Bảy khúc biến tấu trên một chủ đề của Khổng phu tử
Thầy Khổng (Khổng tử, húy là Khổng Khâu), người được cả và Thiên hạ tôn làm THẦY, dạy rằng:
Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã (Luận ngữ)
Các cụ đồ xưa giảng : tri là “biết”, chi là “chưng”, vi là “làm”, bất là “không”, thị là “ấy”, dã là “vậy”; cho nên câu trên có nghĩa là biết chưng làm biết chưng, không biết làm không biết, ấy là biết vậy”.
Nếu trong đám học trò có đứa tối dạ nghe câu giảng này chẳng hiểu mô tê gì, thầy đồ sẽ nói cho rõ thêm:
- Phải chi trò sáng dạ hơn chút đỉnh, trò phải hiểu ra rằng ý thầy Khổng nói:
“Biết thì lấy làm biết, không biết thì lấy làm không biết, ấy chính là biết vậy”
Tục ngữ của dân gian ta - tinh hoa của sự sáng dạ, cho ta một biến tấu khá chính xác và tài tình :
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.
Sự khác nhau giữa chủ đề và khúc biến tấu thứ nhất này, mà ta có thể tạm coi là cổ xưa nhất, là ở chỗ khúc biến tấu có bổ sung một điểm quan trọng: đó là cái thái độ mà người không biết phải có : thái độ im lặng để lắng nghe người khác nói. Nghe để mà học, và học là để bớt dần cái khối lượng khổng lồ, vô biên bất tận, của những điều mình không biết (Học dĩ dũ ngu -Học là để bớt ngu đi). Sở dĩ Khổng Khâu không thấy cần nói rõ phần này ra, có lẽ là vì muốn cho cái công thức mà ông dùng để định nghĩa thế nào là biết lộ ra thật rõ. Nếu viết bằng một thứ văn không hay lắm, nhưng cận đại hơn, cái công thức định nghĩa ấy sẽ có dạng như sau (tạm gọi là biến tấu thứ hai) :
Thế nào là Tri thức? Nội dung của Tri thức là biết được chính xác hai điều sau đây : 1. mình đã biết được những gì, và 2. mình còn chưa biết những gì.
Và nếu so sánh điều 1 với điều 2 một cách nghiêm túc, ai cũng sẽ thấy rằng những điều mình biết được chỉ là hạt muối cỏn con, vô nghĩa lý, bỏ vào cái biển mênh mông vô tận của những điều mình chưa biết.
Trong câu Học dĩ dũ ngu người đọc không thể không chú ý đến chữ dũ. Dũ là “bớt”, “giảm”, “đỡ” chứ không phải là “hết”, “khỏi”, vì một khi cái chưa biết đã là mênh mông vô tận, thì làm sao có thể, dù chỉ trong tưởng tượng mà thôi, làm cho nó “hết” đi được? Không những thế, mà thậm chí cái phần chưa biết ấy, ta cũng không thể biết nó gồm có những gì, dù sức tưởng tượng của ta có phong phú đến đâu chăng nữa, chứ đừng nói gì đến cái ý đồ tìm cách thủ tiêu nó. Nếu có ai, trong một giây phút rồ dại nào đấy, thấy trong trí này ra cái ý đồ này, thì người đó có thể biết chắc rằng mình đã hoá điên.
Thế nhưng số người ấy hình như lại khá đông đúc, nhất là trong giới trí thức, thế giới của những bậc thiên tài (hay tự thấy mình là thiên tài). Âu cũng chẳng có gì là lạ, vì người điên với bậc thiên tài nhiều khi suy nghĩ hết sức giống nhau.
Cho nên cái vế sau của câu danh ngôn của Khổng Tử quan trọng hơn và khó thực hiện hơn vế trước rất nhiều.
Gần đây, trong mục Diễn đàn của các nhà khoa học, tuần báo Văn nghệ có đăng hai bài báo rất hay, một của Đỗ Kiên Cường (ĐKC), nhan đề là Giới hạn của Nhận thức (VN số Tết Quý Mùi, tr.44), một của Phạm Việt Hưng (PVH), nhan đề là Bất Khả (VN số 15 (12-4-2003), tr. 15). Quan niệm của hai tác giả này trong khi bàn về những vấn đề tri thức luận trong ngành toán học và trong khoa học nói chung, chúng tôi hoàn toàn tán thành, và có lẽ nếu Khổng tử có đọc hai bài này, chắc người cũng đồng tình không kém.
Nhưng câu nói của Khổng tử lại được hai tác giả trích dẫn dưới dạng sau đây:
- (bài của ĐKC): Biết cái không biết chính là biết vậy.
- (bài của PVH): Biết cái không biết, ấy là biết.
Chúng tôi xin mạn phép gọi chung hai câu trích dẫn này là biến tấu thứ ba trên chủ đề của Khổng phu tử, vì hai câu đó chỉ khác nhau ở một dấu phẩy và ở hai hư từ ấy, vậy, 1 nếu không kể chữ chính làm cho câu của ĐKC có phần quả quyết hơn câu của PVH một chút.
Ta thấy phần đầu của câu “chủ đề” bị hai tác giả gạt đi, không rõ vì lý do gì (có lẽ họ không tán thành phần này, hoặc cho rằng nó không hay bằng phần sau chăng). Nhưng ngay cái phần sau này cũng được hai tác giả sửa lại một cách không thương tiếc, hay nói cho đúng hơn, được họ thay hẳn bằng một câu có nghĩa hoàn toàn ngược lại : Bất tri vi bất tri vốn có nghĩa là “không biết thì nhận là không biết” được họ chuyển thành biết cái không biết. Và phần này, nối với phần sau : ấy (chính) là biết vậy, sau khi đã khử cái phần đầu là tri chi vi tri chiđi, làm thành một nhận định độc đáo không tiền khoáng hậu mà người trần, dù có là bậc đại hiền như Khổng tử, cũng không thể nào tưởng tượng được.
Để diễn đạt cái ý bất hủ này, tiếng Hán thời Khổng tử phải viết “Tri sở bất tri, thị tri dã”, chứ không phải là bất tri vi bất tri, thị tri dã. Như vậy, khúc biến tấu thứ ba này chính là một nghịch đề đối với cái chủ đề của Khổng tử.
Nhưng “Biết cái không biết” (“tri sở bất tri”) nghĩa là gì? Đây là một nhận định (statement), một tiểu cú (clause) làm chủ ngữ cho mệnh đề sau (thị tri dã) chăng? Hay chỉ là một lời khuyên hay một mục tiêu để tìm đến? Trong câu nguyên văn (được phục nguyên) cũng như trong câu dịch ra tiếng Việt không thấy có vị từ tình thái (modal verb) nào cho phép hiểu theo hai cách sau. Và nếu vậy, phải chăng ý của tác giả là “phải biết cái mà mình không biết được mới gọi là biết”?
Nhưng trong tất cả những lời dạy của Khổng tử xưa nay chưa từng có một ý nào tương tự như vậy, dù là một cách gián tiếp và xa xôi đi nữa. Ngược lại, người bao giờ cũng tránh rất xa cái “sở bất tri”, tức lãnh vực siêu hình học, mà người nói một cách hoàn toàn hiển ngôn là nên “kính nhi viễn chi” (cf. Luận ngữ: Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị trí hỉ -” Vì dân chuyên làm việc nghĩa, tôn trọng quỷ thần nhưng tránh xa nó ra, thì có thể nói là có trí vậy”). Lĩnh vực siêu hình bị Khổng tử loại hẳn ra khỏi cái HỌC của người. Và chính câu Tri chi vi tri chi … là một trong những tuyên ngôn dứt khoát nhất của Khổng tử nói rõ thái độ này của người và của toàn thể môn phái đối với thế giới siêu hình. Ai đã từng tìm hiểu đạo Khổng ít nhiều đều lý giải câu này như một lời khuyên:
Không nên bàn tới những điều mà ta không biết là không thể biết.
Đây có thể coi là một khúc biến tấu thứ tư của cái “chủ đề” nói trên. Nó hoàn toàn trái với cách hiểu và dịch của hai tác giả DKC và PVH, tuy hai vị đều có một quan điểm nhận thức luận và giáo dục học mà theo cách hiểu nông cạn của chúng tôi là hoàn toàn nhất trí với Khổng tử. Thế nhưng câu nguyên văn của Khổng tử lại bị chính họ hiểu thành một cái gì như:
(Tri sở tri, thị bất tri dã, nhi) tri sở bất tri, thị tri dã
có nghĩa là : “biết cái gì mình biết, ấy là không biết, còn biết cái gì mình không biết, ấy mới thật là biết” (“biến tấu thứ năm”) - một nhận định hoàn toàn trái ngược với quan điểm của chính họ. Cả bài báo của PVH chỉ là một lời thuyết minh xuất sắc, được ứng dụng cho giáo dục học một cách chí lý, cho quan điểm của J. Barrow trong cuốn Impossibitity. The limits of Science and the Science of Limits mà chúng tôi xin tạm dịch là “Tính bất khả. Giới hạn của Tri thức và Tri thức về Giới hạn”.Tôi xin thú thật là đọc cái đầu đề này, tôi không cưỡng được cái cảm giác đây chính là khúc biến tấu thứ sáu, và là một trong những khúc biến tấu hay nhất, của cái chủ đề mà Khổng tử đã lập thức một cách tối giản và tối ưu như vậy.
Còn khúc biến tấu thứ năm trên kia, vì hoàn toàn trái ngược với ý của Khổng tử, của J. Barrow. của PVH, ĐKC và cả của lương thức (common sense) nữa, cho nên tất nhiên phải kéo theo một loạt phản ứng tự phát dưới dạng những khúc biến tấu khác phản bác nó một cách có sức thuyết phục hơn nhiều, chẳng hạn như
Nhận rằng mình biết cái gì mình biết, ấy là biết thật, còn tưởng rằng mình biết cái mà mình không biết và không thể biết, ấy là tự lừa dối mình và lừa dối người khác vậy.
Khúc biến tấu thứ bảy này hoàn toàn nhất trí với tinh thần hai bài báo của ĐKC và PVH - xin nhắc lại rằng đó là hai bài rất hay và rất bổ ích đối với độc giả, trong đó có bản thân tôi, một người không chuyên về toán học, đã học được rất nhiều khi đọc hai bài đó. Chỉ riêng đối với cách dịch câu danh ngôn của Khổng tử, may ra mới có thể ứng dụng khúc biến tấu này mà tôi, một người làm phiên dịch chuyên nghiệp, chính vì ngưỡng mộ hai tác giả, thấy cần nêu lên để góp phần chỉnh lý một chi tiết rất nhỏ nhưng lại có thể phương hại đến phẩm chất của hai áng văn hay nói trên.
-----------------------------------------------
1 Bài của PVH có chú thích rõ là câu này trích dẫn từ bài của ĐKC.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh