thì tốt hơn là cố gắng cải tiến nó.
5. Hạn chế đầu tư và phát triển.
Nếu người ta phải thuê đất để đầu tư, thay vì mua đất để đầu tư, giá trị các xây dựng và bồi dưỡng đất đai sẽ thành số không khi thời hạn thuê chấm dứt và chủ đất (nhà nước) đòi đất lại. Cho nên các dự án đầu tư phát triển bị giới hạn ngay từ đầu vì luật đất đai.
6.Không tôn trọng những giá trị tình cảm và tâm linh của nhân dân.
Đây là những trường hợp quan chức địa phương yêu cầu dân địa phương di dời cả một nghĩa trang, mà đối với dân chúng đó là “đất thánh”. Người Việt rất tôn trọng người chết và mồ mã, và thường không muốn động chạm mồ mã của người đã khuất. Nhưng quan chức địa phương, vì những mối lợi khác mà đối với họ quan trọng hơn đời sống tâm linh, thường không quan tâm đến các tình cảm và đức tin này, và cứ đương nhiên cưỡng chế “vì nhà nước là chủ đất”.
Tất cả những vấn đề này đã xảy ra trên khắp lãnh thổ chúng ta trong bao nhiêu năm nay, và dân chúng kêu gào thường xuyên, nhưng không ai quan tâm. Cho đến khi Đoàn Văn Vươn đòi công lý.
III. Nguồn gốc của nhũng lạm và áp bức
Trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục thấy những vấn đề phi lý và bất công này, cùng những vấn đề mới chúng ta chưa hề thấy, vì chúng sẽ được sáng tạo bởi nhiều quan chức địa phương nghĩ thêm cách mới để sử dụng “quyền sở hữu đất đai của toàn dân” để tạo lợi riêng cho họ.
Nếu chúng ta không trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân, chúng ta sẽ tiếp tục vướng mắc với vấn đề căn bản này: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tức là chẳng thuộc về ai cả. Quyền sở hữu đất đai của toàn dân, do đó, chẳng ai có thể hành xử được, ngoại trừ các quan chức địa phương. Đó là nguồn gốc của mọi lạm quyền, nhũng lạm và áp bức của các ông trời con địa phương.”
Đây là căn bản của vấn đề, không chỉ là hành chánh đất đai, mà còn là công lý cho toàn dân và bình ổn chính trị cho đất nước.
Người dân sẽ lấy lại được quyền sở hữu đất đai của họ.
Đó là chuyện đương nhiên. Vì luật lệ rối rắm tồi tệ bắt buộc phải chết, không hôm nay thì ngày mai.
Nhà nước không thay đổi được điều tất yếu đó. Nhưng nhà nước có thể lựa chọn: trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân bây giờ để phát triển đất nước, hay tiếp tục băng bó vặt vãnh cho hệ thống quản lý này cho đến lúc nó phải sập.
Đó là quyết định chúng ta sẽ phải làm.
11 tháng 2, 2012
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý