'Nhốt' trong tiện nghi

10:17 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Mười, 2016

Hai cô bé xinh xắn mặc váy hồng, đi giày hồng giống hệt nhau đứng trên cái bàn xoay eo mà tôi đang tập, hăm hở xoay thật lực. Xoay được mấy vòng chúng buông tay ra cho bàn xoay tự quay tròn, thi nhau xem đứa nào xoay được nhiều nhất.

Rồi như hai con chim sâu, chúng lon ton chạy ra các dụng cụ tập thể dục khác trong công viên, thứ nào cũng nhảy lên đòi thử. Lát sau, tôi nghe chúng thỏ thẻ: "Nội ơi, ngày mai nội cho con ra đây chơi một lần cuối cùng nghe".

Thì ra hai đứa nhóc sinh đôi mười tuổi này nhà ở Cần Thơ, được ông nội mang lên Sài Gòn khám bệnh và cho ra công viên chơi. Gần nhà chúng cũng có công viên nhưng không đông người vui chơi, không có các loại dụng cụ tập thể dục như thế này.

Tôi ở gần một trường tiểu học, ra đường thường gặp bọn trẻ sáu bảy tuổi học lớp một, lớp hai. Mặc đồng phục sơ mi trắng may rộng mà bụng tròn xoe rung rinh sau lớp vải. Nhiều đứa trẻ bị thừa cân. Theo công bố tại hội nghị dinh dưỡng TP HCM mở rộng tổ chức đầu tháng 8 năm ngoái thì tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới năm tuổi tại TP HCM đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua.

Buổi chiều tôi thường đi bộ trong công viên gần nhà. Công viên rộng, rất nhiều cây to mát mẻ, tha hồ cho trẻ chạy nhảy nhưng thường chỉ thấy lớp trung niên và lão niên đi bộ, tập thể dục. Thanh niên rất ít. Trẻ con lại càng không, chỉ thứ bảy chủ nhật mới thấy lũ trẻ khoảng hai đến năm tuổi được cha mẹ đưa ra chơi những trò lái xe đụng, câu cá, nhà banh, nhà không khí, ngồi trong toa tàu chạy vòng vòng. Cũng là chơi đấy, nhưng hầu hết vẫn là những trò không vận động.

Ngày nghỉ, trong các quán cà phê đầy những gia đình mang con nhỏ đi "nghỉ ngơi". Cha một smartphone, mẹ một smartphone, con ôm Ipad. Mỗi người một thế giới, một gia đình tiếng là ở cạnh nhau nhưng không trò chuyện với nhau câu nào. Ngồi đến xế chiều vươn vai đứng dậy, cả nhà chở nhau đi ăn một bữa chất ngất thịt thà. No nê về nhà, chưa buồn ngủ họ lại smartphone, Ipad tiếp. Sảng khoái và hài lòng, ai cũng nghĩ hôm nay cả nhà được bữa đi chơi thích thú.

Tổ chức sinh nhật con thì hầu như đứa nào cũng đòi vào quán thức ăn nhanh thương hiệu Mỹ, ăn gà rán, khoai tây chiên và uống nước ngọt. Thậm chí tôi thấy những đứa trẻ khi lớn lên vẫn chỉ uống nước ngọt chứ không uống nước lọc, và không biết ăn rau.

Kết quả cuối cùng là những đứa trẻ thành phố luôn sống trong căn phòng đầy đồ chơi, với cái tivi hết phim hoạt hình đến phim kinh dị, với cái Ipad gì cũng có nhưng không có sự hướng dẫn và chia sẻ. Do cứ quanh quẩn mãi trong nhà với cha mẹ, phần nhiều trẻ rất nhút nhát khi ra nơi lạ, gặp người lạ, bíu chặt lấy áo mẹ, ai hỏi thăm cũng không biết trả lời, chỉ trân trân im lặng hoặc tệ hơn là khóc thét.

Lối giáo dục này hoàn toàn khác với trẻ các nước phát triển. Chỉ cần ngồi cà phê bệt ở quảng trường Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn) một buổi sáng chủ nhật, sẽ gặp rất nhiều đứa trẻ nước ngoài cơ thể gầy gầy rắn chắc, tự mang hành lý cá nhân, đi bộ không biết mệt, vẻ mặt linh hoạt và tự tin, tươi cười và chủ động chào hỏi bắt chuyện với bất cứ ai. Ngay một cô bé tóc bạch kim xoăn tít chỉ khoảng hai tuổi, gặp tôi lần thứ hai trong công viên đã nhoẻn miệng cười và bập bẹ "Hi" rất đáng yêu. Tôi tin, khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ cao lớn, mạnh khỏe thân thiện và tự tin.

Hầu như cha mẹ nào cũng dễ dàng tìm được vô số nguyên nhân bào chữa cho việc ít chơi cùng con, hay ít có thời gian chở con ra công viên chơi những trò chơi vận động. Nhưng tôi cho rằng, cũng không có gì khó khăn để họ làm điều ngược lại. Bởi trong khi những đứa trẻ nông thôn phải tận dụng cơ hội ra thành phố chữa bệnh để được tận hưởng thêm những trò vận động ngoài trời mới thì thật khó hiểu nếu những đứa trẻ thành phố - một bước ra đến công viên - lại bị “nhốt” giữa bốn bức tường đầy tiện nghi.

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trẻ em thua thiệt, quốc gia tổn thất

    01/06/2020Jeffrey D. SachsTrẻ em là nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia. Điều này đúng không chỉ về mặt đạo đức mà còn đúng về mặt kinh tế. Đầu tư vào y tế, giáo dục và kĩ năng cho trẻ em sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho đất nước...
  • Để trẻ em “điếc” với sách là tội ác!

    01/06/2020Nhà văn Nguyên NgọcCần vận động khôi phục, xây dựng các tủ sách gia đình, chống lại kiểu văn hóa trọc phú, nhà giàu nào cũng có một tủ rượu rất sang mà tuyệt đối không có tủ sách, đem khoe với mọi người bao giờ cũng là khoe tủ rượu chứ không hề khoe tủ sách...
  • Đối xử với trẻ em như là vốn xã hội

    01/06/2020Nhà giáo Phạm ToànCái nguyên lý bất biến nằm trong việc tìm ra con đường phát triển giáo dục đúng đắn hơn cả. Cái định hướng đó không thể coi trẻ em như những công cụ tiềm năng, mà phải coi trẻ em như những thực thể trí tuệ có bản chất tự do.
  • Trẻ em Úc được dạy về dân chủ như thế nào?

    07/11/2014Đỗ Thủy dịchHọc sinh phải được dạy để đánh giá nền dân chủ là một khái niệm và cách sống. Dạy dân chủ cũng có nghĩa là chuẩn bị cho con cái của chúng ta là những công dân, những người sẽ tham gia tích cực giữ gìn dân chủ. Chúng ta phải dạy về dân chủ để trẻ em trải nghiệm bản thân mình...
  • Giáo dục phải dạy trẻ em tư duy

    11/10/2014Phạm Anh TuấnBài phỏng vấn Philippe Meirieu và Marcel Gauchet do Báo Le Monde (Pháp) thực hiện và được đăng ngày 2/9/2011 trong khuôn khổ cuộc tranh luận mang chủ đề Làm thế nào để thay đổi nhà trường...
  • Trẻ em Việt Nam thành “người nước ngoài”?

    21/11/2013Hoàng HươngTrang bị cho con em những kỹ năng để hội nhập với thế giới đang là mục tiêu của không ít phụ huynh. Thế nhưng có mấy phụ huynh quan tâm đến việc con có được học tiếng Việt, lịch sử, địa lý, đạo đức VN khi vào trường quốc tế?
  • Giáo dục Mỹ với những trẻ em có tài

    27/05/2013Đan Thi (Tổng hợp)Thomas L. Friedman, người khởi xướng một lý thuyết hay được nhắc đến là lý thuyết “Thế giới phẳng”luôn cho rằng, dù cuộc chiến bất tận với bọn khủng bố có nặng nề đến mấy, thì mối e ngại thực sự cho nước Mỹ vẫn không phải là những người Hồi giáo rậm râu, mà là “những thanh thiếu niên chưa có một cọng râu” từ các nước thuộc thế giới thứ ba....
  • Hồ Ngọc Đại - người hiểu trẻ em và cảm nhận trẻ em

    13/09/2009Phạm ToànTrong tất cả các nhà giáo dục Việt Nam đương thời, những người đang tìm tòi tiến hành một cuộc cải cách giáo dục thực sự, chỉ có một người đủ sức LÀM được những điều thể hiện sức HIỂU và sức CẢM NHẬN trẻ em, đó là Hồ Ngọc Đại.
  • Trẻ em nói về học tập: ''Chúng con mệt lắm rồi!''

    04/11/2003Vừa qua, tại diễn đàn dành cho trẻ em do Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em quận 4 tổ chức, các em đã lên tiếng về những bức xúc của mình xung quanh vấn đề học tập. Xin hãy lắng nghe và suy nghĩ.
  • xem toàn bộ