Sở hữu trí tuệ cho ai?
Từ năm 2001, đến ngày 26.4 hàng năm - ngày kỷ niệm hiệp ước về thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (1970), thế giới lại kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ, một ngày mà những ai không thật sự dính dáng đến lĩnh vực này hầu như rất ít quan tâm. Cũng phải thôi, Ngày sở hữu trí tuệ không liên quan đến một sự kiện đặc biệt hay một quyền lợi thiết thực nào đó. Thế nhưng, ngày này lại nhắc nhở chúng ta về những vấn đề rất lớn liên quan đến sự phát triển của cả một quốc gia.
Chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ năm nay là Thúc đẩy sự sáng tạo. Thật vậy, chưa bao giờ những giá trị của sự sáng tạo lại có ý nghĩa và được coi trọng như hiện nay, nhất là khi chúng ta đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Trong môi trường lớn này, mỗi quốc gia cũng như mỗi cá nhân phải chọn cho mình những “nghề nghiệp, công việc” nhất định phù hợp với thế mạnh của mình. Có những quốc gia, do những điều kiện tự nhiên và xã hội riêng biệt, đã xác định rõ rằng để tồn tại và phát triển hay để giữ vững vị thế của mình đang có, thì phải “luôn đi trước người khác một bước” trong ngành, lĩnh vực nào đó. Thế giới phần nào đã phẳng như chính tên gọi cuốn sách của Thomas L. Freedman, sự phân công lao động ở quy mô toàn cầu đang là một hiện thực, chọn con đường nào đang là một thách thức chiến lược đối với mỗi cá nhân cho đến từng quốc gia.
Chính vì vậy, một xã hội bao gồm nhiều người sáng tạo, mong muốn sáng tạo và được thúc đẩy sáng tạo là một xã hội năng động và là động lực cho sự tồn tại và phát triển, như René Descartes đã từng nói: “Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại”. Cũng chính vì thế, trong số nhiều tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia hiện nay, tiêu chí về số lượng đơn/bằng sáng chế, được nộp hoặc được cấp, trên bình quân đầu người cũng là một chỉ số đáng để tham khảo. Thực tế cho thấy khi xét theo tiêu chí này thì những nước phát triển hiện nay cũng là các quốc gia có tỷ lệ sáng chế trên bình quân đầu người cao nhất. Một minh chứng cụ thể: theo thống kê năm 2006 thì trong năm 2004, Nhật Bản đã trở thành quốc gia hàng đầu trên thế giới có số đơn sáng chế nộp nhiều nhất với 423.000 đơn, tính theo bình quân đầu người là 2.884 đơn/1 triệu dân, cao hơn Hàn Quốc (2.189) và Mỹ (645).
Ở Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy trong vài năm trở lại đây, sở hữu trí tuệ đang ngày càng được coi trọng, thể hiện qua số lượng các đơn/bằng nhãn hiệu, kiểu dáng của các chủ thể Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2005, số lượng bằng về kiểu dáng, nhãn hiệu được cấp cho chủ thể trong nước nhiều hơn số lượng cấp cho chủ thể nước ngoài: 508 kiểu dáng so với 218, 6.427 nhãn hiệu so với 3.333.
Tuy nhiên, tình hình ngược lại đối với các sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp (theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các lĩnh vực sinh ra lợi nhuận) có ý nghĩa chiến lược tạo nên lợi thế trong hoạt động sản xuất kinh doanh: số lượng bằng cấp cho chủ thể trong nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với chủ thể nước ngoài (chỉ có 27 sáng chế so với 641 trong năm 2005) và số bằng sáng chế được ứng dụng trong thực tiễn còn ít hơn nữa.
Thực tế trên cũng phản ánh một sự thật: hiện chúng ta đang dựa vào những ngành, mặt hàng có hàm lượng tri thức thấp và do đó cũng không mang tính bền vững. Chỉ số về đơn/bằng sáng chế không phải là tất cả, nhưng nếu chúng ta biết rằng trong nền kinh tế tri thức mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang muốn hướng tới, tài sản “trí tuệ” là một lợi thế quan trọng thì hẳn ai cũng đồng tình rằng phải có các phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ các loại tài sản đặc biệt này và các quy định về sở hữu trí tuệ ra đời chính là nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Vậy thì, một trong những động lực để khuyến khích sự sáng tạo chính là hành lang pháp lý đã có, điều cần bây giờ là từng cá nhân cho đến các cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô phải tạo ra các xung lực khác để khuyến khích sáng tạo, vì sự sáng tạo chính là xây dựng tương lai của chúng ta từ ngày hôm nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường