Quân tử và tiểu nhân trong Luận ngữ
Bài viết trình bày và phân tích sự phân loại con người theo tiêu chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân của Nho giáo, chủ yếu là trên cơ sở quan niệm của Khổng Tử về quân tử và tiểu nhân trong Luận ngữ. Tác giả chỉ ra ba điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại người này: một là, trên phương diện làm theo đạo “Trung dung”; hai là, trên phương diện nhận thức về nghĩa và lợi; và ba là, trên phương diện thực hành đạo đức. Từ đó, bài viết chỉ ra ý nghĩa sâu xa của việc Nho giáo so sánh hai loại người này và mục đích giáo dục của Nho giáo.
Ra đời trong hoàn cảnh xã hội rối ren, loạn lạc, vô đạo, Nho giáo rất quan tâm đến việc củng cố trật tự và chế độ đẳng cấp trong xã hội. Ngay từ đầu, nó đã rất coi trọng việc phân loại con người, chỉ ra địa vị, phẩm chất và vai trò của từng hạng người trong xã hội, đặc biệt với việc nêu bật sự khác nhau giữa chúng. Từ đó, nó vạch ra chính sách cai trị, chính sách dùng người, giáo dục và đào tạo con người cho phù hợp.
Trong chế độ xã hội lúc đó, do sản xuất còn ở trình độ thấp nên sự phân công lao động chưa phát triển. Tuy nhiên, Nho giáo đã đưa ra nhiều kiểu phân loại con người dựa trên những cơ sở và tiêu chuẩn khác nhau, tạo ra những mẫu người khác nhau để phần nào đáp ứng được những yêu cầu nhất định của xã hội trong từng mặt, từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, Nho giáo đã đưa ra những mẫu người như: bậc thánh, bậc thiện nhân, bậc hữu hằng, bậc thứ tri, bậc thành nhân, kẻ sĩ, kẻ cuồng và kẻ quyến… Nhưng, trong các kiểu phân loại đó, Nho giáo chú trọng nhất đến sự phân loại theo tiêu chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân, trượng phu và thất phu; theo tiêu chuẩn chính trị thành hệ thống tước vị xã hội (gồm vua và hệ thống quan lại); theo tính chất công việc thành người lao lực và lao tâm. Ngoài ra, Nho giáo còn có cách phân loại theo năng lực, theo bản tính trời phú và theo sự tự rèn luyện của con người. Nhưng, xét đến cùng, tư tưởng bao trùm vẫn là đề cao sự phân loại theo tiêu chuẩn đạo đức, vì nó làm rõ được sự đánh giá về con người và khuynh hướng tư tưởng của họ. Cách phân loại đó khiến cho người ta hướng về người quân tử, xa lánh kẻ tiểu nhân, hướng con người đến cái thiện và xa lánh cái ác.
Phân loại con người theo tiêu chuẩn đạo đức thành quân tử và tiểu nhân là cách phân loại đặc trưng nhất, được đề cập đến nhiều nhất trong Luận ngữ. Người ta thường nói, đạo Nho là đạo của người quân tử. Bởi vì, Nho giáo bàn rất nhiều về người quân tử, coi đó là mẫu người lý tưởng, toàn thiện, toàn mỹ nhất. Mọi sự cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức đều nhằm đạt đến danh hiệu cao quý ấy. Đó cũng chính là mục đích mà nền giáo dục Nho giáo hướng tới.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về đạo của người quân tử, như Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng của Phạm Quỳnh; Kinh Dịch - Đạo của người quân tử của Nguyễn Hiến Lê; Trần Trọng Kim bàn về người quân tử trong cuốn Nho giáo, v.v.. Nhìn chung, các tác phẩm đó đã đề cập tương đối toàn diện về người quân tử và xem xét trên nhiều khía cạnh, nhiều phương diện khác nhau. Nhưng, mặt đối lập với nó là kẻ tiểu nhân thì lại chưa có được một sự quan tâm, tìm hiểu thích đáng, mặc dù việc nghiên cứu về kẻ tiểu nhân sẽ làm nổi bật hơn vai trò và tính cách của người quân tử.
Lúc đầu, quân tử được hiểu là người có địa vị tôn quý, còn tiểu nhân là người dân thường, không có địa vị xã hội. Về sau, nghĩa của từ được dùng rộng ra và theo những tiêu chuẩn đạo đức là chính, khi đó quân tử được coi là người có đức hạnh cao quý, còn tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ, thấp kém. Theo nghĩa đó, người quân tử dẫu bần cùng, khổ sở thì vẫn là người có chí khí quân tử. Kẻ tiểu nhân tuy có quyền cao, chức trọng, cũng vẫn là kẻ tiểu nhân. Khổng Tử nói rằng: "Ăn cơm thô, uống nước suông, co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng có ở trong đó. Còn bất nghĩa mà được giàu sang thì đối với ta chỉ như phù vân" (Phan sơ tự, ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hỹ. Bất nghĩa nhi phú tha quý, ư ngã như phù vân)(1). Tuy cùng học đạo thánh hiền, nhưng có người là Nho quân tử, có người lại là Nho tiểu nhân. Nho quân tử là những người học rộng mà có khí tiết, học đạo thánh hiền mà ăn ở theo bậc thánh hiền. Còn những người học rộng mà không có khí tiết, không có liêm sỉ, học đạo thánh hiền mà không noi gương các bậc thánh hiền thì gọi là Nho tiểu nhân. Với ý nghĩa đó, tiểu nhân không phải toàn là những người không có địa vị xã hội, không có học thức. Những người quyền cao chức trọng nhưng đạo đức kém cỏi, chí khí hèn nhát, mượn tiếng học đạo thánh hiền để mưu cầu danh lợi, luôn nói đạo đức nhưng lại làm toàn những chuyện bất nhân, bất nghĩa thì cũng vẫn chỉ là Nho tiểu nhân mà thôi. Bởi vậy, Khổng Tử khuyên học trò của mình là Tử Hạ chỉ nên làm nhà Nho quân tử, chứ đừng làm nhà Nho tiểu nhân.
Sự phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân không chỉ ở địa vị xã hội, ở học thức, mà cái chính là ở phẩm chất đạo đức, ở phong cách sống và thái độ ứng xử, ở mục đích và lý tưởng sống. Trên phương diện này, tính cách của quân tử và tiểu nhân đối lập nhau hoàn toàn, không thể dung hoà được. Người quân tử luôn tôn cao phẩm giá của mình trong mọi hoàn cảnh. Còn kẻ tiểu nhân trong lúc thái quá hay trong cơn bất cập thường đánh mất nhân phẩm của mình. Trong Luận ngữ, Khổng Tử đã nhiều lần so sánh giữa quân tử với tiểu nhân. Qua sự so sánh đó, có thể rút ra những điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại người này như sau:
Thứ nhất, quân tử là người chuyên cần học đạo thánh hiền, học rộng hiểu sâu, tôn trọng đạo "Trung dung". Còn kẻ tiểu nhân luôn đam mê theo vật dục, trông chờ, nhờ cậy vào người khác và luôn làm trái với đạo "Trung dung".
Theo Khổng Tử, "Người quân tử trông cậy ở mình, tiểu nhân trông cậy ở người" (Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân)(2). Theo ông, con người trước hết phải lo tự mình tạo lập cho bản thân mình trên cơ sở của sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân, chịu khó học tập, trau dồi về đạo lý và đức hạnh. Bản thân ông là một tấm gương sáng về sự kiên trì, nỗ lực học tập suốt đời. Ông coi đó là những điều kiện tiên quyết của sự thành đạt, nhưng cũng không bỏ qua sự tác động của những yếu tố khách quan, như "thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Trên cơ sở những phẩm chất tốt đẹp và có chí khí, người quân tử tin tưởng ở bản thân mình, tự mình làm nên sự nghiệp, "dương danh hiển thân". Còn kẻ tiểu nhân, do ý chí nhu nhược nên luôn tìm cách dựa dẫm vào người khác để thoả mãn tham vọng của mình.
Người quân tử do kiên trì, nỗ lực học tập đạo lý nên đức ngày càng cao, hiểu biết đạo lý ngày càng uyên thâm, hành động ngày càng thuần thục, hợp đạo lý. Nhờ đó, người quân tử lập được công danh, sự nghiệp, đạt được địa vị cao trong xã hội, đảm đương những công việc chính trị có hiệu quả. Còn kẻ tiểu nhân, vì lười biếng học tập, tu thân nên không thể tiến bộ được. Kẻ tiểu nhân làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân trước hết nên không được tín nhiệm, nếu có địa vị thì làm việc không có hiệu quả. Khổng Tử đã nhận xét rằng: "Quân tử thông đạt về nhân nghĩa, tiểu nhân thông đạt về tài lợi" (Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt)(3).
Theo Khổng Tử, "Người quân tử thì trung dung, kẻ tiểu nhân thì phản trung dung" (Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung)(4). Người quân tử ham học đạo lý để tiến đức, sửa nghiệp, thông hiểu được cái lý lẽ cao xa, vi diệu, rồi chọn lấy cái vừa phải mà theo. Họ luôn giữ cái tâm của mình ở mức giữa (mức trung), không chao đảo, thiên lệch, không để cho ngoại cảnh cám dỗ mà sa vào tư dục. Khổng Tử từng ca ngợi đạo "Trung dung" thật là tuyệt vời. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng, đã từ lâu, đạo ấy ít được người dân thực hiện. Người trí, người hiền thì chê mà chẳng giữ; người ngu, người thường thì ngán mà chẳng theo. Kẻ tiểu nhân vì chỉ biết cái lợi ích của bản thân nên biếng nhác, xao lãng cái đạo lý cao siêu đó và để cái tâm lệch khỏi đạo. Vì vậy, họ chỉ làm được những việc tầm thường, trái với đức trung dung.
Thứ hai, quân tử trọng nghĩa, phân biệt phải, trái một cách khách quan, công minh, không tư vị. Người quân tử luôn thoải mái, không kiêu căng, hống hách. Còn kẻ tiểu nhân chỉ coi trọng lợi, có lòng tư vị, không chính trực, nên trong lòng luôn lo lắng, không thoải mái. Khổng Tử nói rằng: "Quân tử hiểu rõ nghĩa, tiểu nhân biết rõ lợi" (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi)(5).
Đức "nghĩa" là một phạm trù đạo đức quan trọng trong đạo Nho, là một yếu tố cấu thành "ngũ thường". Mạnh Tử coi "nghĩa" là con đường to lớn hơn hết trong thiên hạ mà người quân tử, bậc đại trượng phu phải đi theo. Khổng Tử đánh giá rất cao đức "nghĩa" và chủ trương "Quân tử lấy nghĩa làm trên hết. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn" (Quân tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân tử hữu dũng, nhi vô nghĩa, vi loạn)(6). Ông kêu gọi "Người quân tử đối với mọi việc trong thiên hạ, không quy định phải làm như thế nào, cũng không quy định không được làm như thế nào, chỉ xét hợp nghĩa thì làm" (Quân tử chi ư thiên hạ giã, vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỷ)(7).
Nho giáo không đưa ra một định nghĩa kinh điển nào về "nghĩa". Tuỳ từng hoàn cảnh, đối tượng, mà việc giảng giải về "nghĩa" khác nhau. Tựu trung lại, có thể nói, phạm trù "nghĩa" bao gồm những cái cao thượng, chính trực, tốt đẹp và phù hợp với nhân và lễ. Làm điều "nghĩa" là để thi hành đạo nhân và giữ gìn lễ tiết. Bởi vậy, "nghĩa" được coi là cái gốc của mọi sự việc, còn người quân tử thì bao giờ cũng phải lấy "nghĩa" làm cái cốt yếu, cơ sở cho mọi suy nghĩ và hành động.
Đối lập với "nghĩa" là "lợi"."Lợi" (được hiểu là lợi ích, quyền lợi) thường gắn liền với tư dục, tham vọng... của con người. Nho giáo cho rằng, chỉ có kẻ tiểu nhân mới tham lợi, vì lợi mà quên cả nhân nghĩa. Khổng Tử so sánh: "Quân tử nghĩ đến đức, tiểu nhân nghĩ đến chỗ ở; quân tử quan tâm đến phép tắc, tiểu nhân quan tâm đến ân huệ" (Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ)(8). Thực chất, cả hai cách xử thế "trọng nghĩa khinh lợi" hay "trọng lợi, coi thường nghĩa" đều bộc lộ những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý. Để có thể tồn tại được, người ta không thể không quan tâm đến quyền lợi của mình. Nhưng, nếu người ta quá đề cao nó, tuyệt đối hoá nó, coi lợi ích cá nhân là mục đích, là lẽ sống, là trên hết, thì lại là không đúng, là sa vào chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chỉ biết mình (như quan niệm của Dương Chu). Chủ nghĩa cá nhân sẽ sản sinh ra lối sống thực dụng như ở các nước tư bản hiện nay. Ngược lại, việc đề cao lợi ích xã hội, không quan tâm đến lợi ích cá nhân cũng sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại. Nó sẽ làm mất đi một động lực quan trọng của sự phát triển xã hội, đó là sự đáp ứng những nhu cầu, lợi ích chính đáng của cá nhân. Vì vậy, một quan điểm đúng đắn là phải biết kết hợp hài hoà giữa nghĩa và lợi, không thái quá, cũng không bất cập. Khổng Tử đã cảnh cáo rằng, những người chỉ làm theo lợi thì ắt có nhiều người oán thù. Ông cũng khuyên những người quân tử cầm quyền phải biết quan tâm đến lợi ích quốc gia, cũng như những lợi ích thiết thân của mỗi cá nhân.
Do trọng nghĩa, khinh lợi, làm việc thì công minh, chính trực, không tư vị nên người quân tử lúc nào cũng khiêm nhường, không kiêu ngạo, tâm trạng luôn thư thái và có thể hoà mình được với mọi người. Họ không mưu cầu danh lợi cho riêng mình nên cũng không bon chen, cầu cạnh, đấu đá, tranh giành. Trong phép xử thế, họ luôn giữ đạo "Hành - Tàng", nước có đạo thì ra làm quan, nước không có đạo thì về ở ẩn. Bởi vậy, "Quân tử thì thản nhiên thư thái" (Quân tử thản đãng đãng)(9); "thư thái mà không kiêu căng" (Thái nhi bất kiêu)(10), "hoà hợp chứ không hùa theo" (Hoà nhi bất đồng)(11). Ngược lại, kẻ tiểu nhân vì tham lợi mà làm càn, ích kỷ hại nhân, kéo bè kéo đảng để thực hiện tham vọng của mình, nên tâm trạng luôn căng thẳng, không thoải mái. Kẻ tiểu nhân khi đắc chí thì kiêu căng, cao ngạo; khi thất thế thì lo sợ, tìm đủ mọi cách để dung thân. Vì vậy, "Tiểu nhân thì kiêu căng mà không thư thái" (Tiểu nhân kiêu nhi bất thái)(12) và "Tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu" (Tiểu nhân trường thích thích).
Thứ ba, quân tử là người có đạo đức, nhân nghĩa và muốn phổ cập đạo đức ấy trong thiên hạ. Họ có khả năng làm được những việc lớn, biết dùng người hiền tài, làm việc ngay thẳng, chính trực. Lúc bình thường cũng như trong cơn nguy khốn, họ luôn giữ vững đạo lý. Còn kẻ tiểu nhân thì không thể giúp người làm việc tốt, gặp lúc khốn khó thì hay làm việc càn quấy. Khổng Tử nói rằng: "Người quân tử mà phạm điều bất nhân, thì có; nhưng chưa từng có kẻ tiểu nhân mà làm được điều nhân" (Quân tử nhi bất nhân giả, hữu hỹ phù. Vị tiểu nhân nhi nhân giả giã)(13). Trong thực tế, con người không phải lúc nào cũng sáng suốt, minh mẫn, không phạm sai lầm. Bởi vậy, người quân tử có lúc phạm vào điều bất nhân cũng là dễ hiểu, vì "nhân vô thập toàn". Còn kẻ tiểu nhân thì không thể làm được điều nhân đức, vì họ luôn bị cái tư dục chi phối, luôn ghen ghét và đố kỵ, không muốn ai bằng mình.
Do có đức sáng và có lòng nhân, người quân tử muốn làm toả đức sáng trong thiên hạ. Họ sẵn sàng làm việc tốt và ngăn ngừa việc xấu, giúp mọi người sống đúng theo đạo "luân thường". Khổng Tử đã nhận xét rằng: "Người quân tử giúp người ta làm việc tốt, không giúp người ta làm việc xấu. Còn kẻ tiểu nhân thì trái lại" (Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác. Tiểu nhân phản thị)(14).
Quân tử là người có tài năng, có thể làm được những công việc lớn. Cái sáng suốt của nhà cầm quyền là biết dùng người đúng khả năng, đúng công việc. Đối với người có tài đức - ví như người quân tử - thì nhà cầm quyền không nên giao cho họ những công việc nhỏ nhặt, vụn vặt, mà nên giao cho họ những công việc quan trọng. Còn với kẻ tiểu nhân, do tâm lý vụ lợi nên không đảm trách được những công việc lớn, song có thể làm tốt công việc nhỏ.
Dùng đúng người, đúng việc là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại, phát huy "sở trường", hạn chế "sở đoản" của mỗi người. Vì vậy, Nho giáo rất coi trọng thuật "dùng người". Theo Khổng Tử, kẻ làm quan tùy tài đức của mình mà thi thố giúp dân, giúp nước, chứ không chờ hội đủ các tài đức. Ông nói với Quý Khương Tử rằng, Trọng Do là người quả quyết, Tử Cống là người thông đạt lý sự, Nhiễm Hữu là người có nhiều tài nghệ… đều có thể ra làm quan được. Khổng Tử sợ nhất là những kẻ “ăn không ngồi rồi”, chẳng dụng tâm làm việc gì. Theo ông, đó là những con người mà xã hội cần phê phán và lên án. Khổng Tử còn nói rằng, người quân tử không bao giờ xa rời đạo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Họ là những con người mà phú quý không thể cám dỗ, nghèo khó không thể lay chuyển, uy vũ không thể khuất phục được. Bản thân ông cũng đã nhiều lần gặp cảnh cùng khốn, nhưng đạo lý không hề suy suyển. Còn những kẻ tiểu nhân "cùng khốn thì làm càn" (Tiểu nhân cùng, tư lạm hỹ)(15).
Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản về phương diện đạo đức và chính trị giữa quân tử và tiểu nhân. Đưa ra sự so sánh giữa hai loại người này, mục đích của Nho giáo là tôn cao địa vị, phẩm cách và vai trò của người quân tử, lấy đó làm mẫu người lý tưởng nhất. Mặt tích cực của sự phân loại đó là giúp con người hướng đến cái thiện, đến sự hoàn thiện phẩm giá và nhân cách, đồng thời phê phán và xa lánh cái xấu, cái ác, cái không hợp với đạo lý con người. Quan niệm này thể hiện rõ đạo làm người của Nho giáo. Tuy nhiên, sự phân loại thành quân tử và tiểu nhân cũng chỉ có tính chất ước lệ và tương đối, bởi để đạt đến mẫu người hoàn thiện, hoàn mỹ của Nho giáo không phải là giản đơn. Ngay cả những học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử, như Nhan Hồi, Tử Cống, Tăng Sâm, Trọng Do, Nhiễm Cầu, v.v. cũng chỉ mới đạt được một số tiêu chuẩn nào đó của người quân tử mà thôi. Vì vậy, quan niệm của Nho giáo về người quân tử ít nhiều mang tính không tưởng, phi thực tế. Có những kẻ đã mượn danh quân tử, khoác áo Nho quân tử để làm những việc đồi bại, phi nhân tính. Ranh giới phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân cũng không phải là tuyệt đối và không thể vượt qua được. Mục đích giáo dục của Nho giáo là phổ cập những đức tính và phẩm chất của người quân tử cho tất cả mọi người. Để đạt được mục đích ấy, Nho giáo đã đề xuất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, Khổng Tử và các học trò của ông rất coi trọng việc "tu thân", tự sửa mình. Sự phân loại con người theo những tiêu chuẩn đạo đức như trên thể hiện rõ lập trường giai cấp của Nho giáo. Đó là, nó chỉ quan tâm tới việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của những con người thuộc tầng lớp trên của xã hội, những người có địa vị tề gia, trị quốc và có thể quyết định vận mạng của đất nước./.
(1) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngữ văn Hán Nôm, t.1 (Tứ thư, bản dịch Luận ngữ, Thuật nhi). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.344.
(2) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.499.
(3) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.476.
(4) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.101.
(5) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.281.
(6) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.532.
(7) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.281.
(8) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.281.
(9) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.347.
(10) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.448.
(11) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.447.
(12) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.448.
(13) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.473.
(14) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.426.
(15) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sđd., t.1, tr.496
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh